(GD&TĐ) - Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân, việc làm đó càng có ý nghĩa hơn với một đất nước có bờ biển trải dài trên 3.000 km. Những diễn biến, tình hình phức tạp xẩy ra trên biển Đông trong thời gian qua đã buộc các ngư dân càng phải thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau vừa khai thác nguồn lợi thuỷ sản vừa bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mô hình tổ đoàn kết đánh bắt cá và tham gia bảo vệ biển đảo ở các địa phương ven biển huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ra đời đã đáp ứng được yêu cầu đó.
Chúng tôi đến thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vào những ngày giữa tháng 7. Đợt nắng nóng kéo dài là điều kiện rất thuận lợi cho những ngư dân bám biển dài ngày. Đồng chí Nguyễn Trường Thi, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết: Thị trấn Cửa Việt là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ tương đối lớn cả về số lượng và công suất của tàu. Tính đến thời điểm này thị trấn có 154 chiếc tàu thuyền, trong đó có 52 tàu từ 110 đến 165 sức ngựa và có khoảng 500 lao động tham gia đánh bắt xa bờ. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/tháng; trừ các loại chi phí còn khoảng 70 triệu đồng, số tiền trên được trả công cho người lao động. Thu nhập từ đánh bắt cá chiếm 50% tổng thu nhập của toàn thị trấn.
Tổ đoàn kết đánh bắt cá ở thị trấn Cửa Việt trước đây còn gọi là tổ tự quản để giúp đỡ nhau trên biển khi có những tình huống như mưa, bão hay hoà giải khi có tranh chấp ngư trường xẩy ra. Từ khi tình hình trên biển Đông có những diễn biến phức tạp, các tổ tự quản đã được gọi là tổ đoàn kết. Ngoài làm nhiệm vụ như tổ tự quản thì tổ đoàn kết còn có thêm nhiệm vụ là phối hợp với nhau bảo vệ ngư trường, bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên vùng biển của Tổ quốc. Hiện nay, ở thị trấn Cửa Việt thành lập được 3 tổ đoàn kết làm ăn trên biển. Các tổ thành lập được phân chia thành địa giới từng khu phố và cũng gọi tên tổ đoàn kết theo khu phố đó. Cụ thể ông Bùi Đình Sành, tổ trưởng tổ đoàn kết 5; Ông bùi Đình Chiến, tổ trưởng tổ đoàn kết 6; Ông Võ Lợi, tổ trưởng tổ đoàn kết 2. Trong các tổ đó có một số tàu thường xuyên tham gia đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa như tàu ông Võ Hồng Thanh, Võ Hồng Huynh, Bùi Cam, Nguyễn Tuấn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trước đây, các tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt thường làm ăn riêng lẻ, chủ yếu là dấu ngư trường. Nên quá trình khai thác thường bị các tàu lạ uy hiếp, xua đuổi. Từ khi tình hình trên biển Đông có những diễn biến phức tạp, bà con ngư dân đã tập trung khai thác trên một ngư trường khi có nhiều cá. Tập trung ở gần một ngư trường, nếu có tàu lạ xuất hiện sẽ có điều kiện để hỗ trợ nhau khi có tình huống bất trắc. Một số chủ tàu cho chúng tôi biết thêm, không tập trung đánh cá trên một khu vực và thường xuyên giữ liên lạc với các tàu bạn khi có tàu lạ thì rất dễ bị uy hiếp. Nếu nhiều tàu có quốc kỳ Việt Nam xuất hiện trên một vùng biển thì anh em đi trên tàu rất yên tâm làm ăn và vững tin bám biển. Như vậy có thể khẳng định tính đoàn kết, cố kết cộng đồng của cha ông ta trải qua hàng nghìn năm trong chống thiên tai, địch hoạ nay lại được bà con ngư dân phát huy để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên vùng biển đảo.
