Hỗ trợ mì gói để… xóa mù chữ

GD&TĐ - Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã duy trì được hoạt động mở lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ nhiều năm liền.

Giáo dục cho đồng bào dân tộc Khmer được tỉnh Vĩnh Long quan tâm phát triển bên cạnh lĩnh vực kinh tế - xã hội.
(Ảnh minh họa)
Giáo dục cho đồng bào dân tộc Khmer được tỉnh Vĩnh Long quan tâm phát triển bên cạnh lĩnh vực kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa)

Từ tỉnh đến xã đồng lòng

Ông Phạm Văn Hồng (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long) cho biết: Việc vận động và tổ chức lớp học xóa mù chữ là một chính sách cần được quan tâm đối với đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Đây là chủ trương của Tỉnh ủy. UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo tới các huyện, thị có đồng bào dân tộc sinh sống để triển khai mạnh việc mở lớp xóa mù chữ. Nơi làm tốt nhiệm vụ này nhất là huyện Tam Bình.

Công tác chống mù chữ ở huyện Tam Bình được thực hiện từ năm 1991, đến năm 1997 huyện có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ. Công tác PCGD - XMC của huyện luôn được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Kết quả PCGD - XMC của huyện luôn được duy trì và phát triển trong những năm qua.

Ở Tam Bình có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) với các ban ngành đoàn thể ở xã, nhằm thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nhất là Hội Phụ nữ thực hiện tuyên truyền cho chị em phụ nữ, nông dân mù chữ, tập trung vận động chị em ra lớp.

Sau khi tổng hợp cụ thể đối tượng mù chữ theo từng ấp, khóm, xã, thị trấn, Ban Giám đốc TTHTCĐ xây dựng kế hoạch mở các lớp XMC và sau XMC; tham mưu với Ban chỉ đạo PCGD, Đảng ủy, UBND xã về thực hiện kế hoạch mở lớp; phối hợp với các trường tiểu học trong địa bàn để xây dựng kế hoạch mở lớp; lập kế hoạch mở lớp và đăng ký mở lớp về Phòng GD&ĐT, kèm theo dự toán kinh phí mở lớp.

Trường tiểu học vào cuộc

Để tiến hành vận động học viên ra lớp, Ban Giám đốc TTHTCĐ phối hợp cùng Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công an, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… đến từng nhà để vận động học viên ra lớp theo đối tượng quản lý của từng tổ chức, đoàn thể.

TTHTCĐ cũng phối hợp với trường tiểu học để mở lớp. Trong đó, TTHTCĐ thực hiện vai trò quản lý lớp, đăng ký mở lớp, quyết toán kinh phí. Trường tiểu học chịu trách nhiệm phân công giáo viên dạy lớp, xếp thời khóa biểu, theo dõi quản lý lớp học, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học viên.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, TTHTCĐ mở lớp theo hướng có 5 học viên trở lên sẽ mở 1 lớp, có thể mở lớp riêng hoặc mở lớp ghép bảo đảm tổng số học viên/lớp 5 học viên trở lên. Địa điểm dạy là trụ sở ấp, trường tiểu học, nhà dân... nhưng phải bảo đảm có đầy đủ chỗ ngồi, đầy đủ ánh sáng, có trang thiết bị giảng dạy. Thời gian học tùy theo yêu cầu học viên và tình hình thực tế của xã; thời gian học mỗi tuần có thể từ 2 - 5 buổi, mỗi buổi có thể từ 3 - 5 tiết.

Về kinh phí tổ chức lớp học, huyện Tam Bình đã tổ chức chi trả kịp thời kinh phí mở lớp theo quy định bao gồm tiền giảng dạy của giáo viên, tiền quản lý lớp, văn phòng phẩm cho lớp học... Riêng đối với học viên diện khuyết tật và các đối tượng XMC - GD tiếp tục sau khi biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được hỗ trợ sách vở, học phẩm suốt khóa học.

Bên cạnh đó, để làm tốt XMC, huyện Tam Bình đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa GD để hỗ trợ cho việc mở các lớp XMC và sau XMC, như hỗ trợ dụng cụ học tập, có xã hỗ trợ mì gói, gạo, tiền… cho những học viên quá khó khăn để học viên tham gia học tập đầy đủ cho đến khi biết chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