Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Phần lớn HSSV là những công dân có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; gương mẫu, tích cực học tập rèn luyện và tu dưỡng bản thân; có tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động tập thể; luôn đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biết trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, tự tin hội nhập văn hóa thế giới; nỗ lực vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ; có đạo đức, lối sống văn hóa, đời sống tinh thần lành mạnh; yêu quê hương, đất nước; biết phê phán những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp chấp hành tốt các quy định về đạo đức nhà giáo, không ngừng học tập, tu dưỡng, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trong sáng, mẫu mực, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ HSSV, giáo viên có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống như ý kiến của cử tri.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của HSSV, giáo viên trong nhà trường hiện nay, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể:
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học…
Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường và các hoạt động văn hóa trong trường học; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh; tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc giáo dục HSSV khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội một cách hiệu quả.
Chỉ đạo xây dựng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trong đó chú trọng nội dung môn Đạo đức, Giáo dục công dân và dạy đạo đức lối sống thông qua việc giáo dục chuyển đổi hành vi và trải nghiệm cho học sinh; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân nhằm phát triển phẩm chất năng lực người học.