Học sinh quê lúa với Dự án điện tử thiên thần

GD&TĐ - Từ gợi ý của cô giáo chủ nhiệm Trang Nhung, cộng với quá trình trực tiếp chứng kiến rác thải điện tử đang gây ô nhiễm môi trường sống trầm trọng, hai học sinh trường chuyên quê lúa Hà Nam cùng nhau nghiên cứu Dự án Điện tử thiên thần, đã giành giải triển vọng cuộc thi King And Queen.

Thịnh và Vân (mặc áo khoác đồng phục) mang thùng rác điện tử đến tặng cho các lớp
Thịnh và Vân (mặc áo khoác đồng phục) mang thùng rác điện tử đến tặng cho các lớp

Đó là cặp đôi Lã Đức Thịnh, học sinh lớp 11chuyên  Lý và  Phạm Thị Vân, lớp 11chuyên Anh, Trường THPT chuyên Biên Hòa.

Ý tưởng táo bạo

Cô giáo chủ nhiệm kể rằng bạn của cô có một chương trình khuyến khích người dân tự nguyện mang rác điện tử bỏ vào đúng nơi thu gom. Ở Hà Nội có một vài tổ dân phố đã triển khai hoạt động gom rác điện tử. Hai học trò trường chuyên là Vân và Thịnh đã nảy sinh ý tưởng cùng triển khai Dự án Rác điện tử để tham dự cuộc thi King And Queen.

Rác thải điện tử là bất kỳ sản phẩm nào sử dụng pin và dây dẫn điện. Khi hết thời hạn sử dụng, bị lỗi, chúng sẽ bị thải bỏ và trở thành rác điện tử. Nền khoa học kĩ thuật đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, trong đó phải kể đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với sự xuất hiện của rất nhiều thiết bị điện tử mới, hiện đại, tích hợp nhiều chức năng là sự đào thải của một lượng lớn thiết bị điện tử cũ, lỗi thời, hay hỏng hóc. Một câu hỏi được đặt ra là những chiếc điện thoại, tivi, laptop, máy in bỏ đi sẽ được xử lý hợp lý hay chưa?

Để có dự án dự thi, Lã Đức Thịnh và Phạm Thị Vân đã bắt tay vào nghiên cứu thực tế. Thịnh chia sẻ, đối với những loại rác có kích thước nhỏ, người dân thường bỏ cùng rác thải sinh hoạt.

Thực tế cho thấy, rác thải điện tử nhỏ thường bị thải trực tiếp ra môi trường. Trong khi những loại rác lớn hơn như tivi, máy tính, máy in,… thường được người dân mang đi bán “đồng nát” với giá rẻ chỉ vài chục nghìn đồng. Những thiết bị điện này bị bóc tách chỉ để lấy một lượng kim loại nhỏ có giá trị như đồng, sắt, nhôm. Phần còn lại sẽ bị thải trực tiếp ra môi trường. Lượng rác thải này là vô cùng lớn và vô cùng nguy hiểm vì phải mất hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm để chúng tự phân hủy hết.

Giữa việc nhận được vài đồng tiền lẻ từ việc bán đồng nát và việc chi cả trăm triệu để chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, nhẹ hơn là rối loạn thần kinh hay con cái đẻ ra mắc những dị tật, rõ ràng là chúng ta nên quan tâm đến việc cần xử lý tốt rác thải điện tử - cậu học trò trường chuyên đã trăn trở như vậy.

Tạo nên dự án thân thiện với môi trường

Chia sẻ về dự án của mình tham gia nghiên cứu triển khai thực tiễn, Phạm Thị Vân cho biết: Trong dự án của chúng em, trước mắt tập trung vào việc xử lí rác thải điện tử ở quy mô nhà trường, với sự hợp tác của các thầy cô và các bạn học sinh. Cụ thể, sẽ đặt những chiếc thùng chuyên dụng làm từ chất liệu thùng xốp được đặt ở từng lớp, để thu gom rác thải điện tử. Toàn Trường THPT chuyên Biên Hòa có 27 lớp thì đến nay dự án đã triển khai đặt thùng rác điện tử ở 18 lớp, kế hoạch dự kiến là 20 lớp.

Nhờ các thùng rác đặt tại lớp nên rất thuận lợi cho quá trình thu gom rác điện tử. Các bạn học sinh trong trường Biên Hòa hoàn toàn có thể mang những thiết bị cũ, hỏng, không thể sửa chữa của gia đình đến để bỏ vào thùng của lớp mình. Còn các thầy cô giáo hoặc những người muốn quyên góp có thể bỏ vào thùng rác điện tử do ban quản lý dự án đặt tại các điểm công cộng.

Tất cả các rác thải điện tử thu gom được sẽ được các bạn tình nguyện viên ghi chép cụ thể về trọng lượng, thông số kĩ thuật của mỗi sản phẩm và phân loại rõ ràng. Rác thải điện tử sau khi được các bạn thu gom sẽ được đựng vào các loại thùng hàng có thiết kế chuyên biệt để đựng đồ điện tử.

Lã Đức Thịnh cho biết thêm: Để khuyến khích công việc thu gom rác thải điện tử, góp phần làm cho môi trường sống không bị ô nhiễm, chúng em đề nghị mỗi bạn góp một thiết bị điện tử sẽ được cộng điểm thi đua vào điểm thi đua của lớp. Điểm cộng sẽ được tính theo loại thiết bị. Ngoài ra, nếu bạn nào có đam mê sáng tạo và phục chế, hoàn toàn có thể gặp ban quản lí để xin những thiết bị cũ về để sửa chữa hoặc chế tạo thành đồ dùng hữu ích cho cuộc sống. Toàn bộ thết bị này đều miễn phí 100%.

Khi các thành viên của Dự án thấy quá trình thu gom rác điện tử trong các lớp học đã đủ lượng thì toàn bộ số thiết bị này sẽ được tập kết và chuyển tới công ty xử lí rác thải điện tử chuẩn bậc nhất Việt Nam hiện nay, đó chính là VIETNAM RECYCLING PLATFORM (VRP). Ở VRP lượng rác thải điện tử này sẽ được xử lí với công nghệ hiện đại theo các bước đầy đủ là bóc tách - chọn lọc - phân loại - sơ chế - tái chế toàn bộ.

Là một trong số 10 Dự án lọt vào chung kết nhưng “Điện tử thiên thần” mới chỉ dừng lại ở giải triển vọng của cuộc thi King And Queen. Tuy nhiên, hai học trò quê lúa vẫn mong muốn sẽ làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các bạn học sinh, cho người dân về việc xử lí rác thải điện tử. Đồng thời mong muốn mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng điểm thu rác điện tử ở ngoài quy mô nhà trường như các trụ sở hành chính hay các điểm công cộng khác.

Theo Liên Hiệp Quốc: Khối lượng rác thải điện tử hàng năm trên toàn cầu tăng 33% vào năm 2017. Khối lượng các sản phẩm điện tử thải ra mỗi năm trên toàn cầu sẽ tăng lên 65,4 triệu tấn.
Tại Việt Nam, theo nhận định của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử. Như vậy với dân số 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.