Người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp: Đường tới thành công không trải hoa hồng

GD&TĐ - Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ, học sinh - sinh viên khu vực phía Nam...

Nguyễn Minh Nhật, học sinh lớp 12, Trường THPT Long Xuyên (An Giang) trình bày ý tưởng khởi nghiệp về Smart Terrarium. Ảnh: NVCC
Nguyễn Minh Nhật, học sinh lớp 12, Trường THPT Long Xuyên (An Giang) trình bày ý tưởng khởi nghiệp về Smart Terrarium. Ảnh: NVCC

Với khát vọng làm giàu từ mảnh đất quê hương, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ, học sinh - sinh viên khu vực phía Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình thành công, không ít trường hợp vẫn chật vật, thậm chí thất bại vì phải “tự bơi”.

Hào hứng khởi nghiệp

Mới đây, Nguyễn Minh Nhật - học sinh lớp 12, Trường THPT Long Xuyên (An Giang) lên TPHCM tham dự Cuộc thi “Học sinh khởi nghiệp cùng nhà sáng lập doanh nghiệp Việt” với ý tưởng về Smart Terrarium (hệ sinh thái thu nhỏ mô phỏng môi trường sống tự nhiên). Theo Minh Nhật, một ngày nọ, em được một người bạn tặng cho giống cây trồng trong bình thủy tinh.

Trong quá trình loay hoay tìm cách chăm sóc cây, Nhật “phải lòng” công việc trồng cây độc đáo này lúc nào không hay. Từ đó, em quyết định theo đuổi mô hình trồng những giống cây đặc biệt trong lồng kính. “Em thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh này rất lớn, trong khi việc chăm sóc cây cảnh lại không dễ dàng. Vì vậy, em lên ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực Terrarium và bất ngờ khi lọt vào top 10 ý tưởng của Cuộc thi Học sinh khởi nghiệp cùng nhà sáng lập doanh nghiệp Việt”, Minh Nhật chia sẻ.

Dù ý tưởng Smart Terrarium của Minh Nhật không đạt giải sau cuộc thi, em vẫn quyết tâm tiếp tục theo đuổi vì nhận thấy lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng. Hơn nữa, theo đuổi công việc này giúp tinh thần của em luôn nhẹ nhàng, vui vẻ, từ đó học tập hiệu quả hơn.

Cũng gây ấn tượng không kém là Lê Võ Mỹ Như - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước). Mỹ Như lần đầu chế biến sữa gạo rang cho mẹ uống khi đang học lớp 10. Sau khi thưởng thức thức uống do con gái làm, người mẹ chỉ biết thốt lên: “Ồ ồ...”. Câu cảm thán dễ thương này chính là nguồn cảm hứng để Mỹ Như tham gia cuộc thi với dự án “Thương hiệu sữa gạo rang Ồ Ồ”, nhằm hiện thực hóa ý tưởng đưa sản phẩm nước gạo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

“Việt Nam dù là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế vẫn chưa thực sự nổi bật. Khi tham gia cuộc thi, điều em mong muốn là đóng góp một phần nhỏ bé vào việc nâng tầm giá trị hạt gạo Việt”, Mỹ Như chia sẻ.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, các dự án/ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng học sinh - sinh viên khu vực phía Nam.

Có thể kể đến dự án: “Thuốc nhuộm vải dạng bột từ phụ phẩm nông nghiệp và rác hữu cơ” của nhóm học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (TPHCM); Dự án “Giải pháp bền vững từ xơ dừa sản xuất hộp thực phẩm dùng một lần” của nhóm học sinh Trường THPT Việt Mỹ Anh (TPHCM), hướng đến mục tiêu thay thế rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng xanh...

nguoi-tre-khoi-nghiep-tu-nong-nghiep2.jpg
Ảnh minh họa INT.

