Uống thuốc... đề phòng
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng, nhiều người dân không khỏi hoang mang và “truyền tai” nhau những đơn thuốc điều trị bệnh. Dù hoàn toàn khoẻ mạnh, không ít người mách nhau “găm” thuốc để đề phòng. Lướt qua mạng xã hội, không khó để bắt gặp những tài khoản tìm mua thuốc điều trị Covid-19 để phòng ngừa khi “khan hàng”.
Trong đó, tài khoản Ngô Thị Thu Hà chia sẻ: “Chẳng biết thuốc này tác dụng đến đâu, nhưng cứ làm viên gọi là ức chế virus, phòng chống cho chắc đã. Chắc cú mua luôn liều chữa trong trường hợp F0”. Thậm chí, người này “không quên” nhắn nhủ rằng, ai có kinh nghiệm mua thuốc để phòng trường hợp là F0 tại nhà thì hãy cùng chia sẻ đơn thuốc.
Dưới phần bình luận, hàng loạt tài khoản bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm “phòng hơn chữa” này của chị Hà. Hầu hết mọi người chia sẻ đã “thủ sẵn” các loại thuốc điều trị Covid-19 tại nhà, dù phải mua với mức giá không hề rẻ, khoảng từ “2 đến 3 triệu đồng một liều”. Song, nhiều tài khoản bảo nhau: “Đắt nhưng mua xong cũng yên tâm”.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng chia sẻ, gia đình một người quen nhiễm Covid-19 không triệu chứng, nhưng vẫn chi 8 triệu đồng để mua thuốc điều trị. Tuy nhiên, sau 6 ngày sử dụng, những F0 này đều rơi vào tình trạng ho nhiều. Bác sĩ Hùng cảnh báo, thuốc chữa Covid-19 có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 nhẹ.
Có “cung”, ắt có “cầu”. Với tâm lý mua thuốc trị Covid-19 đề phòng của người dân, hàng loạt cửa hàng tranh thủ rao bán công khai. Một số Facebook quảng cáo có sẵn các loại thuốc như Molnupiravir, Favipiravir... và sẵn sàng giao “hoả tốc”.
Với việc quảng cáo tràn lan trên mạng, người dân dễ dàng mua được các loại thuốc phòng và điều trị Covid-19. Miễn chi tiền, là có thuốc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dù chưa hiểu hết về các loại thuốc này, nhưng người dân vẫn uống.
Chưa kể, “ăn theo” nhu cầu của người dân, gần đây, nhiều sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn cử như mới đây, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã phát hiện và thu hàng nghìn viên thuốc điều trị
Covid-19 có nhãn mác của Nga, không có hóa đơn chứng từ. Đối tượng bán hàng khai nhận đã lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, thu gom thuốc từ các nguồn trên mạng rồi thông qua trang Facebook cá nhân để quảng cáo và bán kiếm lời.
Trước đó, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh việc đăng tải thông tin liên quan đến mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng và thuốc không có nguồn gốc.
Nguy cơ bệnh nặng
Chia sẻ về các loại thuốc điều trị Covid-19, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, F0 tại nhà chỉ nên dùng thuốc kháng virus trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Mỗi đợt nên dùng 5 - 10 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm. Khi đang dùng thuốc kháng virus, không được kết hợp với thuốc kháng viêm corticoids.
“Khá nhiều bệnh nhân có bệnh nền đang dùng thuốc kháng đông. Các bệnh nhân có bệnh về van tim, bệnh tiểu đường, bệnh xơ vữa mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, ít vận động... đều có nguy cơ dễ tạo cục máu đông. Từ đó, gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Với các bệnh nhân này thì dù có nguy cơ Covid-19 hay không, đều cần dự phòng bằng việc uống thuốc kháng đông hằng ngày”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, với người khoẻ mạnh, thuốc kháng đông có nguy cơ gây chảy máu. Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, những người đang chảy máu (xuất huyết dạ dày, kinh nguyệt...), hoặc bị các chứng bệnh dễ chảy máu (giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu...) không được dùng thuốc kháng đông để dự phòng.
Trong khi đó, theo bác sĩ Hoàng, kháng viêm là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất, nhưng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. “F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng không được dùng thuốc kháng viêm”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Chuyên gia này lý giải, thuốc kháng viêm corticoids làm giảm miễn dịch, cũng như đề kháng của cơ thể. Trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập, dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến virus càng dễ dàng nhân lên. Bên cạnh đó, thuốc kháng viêm corticoids còn khiến người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm...
Corticoids làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, F0 chỉ dùng thuốc kháng viêm khi SpO2 thường xuyên ở mức 94% trở xuống. Đồng thời, F0 tại nhà phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
“Corticoids chỉ có tác dụng khi Covid-19 ở mức độ vừa hoặc nặng. Các khuyến cáo trên tạp chí y khoa danh tiếng đều yêu cầu chống chỉ định dùng corticoids khi người bệnh chưa đến mức nhập viện”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.