“Khu nói tiếng Anh” có gì độc đáo?
Theo lời thầy Đinh Trí Diễn - giảng viên trẻ của Khoa Ngoại ngữ, đây là chương trình hỗ trợ sinh viên theo ý tưởng của thầy Nguyễn Văn Thống - Phó Trưởng khoa. Hoạt động của ESZ chỉ mới vừa diễn ra một học kỳ và đang trong quá trình phát triển. Chương trình được thực hiện từ 8 giờ đến 11 giờ sáng thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, các bạn có kết quả thi môn nói từ 8 điểm trở lên tình nguyện đăng ký thời gian tổ chức buổi trò chuyện tiếng Anh với người học bằng những chủ đề thực tế, hoặc giúp người học khai thác những vấn đề giao tiếp tiếng Anh của họ.
Hoạt động này là tiền đề phát triển giáo dục tiếng Anh của Trường ĐH Kiên Giang, góp phần thay đổi tích cực quan điểm học tiếng Anh là nhằm mục đích giao tiếp chứ không phải thi cử. Hoạt động của ESZ còn giúp khắc phục việc học tiếng Anh thụ động của sinh viên, gắn tiếng Anh với các nhu cầu thực tiễn.
Để có được chương trình ESZ, các giảng viên trẻ của Khoa Ngoại ngữ phải nỗ lực rất lớn. Trong thời gian đầu tổ chức, thông tin chưa đến được với người tham gia và người tham gia còn ngần ngại do trình độ tiếng Anh hạn chế, nên số lượng đăng ký ít. Tuy nhiên, theo thầy Diễn, sau 7 tuần tổ chức, đã có buổi nói chuyện thu hút được nhiều sinh viên tham gia. Khoa Ngoại ngữ sẽ cố gắng duy trì hoạt động của ESZ thường xuyên nhằm tạo dựng cộng đồng giao tiếp và học thuật tiếng Anh.
Những giảng viên không ngại khó
Sau khi thầy Nguyễn Văn Thống đề xuất ý tưởng, các giảng viên của Khoa đã chung tay thiết kế chương trình ESZ. Thầy Đinh Trí Diễn cùng cô Dương Thị Ngọc Ngân trực tiếp lựa chọn các chủ đề. Các thầy cô sẽ viết kịch bản theo hướng gợi mở, tức là chỉ thiết kế chủ đề dự phòng cho trường hợp các bạn chưa hình thành được ý tưởng. Nếu sinh viên có nhu cầu nói về đề tài nào thì giảng viên tạo điều kiện giúp các em tự chủ khai thác, tăng vốn từ vựng và ngữ pháp.
“Hoạt động này chỉ diễn ra có một học kỳ nên chưa dám nói về thành quả nhưng chúng tôi chứng kiến được sự nhiệt tình và hào hứng của tình nguyện viên và sinh viên. Để quảng bá cho chương trình ESZ, chúng tôi thực hiện treo băng rôn kêu gọi trong trường, thông báo qua Zalo, Facebook, trang web của Khoa…”, thầy Đinh Trí Diễn chia sẻ.
Nào, cùng đến với ESZ |
Trong quá trình thực hiện mô hình ESZ, thầy Diễn cũng tâm sự về một số khó khăn. Đầu tiên, các em làm tình nguyện viên chưa hiểu rõ tâm lý của bạn. Đôi khi, các em nói quá nhanh hoặc chưa thể hiện được thái độ thân thiện. Bên cạnh đó, sinh viên đến tham dự có trình độ tiếng Anh chênh lệch nhau nên nếu không giữ thái độ và cách làm phù hợp thì các bạn sẽ ngại không đến nữa. Thầy Diễn nói: “Chúng tôi luôn lắng nghe và điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, có một số em hăm hở ban đầu nhưng nản lòng về sau. Chúng tôi cũng phải tìm hiểu, động viên, đồng thời ưu tiên cho những em có mong muốn tham gia thực sự”.
Để có những chủ đề thú vị, các giảng viên Khoa Ngoại ngữ thường xuyên hỏi ý kiến của sinh viên, nắm bắt xu hướng thời sự hoặc vấn đề học thuật trong tháng. Nhiều chủ đề cơ bản được giới thiệu như hôn nhân - gia đình, giáo dục, dã ngoại, tại sao học tiếng Anh… Sau đó, các thầy cô sẽ thiết kế sẵn những gợi ý trả lời để hỗ trợ tình nguyện viên tương tác cùng người tham gia ESZ.
Mặc dù chỉ mới thực hiện khoảng hơn 3 tháng nhưng ESZ có ý nghĩa là bệ phóng quan trọng, góp phần thay đổi trạng thái học tập tiếng Anh hiện tại của nhiều sinh viên. Sau một thời gian duy trì, Khoa Ngoại ngữ sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để xem xét mở rộng quy mô cho nhiều đối tượng.
Theo thầy Diễn, muốn nâng cao số lượng tham dự cho ESZ thì phải đảm bảo được chất lượng nội dung.