Dạy chữ ở Hang Kia

GD&TĐ - Gần 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, với lòng yêu nghề và trên hết là trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy sáng tạo, cô giáo Hà Thị Hằng đã cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên góp phần làm thay đổi cuộc sống của học sinh đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình).

Cô Hà Thị Hằng đến nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: T.G
Cô Hà Thị Hằng đến nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: T.G

Đến trường cùng cuốc, xẻng

Trường Tiểu học và THCS Hang Kia B nằm giữa thung lũng của bản Thung Ẳng, xã Hang Kia, cách thị trấn Mai Châu 60km và cách UBND xã Hang Kia hơn 10km. Để đến trường, lũ trẻ nơi đây phải đi qua những con đường đá hộc trơn trượt, một bên là núi, một bên là vực sâu. Do đó, tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao, bậc tiểu học gần 40%, THCS lên đến 66%.

Đường sá đi lại khó khăn trong khi nhà cách trường 86 km nên cô Hiệu trưởng Hà Thị Hằng chỉ về nhà trong 2 ngày cuối tuần. Hành trang trên xe của cô hiệu trưởng và các giáo viên khác trong trường ngoài thực phẩm thiết yếu còn có chiếc cuốc, chiếc xẻng để gạt bùn đất dọc đường.

 Có lần đến trường trong màn trời đẫm mưa mù, rét buốt, dù luyện tay lái trên cung đường này nhiều năm nhưng xe vẫn chao đảo. May có hai người Mông đi họp về thấy vậy nên vừa đi vừa chờ và soi đèn cho. Học sinh nhận ra cô giáo liền xúc đất, mở đường giúp cô đến trường. 
Cô Hằng kể lại

Hay như thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Hùng trong cơn cảm mạo một mình nằm chơ vơ giữa đường rừng vài giờ đồng hồ đến khi có học sinh nhận ra và đưa thầy về nhà. Rồi cô Hà Thị Thơm một lần hỏng xe phải bỏ lại giữa rừng để đi bộ gần 20km đến trường. Và không hiếm những câu chuyện “phó thác cho số phận” trên hành trình đi gieo chữ của các thầy, cô ở vùng đất Hang Kia.

Cô Hà Thị Hằng tâm sự: Thực lòng, khi được phân công về đây ai cũng thấy nản. Gần 100 km từ nhà đến trường là một hành trình cực kỳ vất vả. Trường Hang Kia có 20 thầy, cô thì cả 20 người đều đã từng bị ngã trên đường đến trường. Ai cũng có sẹo. Sẹo cũ chưa lành lại có thêm sẹo mới vì ngã xe.

Chủ tịch Công đoàn trường, cô Hà Thị Hồng góp chuyện: Ở đây, ngoài một số thầy, cô là người bản địa, việc đi lại có phần đỡ vất vả hơn. Còn lại, đa phần các thầy, cô giáo là người ở vùng dưới. Đầu tuần lên, cuối tuần thay nhau về. Những ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa đường trơn trượt, thậm chí sạt lở, xe máy chỉ dắt bộ hoặc đẩy chứ có đi được đâu.

Cũng có đường tắt từ Cun Pheo sang. Nhưng đây là lối mòn của người dân đi làm nương, chủ yếu là đi bộ vượt khe sâu, núi cao, suối chảy xiết. Đi đường nào cũng vậy, có khi đi từ sáng sớm, chiều muộn mới tới trường. Đến nơi, gặp cũng chỉ hỏi nhau có ngã nhiều không, đau ở đâu? Rồi lại vội vã thay quần áo để kịp giờ lên lớp. Tuy khổ nhưng các thầy cô vẫn thấy vui.

Lớp xóa mù chữ cho người lớn. Ảnh: T.G
Lớp xóa mù chữ cho người lớn. Ảnh: T.G

Vận động cha mẹ và học trò ra lớp

Dù ngôi trường được dựng lên từ năm 2003, nhưng vận động học sinh đến lớp là một hành trình cực kỳ gian nan của các thầy cô giáo tại Hang Kia bởi suy nghĩ “học chẳng để làm gì” đã trở thành tư duy cố hữu của người dân nơi đây. Để “kéo” học sinh đến trường, các thầy cô phải xắn quần, đốt đuốc vào bản, đến từng hộ tỉ tê phụ huynh đưa con, cháu trở lại lớp.

Xác định nguyên nhân khiến các em không được đi học là do bố mẹ không biết chữ. Bởi vậy, nhà trường đã lên kế hoạch dạy chữ cho cả bố mẹ các em. Các thầy, cô giáo lặn lội đến từng hộ dân để vận động người mù chữ tham gia lớp phổ cập giáo dục cho người lớn vào các buổi tối. Ban đầu, người dân còn lảng tránh. Nhưng với sự kiên trì, gần gũi, dần dần các thầy cô đã tuyên truyền, vận động được người dân tham gia lớp xóa mù và con trẻ đến lớp.

Ở Hang Kia, tất cả thầy trò như người trong một nhà. Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng được gọi là “người bố quốc dân” bởi thường xuyên cắt tóc cho học sinh. Thầy kể: Cha mẹ các em đi làm nương cả tháng, không ai chăm sóc, không có điều kiện đi hiệu cắt tóc nên các thầy cô trở thành thợ gội đầu, cắt tóc… bất đắc dĩ. Đến nay, không chỉ thầy Hùng, nhiều thầy cô khác có thể cắt tóc nhanh và đẹp không kém thợ chuyên nghiệp.

Không chỉ gội đầu và tắm cho các em. Ngày mưa, các cô phải đứng đợi sẵn để rửa chân cho học sinh vì quãng đường đến trường của các em rất lầy lội. Nhiều em đi học bị đói do bố mẹ đi nương cả tháng, các thầy cô lại nấu cơm, chuẩn bị chỗ ngủ trưa cho các em ăn - ngủ có sức học buổi chiều.

Trong quá trình dạy học, các thầy cô nắm rõ từng hoàn cảnh của các em, qua đó chia sẻ, giúp đỡ các em trong hành trình đến trường. Cô Hằng kể: Có những em hoàn cảnh rất đặc biệt như Giàng A Tráng, con ông Giàng A Của, gia đình không có đất canh tác nên bố mẹ phải đi kiếm sống ở tận Mộc Châu, để lại em ở nhà một mình. Các thầy cô trong trường thường xuyên đến nhà động viên em vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập.

Còn em Giàng A Cơ, xây dựng gia đình sớm, mới học lớp 9 đã có con gần 1 tuổi. Nhiều lần Cơ đòi nghỉ học vì không có người làm nương và trông con. Lúc đó, các thầy cô phải vận động em mang con đến lớp, cô trông con cho em học. Vào mùa vụ, các cô đi làm nương giúp gia đình, đồng thời giúp đỡ em về mặt kinh tế.

Gần 30 năm công tác, với lòng yêu nghề và trên hết là trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy sáng tạo cùng trăn trở với những khó khăn, thiệt thòi của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn, các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS Hang Kia B đã mang lại ánh sáng văn hóa, góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.