Đó là chia sẻ của TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục tại hội thảo “Văn hóa nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục” do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức.
41,1% sinh viên gặp khó khăn về tâm lý
Theo khảo sát của TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, tiến hành khảo sát trên 219 sinh viên thuộc Học viện Quản lý giáo dục cảm nhận chung về cuộc sống hiện tại, kết quả, có khoảng 58,9% số sinh viên thấy cân bằng, vui vẻ. Trong đó, có 31,5% có cảm giác cân bằng, tích cực; 19,6% bằng lòng vui vẻ với cuộc sống hiện tại và 7,8% hạnh phúc, bình an.
Chia sẻ về nguyên nhân của thực trạng này, TS Hoàng Trung Học cho biết, do SV trong quá trình học tập cũng như cuộc sống hằng ngày khi gặp khó khăn đã tìm được những giải pháp thích hợp để giảm đi những mặt tiêu cực như: chia sẻ với người thân, bạn bè, tự chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa tạo môi trường hòa đồng , có những em chọn cho mình các phương pháp khác mà mang lại hiệu quả tích cực như: đi du lịch, hoạt động thể dục, thể thao…
Bên cạnh đó, vẫn có không ít sinh viên rơi vào trạng thái khó khăn tâm lý 41,1% trong đó, có đôi chút bất an, lo lắng là 33,8%, đặc biệt là gần 10% sinh viên xuất hiện cảm giác bất an thường xuyên.
Trước thực trạng khá phổ biến này, một câu hỏi đặt ra là các bạn có nhu cầu hỗ trợ tâm lý không? Kết quả thống kê cho thấy, có 16,9 %số sinh viên trả lời không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, các bạn có thể tự giải quyết được. Trong khi đó, có tới 36,5% đưa ra ý kiến muốn được hỗ trợ từ bên ngoài nhưng không biết từ đâu? Bằng cách nào?
Sinh viên cần hỗ trợ tâm lý (ảnh minh họa - nguồn internet)) |
20,5% sinh viên trả lời là muốn được hỗ trợ, biết người có thể giúp nhưng chưa biết cách kết nối để nhận trợ giúp (mức độ ý muốn). Có 26% các bạn đã có ý định rõ ràng cho mình khi gặp phải khó khăn. Đây là nhóm SV có nhu cầu hỗ trợ ở mức cao nhất cần giúp đỡ, biết cách để nhận sự giúp đỡ và sẽ sử dụng khi cần thiết (mức độ ý định).
Mô hình không thể thiếu trong nhà trường
Theo TS Hoàng Trung Học, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, mô hình hỗ trợ tâm lý tại cộng đồng, trong các công xưởng, nhà máy, trong trường học là một phần tất yếu trong việc tổ chức các hoạt động sản xuất và đời sống xã hội.
Đây là một thiết chế đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa những khó khăn tâm lý cho mỗi cá nhân; can thiệp sớm cho những rối nhiễu mới phát sinh và can thiệp sâu để giải quyết những rối loạn tâm thần do những yếu tố chủ quan và khách quan gây ra.
Trong nhà trường, mô hình hỗ trợ tâm lý – giáo dục là thành phần không thể thiếu trong đời sống học đường của một nhà trường tiên tiến.
Tại Việt Nam, việc triển khai công tác hỗ trợ tâm lý học đường đã được cụ thể hóa tại thông tư 31 của Bộ GD&ĐT trong các trường phổ thông. Tại một số cơ sở giáo dục đại học tiên tiến, mô hình này đã được xây dựng và hỗ trợ khá đắc lực cho quá trình đào tạo và giáo dục học sinh.
Mô hình hỗ trợ tâm lý - giáo dục một mặt giúp phát hiện sớm và phòng ngừa những khó khăn tâm lý, mặt khác, có thể chăm sóc thường xuyên, cân bằng về mặt tâm lý cảm xúc, ổn định định hướng giá trị, giúp sinh viên phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có, vượt qua mọi thách thức, phát triển toàn diện nhân cách, hướng tới những phẩm chất và năng lực của người lao động sáng tạo, tiên tiến trong thời đại mới. Để nâng cao chất lượng đào tạo, việc xây dựng mô hình hỗ trợ tâm lý - giáo dục là một nhu cầu cấp bách.
Theo TS Hoàng Trung Học, hỗ trợ tâm lý – giáo dục cho sinh viên cần tập trung vào ba mảng chính: phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sâu. Đây cũng là xu hướng chính trong hoạt động hỗ trợ tâm lý – giáo dục tại nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn VN.