Những giờ học ngoại ngữ “xóa” khoảng cách cô - trò

GD&TĐ - Như con ong cần mẫn, cô giáo Nông Thị Bích Nhàn, Trường Tiểu học Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng luôn đổi mới phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, tạo hứng thú học tập bộ môn Tiếng Anh trong học sinh, giúp các em ý thức rõ hơn về vai trò của ngoại ngữ này trong cuộc sống hàng ngày.

Cô giáo Nông Thị Bích Nhàn và học trò 		trong một tiết mục kịch 	bằng tiếng Anh
Cô giáo Nông Thị Bích Nhàn và học trò trong một tiết mục kịch bằng tiếng Anh

Gieo tình yêu với nghề

Sinh năm 1989, tốt nghiệp Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Nhàn về công tác tại Trường Tiểu học Thị Xuân – thành phố Cao Bằng. Đây là ngôi trường đặc biệt của thành phố, có nhiều em thuộc diện chính sách đến từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Các em không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu thốn tình cảm. Là cô giáo trẻ mới ra trường, ngoài việc trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, cô Nhàn thường xuyên gần gũi, động viên, sẻ chia và giúp đỡ các em trong cuộc sống. Chính ngôi trường này đã gieo vào cô tình yêu thương học trò nhiều hơn bao giờ hết.

Trường Tiểu học Thị Xuân nằm trên địa bàn thành phố nhưng là thành phố ở khu vực miền núi, HS cũng chịu nhiều thiệt thòi. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy chỉ có băng đài cassette, tranh ảnh lớn nên việc dạy và học Tiếng Anh của cô và cũng gặp nhiều khó khăn.

Làm sao để tạo sự hứng thú với môn Tiếng Anh? Từ những trăn trở đó, cô Nhàn tìm hiểu các phương pháp dạy học hay từ đồng nghiệp. Không chỉ dự giờ, học hỏi đồng nghiệp của 14 trường tiểu học mà còn đọc các sách về phương pháp dạy Tiếng Anh cho trẻ, xem các video giảng dạy của chuyên gia tư vấn và phát triển sản phẩm và nghề nghiệp tại khu vực châu Á của Tập đoàn giáo dục Macmillan (Đại Trường Phát), các tiết hội giảng môn Tiếng Anh ở trên YouTube… để từ đó tìm ra được các phương pháp giảng dạy hiệu quả và phù hợp với các em.

Những lúc rảnh, cô còn tự làm thêm các đồ dùng dạy học để phục vụ giảng dạy như: Flashcards, cắt dán tranh ảnh vào tờ A0 với các chủ đề đa dạng như: Alphabet, school subjects, rooms of the house, daily activities…

Nỗ lực truyền lửa

Tháng 8/2015, cô Nhàn chuyển về Trường Tiểu học Hợp Giang. Ở môi trường nào, cô cũng tích cực, nỗ lực truyền lửa tiếng Anh cho học trò.

Cô giáo Nông Thị Bích Nhàn

Là một giáo viên trẻ, tâm huyết và nhiệt tình, cô Nhàn không chỉ mong muốn các em được thực hành môn Tiếng Anh ở trong phạm vi nhỏ hẹp là lớp học mà còn muốn giúp các em vừa thể hiện những gì mình đã học, vừa được vui chơi giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Học sinh lớp 1 và 2 được tiếp cận với môn học này sớm, giúp các em khỏi bỡ ngỡ, học tập tốt và yêu thích bộ môn này hơn khi bắt đầu học Tiếng Anh ở lớp 3.

Để thực hiện mong muốn đó, cô Nhàn tích cực tổ chức các hoạt động như tập luyện các bài hát tiếng Anh, đóng kịch, kể chuyện hay các bài dân vũ tiếng Anh (What make you beautiful, Alone, Shalala…) để biểu diễn vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi ngoại khóa của trường (Hội chợ xuân, chúng em cùng khám phá công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng), các buổi giao lưu với các trường khác và các buổi sinh hoạt câu lạc bộ Tiếng Anh định kỳ.

Nâng cao kỹ năng thực hành theo nhóm

Cô Nhàn chia sẻ: Mục đích của học một ngôn ngữ đó là giao tiếp. Vì vậy, để đạt được mục đích giao tiếp cho trẻ, cần tạo môi trường học tập thân thiện và tích cực giúp HS học tập đạt hiệu quả cao. Trong quá trình giảng dạy, trước khi vào bài học, cô Nhàn dành 3 - 5 phút cho phần hoạt động khởi động (warm-up) và phần kết thúc. Trong phần này, cô giáo sử dụng các mẩu hội thoại ngắn với học sinh để không còn khoảng cách cô - trò. Cùng với đó, cô sử dụng các bài hát tiếng Anh, các câu truyện ngắn, các trò chơi ngôn ngữ để HS giảm căng thẳng.

Để nâng cao kĩ năng giao tiếp cho học sinh, ngoài việc trả lời câu hỏi của cô giáo thì các em còn được thực hành với các bạn trong lớp theo hình thức nhóm đôi, nhóm ba hay nhóm lớn. Và sau mỗi phần học, cô cho các em thực hành theo nhóm trước khi trình bày trước lớp.

Ví dụ sách lớp 3, Unit 11: This is my family (Đây là gia đình của tôi), cô cho các em mang tranh ảnh của gia đình mình hoặc vẽ tranh về các thành viên trong gia đình tới lớp. Các em trình bày theo nhóm về các thành viên trong gia đình của mình hoặc các em có thể đối đáp với nhau với các câu hỏi như: How many people are there in your family? Who’s this? How old is he/ she?

Cô còn kết hợp với tranh ảnh (flashcards), các trò chơi học tập, các đồ dùng dạy học tự làm, giáo án điện tử để các em được thực hành từ vựng và mẫu câu một cách nhuần nhuyễn.

Ngoài việc sử dụng sách giáo khoa, tranh ảnh, băng đài cassette, để giúp học sinh hứng thú và nâng cao kiến thức, cô Nhàn còn sử dụng máy trình chiếu, giáo án điện tử, máy tính có kết nối mạng để sử dụng sách giáo khoa điện tử trong phần mềm sachmem.vn, một sản phẩm của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong phần mềm đó, các em được học bài ở trên lớp, vừa được ôn tập từ vựng và củng cố kiến thức thông qua các trò chơi hấp dẫn. Cô cũng sử dụng phần mềm Quizlet.com để cung cấp thêm từ vựng có hỗ trợ giọng bản địa giúp các em trong quá trình học tập, chơi trò chơi và được kiểm tra bằng các test nhỏ…

Kết quả của những nỗ lực của cô là học sinh tham gia thi Olympic Tiếng Anh (IOE) đạt giải cấp tỉnh và thành phố. 1 HS đạt giải Nhất cuộc thi hùng biện Tiếng Anh cấp thành phố. Nhiều năm cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, thành phố, lao động tiên tiến và 1 lần đạt chiến sĩ thi đua cơ sở.

Cô Nhàn cho biết, trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng Anh ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Để phát huy năng lực của học sinh, người thầy cần chú trọng lấy học sinh làm trung tâm của việc dạy học. Mỗi GV phải luôn nỗ lực không ngừng học hỏi, nhiệt huyết với nghề dạy học, chủ động và sáng tạo tìm ra phương pháp hay, phù hợp giúp học sinh tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức, nâng cao kĩ năng sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.