Họa sĩ mở triển lãm 'Bản ngã’ để công chúng lắng nghe tiếng vọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Triển lãm ‘Tiếng vọng/Bản ngã’ tập hợp những tác phẩm mới của nghệ sĩ Nguyễn Sơn, do giám tuyển Vũ Hồng Nguyên tuyển chọn.

Họa sĩ mở triển lãm 'Bản ngã’ để công chúng lắng nghe tiếng vọng

Triển lãm ‘Tiếng vọng/Bản ngã’ là chuỗi tác phẩm lớn của nghệ sĩ Nguyễn Sơn sau 4 năm làm việc – đặc biệt trong thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19. Triển lãm sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 2 – 18/12.

‘Tiếng vọng - Bản ngã - Ta ở đây’ là ba phần trong loạt tác phẩm với 21 tranh giấy, 18 tranh chất liệu tổng hợp, 1 tranh sơn dầu, 5 tác phẩm nghệ thuật vật thể, 2 sắp đặt kết hợp 2 video art (3D mapping), 1 trình chiếu video art phái sinh từ hội giá vẽ.

Nguyễn Sơn là nghệ sĩ thị giác nổi tiếng. Anh sinh năm 1974 ở Hà Nội, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Anh từng có nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, đoạt các giải thưởng nghệ thuật tạo hình khu vực Asean từ khi còn là sinh viên mỹ thuật những năm 2000 – giải Nokia Art Future Asean Pacific và giải Philip Morris.

Tác phẩm 'Tôi vẫn tin vào giấc mơ của mình'.

Tác phẩm 'Tôi vẫn tin vào giấc mơ của mình'.

Bộ sưu tập được Nguyễn Sơn xây dựng trên nền tảng cảm hứng tôn giáo, bằng ngôn ngữ tạo hình biểu hiện trừu tượng kết hợp nghệ thuật ý niệm. Mỹ cảm nghệ thuật sơn mài truyền thống vốn là chuyên khoa tốt nghiệp được Nguyễn Sơn thể hiện bằng chất liệu tổng hợp.

Anh tạo ra thế giới tinh thần của mình là cầu nối từ nội tâm tới đức tin để trả lời câu hỏi “ta là ai, từ đâu đến cuộc đời này, sẽ đi về đâu?”. Sống trong đại dịch Covid-19, Nguyễn Sơn cầu nguyện và không ngừng sáng tạo trong các ý niệm.

Bức tranh 'Tin mừng Golgotha'.

Bức tranh 'Tin mừng Golgotha'.

‘Tiếng vọng’ tập hợp những tranh chất liệu acrylic trên Chia sar (loại giấy thủ công của Lào), giấy Archer - giấy tự làm bởi tác giả. Loạt tranh này có nhiều kích thước khác nhau.

Hình tượng chính của ‘Tiếng vọng’ là những thánh đường ẩn hiện trong không gian ý niệm. Không gian này có lúc như lửa cháy, có lúc như bão tố hoặc tan rã. Nhưng dù ở trong không gian nào, thánh đường vẫn lấp lánh. Đây là hình ảnh ẩn dụ nguồn năng lượng nội tại.

Nguyễn Sơn đã thay đổi bề mặt của chất liệu giấy nhẹ và xốp trở thành những tấm kim loại thô nặng. Trong không gian phong hoá bởi thời tiết, các lớp bột đồng, bột sắt hoen rỉ tự nhiên. Đây là một quá trình vẽ nhưng không phải bởi tác giả, mà là do kẻ vô hình - thời gian.

Tác phẩm 'Tiếng vọng #5'.

Tác phẩm 'Tiếng vọng #5'.

Khi đã đạt độ cảm thị giác mong muốn, Nguyễn Sơn cầm giữ điểm rơi của bức họa bằng kỹ thuật phủ màng và thêm vào những điểm định vị cái nhìn. Độ loé sáng của những kim loại quý như vàng, bạc hay độ phản sáng nhưng trong suốt của hạt pha lê biểu đạt niềm hy vọng.

‘Bản ngã’ và ‘Ta ở đây’ là những tranh chất liệu tổng hợp và các tác phẩm vật thể được làm từ những đồ gỗ chạm khắc họa tiết trang trí trong nhà thờ đã hư hỏng, cũ nát. Những vật thể này là kỷ niệm từ người bạn thân gửi tặng tác giả từ nhiều năm trước. Nguyễn Sơn tái thiết lập, cho chúng một hình dạng mới, như một cuộc tu sửa để chuyển hoá bản thân.

Ở các tác phẩm sắp đặt, ngôn ngữ kỹ thuật số là hoạt hình 3D được trình chiếu chồng lớp lên vật thể. Đây là nét đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thời đại. Việc kết hợp công nghệ với các tác phẩm hội hoạ, khối vật thể tạo ra một đời sống khác cho tác phẩm. Sự giao thoa giữa các tầng ứng dụng để thể hiện nghệ thuật của Sơn, cũng là đặc điểm chính đời sống tinh thần của xã hội đương đại.

Ở hội họa giá vẽ, nghệ thuật của Nguyễn Sơn có một bước tiến xa với thời kỳ trước. Độ bóng của epoxy resin bao phủ cục bộ trên mặt tranh hoàn chỉnh tạo thành hai kênh thị giác.

Sản phẩm in (tranh ảnh kỹ thuật số, tạp chí nghệ thuật cũ) là các chi tiết anh chiết xuất từ quá khứ. Đó là tiếng vọng trong bản ngã và cũng là bản ngã trong tiếng vọng.

Tác phẩm 'Bản ngã #3 Mặc khải'.

Tác phẩm 'Bản ngã #3 Mặc khải'.

“Vẽ epoxy gần với vẽ nước, đạt được tập trung trong sự miên man, đạt được tính thư nhàn hay đùa chơi với nước thủa nhỏ. Epoxy khác nước, tự thân nó không tan biến, giống như kỷ niệm. Kỷ niệm là thứ rất lạ, nó sinh ra ở quá khứ và tái sinh ở hiện tại”, hoạ sĩ Nguyễn Sơn chia sẻ.

Nguyễn Sơn bộc lộ mạnh mẽ những nét khởi từ nội tâm trong không gian hội họa phương Đông. Phong cảnh thiên nhiên trở thành trừu tượng. Hình dạng vật thể trở thành nét biểu hiện trạng thái suy niệm. Lý tính và vô thức, cái giữ lại và cái lược bỏ hay sự sống và cái chết được trình bày song hành trên mặt tranh.

Hoạ sĩ chú tâm nghiên cứu các sự kiện ghi chép và suy niệm để vẽ. Điều quan trọng nhất, anh đang bộc lộ quá trình tìm kiếm sự thật trong sáng tạo của mình.

‘Ta ở đây’ như lời kết cho giai đoạn nghệ thuật này của tác giả, khi anh nhận ra sau mọi thăng trầm - nhân tính vẫn tồn tại. Điều đó, khiến công chúng xem tranh phải chợt nhớ đến câu thơ của thi sĩ Trần Lê Văn: “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi”.

Với triển lãm ‘Tiếng vọng/Bản ngã’, họa sĩ như đang phơi bày bản ngã, còn công chúng sẽ lắng nghe tiếng vọng.

Giám tuyển của triển lãm ‘Tiếng vọng/Bản ngã’ là họa sĩ Vũ Hồng Nguyên - đồng sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo, tiền thân là dự án Art in the Forest (AIF). Vũ Hồng Nguyên từng làm giám tuyển cho nhiều triển lãm cá nhân nâng tầm trưng bày không gian đối với nghệ thuật mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