TS Phạm Hùng Hiệp – Chuyên gia Tư vấn của Ban QLDA SAHEP (Dự án Nâng cao chất lượng Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT) - Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.
Nhận diện về bền vững tài chính
* Trong quá trình triển khai tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đối diện với nhiều thách thức, trong đó có việc đảm bảo nguồn tài chính. Vì thế, vấn đề về bền vững tài chính trong cơ sở GDĐH được các nhà quản lý giáo dục quan tâm. Vậy vấn đề này nên được hiểu như thế nào – thưa TS?
- TS. Phạm Hùng Hiệp: Bền vững tài chính trong GDĐH nói chung và trong cơ sở GDĐH nói riêng có thể được hiểu và tiếp cận theo nhiều cách khác nhau. Trong nghiên cứu của mình, Lai và cộng sự đã tổng kết 3 mốc như sau:
Từ 1970 đến hết những năm 1990, hai từ khóa “bền vững” và “GDĐH” chủ yếu liên quan tới nhau thông qua các nghiên cứu về môi trường và tác động của nó tới phát triển bền vững.
Trong những năm 2000, hai từ khóa “bền vững” và “GDĐH” lại được gắn kết với nhau thông qua các chủ đề mới như: bền vững và học tập suốt đời, bền vững và e-learning hay giáo dục về sự bền vững.
Còn trong thập niên 2010 – 2020, việc bền vững gắn liền mật thiết với GDĐH liên quan với sự kiện Liên hiệp quốc ban hành 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals), trong đó có riêng một mục tiêu số 4 (SDG4) là về giáo dục.
Các nghiên cứu khác cũng khẳng định rằng vững về tài chính một trong những thách thức lớn nhất đối với cơ sở GDĐH trong thời gian tới và chỉ những trường có cơ cấu tài chính đủ mạnh và có các nguồn thu ổn định mới có thể đáp ứng được yêu cầu về bền vững tài chính.
Hai chỉ số đánh giá mức độ bền vững tài chính
* Giới chuyên gia có đề cập đến hai chỉ số đánh giá mức độ bền vững tài chính của cơ sở GDĐH. Vậy TS có thể cho biết cụ thể hơn về hai chỉ số này?
- TS. Phạm Hùng Hiệp: Hai chỉ số này là chỉ số tương đối (HHI) và chỉ số tuyệt đối (RPS).
Chỉ số HHI (Hirschman – Herfindahl Index) được giới thiệu lần đầu vào năm 1993 và để đo lường mức độ tập trung hoặc cạnh tranh của thị trường. HHI được tính bằng tổng bình phương thị phần của mỗi công ty tham gia vào một thị trường, có giá trị từ 0 đến 10.000 và thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp và chiếm 100% thị trường thì HHI sẽ nhận giá trị tương ứng là 10.000.s
HHI sau này được chuẩn hóa và có giá trị từ 0 đến 1 thay vì từ 0 đến 10.000. HHI có giá trị từ 0 đến 1.500 hay từ 0 đến 0,15, thị trường có mức độ cạnh tranh cao, từ tương ứng từ 1.500 đến 2.500 hay từ 0,15 đến 0,25, thị trường sẽ có mức độ cạnh tranh vừa và từ 2.500 đến 10.000 hay từ 0,25 đến 1,00, thị trường sẽ có mức độ cạnh tranh thấp (hay tập trung cao).
HHI về sau được các nhà nghiên cứu tài chính sử dụng để đánh giá mức độ bền vững về tài chính của một đơn vị hay một tổ chức tùy thuộc vào một đơn vị, tổ chức có có bao nhiêu nhiều nguồn tài chính.
HHI khi dùng để đánh giá mức độ bền vững về tài chính của đơn vị, tổ chức cũng được phân theo 3 mức: 0 đến 1.500 hay từ 0 đến 0,15 nhận giá trị mức độ bền vững về tài chính cao; 1.500 đến 2.500 hay từ 0,15 đến 0,25 nhận mức độ bền vững về tài chính trung bình và 2.500 đến 10.000 hay từ 0,25 đến 1,00 nhận mức độ bền vững về tài chính thấp.
