Nỗi niềm của doanh nghiệp xuất khẩu nội

GD&TĐ - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hiện tỷ trọng xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh cho thấy, Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng của khu vực DN FDI, nhất là một số công ty lớn như Samsung. 

Nỗi niềm của doanh nghiệp xuất khẩu nội

Thống kê cũng cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa của các DN FDI trong 6 tháng năm 2017 đạt 68,97 tỷ USD, chiếm tới 70,6% tổng giá trị XK của Việt Nam, được công bố ở mức 97,72 tỷ USD. Con số này đồng nghĩa với việc các DN trong nước chỉ XK được 28,75 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch XK của cả nước.

Sức ép gia tăng với DN nội

Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp ở quý II/2017 có thể bắt nguồn từ khu vực FDI, đặc biệt các DN lớn như Samsung. Trước đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo đạt thấp trong quý I là thời điểm Samsung sụt giảm sản lượng và hồi phục tích cực ở quý II khi Samsung tích cực thúc đẩy sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2% trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD. Thâm hụt thương mại Việt Nam – Hàn Quốc ở mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD từ Trung Quốc. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, các tập đoàn nước ngoài đang huy động mọi nguồn lực thông qua những thương vụ mua bán và sáp nhập để thâu tóm thị trường nội địa mà ngành bán lẻ, thực phẩm là một ví dụ.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện sức ép từ bên ngoài vào thị trường trong nước ngày càng gia tăng, thể hiện qua mức độ tăng đầu tư nước ngoài và thị phần của DN FDI trong XK.

Mới đây, nhà bán lẻ 7-Eleven đã tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam, tạo nên sức ép với các DN trong nước, kể cả DN phân phối và sản xuất. Bà Lan cho rằng, ngay cả tình trạng nhập siêu tăng từ Hàn Quốc, vượt qua Trung Quốc cũng cho thấy, một mặt đỡ đi sức ép tăng từ Trung Quốc nhưng mặt khác tạo nên một chốt chặn ở trên khiến các DN Việt khó vươn lên, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả, tăng công nghiệp phụ trợ trong nước…

Cần đối xử công bằng hơn

Theo bà Lan, để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phục hồi sức mạnh, thật sự cần phải cải cách hành chính, giảm điều kiện kinh doanh. Điều này chúng ta đã làm nhưng có hiện tượng là cải cách luật pháp, hành chính, nghị định, song dường như số văn bản, số thủ tục lại tăng lên. Các bộ, ngành tranh thủ thay đổi luật pháp có lợi cho mình.

Bà Lan cho biết, một đại diện DN nước ngoài vừa qua có chia sẻ rằng pháp luật Việt Nam thay đổi nhiều, khiến các nhà đầu tư khó làm ăn, giờ lại thêm nhiều điều kiện mới, bắt buộc công ty liên tục phải giải trình, báo cáo.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu là năm giảm chi phí cho DN nhưng hơn sáu tháng vừa qua chưa thấy cơ quan nào có kế hoạch giảm và giảm ở khâu nào. Bởi hiện chỉ có lãi suất giảm một cách thận trọng, các chi phí khác như vận tải, chi phí ngoài pháp luật vẫn còn đè nặng lên các DN.

Ngoài ra, giá thuê đất lại là điểm mà một số địa phương muốn tăng để tăng thu ngân sách. Vì vậy, rất cần các cấp, ngành phải thực hiện có hiệu quả và kịp thời sự chỉ đạo của Thủ tướng…

Theo bà Lan, tăng trưởng kinh tế trong quý II lo nhất là nhờ động lực của DN FDI. Dẫn tới, quý II nhập khẩu tăng lên, nhất là khu vực FDI, để hỗ trợ cho đầu tư của họ, trong khi khu vực kinh tế trong nước còn rất khó khăn. Nếu chúng ta muốn phát triển bằng động lực mới của nền kinh tế thì phải là khu vực kinh tế trong nước. Nhưng trong quý II, chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy kinh tế trong nước đang khởi sắc lên.

Các vấn đề đặt ra với khu vực tư nhân hiện nay không khác bao nhiêu so với những vấn đề đã đặt ra từ 20 năm trước nhưng cấp độ có vẻ trầm trọng hơn, đến mức tại hội nghị đối thoại Thủ tướng với DN vừa qua, Thủ tướng phải ra ngay quyết định giảm thanh – kiểm tra. Thế nhưng từ đó đến giờ chưa thấy giảm ở đâu, mà nó còn tăng lên, đặc biệt là gánh nặng từ chi phí tuân thủ quy định, chính sách, pháp luật cho DN… Điều đó cho thấy, cứ người này gỡ, người kia thắt, sẽ không biết bao giờ mới gỡ được, còn chưa nói tới càng gỡ càng khó.

Bà Lan cho rằng, tâm lý chung của các cơ quan quản lý sẽ không dám “hành” các DN FDI vì sợ tiếng nói, sức ép, báo chí bên ngoài phản ánh. Còn với DN trong nước, về cơ bản, khó khăn còn chồng chất nên số DN ngừng hoạt động vẫn cao, cho dù Chính phủ có thêm nhiều Nghị quyết 35, 19 rất tốt nhưng thực tế niềm tin trong DN chưa phục hồi.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, sáu tháng đầu năm 2017 có trên 61.000 DN thành lập mới nhưng có tới 43.000 DN làm thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động và phá sản. Điều này cho thấy, số DN “chết” vẫn chiếm tỷ lệ cao và so với cùng kỳ năm ngoái, số DN rơi vào diện “chết lâm sàng” đang có xu hướng tăng lên...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.