Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir hiệu quả đến đâu?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, hiệu quả của thuốc Molnupiravir không cao như các báo cáo ban đầu.

Tính an toàn của Molnupiravir vẫn cần được theo dõi.
Tính an toàn của Molnupiravir vẫn cần được theo dõi.

Ngoài ra, người khỏe mạnh không có yếu tố nguy cơ, đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì nguy cơ trở nặng rất thấp khi mắc Covid-19. Do đó, việc sử dụng Molnupiravir trên mọi F0 mới nhiễm là không cần thiết.

Hiệu quả không cao như báo cáo

Bộ Y tế cho biết đến nay, đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát thuốc kháng virus Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.

Chương trình này được triển khai dựa trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới. Các nghiên cứu cho thấy, kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong...

Theo Bộ Y tế, sau một thời gian sử dụng Molnupiravir, các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy, thuốc này có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị. Đặc biệt, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02% - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir) có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ.

Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc.

Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà phải có văn bản của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Chia sẻ về thuốc Molnupiravir, Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) dẫn chứng, kết quả của một nghiên cứu trước đây trên 762 bệnh nhân cho thấy, Molnupiravir giảm nguy cơ nhập viện khoảng 50%. Cụ thể, tỷ lệ này giảm từ 14% trong nhóm chứng xuống còn 7,3% trong nhóm điều trị.

Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu khác trên 646 bệnh nhân cho thấy, Molnupiravir không có hiệu quả. Nói cách khác, nguy cơ nhập viện ở nhóm điều trị và nhóm chứng không khác nhau.

“Theo tôi, một loại thuốc mới có hiệu quả thì phải giảm nguy cơ nhập viện ít nhất là 50%. Nếu dùng tiêu chuẩn này, xác suất mà Molnupiravir có hiệu quả chỉ 42%”, chuyên gia này nhận định.

Bên cạnh đó, tính an toàn của thuốc cũng là một trong những yếu tố được quan tâm. Giáo sư Tuấn giải thích, Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus trong nhóm có tên mutagenic ribonucleosides. Điều đó có nghĩa, cơ chế chính của thuốc là làm thay đổi chất liệu di truyền của virus để nó không thể sao bản.

“Theo đó, khi Molnupiravir vào nhân của tế bào con người, nó được chuyển hóa thành Molnupiravir triphosphate.

Protein này gắn kết vào RNA của con virus và gây đột biến để nó không tự “copy” được. Chính vì cơ chế này mà người ta quan tâm là thuốc Molnupiravir có thể can thiệp vào tế bào của con người.

Trong thực tế, nghiên cứu trên dòng tế bào đã chỉ ra điều đó. Người ta quan tâm là vì thuốc có thể gây ung thư hay dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nhưng đây chỉ là nghiên cứu trên dòng tế bào, không phải trên người”, chuyên gia lý giải. 

Không cần thiết dùng cho mọi F0

Giáo sư Tuấn cho biết, các thuốc khác như Remdesivir cũng dùng cơ chế này để chống Covid-19 và có hiệu quả tốt. Do đó, chuyên gia này nhận định, Molnupiravir dường như có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không cao như báo cáo ban đầu. Ngoài ra, còn có quan ngại về sự an toàn của thuốc. Song, vấn đề này cần thời gian để được làm rõ.

Trong khi đó, TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) - cũng cho rằng, kết quả nghiên cứu đầy đủ mới nhất cho thấy, Molnupiravir không tốt như trông đợi.

“Thuốc này cũng đi kèm với một loạt lo lắng về tính an toàn lâu dài. Do đặc điểm cơ chế của thuốc là gây biến dị cho RNA của virus, người ta lo ngại nó cũng có thể gây biến dị cho ADN của người, gây ung thư, đặc biệt các loại tế bào phân chia nhanh như tế bào máu, hay tinh trùng. Vì lý do này, thuốc có chống chỉ định cho phụ nữ mang thai, cho con bú”, TS Trung dẫn chứng.

Do đó, phụ nữ đang muốn mang thai không được dùng Molnupiravir, hoặc phải dùng các biện pháp tránh thai. Phụ nữ đang cho con bú phải ngừng cho bú tới 4 ngày sau ngừng thuốc.

Ngoài ra, theo TS Trung, một lo ngại khác là thuốc có thể tạo ra các biến dị ở virus. Điều đó khiến virus nguy hiểm hơn, có thể dễ lây hoặc kháng vắc-xin. Tình trạng này gây nguy hiểm đặc biệt ở những người không điều trị đủ liệu trình hoặc bị suy giảm miễn dịch.

“Để cho phép sử dụng thì luôn là cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Tuy nhiên, sử dụng tràn lan trên mọi F0 mới nhiễm có lẽ là thiếu cẩn trọng vì các nguy cơ an toàn chưa hiểu rõ.

Thanh niên, trung niên khỏe mạnh không có yếu tố nguy cơ, đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì nguy cơ trở nặng rất thấp. Việc sử dụng Molnupiravir trên mọi F0 mới nhiễm là không cần thiết”, TS.BS Trần Nam Trung nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.