Đối với GDĐH, HHI được sử dụng để đánh giá sự đa dạng hóa nguồn thu của các trường đại học như Laura và cộng sự (2011) đã sử dụng để đo lường mức độ đa dạng hóa thu nhập của 200 cơ sở GDĐH nghiên cứu ở Châu Âu, Webb (2015) đã sử dụng HHI để đo lường mức độ đa dạng hóa thu nhập của 814 trường đại học và cao đẳng tư thục ở Mỹ, Garland (2020) đã thông qua HHI để ước tính mức độ dễ bị hao hụt tài chính của 102 trường đại học công lập, không chuyên ở Anh...
Tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về Giáo dục Đương đại tổ chức tại Nga năm 2019, Firsova và cộng sự đã trình bày nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích kinh tế và thống kê, tính toán chỉ số HHI để đánh giá mức độ tập trung của số lượng sinh viên và giá trị doanh thu của các hệ thống giáo dục đại học trong khu vực.
Ưu điểm của chỉ số HHI là giúp các nhà quản lý nắm được mức độ bền vững về tài chính của nhà trường trên cơ sở xem xét các nguồn thu khác nhau. Nếu nhà trường quá phụ thuộc vào một nguồn thu nhất định, thì chỉ số HHI tương ứng sẽ cao phản ánh mức độ không bền vững về tài chính, quá phụ thuộc vào một nguồn tài chính.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này có một nhược điểm là chỉ tính được mức độ bền vững tương đối (relatively) của trường đại học chứ không xác định được mức độ bền vững theo khía cạnh tuyệt đối (absolutely).
Chỉ số tuyệt đối là chỉ số RPS, phản ánh mức độ bền vững theo con số tuyệt đối và được tính bằng tổng doanh thu của trường đại học trên tổng số sinh viên, hay còn gọi là doanh thu trên đầu sinh viên.
HHI, RPS có thể áp dụng phạm vi vĩ mô và phạm vi cơ sở GDĐH
* TS có đề xuất gì về việc sử dụng 2 chỉ số trên để đánh giá mức độ bền vững tài chính của các cơ sở GDĐH tại Việt Nam?
- TS. Phạm Hùng Hiệp: Trong quá trình xây dựng báo cáo cho Dự án SAHEP, chúng tôi đã phân tích khả năng áp dụng và điều kiện áp dụng 2 chỉ số HHI và RPS đối với các CSGDĐH ở nước ta.
Khi sử dụng chỉ số HHI, mức độ bền vững về tài chính của các CSGDĐH được chia làm 5 mức độ từ mức độ bền vững: cao (HHI trong khoảng 0.0-0.2) đến khá cao, trung bình, khá thấp và thấp (HHI trong khoảng 0.8-1).
Đối với chỉ số RPS, mức độ bền vững về tài chính cũng được chia làm 5 mức độ như đối với chỉ số HHI và giá trị PRS tương ứng của mức bền vững: cao là > 120% GDP đầu người Việt Nam trong năm tương ứng, khá cao là 100%-120%, trung bình là 80%-100%, khá thấp là 60%-80%, thấp là 60% GDP đầu người Việt Nam trở xuống
Một cơ sở GDĐH được xem là bền vững cao nếu như 2 chỉ số HHI và RPS đồng thời phải đạt mức cao. Nếu 1 trong 2 chỉ số này đạt ở mức thấp hơn thì mức độ bền vững về tài chính của cơ sở GDĐH này sẽ đạt ở mức thấp hơn tương ứng.
Ví dụ, một cơ sở GDĐH có HHI đạt mức cao và RPS đạt mức khá cao, cơ sở GDĐH này có mức độ bền vững về tài chính chung ở mức “khá cao”. Tương tự, nếu RPS đạt mức cao trong khi HHI chỉ đạt mức trung bình, cơ sở GDĐH này có mức độ bền vững về tài chính chung ở mức trung bình.
Hai công cụ được giới thiệu trên đây là công cụ để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát hoạt động tài chính tại các cơ sở GDĐH, lại vừa có thể là các công cụ của bản thân các cơ sở GDĐH nhằm giám sát hoạt động nội bộ của mình. Tuy nhiên, những công cụ này cần được áp dụng vào thực tiễn để kiểm chứng tính đúng đắn và khả năng áp dụng của chúng.
* Xin cảm ơn TS!