Tự chủ đại học - cần sự chủ động của người đứng đầu

GD&TĐ - Tự chủ đại học là khái niệm không còn xa lạ. Thời gian qua, nhờ sự quyết liệt trong thực hiện, nhiều cơ sở GD trở thành điểm sáng về tự chủ.

Giảng viên và SV Trường ĐH Hồng Bàng trao đổi nhóm.
Giảng viên và SV Trường ĐH Hồng Bàng trao đổi nhóm.

Kinh nghiệm từ đơn vị trên cho thấy, để tự chủ thành công cần sự chủ động của người đứng đầu, đồng lòng thực hiện mục tiêu của tập thể. 

Kiên định mục tiêu

Sự kiên định và sẵn sàng đương đầu với những rào cản, thách thức theo nhiều cán bộ quản lý được xem là điểm mấu chốt để các đơn vị đang xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đi đến đích, nhất là với các trường ĐH công lập.

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm nên mỗi trường sẽ tự lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

“Tự chủ được xem là một con đường để tìm kiếm phương cách thúc đẩy sự xuất sắc trong học thuật, quản lý tài chính và quản trị của cơ sở giáo dục. Đi chệch  quỹ đạo, có thể kết luận một cách chắc chắn rằng tự chủ đã được sử dụng một cách sai lầm. Ở Trường ĐH Lạc Hồng nhiều năm nay, mọi chính sách, chiến lược đều luôn được triển khai trên việc lấy ý kiến tập thể nên những vướng mắc gần như đều được tập thề đồng lòng cùng nhau tháo gỡ” - TS Quỳnh cho biết.

Thực tế nhìn vào các đơn vị đi đầu trong việc thí điểm và thực hiện cơ chế tự chủ thời gian qua như Trường ĐH Tôn Đức Thắng; ĐH Kinh tế TPHCM; ĐH SPKT TPHCM hay ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM có thể thấy cơ chế tự chủ đã và đang giúp các đơn vị trên vươn mình mình mẽ trong mọi mặt, nhất là chất lượng đào tạo, môi trường học thuật và vị thế NCKH trên bản đồ khu vực.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM cho biết: Tự chủ giúp các cơ sở GDĐH theo đuổi có toàn quyền trong việc quyết định những vấn đề thuộc về học thuật như là chương trình, tài liệu giảng dạy, phương pháp sư phạm, kỹ thuật đánh giá thành quả học tập của sinh viên. Qua đó giúp các trường chủ động hơn trong việc sắp xếp và tổ chức bộ máy quản lý, gia tăng các cơ chế tài chính để thúc đẩy hoạt động chuyển giao và nghiên cứu khoa học (NCKH), từ đó thúc đẩy sự năng động và phát triển của từng cá nhân và kéo theo đó là sự vững mạnh của cơ sở GDĐH.

“Trong một quá trình và giai đoạn thực hiện cơ chế mới, không thể không có những thách thức và khó khăn xuất hiện. Đó có thể là tư duy chưa chịu đổi mới, thay đổi của một số cán bộ; đó có thể là những rào cản về các quy định, thể chế. Tuy nhiên, khi xác định rõ mục tiêu của sự thay đổi ấy là hướng đến người học, hướng đến việc gia tăng phúc lợi cho cán bộ, giảng viên và nhân viên của nhà trường, đặc biệt là tạo không gian học thuật có tính cạnh tranh; cơ chế khuyến khích công tác chuyển giao và NCKH tốt hơn... thì chúng tôi (Hội đồng trường, Ban giám hiệu, quản lý khoa, phòng) đều sẵn sàng kiên định cho sách lược đã đề ra”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ.

SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong giờ học.
SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong giờ học.

Tâm thế sẵn sàng đối mặt thách thức

GS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhận xét: “Tự chủ đại học Việt Nam thí điểm vào năm 2014 cho đến nay đã có nhiều tiến bộ, với kinh nghiệm đã được đúc kết trong Luật 34 cùng với Nghị định 99. Tuy nhiên, tự chủ về nguồn lực tài chính của các trường phần lớn vẫn dựa vào học phí. Nhưng điều đáng nói mức học phí theo cơ chế tự chủ của nhiều trường hiện nay vẫn chưa “thoát” ra hẳn các quy định để hướng đến sự đầu tư, phát triển mà chủ yếu là để tồn tại.

Đây là thách thức lớn cho hội đồng trường và ban giám hiệu các trường theo cơ chế tự chủ. Bởi nếu các trường chưa có mức học phí đủ tốt, coi học phí là giá dịch vụ đào tạo được tính đúng tính đủ theo định mức kinh tế - kỹ thuật (đúng tinh thần của Luật 34, Nghị định 99 và Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT) sẽ rất khó phát triển. Hiện ở Việt Nam chưa nhiều trường làm được vấn đề này” - GS Hoài nói.

Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, đằng sau vấn đề tính đúng tính đủ định mức kinh tế - kỹ thuật và yếu tố phát triển việc tự chủ học phí có hai thách thức nền móng cần chú ý: Bảo đảm định mức và phát triển cho hoạt động đào tạo phải có sự hỗ trợ Nhà nước, do đào tạo là dịch vụ có tác động tích cực với kinh tế, xã hội. Sự hỗ trợ Nhà nước sẽ giúp phát huy tính tính cực của GDĐH, bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận, cũng như tạo đột phá theo ngành hoặc vùng miền.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu và xây dựng các nền tảng để phát triển tự chủ học phí: Quy trình khảo sát mức độ hài lòng của sinh viên cho toàn hệ thống đại học; cơ sở dữ liệu về các trường đại học; cơ sở dữ liệu về sinh viên, gồm thông tin khi đang theo học và thông tin việc làm sau khi tốt nghiệp (có thể chia mức thời gian 6 tháng, 2 năm); cơ sở dữ liệu về các ngành chi phí cao, các nhóm yếu thế và mức sống của họ. Trên cơ sở đó xây dựng chính sách dài hạn về tự chủ học phí, Chính phủ cần có chính sách và cơ chế trợ giá những ngành chi phí cao (kĩ thuật, sức khỏe), có chính sách và cơ chế cho vay với những nhóm yếu thế, đi kèm là hệ thống tín dụng để kiểm soát tiền vay nhằm thúc đẩy toàn hệ thống phát triển đồng đều.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng nhìn nhận: Hiện nay, phần lớn các trường công lập vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí. Các nguồn thu về chuyển giao công nghệ, tư vấn pháp luật còn ít. Tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng của tự chủ ĐH, nếu không bảo đảm nguồn thu sẽ là thách thức lớn.

“Tự chủ cần toàn diện, nếu nửa vời sẽ khó khả thi, khó có sức mạnh hệ thống. Trường ĐH Nông Lâm tuy mới tự chủ 75% nhưng đang quyết liệt đi theo những định khung, phân tách trách nhiệm từng bộ phận. Hiện, trường đang tính toán để tiến tới thực hiện cơ chế khoán có sự đánh giá hiệu quả. Bởi chúng tôi quan niệm, muốn tự chủ thành công  phải cùng nhau cởi bỏ tư duy bảo thủ để hướng về vấn đề lớn hơn, đó là sự phát triển của tổ chức, đơn vị” - TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Khi tự chủ, nếu người đứng đầu có tâm, tầm, uy tín, vì lợi ích chung sẽ tạo đà cho sự phát triển. Chúng ta dễ thấy tính chất đặc thù của hệ thống GDĐH,  đó là đổi mới quản lý Nhà nước và sự tham gia giám sát của xã hội, gắn với quy định  trách nhiệm giải trình của các trường. - TS Trần Đình Lý 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.