(GD&TĐ) - Xã Nhân Trạch, Bố Trạch - Quảng Bình, là một vùng quê có nhiều đời sinh sống, gắn bó với nghề đi biển. Lễ hội cầu ngư được tổ chức hàng năm ở Nhân Trạch với những điệu hát khoan chèo cạn khỏe khoắn, mạnh mẽ và những điệu hò biển ngọt ngào, gắn bó với công việc và cuộc sống hằng ngày của ngư dân, được bao thế hệ người dân nơi đây giữ gìn, phát triển…
Sau khi hòa bình lập lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các phong trào văn hóa, văn nghệ nói chung, trong đó có lễ hội cầu ngư và diễn xướng các làn điệu trong hát khoan chèo cạn, diễn xướng hò biển nói riêng ở Nhân Trạch bị lắng xuống. Trước thực trạng nguồn di sản văn hóa quý báu của quê hương có nguy cơ bị thất truyền, năm 2003 cụ Phạm Thị Niếu cùng với nhiều cụ cao tuổi, tâm huyết khác ở Nhân Trạch đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống xã Nhân Trạch. Các thành viên Câu lạc bộ tiến hành sưu tầm, phục dựng lễ hội cầu ngư hằng năm, góp phần khôi phục những làn điệu dân ca trong hát khoan chèo cạn, các làn điệu hò biển ở Nhân Trạch. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân trong xã và con em Nhân Trạch sinh sống ở trong và ngoài nước đã hỗ trợ cho Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống xã trên 70 triệu đồng. Hiện nay, các cụ trong Câu lạc bộ đã mua sắm được nhiều loại nhạc cụ, phục trang để phục vụ cho việc biểu diễn của mình, như các loại trống, mũ mão, áo quần, đăng, đèn…
Hát khoan chèo cạn gồm những điệu hò múa quạt, hát chèo cạn, hò đưa linh… là một loại hình diễn xướng bắt buộc, quan trọng không thể thiếu của phần lễ trong các lễ hội cầu ngư hằng năm và những điệu hò biển như hò mái nhị, hò là, hò hụi… khỏe khoắn, nhịp nhàng mô phỏng cuộc sống hằng ngày của người miền biển như đẩy thuyền, buông lưới, kéo lưới... không biết tự bao giờ, đã ngấm vào nước, vào cát, vào đất và vào cả giọng nói hiền từ của người dân vùng biển Nhân Trạch.
Với đặc trưng của văn hóa miền biển là công việc thường xuyên gắn bó với chiếc thuyền, con cá, con tôm, bằng các động tác nhanh, mạnh, dứt khoát, như đầy thuyền, kéo thuyền, buông lưới, kéo lưới, căng buồm…, nên các lời hát trong hát khoan chèo cạn, trong hò biển Nhân Trạch gần như chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát là chính với ngôn ngữ mộc mạc, quen thuộc.
Các thành viên CLB chuẩn bị biểu diễn |
Hát, múa chèo cạn chính là một nội dung quan trọng không thể thiếu và làm nên một bản sắc riêng, độc đáo của các lễ hội cầu ngư ở Nhân Trạch nói riêng và ở nhiều vùng biển ở Quảng Bình nói chung. Đúng như tên gọi của loại hình diễn xướng này, chèo cạn chính là diễn tả và mô phỏng trên cạn những hoạt động chèo thuyền của người đi biển làm nghề đánh cá. Nếu như ngày trước, theo quy định, việc trình diễn hát múa chèo cạn trong lễ hội cầu ngư thường chỉ dành cho những phụ nữ chưa chồng, thì nay ở Nhân Trạch, sau khi khôi phục lễ hội cầu ngư, việc trình diễn tiết mục chèo cạn chủ yếu do các cụ, các chị, các mẹ trong Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống của xã đảm nhiệm. Để trình diễn tiết mục này, đội văn nghệ chia ra đứng thành 2 hàng dọc, phía trước có 2 người diễn xướng (2 bà cai). Trước khi đi vào nội dung chính của chèo cạn thường có một bài xưng. Ỏ Nhân Trạch, hiện nay các cụ ở câu lạc bộ văn nghệ truyền thống đã sưu tầm được một bài xưng có lời hát như sau: “Non Nam phượng múa/Núi Bắc rồng chầu/Đất làng con hiếu võ cao sâu/Ngoài hương án ông cao vòi vọi/Tiếng ông linh vang dồn tám cõi/Sắc tứ phong sáng chói ngàn thu/Nay vui mừng vạn mở ca cù/Con nhi nữ chèo ba mở mái”.
