Kỹ năng cảm xúc của HS chỉ đạt mức trung bình
Những năm gần đây, ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TH Hồ Chí Minh, trình trạng HS, đặc biệt là HS THCS gặp phải những khó khăn về tâm lý trở thành vấn đề hết sức lo ngại.
Theo nghiên cứu của tác giả Phạm Thu Trà và Khúc Năng Toàn, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết, khảo sát được tiến hành trên 146 học sinh khối lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Tất Thành, kết quả cho thấy toàn bộ các kỹ năng xã hội – cảm xúc của HS đều chỉ được đánh giá ở mức trung bình.
Nghiên cứu về kỹ năng kiểm soát cảm xúc của HS THCS, tác giả Trần Thị Tiên và Nguyễn Thị Diệu Anh, Trường ĐHSP Đà Nẵng cho biết: Khi tiến hành ngẫu nhiên trên 322 HS từ khối 6 đến khối 9 của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng), 32 phụ huynh và 25 GV cho thấy, phần lớn HS THCS có kỹ năng kiểm soát cảm xúc ở mức trung bình (73,3 % học sinh, 63,0% giáo viên, 40,6% phụ huynh HS).
Phần lớn HS THCS có kỹ năng kiểm soát cảm xúc ở mức trung bình, có thể lý giải xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý. Đây là thời kỳ quan trọng và phức tạp của trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân, vì nó là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sáng tuổi trưởng thành.
Sự chuyển tiếp tạo nên nội dung cơ bản khác biệt đặc thù về mọi mặt ở thời kỳ này: Sự chuyển biến đổi về cơ thể, sự tự ý thức, kiểu quan hệ với người lớn, và với bạn cùng tuổi, hoạt động học tập, hoạt động xã hội…. là những yếu tố tác động HS. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kỹ năng kiểm soát cảm xúc của HS THCS.
Ảnh minh họa |
Duy trì cảm xúc ở mức “cân bằng”
Tác giả Trần Thị Tiên cho rằng, nhà trường cần rèn luyện phát triển kỹ năng cảm xúc của HS THCS thông qua kỹ năng “Neo cảm xúc” nhằm thiết lập cho HS kỹ năng kiểm soát cảm xúc và thiết lập, phát triển mối quan hệ tích cực với bạn bè, thầy cô và người khác.
“Neo cảm xúc” chính là cách dùng cơ thể (qua các giác quan VAKOG – thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác) để neo giữ lại một cảm xúc nào đó như hạnh phúc, yêu thương, can đảm… Trong đó , VAK (thị giác, thính giác, xúc giác) là ba giác quan dễ nhất dùng cho Neo. Đây sẽ là những cơ sở khoa học để tổ chức rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc ở HS.
Cần tiến hành xây dựng và và tổ chức thực nghiệm chương trình rèn luyện cảm xúc cho HS THCS với các nội dung: rèn luyện kỹ năng nhận dạng cảm xúc của bản thân; kỹ năng nhận dạng cảm xúc của người khác và kỹ năng kiểm soát cảm xúc nhằm giúp HS nâng cao nhận thức và kiểm soát cảm xúc bản thân, duy trì được mối quan hệ với bạn bè, thầy cô một cách tích cực hơn.
Thiết nghĩ, với vai trò là môi trường giáo dục, rèn luyện đạo đức, nhân cách cho học sinh, các nhà trường phổ thông cần có những biện pháp cụ thể nhằm giúp đỡ, tư vấn để học sinh có kỹ năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân. Trước hết, các nhà trường cần phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc quan tâm, bám lớp để kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường ở đối tượng học sinh có những tác động làm thay đổi tâm lý để có những biện pháp tư vấn tâm lý, giúp các em có kỹ năng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, tránh xảy ra những biến đổi tâm lý theo hướng xấu.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thu Trà, các kỹ năng xã hội –cảm xúc có vai trò hết sức quan trọng trong những thành công học tập, quan hệ xã hội, tương lai nghề nghiệp của HS. Nghiễn cứu đã cho thấy, những học sinh có kỹ năng xã hội -cảm xúc tốt thường tham gia tích cực hơn trong các hoạt động trên lớp,có thái độ tích cực và có mối quan hệ tốt với bạn bè, thầy cô giáo và được thầy cô giáo đánh giá cao hơn những học sinh khác.
"Không chỉ được ghi nhận ở phương diện xã hội, những HS có kỹ năng xã hội – cảm xúc tốt còn được ghi nhận với những thành tích học tập nổi trội hơn những học sinh khác. Vì lẽ đó, việc giảng dạy và hướng dẫn kỹ năng xã hội - cảm xúc đã được xem như một phương thức để kiến tạo những thành công học đường đối với học sinh", chuyên gia tâm lý Phạm Thu Trà chia sẻ.