Tự chủ đại học: Hiểu rõ để bắt nhịp

GD&TĐ - Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, tự chủ ĐH cũng trở thành xu thế tất yếu tại Việt Nam.

Tự chủ đại học đang bước vào giai đoạn khởi đầu quan trọng.
Tự chủ đại học đang bước vào giai đoạn khởi đầu quan trọng.

Tuy nhiên, vì ở giai đoạn khởi đầu nên việc hiểu rõ, nhận thức đúng là nội dung quan trọng được đặt ra để triển khai thành công tự chủ ĐH. 

Xu thế tất yếu

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) cho biết: Ngày nay, tự chủ được coi là nguyên tắc nền tảng để phát triển giáo dục ĐH, được thừa nhận và thực hiện rộng rãi trong phạm vi quốc tế. Đặc biệt từ sau năm 2000, với cạnh tranh quốc tế về giáo dục ĐH, vấn đề này càng được quan tâm, đặc biệt là các nước phát triển, nhằm tăng cường điều kiện, năng lực cho các trường ĐH trong hội nhập, cạnh tranh giáo dục trong phạm vi toàn cầu. Ở Đức, quyền tự chủ ĐH được quy định trong hiến pháp liên bang, hiến pháp của các bang. Quyền tự chủ ĐH và cơ chế quản lý Nhà nước với giáo dục ĐH được quy định cụ thể hơn trong Luật Giáo dục ĐH và các văn bản pháp lý liên quan khác. 

“Việt Nam đang trên  đường hội nhập quốc tế. Tự chủ giáo dục ĐH ở Việt Nam cũng là yếu tố tất yếu cần thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục, giúp giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập và góp phần giúp đất nước hội nhập, phát triển bền vững” - TS Nguyễn Văn Cường cho hay.

Tự chủ ĐH ở Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu nhưng nhận được sự quan tâm từ chính phủ cũng như bản thân các trường ĐH; đồng thời đã có những thành tích đáng khích lệ, như thành lập hội đồng trường, kiểm định chất lượng các trường ĐH. Một số trường ĐH của Việt Nam đã có mặt trong bảng xếp hạng các tường ĐH quốc tế. Nhấn mạnh đây là  hướng đi đúng đắn trong xu hướng hội nhập quốc tế về giáo dục ĐH, TS Nguyễn Văn Cường đồng thời lưu ý: Tự chủ ĐH là tính độc lập và quyền tự do học thuật (tự do nghiên cứu và tự do giảng dạy) của các trường ĐH được bảo đảm về luật định, để việc nghiên cứu thành công hơn và giảng dạy tốt hơn. Quyền tự chủ ĐH được chia nhỏ thành tự chủ về tài chính, pháp lý, tổ chức và nhân sự. Những quyền tự chủ này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tự do nghiên cứu và giảng dạy của trường ĐH. 

“Để việc thực hiện tự chủ ĐH tiếp tục phát triển đúng hướng, tránh những chậm trễ hay chệch hướng không đáng có, nên rà soát và hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan, bao gồm Luật Giáo dục ĐH cũng như các văn bản, vấn đề liên quan khác, như quy chế hội đồng trường, vấn đề bộ chủ quản. Trong đó, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng những giải pháp riêng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thực hiện tự chủ ĐH là một quá trình phát triển. Cần có những bước triển khai quyết liệt, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện và phát triển về văn bản pháp lý cũng như các biện pháp triển khai trong thực tiễn” - TS Nguyễn Văn Cường nêu quan điểm.

Sự cạnh tranh trong nâng cao chất lượng đào tạo sẽ tăng cao khi tự chủ được triển khai đồng bộ.
Sự cạnh tranh trong nâng cao chất lượng đào tạo sẽ tăng cao khi tự chủ được triển khai đồng bộ.

Nhận thức đúng để đi đúng hướng

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Tự chủ ĐH, tuy được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung là sự chủ động, tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện các mục tiêu, tự quyết định và có trách nhiệm với các quyết định đó trong các hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH trên cơ sở quy định của pháp luật. Tự chủ ĐH có nghĩa là các cơ sở giáo dục ĐH được nắm trong tay vận mệnh của chính mình, có động lực để đổi mới nhằm đạt hiệu quả hoạt động cao hơn, tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục ĐH. Do vậy, quản trị ĐH theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường ĐH được coi là trọng tâm của sáng kiến cải cách giáo dục ĐH trên khắp thế giới. Mức độ tự chủ chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị, hình thái lịch sử, kinh tế, xã hội khác nhau nên vấn đề tự chủ sẽ khác nhau ở các quốc gia.

Tại Việt Nam, Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) đã giải thích rõ khái niệm quyền tự chủ. Theo đó: “Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục ĐH được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục ĐH”. Như vậy, tự chủ ĐH được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật và phụ thuộc vào năng lực của các cơ sở giáo dục ĐH chứ không phải mọi cơ sở giáo dục ĐH đều được tự chủ một cách đồng đều. 

“Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH gắn liền với trách nhiệm giải trình, tức là quyền luôn đi liền với trách nhiệm. Quyền và trách nhiệm này một lần nữa được khẳng định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi): “Cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật”. Đặc biệt Luật quy định: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH. Đây là quy định hết sức quan trọng, khẳng định “tính ưu tiên” của quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH, có thể vận dụng khi có những mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định liên quan đến quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH” – bà Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Tự chủ ĐH không có nghĩa là không có quản lý Nhà nước, mà là quản lý theo luật định nhằm tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho nhà trường trên cở sở tăng cường sự độc lập, tính tự quyết định. Tự chủ về tài chính không có nghĩa là các trường phải tự lo về tài chính. Nhà nước vẫn có trách nhiệm đầu tư tài chính cho các trường công nhưng tăng cường quyền tự quyết của trường về tài chính trên cơ sở những quy định khung. - TS Nguyễn Văn Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