Sau khi lời xưng kết thúc, thì các diễn viên múa chèo cạn mới bỏ mái chèo xuống để bắt đầu chèo theo điệu hát. Sau bài xưng, tiếp đến là điệu hò đưa linh kết hợp với các động tác chèo cạn nhịp nhàng dưới sự chỉ huy hưởng dẫn của 2 bà cai đứng trước. Hiện nay ở Nhân Trạch, còn sưu tầm và lưu truyền một điệu hò đưa linh sau đây: “Biển đông đài cát đại ngàn biển đông/Cúi đầu trăm lạy Đức ông/Cầu cho thất ứng, thất thông nhiều bề/Anh linh hiển hách nhiều bề/…Lý Nhân Nam vui thú hảo hề/Đức bà đẹp ý ghé vô lạch nhà…”
Múa quạt là một tiết mục diễn xướng không thể thiếu được thực hiện sau hò đưa linh trong hát khoan chèo cạn ở các lễ hội cầu ngư hàng năm ở Nhân Trạch. Cùng với các điệu hát có lời ngọt ngào, chất chứa ân tình, các động tác múa quạt nhịp nhàng do các thành viên của Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống xã Nhân Trạch thực hiện luôn để lại nhiều ấn tượng trong lòng người thưởng thức: “Nhìn xem phong cảnh làng ta/Trên sơn, dưới thủy đậm đà ái ân/Dân làng mở hội cầu Thần/Ông bà ứng cảm muôn phần vận may/Hải hà trống mở, cờ bay/Bốn bề nam bắc, đông tây rộn ràng/Thiên văn, địa lý hai hàng/Lên bành cưỡi ngựa, đại quan xuất hành/Cầu cho làng vạn hai gành/Thiên hạ đại cát dân an thái bình/Ngư thần an ngự trước lăng/Đặt bàn hương án kiệu xanh lộng vàng…” (Múa quạt).
Một thành viên cao niên của CLB đang ra bộ hát khoan chèo cạn |
Hò mái nhị là điệu hò được cất lên khi ngư dân thực hiện công việc chèo thuyền ra khơi trong đêm. Hầu hết những bài hò còn được lưu truyền hiện nay ở Nhân Trạch đều có nội dung diễn tả tình tình yêu, niềm tự hào của ngư dân trước nghề đi biển, niềm tự hào trước sự đổi thay, đi lên của quê hương mình.
Hò được người đi biển cất lên khi buông lưới đánh cá, vì thế lời bài hò thường có nhiều từ ngữ vui tươi, mạnh khỏe, âm điệu câu hò nhanh, mạnh, dứt khoát thể hiện sức mạnh của đôi bàn tay thoăn thoắt của ngư dân và tình yêu, niềm say mê lao động: “Hò … là… hô… là…là…hô…hô…là…/Là …hò… la… hô… là… la…hô…là…/Đưa mái chèo thuyền nhanh băng ra khơi/Lướt sóng, đẩy thuyền ta đi chơi vơi/Hò… là… hô… là…/ Nắng tỏa về phương trời mọc/Biển rộng bao la/Như ôm ấp những xóm làng/Kìa đàn cá lượn ngoài khơi/Cánh buồm vươn trong nắng mới/Lưới ta tung ra no ấm cả đời này/Lưới ta tung ra cho biển lặng, trời yên/Dô khoan/Lưới ta tung ra/Hò khoan/Chặn đầu cá ta đánh”…
Hát khoan chèo cạn, hò biển ở Nhân Trạch là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hình thức diễn xướng dân gian này không chỉ nhằm bộc lộ tình cảm thành kính của cư dân với công đức tổ tiên và tình yêu quê hương đất nước mà còn giúp họ giảm bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống, trong lao động, đồng thời cũng thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của cư dân vùng miền biển sinh sống nơi đầu sóng, ngọn gió…
Trương Văn Hà