Đào năm ấy được mùa. Chợ nhan nhản toàn đào, giá lại hạ, nhà nghèo năm nay cũng có đào chơi Tết. Thế mà đố ai tìm được cành đào như của bố tôi. Tuyệt! Không chê vào đâu được.
Năm nào cành đào của bố tôi mua về cũng làm cho tôi phải mê mẩn. Bố tôi không phải là nghệ sĩ. Ông, nói của đáng tội, có con mắt thẩm mỹ làm tôi phục sát đất. Ông là lớp nhà nho cuối cùng còn sót lại.
Ông sống thanh đạm và rất yêu hoa. Trong nhà, kể cả những lúc khó khăn nhất, bao giờ cũng có hoa. Có hồi khắp sân nhà tôi bày la liệt các loại chậu hoa từ nhài, mộc hương, quỳnh, lan tiêu...
Tết nào, ông cũng cầu kỳ chơi hai thứ hoa: Thủy tiên và đào. Thủy tiên là thứ hoa không bình dân. Nó không thèm nở nếu chẳng may rơi vào những tay không biết thưởng thức. Để cho thủy tiên nở, phải biết nghệ thuật gọt củ hoa thủy tiên.
Con dao dùng gọt thủy tiên không phải con dao bình thường hàng ngày vẫn dùng mà là một con dao riêng cho nó. Bố tôi mua củ thủy tiên về, nó có bề ngoài giống cả hành tây, rất tầm thường, chẳng hứa hẹn một hương sắc gì hết.
Chuẩn bị cho việc gọt thủy tiên, bố tôi hùng hục mài dao cho tới khi nó bén tới mức đặt sợi tóc ngang lưỡi dao mà thổi phù một cái thì sợi tóc lập tức bị đứt đôi và đầu nhọn của nó nếu vô ý chạm vào là máu tứa ra liền.
Rồi ông phải ngắm nghía hồi lâu cái củ hành nọ cho tới khi quyết định đưa lưỡi dao trổ chính xác được ông cân nhắc từng ly từng tý cho tới hài lòng đặt nó vào chiếc bát thủy tinh pha lê cũng lại để riêng cho nó.
Tôi chăm chú theo dõi bàn tay khéo léo của bố tôi xung quanh củ thủy tiên. Tôi cũng là người khéo tay ở việc khắc, gọt thủy tiên thì tôi chịu.
Những Tết bố tôi đi công tác xa thì trên bàn thờ gia tiên nhà tôi chỉ có hoa huệ, hoa hải đường, thủy tiên thì vắng bóng: Hoa thủy tiên bắt đầu trổ những cành xanh mập mạp cũng chẳng khác gì là hành mấy, nhưng chúng nhỏ nhắn hơn, ngắn và không vươn quá thành bát đựng.
Người gọt khéo có thể chỉ định đúng ngày hoa nở, khéo hơn nữa có thể đúng đến cả giờ. Thủy tiên bố tôi gọt bao giờ cũng nở hết số hoa nó chứa trong mình vào đúng giờ Giao thừa.
Chính xác vào cái giờ khắc thiêng liêng nhất của sự giao hòa giữa trời và đất, giữa người cõi âm và người cõi dương, giữa tổ tiên và con cháu.
Bố tôi đứng lặng bên bàn thờ ông bà, đầu hơi cúi xuống lầm rầm khấn vái. Hương trầm ngan ngát trong nhà làm cho không gian càng thêm thiêng liêng.
Tôi không bao giờ cảm thấy được hương thủy tiên vào lúc thủy tiên nở. Rất sớm, khi trời đất đã lặng đi mọi tiếng động của sự đón xuân, lúc ấy mới thấy được hương thủy tiên thoang thoảng.
Đó là một thứ hương trầm, ẩn náu, thoang thoảng mà kiêu sa. Nó không để lại trong tôi một ấn tượng rõ rệt nào. Tôi cũng không cảm nhận được cái đẹp của hoa thủy tiên mà cũng có lẽ tôi không thích hoa này cũng bởi câu chuyện chàng Narkissos trong thần thoại Hy Lạp mải mê ngắm sắc đẹp của chính mình trong dòng suối trong xanh. Mải mê đến nỗi ngã xuống mà chết đuối, trở thành hoa thủy tiên
Trước Tết một tháng, bố con tôi đạp xe lên vườn đào của ông bạn già, nơi trồng hoa đào theo cha truyền con nối. Chủ vườn hoa đã trở thành bạn quen.
