Hành động nhỏ của bố mẹ giúp con gắn bó, yêu thương nhau

GD&TĐ - Thực ra để bọn nhỏ yêu thương nhau, đoàn kết, gắn bó với nhau không khó. Nhưng có những tiểu tiết lại rất dễ bị không ít cha mẹ bỏ qua.

Trong gia đình, trẻ cần được yêu thương như nhau. Ảnh minh họa: ITN.
Trong gia đình, trẻ cần được yêu thương như nhau. Ảnh minh họa: ITN.

>>> Cần can thiệp sớm khi phát hiện trẻ có cảm xúc đố kỵ

>>> 'Giải mã' cảm xúc đố kỵ của trẻ

Rất nhiều trẻ, ngay cả ở trong gia đình cũng thường đố kị với anh, chị, em của mình. Do đó, cha mẹ cần ứng xử khéo léo từ hành vi ngôn ngữ đến cử chỉ để giảm bớt cảm xúc đó ở trẻ.

Đoàn kết ngay trong gia đình

Về vấn đề này, nhà văn Lê Thanh Ngân đã nêu câu chuyện thực tế khi dạy con để trẻ biết đoàn kết, gắn bó ngay trong chính gia đình của mình:

Thực ra để bọn nhỏ yêu thương nhau, đoàn kết, gắn bó với nhau không khó. Nhưng có những tiểu tiết lại rất dễ bị không ít cha mẹ bỏ qua. Đó là cách giao tiếp, xưng hô, thể hiện tình cảm với các con hàng ngày.

Ngoại trừ lúc nói chuyện riêng với các vấn đề mang tính riêng tư thì tôi thường xuyên xưng hô mẹ - bọn con/hai đứa. Rồi lần lượt lắng nghe ý kiến của từng đứa. Không để một trong hai không có cơ hội được bày tỏ quan điểm.

Ví dụ: Khi hai chị em đang ở cùng một phòng, mẹ đang nói chuyện với Boi còn Ri đang vẽ. Kết thúc câu chuyện với Boi mà muốn nói mẹ yêu con thì cũng vẫn luôn luôn nói “Mẹ yêu hai chị em lắm!”, “Mẹ yêu Ri Boi”. Vì dù Ri có không tham gia vào cuộc trò chuyện nhưng con bé vẫn lắng nghe.

Hoặc khi một trong hai đứa muốn đi chơi ở đâu đó, bày tỏ mong muốn với mẹ, ngay lập tức mẹ sẽ hỏi ý kiến của từng người. Trong trường hợp không thể thống nhất địa điểm thì phương án cuối cùng là oẳn tù tì. Bọn trẻ luôn rất hài lòng với kết quả của trò oẳn tù tì vì dù có thua, chúng cũng chấp nhận xem như là may rủi chứ không liên quan đến sự bất công bằng trong cách đối xử của cha mẹ.

Hay khi chuẩn bị ra ngoài đạp xe nhưng đồ chơi vẫn ngổn ngang trong phòng. Mẹ bảo: “Khi nào 2 chị em dọn đồ chơi xong thì mình đi ra công viên nhé. Nếu tối mới dọn xong thì tối đi. Mà 1 trong 2 không dọn thì mình ở nhà nhé”.

Vậy là hai chị em không ai dám lười dọn, chị thấy em dọn chậm thì dọn giúp, em thấy chị dọn chậm thì lại cố gắng làm nhanh hơn. Chúng bắt đầu hình thành tư duy làm việc nhóm. Và lờ mờ nhận ra kết quả của người kia có ảnh hưởng tới mình. Hai chị em là một đội, phải giúp nhau tốt lên.

Thực ra là cũng có lúc cãi nhau rất hăng khi bất đồng quan điểm nhưng bởi vì thói quen cần lắng nghe ý kiến của nhau đã ngấm vào máu nên dù có bực vẫn cố kiềm lại để nghe nốt người kia nói gì, cuối cùng vẫn tìm được cách giải quyết. Dù có ghét cũng chỉ ghét được một chốc một lát là lại cần đến nhau rồi.

