Lắng nghe, thấu hiểu để đồng hành
Việc đầu tiên khi tiếp nhận HS vào lớp 10 của các giáo viên chủ nhiệm (GVCN) Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) là tìm hiểu hoàn cảnh của từng em thông qua nhiều kênh khác nhau: Thông tin trong hồ sơ, học bạ các bạn học cùng trường THCS, những buổi sinh hoạt và các hoạt động ngoài giờ…
“GVCN phải là người đầu tiên tìm hiểu, phát hiện và cùng chia sẻ những khó khăn mà HS gặp phải trong cuộc sống. Đôi khi chỉ cần thầy cô lắng nghe thôi đã là một cách giúp các em “hạ nhiệt” rồi. Ngoài ra, thầy cô giáo phải thấm nhuần nguyên tắc là đừng quá nặng nề hoặc nghiêm trọng hóa một số hành động nghịch ngợm có tính lứa tuổi của các em, chỉ cần mình nghiêm túc, nhưng đừng quá nguyên tắc để có cách định hướng, nói chuyện phù hợp. Thế hệ HS hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lý khác với cách đây vài chục năm, vì vậy, phải gắn bó thực sự với HS thì mới có thể là chỗ dựa tinh thần cho các em được” - cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ.
Nhà trường đã xây dựng quỹ khuyến học để giúp đỡ từ sách vở, áo quần, giày dép… cho những HS có điều kiện gia đình khó khăn, chưa được quan tâm để các em bớt đi những mặc cảm về sự thiệt thòi so với chúng bạn. Trường cũng liên tục tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao như thi giọng hát hay, các ban nhóm nhạc trẻ, thi nhảy hiện đại, ngày hôi văn hóa dân gian… các CLB bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… để HS có nơi vui chơi giải trí, giải tỏa những ức chế tâm lý do lứa tuổi và áp lực học hành.
Nhà giáo Nguyễn Minh Hùng – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trong một diễn đàn nói về bạo lực học đường, đã cho rằng, xét ở một góc độ khác, thì đứa trẻ đang hành hung người khác là đáng lên án, đáng trách, nhưng nó cũng là một kiểu “nạn nhân” để chúng ta phải suy nghĩ.
Trong nhiều trường hợp, đứa trẻ thấy đâu cũng có người: Cha mẹ, thầy cô, bạn bè... nhưng lại như đang bị bỏ rơi, thiếu sự chia sẻ, can thiệp, giúp đỡ ngay từ đầu, không có ai dạy cách chia sẻ, kiềm chế cảm xúc. Hoàn cảnh ấy sẽ là “cơ hội” đưa đẩy các em tới sự vô cảm, kẻ xấu, game, chất kích thích, phim đen, bạo lực...
"Ở các trường học, chúng ta gặp HS của mình trong đồng phục giống nhau, tươi cười, vòng tay thưa cô nhưng ẩn chứa bên trong là một thế giới khác. Các em rất ít chia sẻ với thầy cô về vấn đề bạo lực, và thường im lặng chịu đựng hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo. Sai lầm của một số không ít người lớn, gồm cả cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý… là vẫn nghĩ về các em như ngày chúng ta còn bé dại. Thông thường, chúng ta hay áp đặt những quy định đạo đức, nghĩa vụ cho trẻ mà quên việc để cho trẻ tự bộc lộ (nhất là bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, những vướng mắc, những cú sốc tâm lý...). Chỉ có sự tự bộc lộ thì chúng ta mới có thể hiểu được, mới có biện pháp giúp đỡ tương thích” - nhà giáo Nguyễn Minh Hùng nói.
Để HS tự bộc lộ
Ngoài việc tổ chức những buổi đối thoại giữa HS với BGH nhà trường, trường THPT Nguyễn Hiền còn khuyến khích HS viết thư cho Hiệu trưởng. “Đó có thể là những vướng mắc, băn khoăn của chính các em, hoặc những kiến nghị về những hoạt động của nhà trường hay là những biểu hiện bất thường của các bạn mà em biết được. Các em có thể viết thư, nhưng cũng có thể chỉ nhắn tin phản ánh” – cô Huệ cho biết.
Từ những kênh thông tin này, thầy cô giáo vừa có cơ hội để gần gũi, hiểu và sẻ chia được cùng với HS, nhưng cũng có thể “dập tắt” được những hành động khác thường từ HS trước khi nó manh nha vi phạm. Cô Nguyễn Thi Trà Mân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS kể rằng, rất nhiều lần, có những thầy cô trong tổ tư vấn tâm lý thức đến 1 - 2 giờ sáng chỉ để trò chuyện online, tư vấn trực tuyến cho HS.
“Lắng nghe HS là quan trọng rồi, nhưng các GV cũng đừng nên đưa ra những lời khuyên chung chung như kiểu thôi em vui lên, em cố gắng nhé hoặc mang tính chất áp đặt em nên thế này, em nên thế kia… mà phải gợi mở, phân tích để cho HS quyết định hướng giải quyết”. Bằng nhiều cách khác nhau, các trường học đang hướng đến mục tiêu giáo dục, rèn luyện cho HS nhân cách, sống trung thực, để các em có thể thẳng thắn chia sẻ, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, không vô cảm với người khác.
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) cho rằng, bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân và không một thầy cô giáo nào dạy cho HS rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề. Nhưng trẻ em đa phần không có kỹ năng kiềm chế cơn nóng giận, không biết tôn trọng sự khác biệt, không có kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn… Vì vậy, việc giúp trẻ hình thành các kỹ năng trên là điều vô cùng cần thiết.
Từ năm học 2012 - 2013, Đà Nẵng triển khai chương trình phòng, chống bạo lực và thúc đẩy bình đẳng giới trong học đường thông qua dự án “Hành trình yêu thương” với sự hợp tác của Tổ chức Hòa bình và Phát triển của Tây Ban Nha. Mục tiêu của dự án là xây dựng căn cứ để vận động và mở rộng chương trình ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới dựa vào học đường. Hiện nay, các trường THCS ở Đà Nẵng vẫn duy trì chương trình này thông qua các hoạt động ngoại khóa với những hoạt động thiết thực, được phụ huynh quan tâm.
Ngoài ra, trong một nỗ lực dài hơn, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng triển khai chương trình Rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao năng lực học tập cho HS một số trường THPT trên địa bàn. Mục tiêu của chương trình là giúp HS có sức khỏe thể chất và tâm thần tốt hơn.