Thêm kiến thức và kỹ năng giao tiếp
Chia sẻ với báo GD&TĐ, cô Lê Thị Sáng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Mỹ (thành phố Bắc Giang) cho biết, cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà trường triển khai nhiều chương trình, nội dung, lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương thông qua các tiết học (ngữ văn, địa lý, lịch sử), chương trình ngoài giờ lên lớp, tham quan các di tích, danh thắng, “địa chỉ đỏ”…
Đặc biệt, là tham dự Cuộc thi Xây dựng video clip tìm hiểu về lịch sử địa phương thành phố Bắc Giang mà Phòng GD&ĐT phát động giúp học sinh yêu thích môn học Lịch sử.
Cô Sáng cũng cho biết, từ năm 2017 thành phố đưa cuốn sách: Lịch sử - Văn hóa thành phố Bắc Giang vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Ngoài cuốn tài liệu trên, ngành giáo dục thành phố khuyến khích các trường tùy từng nơi có những địa điểm lịch sử khác nhau để tuyên truyền quảng bá.
“Đơn cử, trên địa bàn xã Tân Mỹ có địa điểm lịch sử văn hóa đền thờ Việp Quận Công - Hoàng Ngũ Phúc thì đối với trường Tiểu học Tân Mỹ tổ chức cho học sinh tham quan di tích. Đồng thời, tổ chức xây dụng video clip để tham dự Cuộc thi Xây dựng video clip tìm hiểu về lịch sử địa phương thành phố Bắc Giang mà Phòng GD&ĐT phát động…”, cô Sáng chia sẻ.
Cuộc thi Xây dựng video clip tìm hiểu về lịch sử địa phương thành phố Bắc Giang, trường Tiểu học Tân Mỹ tham dự với 2 video clip là: Tìm hiểu lịch sử địa phương về vị danh tướng họ Hoàng - Việp Quận Công - Hoàng Ngũ Phúc; Tìm hiểu về địa điểm chiến thắng Xương Giang - di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.
Để xây đựng dược video clip trên, học sinh ngoài nắm chắc kiến thức và tư liệu từ cuốn sách Lịch sử - Văn hóa thành phố Bắc Giang còn phải vào vai MC (người dẫn chuong trình - PV) tự tìm hiểu và khai thác thực tế tại di tích.
“Khi nhà trường tổ chức các đợt tham quan, trải nghiệm tìm hiểu về các địa điểm di tích lịch sử văn hóa địa phương thì học sinh rất háo hức. Tại đây, thầy cô cùng hướng dẫn viên sẽ cho các học sinh ôn lại truyền thống lịch sử, địa danh di tích…
Đồng thời, Nhà trường cũng có thể kết hợp với việc kết nạp Đội cho học sinh tại khu di tích lịch sử. Đối với các em học sinh giỏi xuất sắc, Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các em lên dâng hương, báo công và khen thưởng…”, cô Sáng chia sẻ thêm.
Cô Sáng nhấn mạnh, ý nghĩa từ Cuộc thi Xây dựng video clip tìm hiểu về lịch sử địa phương thành phố Bắc Giang trước tiên là giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh. Qua đó, giúp các em nắm được kiến thức lịch sử không chỉ ở địa phương mình mà còn cả toàn thành phố, đặc biệt là bồi bắt tình yêu quê hương đất nước.
Dẫn chứng với video clip dự thi có chủ đề: Tìm hiểu lịch sử địa phương về vị danh tướng họ Hoàng - Việp Quận Công - Hoàng Ngũ Phúc do học sinh Thân Ngọc Quang lớp 5A4 và Thân Thị Bảo Ngọc lớp 5A1 làm MC.
Cô Sáng tiết lộ, tác phẩm được học sinh thực hiện qua những hiểu biết về địa điểm lịch sử, vị danh tướng địa phương. Trong đó, có sử dụng tư liệu Danh nhân đất Việt hay ý kiến của ông Hoàng Văn Thư - Hậu duệ danh nhân Hoàng Ngũ Phúc, Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam… Qua đó, thể hiện đầy đủ, sinh động về thân thế sự nghiệp của vị danh tướng Việp Quận Công - Hoàng Ngũ Phúc…
Em Thân Ngọc Quang lớp 5A4 bày tỏ, qua video clip không chỉ là kiến thức, tự tin giao tiếp qua ống kính máy quay còn giúp chúng em thêm tự hào về truyền thống lịch sử quê hương.
