Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT-TT và các ban, ngành và các đoàn thể, cùng những nhà hoạch định chính sách giáo dục – đào tạo và các Hội Khuyến học địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phân tích: “Khác với trẻ em và học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, người lớn học có tính thực dụng cao, họ học vì công việc, học vì sự thăng tiến, học vì trách nhiệm, là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của họ…
Tuy vậy, tâm lý ngại học, tự bằng lòng với kiến thức đã có, điều kiện học tập khó khăn… cộng với sự quan tâm chưa đúng mức của cơ quan hoạch định chính sách học tập của người lớn nên trong xã hội đã có những biểu hiện bất cập trong xã hội như: Năng suất lao động thấp; Đạo đức xã hội xuống cấp, thói hư tật xấu gia tăng một số nơi; Hội nhập khó khăn do thiếu hiểu biết; Sự tụt hậu xa của đất nước về nhiều mặt so với khu vực và thế giới; Sự lãng phí thời gian trong nhiều cơ quan Nhà nước các cấp; Sự phát triển thiếu bền vững...
Nếu người lớn không được thường xuyên cập nhật và nâng cao sự hiểu biết về mọi mặt, đặc biệt là trình độ nghề nghiệp thì các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không thể đi vào cuộc sống. Nhìn tổng thể “Học tập người lớn” chưa được quan tâm đầu tư đúng mức với vị trí của nó.”…
Tại hội thảo, các báo cáo tham luận và các ý kiến của các đại biểu đã tập trung trả lời câu hỏi xung quanh những khó khăn, những giải pháp và bài học kinh nghiệm cho vấn đề học tập của người lớn.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá thì hội thảo này có một ý nghĩa đặc biệt “bởi chúng ta bàn đến một vấn đề lớn, mang tính chiến lược giáo dục: Chính việc tổ chức tốt giáo dục người lớn, thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn là điều kiện tiên quyết để chúng ta đạt mục tiêu có nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận với thành quả của cuộc cách mạng 4.0 mang lại.”
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau đưa ra bản cam kết với những khuyến nghị nhằm thúc đẩy để vấn đề “học tập của người lớn” thuận lợi, được quan tâm đúng mức và phát triển hơn trong thời gian tới.