'Mở lối' cho tranh truyền thống với triển lãm 'Con đường'

GD&TĐ - Triển lãm “Con đường” vừa được Bảo tàng Hà Nội phối hợp với LaToa Indochine mở cửa từ đầu tháng 10 cho đến hết tháng 12/2022.

Triển lãm 'Con đường' tại Bảo tàng Hà Nội được mở cửa đến hết tháng 12/2022. Ảnh: Bình Thanh
Triển lãm 'Con đường' tại Bảo tàng Hà Nội được mở cửa đến hết tháng 12/2022. Ảnh: Bình Thanh

Vẫn là những đề tài quen thuộc trong tranh dân gian; vẫn là cách thể hiện của kỹ thuật sơn mài, sơn khắc truyền thống… nhưng những tác phẩm trong triển lãm “Con đường” lại mang sắc thái mới bởi sự sáng tạo của những người cầm cọ hôm nay.

Từ đây, có thể cùng hy vọng, triển lãm “Con đường” là một cách “mở lối” bước vào đời sống cho tranh truyền thống Việt.

Sắc thái mới của sự thân thuộc

Tranh danh nhân Nguyễn Trãi được họa sĩ LaToa Indochine vẽ lại từ bức tranh bột màu chân dung Nguyễn Trãi (năm 1917, P.D.TUE) của Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Tranh danh nhân Nguyễn Trãi được họa sĩ LaToa Indochine vẽ lại từ bức tranh bột màu chân dung Nguyễn Trãi (năm 1917, P.D.TUE) của Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Triển lãm “Con đường” vừa được Bảo tàng Hà Nội phối hợp với LaToa Indochine mở cửa đón công chúng đến thưởng lãm, từ đầu tháng 10 cho đến hết tháng 12/2022.

Gần 100 bức tranh thể hiện những đề tài quen thuộc trong tranh dân gian hay những đề tài chuyển thể, lấy cảm hứng từ danh nhân, tác phẩm văn học, Phật giáo trưng bày tại triển lãm đã thực sự thu hút sự quan tâm của mọi người.

Cũng bởi, khách thưởng lãm không chỉ được gặp lại những nét thân thuộc, gần gũi của bao dáng hình xưa trong các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng hay gặp lại bức tranh chân dung danh nhân Nguyễn Trãi cách đây hơn thế kỷ, đọc lại câu chuyện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo trở về trong bức tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” được vẽ từ thế kỷ 14…, mà còn được thấy chúng mang không ít sinh khí mới.

Các nghệ sĩ đã khéo léo kết hợp hai phương pháp làm tranh truyền thống là sơn mài (1930) và sơn khắc (1945) khi tiến hành phác thảo và dùng công cụ khắc lõm từng chi tiết để tạo các nét đen trên tác phẩm như tranh dân gian truyền thống.

Sau đó, họ dùng then, cánh gián lên màu sơn mài, thếp vàng, thếp bạc… mỗi màu là một lớp, sau mỗi lớp là một lần mài, qua khoảng 15 – 20 bước thì một tác phẩm mới được hoàn thành.

Cùng với việc chép tranh, các họa sĩ còn sáng tác bức “Hương Vân Đại Đầu Đà” nối tiếp câu chuyện về Phật hoàng Trần Nhân Tông từ hành cung Vũ Lâm về kinh đô và chính thức về núi Yên Tử tu tập theo hạnh đầu đà, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà.

Tác phẩm này được sáng tác dựa trên kỹ thuật sơn mài khắc cùng lối kể chuyện dân gian nên dễ dàng hòa vào tổng thể của sự kết hợp khéo léo giữa hiện đại và truyền thống.

Đánh giá cao cách làm mới này đối với tranh dân gian của LaToa Indochine, nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê cho rằng, khi được thực hiện bằng các kỹ thuật chạm khắc, dát vàng, bạc nên chúng mang những sắc thái mới, song vẫn giữ nguyên được các nét và hồn cốt của tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng.

“Những đề tài trong tranh dân gian đã được khoác lên mình những sắc thái mới từ một chất liệu và kỹ thuật truyền thống như sơn mài và sơn khắc. Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc ấy tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng làm cho câu chuyện dân gian được kể thêm sang trọng và giá trị. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng, phát triển”, nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói.

