>>> 'Giải mã' cảm xúc đố kỵ của trẻ
Đồng thời, sự đố kỵ khiến trẻ không muốn chia sẻ điều gì với bất cứ ai. Tình trạng này nếu không được can thiệp, trẻ dễ bị dẫn đến chứng trầm cảm.
Đừng để đố kị nảy mầm
Ganh tỵ, đố kỵ ở trẻ đôi khi lại do chính hành vi ứng xử của cha mẹ. Những thói quen, câu nói tưởng chừng như đơn giản lại khiến trẻ có cảm xúc tiêu cực với người khác.
Một bạn trẻ từng tâm sự trong nhật ký: “Khi còn là học sinh, tôi thấy sự đố kỵ nhen nhóm trong mình. Đó là một lần có khách đến nhà chơi, một cô giáo tiếng Anh - bạn của mẹ. Muốn khoe con học giỏi nên mẹ gọi hai chị em ra để cô thử tài. Câu trả lời của tôi chưa thoả mãn. Cô quay sang hỏi em trai, nhưng mẹ bắt tôi đứng để nghe. Sau đó mẹ nói: Con nghe em trả lời chưa, như vậy mới đúng và đầy đủ.
Khi ấy ngực tôi đau nhói, và khó thở. Chỉ sau buổi sáng, tôi cảm thấy đứa em trai trả lời câu hỏi kia đã hoá thành kẻ thù của mình. Tôi bắt đầu thấy em giỏi hơn tôi, viết chữ đẹp, giao tiếp khéo léo khiến ai cũng vừa lòng… Tôi không bao giờ quên cảm xúc đó, bởi để gột bỏ nó, cuối cùng là một hành trình mỏi mệt và đau khổ vô cùng tận”.
TS Nguyễn Thu Trang - giảng viên Học viện Thanh Thiếu niên cho rằng, cha mẹ dễ mắc sai lầm khi dạy con phải đoàn kết, yêu thương, tôn trọng mọi người trong khi suốt ngày ca thán, so sánh, kiểm soát khiến trẻ nảy sinh cảm giác đố kỵ.
Câu chuyện trên của một bạn trẻ chính là ví dụ. Sự so sánh, đối xử bất công, thiên vị của người lớn khiến sự đố kỵ, ganh ghét nảy mầm trong đứa trẻ.
Theo TS Trang, mỗi người có những kiểu đố kỵ khác nhau. Ví dụ, bạn có thể đố kỵ với những người đi xe sang, du thuyền, trong khi người khác ghen tỵ với hình thức của một người đẹp mà họ thấy trên tivi.
Trong lớp, trẻ có thể đánh bạn vì không nhường đồ chơi, hay không chơi với bạn chỉ vì bất đồng ý kiến, không đồng ý một việc làm gì đó. Hay ở nhà trẻ có thể nói trống không với người lớn, chưa biết tôn trọng hay biết ơn những người trong gia đình của mình.
Một số nghiên cứu cho rằng, đố kỵ có xu hướng thay đổi theo độ tuổi. Đối với trẻ thời thơ ấu, cha mẹ có thể nhận thấy những dấu hiệu ghen tuông khi các con đang chơi cùng nhau, tranh giành, khóc lóc, thậm chí đánh nhau. Ở tuổi trưởng thành, sự ghen tuông rõ ràng hơn khi trẻ nói về người kia bằng cảm xúc tiêu cực, có người còn cố gắng cản trở sự tiến bộ của đối phương.
Ảnh minh họa ITN. |
Cần can thiệp sớm
TS Nguyễn Thu Trang chia sẻ, ở Nhật, trẻ em biết hỗ trợ nhau từ khi còn rất nhỏ. Cha mẹ Nhật dạy các bé luôn biết cách đoàn kết và giúp đỡ nhau để hoàn thành công việc được giao.
Từ những hoạt động của trường, lớp, những trò chơi tập thể, hay những lúc ở nhà, trẻ em Nhật Bản đều rất tự giác tham gia chơi, cùng nhau giải quyết mọi vấn đề. Tinh thần đồng đội này đã được hun đúc ngay từ bé, ở những việc nhỏ nhặt nhất.
Ngày nay, không chỉ ở Nhật Bản, môn Đạo đức rất được chú trọng trong trường học. Làm thế nào để dạy trẻ những đức tính tốt từ sớm là rất quan trọng, từ đó giúp trẻ lĩnh hội bài học một cách tự nhiên không cứng nhắc, gò bó. Những bộ phim hoạt hình với câu chuyện cuộc sống với nội dung hay, sinh động, phù hợp độ tuổi sẽ giúp trẻ dần nhận thức được và học hỏi theo hiệu quả nhất.
Theo TS Trang, ghen tỵ đôi khi không phải là cảm xúc nhất thời mà là cả một quá trình dồn nén. Do đó, cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều hơn để lắng nghe những mối quan tâm, nỗi sợ hãi, lo lắng của trẻ. Điều này giúp bạn hiểu được nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy ghen tỵ và có cách xử lý kịp thời. Bởi không can thiệp sớm, trẻ có thể mắc chứng trầm cảm vì cảm xúc tiêu cực này.
“Tâm lý ghen tỵ có thể khiến trẻ nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Người lớn hãy tìm cách biến những cảm xúc đó thành nỗ lực để trẻ cố gắng phấn đấu.
Chẳng hạn, nếu anh chị em hoặc bạn bè của trẻ có thành tích học tập tốt hơn, hãy khuyến khích trẻ học tập chăm chỉ và đạt điểm cao hơn thay vì ghen tỵ với thành tích của người khác. Thậm chí, có thể khuyên trẻ lấy đó làm tấm gương để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm”, TS Trang bày tỏ quan điểm.
Cũng theo cô Trang, trong quá trình dạy trẻ, con có thể có những hành vi hoặc thái độ không tốt. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà cha mẹ la mắng hay trừng phạt trẻ quá nghiêm khắc. Hãy nhớ rằng, trẻ đang phải đối mặt với những cảm xúc vô cùng khó chịu và trẻ rất cần sự quan tâm của người lớn.
TS Nguyễn Thu Trang cho biết, cha mẹ và ngay cả thầy cô giáo cũng cần lưu ý, việc so sánh trẻ với những đứa trẻ khác vô tình tạo ra cảm xúc tiêu cực cho trẻ nhỏ. Do đó, đừng so sánh trẻ với bất cứ đứa trẻ nào. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và có tài năng khác nhau. Hãy quan sát xem trẻ có năng khiếu với lĩnh vực gì và tìm cách giúp trẻ phát triển sẽ tốt hơn là đem trẻ đi so sánh với những người khác rồi có thái độ ứng xử thiên vị, bất công.