(GD&TĐ)-Theo công bố của Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), 59% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt khi mua hàng hóa.
Các sản phẩm của Công ty cố phần sữa Vinamilk được nhiều người lựa chọn (ảnh MH) |
Sau 1 năm thực hiện cuộc vận động, lượng hàng hóa Việt được người tiêu dùng mua sắm đã tăng lên đáng kể. Tại TP. HCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại nhiều siêu thị chiếm tỷ lệ 95%. Trong 68 đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố, doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước là sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; thực phẩm, rau quả; các sản phẩm đồ gia dụng; vật liệu xây dựng, nội thất; văn phòng phẩm; đồ trẻ em…
Có được kết quả trên là do công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; Thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Kết quả trên cho thấy thị trường nội địa Việt Nam đang khá hấp dẫn. Các doanh nghiệp nước ngoài coi đây là cơ hội kinh doanh lớn và đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Một trong những nhân tố chính khiến thị trường nội địa được coi là thị trường có nhiều tiềm năng, đó là cơ cấu dân số của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam với dân số trên 87 triệu người sống trong nước, trong đó khoảng 70% là dân số trẻ. Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện nay đã đạt trên mức 1000 USD/người/1 năm. Bên cạnh đó, sức mua của các tầng lớp dân cư liên tục tăng. Nếu năm 2005 là 7,1 triệu đồng, năm 2008 là 11,68 triệu đồng thì năm 2009 dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng vẫn đạt 12,5 triệu đồng/người/ năm. Theo dự báo, tỷ lệ tiêu dùng này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Chính sức mua của nhân dân được kích thích nên đã thúc đẩy thị trường nội địa hoạt động tích cực và sôi nổi, hiệu quả hơn.
Các nhà phân phối trong nước đã có những hoạt động tích cực trong hoạt động kinh doanh nhằm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Các siêu thị lớn trên toàn quốc liên tục thực hiện những chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần quảng bá hàng Việt.
Cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền sản xuất trong nước, cho hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa. Sản phẩm, hàng hóa hiện nay đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì thế, các doanh nghiệp cũng không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp thị trường trong nước như kết hợp các phương thức phân phối hiện đại với phân phối truyền thống, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại kích thích sức mua, từ đó từng bước thay đổi được hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.
Qua cuộc vận động, ý thức của người tiêu dùng nước ta đã có những chuyển biến ban đầu, người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Do đó tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Theo kết quả điều tra gần đây của Công ty TV Plus thì sau gần 1 năm Bộ Chính trị phát động chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đã có trên 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt , trong khi trước đây còn số này chỉ dừng ở mức khoảng trên 23% (theo thống kê của Tập đoàn Grêy - Mỹ).
Qua cuộc vận động các cơ quan quản lý nhà nước cũng có cách nhìn mới về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó có tiếng nói đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, từ việc kiểm soát hàng nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước đến việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo vệ cho hàng hóa và thị trường nội địa
Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số hoạt động: tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa của người Việt Nam; hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất; xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn; Sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ xây dựng Đề án quốc gia về phát triển thương mại trong nước thông qua liên kết một số ngành dịch vụ (như phân phối, du lịch, vận tải, tài chính…) nhằm xây dựng và củng cố hệ thống phân phối hàng Việt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Minh Duy