Học tiếng Anh bằng ứng dụng với giảng viên 9X

GD&TĐ - Trước khi về Khoa Ngoại ngữ của Trường ĐH Kiên Giang làm việc, thầy Đinh Trí Diễn đã có cơ hội sử dụng nhiều ứng dụng trực tuyến kết nối với cộng đồng để cùng nhau học tập tiếng Anh. Từ kinh nghiệm đó, khi chính thức về Khoa Ngoại ngữ, thầy luôn ấp ủ dự định đưa sáng kiến này trở thành phương pháp giảng dạy hữu ích.

Giảng viên trẻ 9X học tiếng Anh bằng ứng dụng trực tuyến.
Giảng viên trẻ 9X học tiếng Anh bằng ứng dụng trực tuyến.

Sáng kiến nảy sinh từ nhu cầu học tập

Thầy Đinh Trí Diễn (sinh năm 1994) quê ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Cần Thơ, thầy có thời gian giảng dạy tự do ở các trung tâm và làm gia sư. Đầu năm 2018, thầy học cao học thông qua chương trình đào tạo của ĐH Future Generations (Mỹ). Trong quá trình tương tác online với các giáo sư Mỹ, thầy biết đến phần mềm Zoom.

Đây là phần mềm học tập, làm việc online giúp người tham gia tương tác hiệu quả với nhau bằng lời nói và hình ảnh, kể cả chia sẻ màn hình máy tính cho nhau. Ứng dụng này phù hợp để người không có nhiều thời gian tự học tiếng Anh. Nhận thấy tiện ích từ ứng dụng, thầy Diễn vận dụng Zoom cho mục đích dạy và học tiếng Anh.

Theo thầy Diễn, Zoom là ứng dụng tương tự Zalo của Việt Nam nhưng Zalo không hỗ trợ mạnh chức năng chia sẻ màn hình, ghi âm – ghi hình tách thành hai file. Trong thời gian thử nghiệm Zoom, có một thầy giáo ở An Giang dạy học sinh tiếng Anh qua Zalo đã liên hệ với thầy Diễn. Sau khi tham khảo lẫn nhau, thầy Diễn trao đổi và chia sẻ với đồng nghiệp này về cách khắc phục hạn chế trong tương tác Zalo, thay bằng ứng dụng Zoom.

Bên cạnh Zoom, thầy Diễn còn giới thiệu cho phóng viên ứng dụng Moodle, là một website dành riêng cho học thuật. Moodle cho phép người dùng triển khai các bài dạy, bài tập, chế độ chấm điểm, theo dõi mức độ tương tác.

Các hoạt động học tiếng Anh của Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Kiên Giang.
  • Các hoạt động học tiếng Anh của Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Kiên Giang.

Tạo dựng một cộng đồng học tiếng Anh hiệu quả

Khi về Trường ĐH Kiên Giang, thầy Đinh Trí Diễn thấy nhà trường mới thành lập, lực lượng giảng viên còn đang trong giai đoạn kiện toàn nhưng lượng sinh viên đã đạt khoảng vài nghìn người nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu giảng dạy tiếng Anh là rất cấp thiết. Ngoài ra, ĐH Kiên Giang nằm cách trung tâm thành phố Rạch Giá nửa tiếng chạy xe máy nên các ứng dụng Zoom, Moodle có thể giúp các em sinh viên ở xa trường học tập tại nhà.

Thầy Diễn chia sẻ: “Ứng dụng Zoom để tương tác liên kết, ứng dụng Moodle giúp lưu trữ thông tin. Ứng dụng có tiện ích là thay đổi tùy theo múi giờ giữa các khu vực địa lý. Không chỉ sinh viên của Trường ĐH Kiên Giang, hễ ai có mối quan tâm, tôi sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn miễn phí”.

Mặc dù các ứng dụng đã sẵn có nhưng theo thầy Diễn, việc triển khai gặp một số khó khăn do mức độ tự học của sinh viên nói chung chưa cao so với mặt bằng học viên những nước đang sử dụng các ứng dụng nói trên.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Kiên Giang mới thành lập nên còn nhiều công việc phải quan tâm. Khi áp dụng một hình thức giảng dạy khác biệt với chương trình truyền thống, người dạy cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Để đạt hiệu quả, người dạy không chỉ dựa vào phần mềm mà còn phải biên tập nội dung phù hợp.

“Đối với Khoa Ngoại ngữ, chúng tôi đang thiết kế cơ sở dữ liệu riêng cho khoa. Sau đó, sinh viên học khoá 5 sẽ tiến hành sử dụng ứng dụng cho học phần nghe trước tiên. Thông qua Moodle, chúng tôi cho các em sinh viên bài tập, câu trả lời rồi sau đó theo dõi quá trình tự học của các em”, thầy Diễn nói về kế hoạch sắp tới.

Thầy Diễn cùng các giảng viên sẽ tạo một nhóm học tiếng Anh thử nghiệm trên Zoom nhằm đánh giá khả năng tương tác của sinh viên trong nội bộ nhà trường. Theo thầy Diễn, nhà trường phải có một sản phẩm cụ thể để mọi người thấy được thành quả, sau đó mới có thể tiến hành nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