Tổng giám đốc BrahMos Aerospace - ông Alexander Maksichev đã phát biểu như vậy tại Triển lãm Aero India 2025.
Một liên doanh giữa NPO Mashinostroeniya của Nga cùng với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ đã hoàn thành giai đoạn thiết kế sơ bộ của một tên lửa hành trình siêu thanh, được đổi tên từ BrahMos NG thành BrahMos MA vào năm ngoái.
Ông Maksichev cho biết: "Việc phát triển tài liệu cho phiên bản nhẹ của tên lửa BrahMos - BrahMos MA - đang được tiến hành. Giai đoạn thiết kế sơ bộ đã hoàn tất".
"Sau khi tài liệu được phê duyệt, việc thử nghiệm sẽ diễn ra. Khi mọi thứ đã được xác nhận, sau tất cả các giai đoạn, việc lắp ráp sản phẩm cho chuyến bay thử nghiệm có thể bắt đầu".
Theo tuyên bố này, các nhà phát triển đã xác định đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật cơ bản của tên lửa mới, cũng như giải pháp thiết kế cơ bản và nguyên lý hoạt động của sản phẩm.
BrahMos MA sẽ nhẹ hơn một nửa và ngắn hơn 3 mét so với mẫu cơ bản. Mô hình được trưng bày tại các triển lãm trước đây dài 6 mét, đường kính 50 cm, nặng khoảng 1,3 - 1,5 tấn.

Do trọng lượng giảm nên tốc độ của tên lửa mới có thể tăng từ Mach 2,8 lên Mach 3,5 (gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh). Trong trường hợp này, phạm vi tác chiến sẽ đạt tới 290 km.
Ngoài ra, trước đây đã có báo cáo về kế hoạch tích hợp đầu dẫn đường radar của Ấn Độ với ăng ten mảng pha chủ động vào tên lửa BrahMos-NG, thay thế đầu dò quét cơ học cũ trên phiên bản cơ sở PJ-10 BrahMos.
Việc giảm kích thước và trọng lượng nhằm mục đích mở rộng khả năng tích hợp tên lửa vào các nền tảng mang phóng nhỏ hơn, chủ yếu là hàng không chiến thuật. Dự kiến phương tiện mang BrahMos MA sẽ là máy bay chiến đấu Su-30MKI và Tejas của Ấn Độ.
Với những thông số này, tiêm kích đa năng Su-30MKI sẽ đủ khả năng mang theo 3 tên lửa hạng nhẹ trên các giá treo dưới cánh và trung tâm giữa thân máy bay.
Phiên bản hàng không nặng 2,5 tấn của tên lửa BrahMos hiện tại chỉ có thể được sử dụng bởi tiêm kích Su-30MKI đã trải qua quá trình nâng cấp đặc biệt. Tên lửa treo trên giá trung tâm cần phải được phóng sau khi cất cánh, vì không thể hạ cánh khi đạn vẫn còn.
Cần nhấn mạnh, BrahMos là phiên bản nội địa hóa một phần dựa trên tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Onyx của Liên Xô, tốc độ cao của loại đạn này dựa trên việc sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng.
Ngoài phiên bản BrahMos hạng nhẹ, liên doanh Nga - Ấn Độ cũng đang chế tạo tên lửa siêu thanh BrahMos 2. Có lẽ thiết kế sẽ phần lớn trùng lặp với các giải pháp được sử dụng trên loại 3M22 Zircon.