Cẩn trọng với “biến số”

Có một thực tế đáng buồn, theo thống kê của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TPHCM (Saigon Innovation Hub), mỗi năm trên thế giới có khoảng 50 triệu dự án startup ra đời, trong đó tại Việt Nam có khoảng 1.000 dự án. Tuy nhiên, hơn 90% trong số đó thất bại. Tỷ lệ này trên thế giới cũng dao động từ 75% đến 90%. Riêng trong 3 năm đầu, có đến 92% startup thất bại, chủ yếu vì chưa tìm ra được chiến lược phù hợp cho thị trường, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết trước khi khởi nghiệp.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng, rào cản lớn nhất với giới trẻ khởi nghiệp là vốn, bởi lĩnh vực nông nghiệp thường đòi hỏi nguồn đầu tư ban đầu lớn. Nếu theo đuổi mô hình nông nghiệp công nghệ cao hoặc hữu cơ, chi phí sẽ còn cao hơn.

“Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn này không hề dễ dàng, thủ tục hành chính lại khá phức tạp. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đầu ra, xây dựng thương hiệu và phát triển kênh phân phối cũng đòi hỏi thời gian, nguồn lực lớn - đây là điểm nghẽn mà nhiều startup trẻ chưa đủ sức đảm đương”, ông Lý nhận định.

Đặc biệt, điểm yếu lớn nhất của các startup trẻ chính là khoảng trống về kiến thức quản trị chuyên nghiệp. Dù có ý tưởng sáng tạo, nhiều bạn trẻ vẫn chưa thể “thoát xác” khỏi phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống của gia đình, dẫn đến thiếu kinh nghiệm trong lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, phát triển thị trường. Ngoài ra, kỹ năng quản lý nhân sự và vận hành doanh nghiệp cũng là những yếu tố còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Để khắc phục những hạn chế này, TS Lý nhấn mạnh, tư duy quản trị sẽ là “chìa khóa” giúp người trẻ điều phối hiệu quả các nguồn lực về vốn, công nghệ và thị trường. Để trở thành người khởi nghiệp nông nghiệp thực thụ, trước hết cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy quản trị làm nền tảng. Trọng tâm không chỉ là am hiểu sản xuất, mà còn phải trả lời được những câu hỏi cốt lõi: Ai là khách hàng mục tiêu? Giá trị cốt lõi của sản phẩm là gì? Làm thế nào để tối ưu chi phí và mở rộng quy mô?

“Doanh nhân trẻ cần liên kết chặt chẽ với các vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp để không chỉ được hỗ trợ vốn, mà còn học hỏi kiến thức chuyên sâu, mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển kênh phân phối hiệu quả. Đặc biệt, một yếu tố không thể thiếu là startup nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ số trong quản trị, tận dụng các công cụ theo dõi tài chính, phân tích dữ liệu khách hàng”, ông Lý nhấn mạnh.

Trong khi đó, ThS Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, trước thực tế sinh viên khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, các trường đại học và tổ chức trung gian cần hỗ trợ mạnh mẽ ở giai đoạn đầu, như ươm tạo ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm mẫu, mô hình kinh doanh và kiểm chứng thị trường để đánh giá tính khả thi. Sau khi sản phẩm đạt độ hoàn thiện, cần tiếp tục hỗ trợ về pháp lý, luật, sở hữu trí tuệ, giấy phép... và đào tạo kỹ năng tung sản phẩm ra thị trường.

“Đặc biệt, nhà trường cần đóng vai trò kết nối với các nhà đầu tư để sinh viên có được nguồn vốn và sự đồng hành về kinh nghiệm. Không nên để sinh viên ‘tự bơi’, bởi điều đó có thể dẫn đến thất bại trong quá trình thương mại hóa dù dự án rất khả thi”, bà Thoa nhấn mạnh.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 “kỳ lân” được định giá hơn 1 tỷ USD; 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD; hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung, 208 quỹ đầu tư, và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hồ Natron là nơi sinh sản thường xuyên duy nhất ở Đông Phi của loài hồng hạc nhỏ đang trong tình trạng bị đe dọa. Ảnh: Patrika.com - Southerntanzaniasafari.com

'Hồ Medusa' biến xác thịt thành đá

GD&TĐ - Từ lâu, các nhà khoa học đã bị thu hút bởi hiện tượng ly kỳ mà rùng rợn này nhưng đến nay, họ vẫn chưa thật sự giải mã hết nó.