Hạ tầng đô thị quá tải do mục tiêu giãn dân các quận ở nội đô không đạt, trong khi dân số Hà Nội tiếp tục tăng nhanh sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính. Điều này đã gây nhiều hệ lụy cho ngành Giáo dục. Các bậc phụ huynh thâu đêm xếp hàng, giành cơ hội cho con đi học là hình ảnh rõ nhất về áp lực cho giáo dục Hà Nội hôm nay.
Chuyện học ở những “điểm nóng”
Năm học 2023 - 2024, thầy và trò Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chào đón gần 800 học sinh khối 6. Bà Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, “sức nóng” về số lượng học sinh khối 6 đã giảm một phần so với những năm học trước. Đặc biệt là năm học 2021 - 2022 số lượng học sinh khối 6 tăng đột biến với 897 học sinh được chia làm 18 lớp.
“Năm học này tuy có giảm nhưng so với các địa bàn khác thì số lượng học sinh vẫn lớn, trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn...”, bà Hà chia sẻ.
Tương tự, tại Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hơn 800 học sinh khối 6 (năm học 2023 -2024) tựu trường.
Ở năm học trước (2022 - 2023) hơn 700 phụ huynh phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) đi bốc thăm giành suất cho con ba tuổi vào trường mầm non công lập. Dấu mốc đầu đời của con trẻ được quyết định bởi bàn tay may rủi của cha mẹ.
Lo lắng mất ngủ là tâm trạng của anh Trọng (chung cư Linh Đàm) khi nhận được giấy mời đi bốc thăm giành suất học cho con vào trường mầm non công lập. Anh bùi ngùi bởi về ở thường trú tại phường Hoàng Liệt từ lâu, nhưng khi con đến tuổi đi học mầm non, là dấu mốc quan trọng đầu đời của con trẻ lại phụ thuộc vào may rủi của người lớn.
Tuy nhiên, anh Trọng và hàng trăm phụ huynh khi đó cũng buộc phải chấp nhận bởi đó là cách duy nhất đảm bảo công bằng khi số hồ sơ đăng ký gấp đôi năng lực tiếp nhận của trường. Lý do, Trường Mầm non Hoàng Liệt (năm học 2022 - 2023) chỉ có thể nhận 333 trẻ ba tuổi.
Trong khi phụ huynh phải xếp hàng bốc thăm giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt thì nhiều ô đất được quy hoạch xây trường ở phường này do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư lại bị bỏ hoang 20 năm.
Theo báo cáo của UBND quận Hoàng Mai, trong số 12 ô đất quy hoạch trường học trên địa bàn phường Hoàng Liệt đang bị bỏ hoang, có nhiều ô do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư, đã quây tôn khoảng 20 năm, để cỏ dại mọc, hoặc chỉ tận dụng làm bãi trông xe.
Đáng mừng là sau nhiều nỗ lực cố gắng, năm học này đã không còn tình trạng bốc thăm may rủi giành suất học cho con. Khai giảng năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Hoàng Liệt đón hơn 1.000 em.
Còn tại quận Bắc Từ Liêm, chị Hồng Nhung - cư dân tòa nhà Ecohome2 (phường Đông Ngạc) cho biết: Dù Trường Tiểu học Đông Ngạc chỉ cách nhà 300m nhưng do số lượng học sinh vào lớp 1 năm học 2023 - 2024 qua rà soát vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh, gia đình đành phải cho con đi học ở xa.
“Khi liên hệ để đăng ký tuyển sinh cho con, được biết số lượng trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 năm học 2023 - 2024 Trường Tiểu học Đông Ngạc quá đông. Vì vậy, nhà trường chỉ tuyển trẻ có hộ khẩu thường trú trước ngày 8/5/2023 thuộc phân tuyến tuyển sinh của trường trên địa bàn phường Đông Ngạc, Khu chung cư Ecohome 1, 2, 3... trường hợp nhà mình tạm trú không trong diện được tuyển sinh...”, chị Hồng Nhung chia sẻ.
Tại quận Cầu Giấy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Anh nêu cụ thể về tình trạng quá tải các cấp học. Cụ thể, Cầu Giấy hiện có 102 trường học với hơn 75.000 học sinh, trong đó có 41 trường công lập với 51.000 học sinh. Sĩ số bình quân thì ở hầu hết các khối học đều vượt so với quy chuẩn của Bộ GD&ĐT. Dự kiến đến năm 2030, toàn quận thiếu 29 trường các cấp học, trong khi quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng hạn chế.
Lãnh đạo TP Hà Nội và Sở GD&ĐT làm việc với quận Hoàng Mai về quỹ đất xây trường học. |
Sức ép do dân số đông
Bước vào năm học mới 2023 - 2024, ngày 6/9, đoàn khảo sát của HĐND Hà Nội đã làm việc với quận Hoàng Mai về công tác tuyển sinh đầu cấp, xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và việc cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố trên địa bàn quận.
Ông Võ Xuân Trọng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nói rằng, chính quyền quận đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp, xây dựng, công nhận trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, áp lực dân số tăng nhanh (năm 2004 có 18,7 vạn dân nhưng đến năm 2023 có trên 70 vạn dân), dẫn đến quá tải hệ thống giáo dục trên địa bàn quận. Trung bình mỗi năm tăng 4.000 học sinh, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp, lại thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập, nên việc công nhận trường chuẩn quốc gia rất khó khăn. Hiện nay, mới có 41/59 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Cũng do nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn quận tăng nhanh hằng năm, cơ sở vật chất của một số trường không thể đáp ứng kịp thời. Diện tích sân trường của nhiều trường còn nhỏ hẹp gây khó khăn cho công tác tổ chức các hoạt động tập thể.
Số phòng học không tăng theo kịp so với yêu cầu dẫn đến số học sinh/lớp tăng cao, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ vào trường mầm non công lập đạt tỷ lệ thấp, học sinh tiểu học phải học luân phiên vào thứ bảy mới đảm bảo học 2 buổi/ngày.
Đáng lưu ý, trên địa bàn quận có 19 khu đô thị có 68 ô đất quy hoạch trường học, nhưng số các ô quy hoạch trường học chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ.
Tại cuộc làm việc ngày 11/7/2023 với quận Hoàng Mai, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh lớn của Hà Nội.
Học sinh mầm non, tiểu học, THCS của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh/nhóm, lớp. Cụ thể, đối với cấp mầm non, quận Hoàng Mai có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp; cấp tiểu học là 47,6 học sinh/lớp; khối THCS là 45,5 học sinh/lớp; còn cấp THPT là 46 học sinh/ lớp. Hoàng Mai hiện có 3.710 cán bộ, giáo viên, cơ bản đáp ứng về số lượng giáo viên trên địa bàn.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất quận Hoàng Mai tiếp tục dành quỹ đất đầu tư cho trường học bởi tại địa bàn quận, số lượng trường công lập còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi tâm lý của phụ huynh học sinh là mong muốn con em được học trường công lập.
Sở GD&ĐT Hà Nội xác nhận, các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là địa bàn “nóng” về số lượng học sinh, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giáo dục. Bên cạnh đó những địa bàn tập trung nhiều khu dân cư mới, có “sức ép” do dân số đông.