Chỉ bằng những hành động nhỏ thôi như cách xưng hô, cách nói chuyện, cách đặt vấn đề với các con nhưng khi làm liên tục, nhiều ngày tháng trôi qua, bọn trẻ mặc định rằng hai chị em chính là gia đình của nhau. Chúng luôn luôn có nhau, gắn kết với nhau và quan trọng hơn cả là được bố mẹ yêu thương, tôn trọng, lắng nghe như nhau.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tạo cơ hội cho trẻ chăm sóc nhau

Bọn trẻ có năng lực quan sát và cảm nhận vô cùng nhạy bén. Bố mẹ cứ nói một đằng nhưng làm lại một nẻo thì mãi mãi con cái không bao giờ nghe theo một cách tâm phục khẩu phục. Dù có bị ép buộc phải làm thì điều đó cũng không xuất phát tự nhiên từ trong tâm thức của chúng.

Theo cô Nguyễn Thu Hương, Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội), khi được giao trách nhiệm, bản thân trẻ sẽ thấy mình là người quan trọng không chỉ với em, mà còn với cha mẹ. Vì thế, hãy tạo cơ hội để trẻ lớn được cùng bố mẹ tham gia chăm sóc em bé.

Dù trẻ nhỏ, nhưng không có nghĩa trẻ không tiếp thu được những gì bạn nói. Đơn giản là trẻ cần nhiều thời gian hơn. Và bố mẹ nên kiên nhẫn, từ từ tạo cho trẻ thói quen biết quan tâm đến em bé ngay từ trong bụng mẹ cũng như khi em bé chào đời. Hãy tìm cách lôi kéo trẻ vào việc chăm sóc em để trẻ thấy có trách nhiệm với em và không thấy bị “bỏ rơi”.

Cũng theo cô Hương, khi bé tranh cãi hay xảy ra xô xát, bố mẹ cần phải dạy con cách đối phó với tình huống tranh cãi. Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại và cởi mở hơn, hãy tâm sự với con về tình huống đánh nhau lúc trước.

Không ít những ông bố, bà mẹ vì quá mệt mỏi trước những “cuộc chiến” thường xuyên của trẻ nên đã để cho chúng “tự xử”. Bố mẹ sẽ rất bất ngờ khi thấy trẻ sau một hồi tranh giành, khóc lóc chúng lại thân thiện, ríu rít “anh anh, em em”.

Tuy nhiên, bố mẹ không nên hoàn toàn để trẻ tự giải quyết mà hãy âm thầm dõi theo chúng. Khi cuộc cãi vã của các con lên đến đỉnh điểm và bản thân các bé không thể tự giải quyết với nhau được thì người lớn cần đứng ra làm trọng tài hòa giải. Lúc này, bạn không cần phân xử xem ai đúng ai sai mà nên hỏi rõ ngọn ngành cũng như lắng nghe chăm chú lý do của từng bé rồi diễn đạt lại điều mà con muốn nói.

“Nếu các bố mẹ muốn con mình đoàn kết, hãy điều chỉnh hành vi và cách trò chuyện của chính mình. Đừng chỉ dừng lại ở vài lời nhắc nhở thoảng qua như ‘Phải nhường nhau chứ. Phải yêu thương nhau chứ. Không được đánh nhau’. Bởi, chúng chẳng quan tâm tới mấy lời đó đâu. Chúng chỉ tin nhất vào những thứ chúng mắt thấy tai nghe diễn ra hàng ngày thôi.

Nói thì đơn giản nhưng làm thì lại cần rất nhiều sự tinh tế. Trong cách ứng xử với các con hàng ngày thì tiểu tiết luôn luôn rất quan trọng”, nhà văn Lê Thanh Ngân cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.