Bố tôi đi thăm vườn và xem xét từng gốc đào để rồi cuối cùng cũng chọn lấy một cành đào thấp, ưng ý nhất. Tiền đặt mua cành đào cũng được trao ngay cho ông chủ vườn.
Giá thường rất rẻ, lúc ấy chưa có ai mua đào. Ông chủ vườn rút con dao đánh dấu, bố tôi cũng cẩn thận viết sơn lên bên cạnh. Chắc chắn nó không bị bán vào tay ai khác.
Bố con tôi hài lòng ra về. Tôi biết trong óc bố tôi đã hiện lên cành đào trong tương lai sẽ được đặt ở đâu, trong cái bình nào ở nhà mình trong ngày Tết.
Khoảng hai bảy, hai tám tháng Chạp, bố tôi lên vườn nhận cành đào về. Ông chủ vườn trao cành đào cho bố tôi với vẻ tiếc rẻ, không ngớt lời khen bố tôi có con mắt tinh đời.
Nhưng đó là cách đánh giá của hai người biết chơi đào với nhau. Người thường sẽ không mua cành đào này. Nó xù xì ở phần gốc, có mấy cành đua dài và gân guốc, trên đó chỉ thấp thoáng một số nụ hoa.
Sau đó là phần sửa soạn cho cái đẹp của cành đào. Mang về bố tôi còn ngắm chán chê rồi mới lấy dao cắt bỏ một số cành con, đem thui phần gốc rồi mới đặt vào trong lọ độc bình lớn, thường là loại độc bình thấp, miệng rộng, rất bình dị đến nỗi khi cành đào đã ngự vào trong đó rồi thì không còn nhìn thấy cành đào đâu nữa.
Cành đào được đặt trong góc nhà. Những cành đua của nó hướng ra phía cửa, khách vào có thể nhìn thấy những cánh tay đào vươn ra chào đón.
Cũng như thủy tiên, cành đào sẽ nở hoa đúng vào đêm trừ tịch. Chơi hoa là cách con người tìm niềm vui, tìm tâm trạng thư thái trong mối giao hòa với thiên nhiên.
Bố tôi thường tâm sự: “Người ta có thể đón thiên nhiên vào nhà mình chứ không thể mua thiên nhiên đem về hoặc áp giải nó về. Vì vậy cái bình phải khiêm tốn để tôn cái đẹp của cành đào, của mùa xuân”.
Cành đào đẹp trước hết ở cái dáng, cái thế của nó. Phần gốc xù xì cho thấy cảm giác về sự vững bền của nền tảng, những cành đua không nên nhiều quá để tạo ra cảm xúc thanh thoáng, khoáng đạt.
Bố tôi không thích đào rực rỡ quá, khoe khoang quá, hợm hĩnh quá. Đào này đẹp hơn nhiều, cánh của nó chỉ phơn phớt một màu hồng nhạt. Vừa có duyên vừa thầm kín.
Người Nhật Bản thích sắc hồng này của hoa Sakura - Anh đào có lẽ cũng vì lẽ đó. Thêm nữa, trên cành đào Tết không nên quá nhiều hoa. Lá xanh cạnh hoa làm nền tăng vẻ đẹp của hoa lên.
Tất nhiên mỗi người một ý, những người biết chơi đào không ưa cành đào đầy ắp hoa. Đã thế, có người lại cắm thành cái nơm hoa đào vào lọ độc bình cổ cao, với đủ mọi hình vẻ cực kỳ rực rỡ, rồi đặt nó ngất nghểu trên bàn thờ gia tiên nữa chứ. Chỗ của đào không phải ở đó: Phải đặt nó ở dưới đất, ngang tầm với mình
Cái đẹp theo tôi là cái đẹp không giải thích được chỉ có cảm nhận được mà thôi. Bố tôi cũng không thể giải thích nổi tại sao ông lại cắt đi cành này mà không phải một cành khác.
Tại sao ông lại giữ cành đua này mà lại bỏ cành đua kia. Cái cành được để lại ấy gợi lên trong lòng ông cảm xúc gì? Còn về phần màu xanh của lá trên cành đào thì ông hoàn toàn đúng. Hay gì một cành đào chi chít hoa, nó làm ta phát ngán. Mùa xuân thì phải có màu xanh của lá, của sự đâm chồi nảy lộc mới là xuân.
Bây giờ bố tôi đã trở thành người thiên cổ. Chỉ còn lại cái đẹp của hoa xuân mà ông từng tâm đắc trong tôi và cứ mỗi mùa xuân đến làm tôi lại bùi ngùi.