Tàu đánh bắt xa bờ cập cầu cá thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị. |
Không chỉ tổ đoàn kết ở thị trấn Cửa Việt gắn kết được việc đánh bắt với bảo vệ biển đảo mà ở xã Gio Việt cũng đã nhân rộng và thực hiện rất hiệu quả mô hình này. Cụ thể vào cuối tháng 3 năm 2011, tàu anh Nguyễn Thành Luận đang đánh bắt trên vùng biển phía Đông đảo Cồn Cỏ thì gặp 2 tàu nước ngoài có công suất lớn đến đe doạ, xua đuổi để giành ngư trường. Trước tình hình đó anh Luận đã điện cho các tàu của các anh Võ Trung, Võ văn Thức, Lê Văn Tuấn, Nguyễn văn Bường và một số tàu đánh bắt gần đó đến yểm trợ. Biết không thể đe doạ và giành được ngư trường của các ngư dân Việt Nam tàu lạ liền rút đi. Tháng 5 năm 2011, các tàu của tổ đoàn kết xã Gio Việt đang đánh bắt trên vùng biển phía Đông đảo Cồn Cỏ thì phát hiện một số tàu thuyền ở các tỉnh khác dùng mìn, bộc phá để đánh bắt cá. Các tàu của tổ đoàn kết đã tập trung ngăn chặn và báo cáo với các cơ quan chức năng biên phòng, kiểm ngư khu vực đảo Cồn Cỏ thu giữ phương tiện và xử lý kịp thời.
Việc phát huy vai trò của tổ đoàn kết không những góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn giúp đỡ nhau lúc có các tình huống bất trắc trên biển. Hôm chúng tôi đến cầu cá thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt thì gặp tàu cá của ông Nguyễn Trà vừa lai dắt tàu của ông Nguyễn Đức Di (bị hỏng cần lái không khắc phục được) từ vùng biển phía Đông Bắc đảo Cồn Cỏ vào bờ. Được biết, đây đang là thời điểm đánh bắt thuận lợi, nhưng khi có tàu bạn gặp khó khăn thì các tàu đánh bắt gần đó đã có mặt ứng cứu kịp thời. Tháng 2 năm 2011, tàu anh Nguyễn Văn Quang, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt bị chìm ở vùng cửa lạch. Lực lượng dân quân và ngư dân trong tổ đoàn kết đã tham gia cứu người và lai dắt tàu vào cầu cá.
Theo Thượng tá Trần Lương Thanh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Gio Linh, Quảng Trị thì đến nay ngoài các tổ đoàn kết, huyện còn tổ chức xây dựng 1 trung đội dân quân biển lực lượng dân quân được biên chế trên 9 tàu (chủ tàu là tiểu đội trưởng, trung đội trưởng dân quân biển). 6 tháng đầu năm 2011, Ban CHQS huyện và chính quyền các xã ven biển đã ký cam kết bàn giao 10 tàu gồm 100 thuyền viên, trong đó có 30 dân quân sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ trên biển khi có tình huống xẩy ra để bàn giao lực lượng phương tiện cho Vùng 3, Quân chủng Hải quân. Theo thống kê, báo cáo của Đồn biên phòng cảng Cửa Việt, 6 tháng đầu năm 2011, các tổ đoàn kết và ngư dân đã cung cấp cho đồn 30 tin có giá trị. Trong đó có 7 tin tàu lạ xâm nhập ngư trường Cồn Cỏ; 3 tin các tàu lạ đánh bắt cá bằng mìn, bộc phá; 2 tin tàu ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn trên biển… Từ những thông tin trên Đồn biên phòng cảng Cửa Việt đã phối hợp với Đồn biên phòng trên đảo Cồn Cỏ xử lý và cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Cùng với các đơn vị hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, những người ngư dân - chiến sĩ ở vùng biển Quảng Trị đang hằng ngày tham gia gìn giữ chủ quyền đất nước. Mặc dù quy mô của các tổ đoàn kết ở vùng biển Gio Linh còn nhỏ, nhưng sự ra đời của các tổ này đã thể hiện sự đoàn kết ngày càng chặt chẽ giữa các ngư dân với nhau và giữa ngư dân với các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Quốc Chính