Nhóm nghiên cứu gồm hai học sinh Lê Trường Chính và Trần Quốc Đạt đến từ lớp 11 chuyên Anh Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội với sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Nhung- giáo viên Lịch sử của nhà trường.
Thuyết trình về dự án của mình, Chính và Đạt cho biết: Các di sản và bản sắc văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Đề tài nghiên cứu về di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám góp phần phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Đây là việc phức tạp và liên quan đến nhiều phương diện khác nhau. Nhóm tác giả chỉ tập trung vào những điểm mớ là sử dụng nền tảng công nghệ để xây dựng chuỗi giải pháp dưới nhận thức và năng lực của học sinh.
Khảo sát và nghiên cứu khẳng định rằng du khách, học sinh đều quan tâm đến di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám và dành cho khu di tích một tình cảm đặc biệt.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ nơi đây, ý nghĩa mà nó truyền đạt, thiếu hụt đi những kiến thức về lịch sử và văn hóa. Cũng chỉ có một số ít học sinh hiểu hết giá trị của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, những việc học sinh đã làm đều hạn chế và nhỏ lẻ.
Fanspage Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Viên ngọc quý giữa lòng Hà Nội của nhóm nghiên cứu |
Sau quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, nhóm tác giả đã đưa ra một chuỗi giải pháp công nghệ như lập các trang fanpage trên Facebook và Instagram, tạo dựng app điện thoại để giới thiệu về di tích, cuộc thi ứng dụng công nghệ để quảng bá giá trị của Văn Miếu- Quốc Tử Giám, ứng dụng công nghệ thực tế ảo phục vụ du khách tham quan từ xa.
Ý tưởng tạo lập các giải pháp được xây dựng theo quy trình, khởi đầu bằng việc cung cấp thông tin, khơi dậy cảm hứng rồi từ đó góp phần nâng cao nhận thức cuối cùng là làm thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng tới việc làm cụ thể. Các giải pháp được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát nên được hưởng ứng tích cực.
Kết quả, sau khi thực nghiệm cho thấy các giải pháp là hoàn toàn khả thi và mang lại hiệu quả cao. Từ thay đổi nhận thức, từ 55% lên 86% sau khi thực nghiệm giải pháp dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong hành vi, từ đó kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc.
Chuỗi giải pháp công nghệ sáng tạo, hiệu quả, mang tính ứng dụng cao dưới góc nhìn của học sinh hướng đến cộng đồng là điểm mới, điểm đáng chú ý của đề tài.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các biện kháp triển khai áp dụng vào thực tiễn qua thực hiện các giải pháp công nghệ. Việc thực nghiệm thành công đã chứng minh rằng các giải pháp là hoàn toàn có thể mở rộng cả về số lượng và quy mô, không giới hạn ở học sinh mà lan rộng ra cả toàn bộ du khác trong nước và quốc tế.
Ứng dụng trên iOS tìm hiểu Văn Miếu Quốc Tử Giám của nhóm học sinh |
Từ đó một phần quảng bá rộng rãi các giá trị của Văn Miếu- Quốc Tử Giám, một phần thúc đẩy, phát huy tính hiếu học. Các giải pháp như công nghệ thực tế ảo có thể được mở rộng ra và nâng cấp. Fanspage tiếp tục hoạt động, gắn kết và phát triển nhiều hoạt động hơn nữa.
Việc tuyên truyền quảng bá được thực hiện ở các trường học, thông qua Đoàn Thanh niên, các trang thông tin điện tử, các hội học sinh. Rộng hơn, qua hoạt động kết nối mạng xã hội để đưa tới cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tiếp tục phát triển các giải pháp lên quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn và mang tính toàn cầu. Cụ thể như: Dịch các bài viết trên fanspage ra nhiều thứ tiếng để tiếp cận với du khách quốc tế. Chuyển đổi app điện thoại ra nhiều ngôn ngữ, tiếp tục nâng cấp và thay đổi để app luôn có sự đổi mới, gây được hứng thú cho người đọc nhưng vẫn giữ được yêu cầu về thông tin chính xác.
Nhóm cũng lên kế hoạch phát động thêm các cuộc thi mới về Văn Miếu- Quốc Tử Giám với quy mô lớn hơn, từ đó tạo ra phong trào tìm hiểu và nâng cao ý thức trong cộng đồng. Tiếp tục tuyên truyền rộng rãi để mọi người có thể biết và tiếp cận với các giải pháp dễ dàng.
Đồng thời phát triển thêm các ý tưởng mới được đề ra như xây dựng bảo tàng ảo, in các mô hình 3D của Văn Miếu- Quốc Tử Giám để làm quà lưu niệm , hay làm những quyển sổ, video giới thiệu, phát triển Internet of things trên điện thoại…
Chuỗi giải pháp mang tính đột phá, có tính ứng dụng cao, đã thành công trong việc cung cấp kiến thức, chuyển biến nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc quảng bá các giá trị của Văn Miếu- Quốc Tử Giám và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc.
Dự án "Học sinh thủ đô quảng bá giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá phương pháp nghiên cứu tin cậy, sự rõ ràng về cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu.
Các biến số hợp lý, phù hợp, mô hình thực nghiệm đơn giản và có tính ứng dụng cao. Dữ liệu nghiên cứu của dự án này đầy đủ, thu thập và phân tích dữ liệu tốt, có sáng tạo về phương pháp nghiên cứu, nội dung.