“Học sinh cũng là tuyên truyền viên để truyền đi thông điệp gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của ông cha, bảo tồn giá trị lịch sử của dân tộc…”, em Thân Thị Bảo Ngọc - lớp 5A1 nhấn mạnh.
Ngoài những cuộc thi do Phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang phát động, tổ chức thì trường Tiểu học Tân Mỹ cũng có những nội dung, chủ đề phát động ra cho những em học sinh qua những tiết sinh hoạt dưới cờ, hay cuộc thi "mái trường mến yêu" bằng tiếng Anh…
"Qua các cuộc thi nhằm phát hiện, tìm kiếm các sản phẩm tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng những truyền thống tốt đẹp của nhà trường.
Phát huy truyền thống kính trọng lễ phép với thầy cô giáo, yêu quí bạn bè, giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Các cuộc thi đã và đang được triển khai sâu rộng tới toàn thể học sinh trong toàn trường...", cô Sáng chia sẻ.
Học sinh yêu… môn Lịch sử
Không chỉ là học sinh Tiểu học, THCS hào hứng khi tìm hiểu lịch sử địa phương, với trẻ Mầm non đây là hoạt động nhiều bổ ích, giáo dục toàn diện. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Song Khê (thành phố Bắc Giang) cho biết, việc đưa giáo dục lịch sử địa phương vào nhà trường đã được thực hiện nhiều năm qua.
“Các cô giáo lồng ghép để đưa giáo dục lịch sử địa phương áp dụng vào giáo dục trẻ mầm non. Hiện này, Nhà trường cũng xây dựng được 6 video clip về giáo dục lịch sử địa phương không chỉ để tham gia Cuộc thi và còn là tư liệu để phục vụ công tác giáo dục nhà trường…”, cô Ngọc thông tin.
Theo cô Ngọc, với trẻ mầm non việc tiếp nhận thức về lịch sử còn “non”. Vì vậy, Nhà trường chủ yếu cho học sinh tiếp cận hình ảnh, thăm quan thực tế tại các di tích lịch sử, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.
“Việc làm video clip tham dự cuộc thi giúp giáo viên được nâng cao hiểu biết về lịch sử địa phương mình. Đồng thời, nâng cao những kĩ năng như giao tiếp, truyền đạt cũng công tác chuyên môn như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cắt ghép các hình ảnh…”, cô Ngọc chia sẻ.
Trao đổi với báo GD&TĐ, ông Đỗ Văn Quý - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang cho biết, đưa lịch sử địa phương vào trường học không chỉ góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, nhớ về nguồn cội.
Việc giáo dục lịch sử địa phương trong nhà trường còn giúp học sinh hiểu được những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, yêu thích môn học Lịch sử này.
Về Cuộc thi Xây dựng video clip tìm hiểu về lịch sử địa phương thành phố Bắc Giang năm học 2021 -2022, ông Quý thông tin, hiện có 59 tác phẩm dụ thi gửi về Phòng GD&ĐT. Ban tổ chức Cuộc thi đang tổ chức chấm và dự kiến trao giải vào tháng 6/2022. Trong đó, Ban tổ chức trao 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba và 12 giải Khuyến khích của cuộc thi.
"Chất lượng video clip tìm hiểu lịch sử địa phương là rất cao. Mỗi tác phẩm ngoài giới thiệu được lịch sử địa phương đến người dân địa phương còn lan tỏa ra cộng đồng và phát huy tính lưu giữ thông tin.
Qua đó, giáo viên học sinh có kỹ năng khai thác kiến thức, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kỹ thuật làm video. Đặc biệt, nhiều học sinh còn sáng tạo với thiết kế trường quay ảo trong video clip...", ông Quý thông tin.
Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang cũng nhấn mạnh, việc tổ chức Cuộc thi giúp cho học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử địa phương mình và các em sau này là tuyên truyền viên lịch sử địa phương.
"Dù là tham gia cá nhân hay tập thể khi làm video clip thì cũng giáo dục, rèn luyện cho học sinh được những kĩ năng mạnh dạn, tự tin, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp được cải thiện hơn.
Học sinh không chỉ học từ sách vở mà chính các em là người ghi lại những câu chuyện lịch sử sâu sắc hơn và giữ liệu tổng hợp lớn hơn. Qua đó, giúp các em thêm yêu lịch sử địa phương, yêu quê hương đất nước nhiều hơn...", ông Quý nhấn mạnh.