Công chúng được thấy hình bóng của quá khứ và hiện tại trong các tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Con đường” (trong ảnh: Tác phẩm Đồng dao). Ảnh: Bình Thanh.

Công chúng được thấy hình bóng của quá khứ và hiện tại trong các tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Con đường” (trong ảnh: Tác phẩm Đồng dao). Ảnh: Bình Thanh.

“Mở lối” cho truyền thống?

““Con đường” là một triển lãm thú vị, sẽ được công chúng đón nhận trong sự thích thú vì luôn thấy được hình bóng của quá khứ trong hiện tại. Quá khứ và hiện tại kết hợp với nhau tạo nên một sản phẩm mới phục vụ cho công chúng – đây là một cách làm sáng tạo. Cùng với các tác phẩm về đề tài tranh dân gian, tôi còn đặc biệt ấn tượng với bức tranh danh nhân Nguyễn Trãi được vẽ lại từ bức tranh chân dung Nguyễn Trãi (bột màu, 1917, P.D.TUE) mà Bảo tàng Hà Nội cất giữ từ nhiều năm qua. Việc chuyển thể này sẽ giúp công tác giữ gìn, bảo quản và phát huy tác phẩm nguyên gốc tốt hơn”. PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Mất 5 năm ấp ủ và chuẩn bị, triển lãm “Con đường” được đưa đến công chúng khi Bảo tàng Hà Nội và LaToa Indochine cùng gặp gỡ trong ý tưởng: Làm gì để góp sức phục hồi và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian xưa cũ, tạo nên dòng sản phẩm ấn tượng được hòa quyện giữa dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại?

Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, nhấn mạnh rằng, “Con đường” muốn đưa công chúng “đi đến tận cùng của truyền thống” rồi sau đó cùng nhau “gìn giữ, lan tỏa trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc”.

Còn ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch LaToa Indochine, thì chia sẻ, đây là một “hành trình” mà các họa sĩ của LaToa Indochine như Lương Minh Hòa, Nguyễn Văn Phúc… và các cộng sự (kỹ thuật) Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Đình Duy, Nguyễn Trọng Khang, Phạm Huy Tuấn, Đinh Quang Hùng, Nguyễn Văn Diện có cùng đam mê với sơn mài truyền thống và văn hóa dân gian; cùng trăn trở làm sao giữ gìn, lan tỏa được di sản văn hóa mà cha ông để lại, đồng thời nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc.

Sau những nghiên cứu, thử nghiệm, họ đã thực hiện việc sáng tạo dòng sản phẩm này trên nguyên tắc giữ nguyên hồn cốt dân tộc, hồn cốt của các dòng tranh, không sáng tạo về tranh mà chỉ sáng tạo về chất liệu. Các bức tranh ở đây sử dụng những vật liệu cao cấp hơn như vàng, bạc hoặc sử dụng nhiều công nghệ tạo nên dòng sản phẩm khác hẳn nhưng khi nhìn vào nó đều nhận ra đó là tác phẩm nào, ở đâu ra.

Và lên kế hoạch 5 năm nhưng LaToa Indochine thực hiện những tác phẩm này chỉ trong vòng 3 tháng, khi tiến hành chia nhỏ từng phần, một người làm chuyên môn hóa với một bộ phận, một việc và tinh thông với việc đó.

“Sở dĩ triển lãm này có tên gọi “Con đường” cũng là vì “chúng tôi muốn là tiếp nối con đường cha ông” bằng cách chủ động lan tỏa đến những người yêu tranh, thích sưu tầm và nhất là khách hàng quốc tế.

Để đưa những sản phẩm này đến với khách quốc tế thì xã hội hóa là hướng đi cần thiết, song nên giao cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tự làm, tự quyết theo đường lối và chủ trương của các cơ quan quản lý. Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xúc tiến giới thiệu sản phẩm.

Giả sử trong các chuyến công tác quốc tế, các đoàn cơ quan Nhà nước nên mang những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao này vừa để làm quà tặng vừa chuyển tải đến bạn bè quốc tế hiểu về văn hóa Việt Nam, hiểu được các dòng tranh dân gian và kỹ thuật làm tranh truyền thống của Việt Nam. Mỗi người hãy lan tỏa một chút thì sẽ trở thành dòng chảy liên tục”, ông Phạm Ngọc Long – Chủ tịch LaToa Indochine nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.