Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

Bài 1: Tiếng trống khai trường lịch sử

GD&TĐ - Tròn 15 năm mở rộng địa giới hành chính (2008 - 2023), Hà Nội đã có bước chuyển mình mang tầm vóc lịch sử.

Cơ sở vật chất, trường lớp khang trang sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội.
Cơ sở vật chất, trường lớp khang trang sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội.

Thủ đô khoác áo mới với diện mạo to đẹp, khang trang, văn minh hiện đại hơn. Tuy nhiên, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu dân sinh, nhất là trường học cho học sinh, dẫn đến quá tải, “nén chặt” ở nội đô.

Dời lớp tạm sang trường điểm

Ông Nguyễn Danh Cường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì.

Ông Nguyễn Danh Cường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì.

Bước vào năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục và chính quyền Thủ đô đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp “giải sức nén” áp lực trường lớp, tạo “không gian rộng” để giáo dục Thủ đô bứt phá, xứng tầm là “cánh chim đầu đàn” của giáo dục cả nước.

Cách Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) khoảng 3km, không khí năm học mới 2023 - 2024 rộn ràng tại Trường Mầm non Tiên Phong. Những dãy nhà ba, bốn tầng nhiều màu sắc được xây mới với các phòng học hiện đại, lắp đặt điều hoà từng lớp.

“Khoảng 15 năm trước, nhà trường còn thiếu phòng học, diện tích chưa đạt chuẩn, có cả phòng học tạm ở điểm lẻ. Nhưng sau đó, nhà trường được đầu tư từ phòng ốc khang trang cho đến trang thiết bị. Ba năm nay, số học sinh trung bình giảm còn 400 em/năm...”, bà Phạm Thị Phương Anh - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.

Là giáo viên gắn bó với Trường Mầm non Tiên Phong trên 30 năm, bà Đỗ Thị Nhàn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng bồi hồi xen lẫn mừng vui nhớ lại những ngày phải đi học nhờ nhà thờ, nhà văn hoá. Giờ trẻ nhỏ đã được học tập ở cơ sở hiện đại, có đủ tivi, máy tính, điều hoà, phòng học tách biệt phòng ăn.

“Nhận thức của phụ huynh, xã hội dần thay đổi với giáo dục mầm non. Từ tâm lý các cô trông trẻ, chưa tổ chức bán trú thì nay các em được học chương trình 2 buổi/ngày, ăn bán trú, có đồng phục tươm tất khi tới lớp...”, bà Nhàn chia sẻ.

Ông Lê Mạnh Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng (có hơn 20 năm gắn bó với ngành Giáo dục huyện Ba Vì) bày tỏ: Trước năm 2008, hơn 1.200 học sinh của trường học trong những dãy nhà cấp 4 cạnh nền sân đất lọt thỏm trong khuôn viên nhỏ chừng 4.000 m2.

“Mỗi khi đến giờ ra chơi, các thầy cô phải đóng cửa lớp vì các em nghịch ngoài sân, bụi bay như sương mù. Đến ngày mưa, sân trường ngập ngụa bùn đất, cả thầy cả trò xắn quần, xách dép lên lớp. Đến năm 2008, trường chuyển từ Hà Tây về Hà Nội thì cơ sở vật chất đã tốt hơn rất nhiều. Dần dần, các dãy nhà cao tầng, sân chơi lát gạch, phòng vi tính được đầu tư...”, ông Lê Mạnh Thắng kể.

Vị hiệu trưởng này nói thêm, đón năm học mới 2008 - 2009 thay vì những bài diễn văn dài, tái hiện thành tích của nhà trường thì khai giảng năm đó ngắn gọn trong khoảng một giờ đồng hồ. Đó là ngày hội đầu tiên của các em khi về Thủ đô nên thầy cô muốn các em biết thêm về bối cảnh, định hướng giáo dục.

Có thể nói, từ ngày Ba Vì về Hà Nội, các kỳ vọng về nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên đã thay đổi tích cực.

Còn đó những trăn trở

Ông Nguyễn Danh Cường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết, ngành đã có những bước phát triển vững chắc sau 15 năm về với Hà Nội. Quy mô trường lớp của 3 cấp học phát triển, đáp ứng yêu cầu 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường. Hiện tượng học sinh bỏ học gần như không còn.

Trong ký ức của ông Cường, Ba Vì trước đây là địa phương khó khăn, nhiều lớp học tạm, không kiên cố. Bên cạnh đó có nhiều điểm trường lẻ cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp.

Đến nay, địa bàn không còn phòng học tạm. Nhiều trường, điểm trường được đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa. Hiện nay có trên 2.000 phòng học kiên cố và hàng trăm phòng chức năng, trang thiết bị được trang cấp đáp ứng yêu cầu dạy học.

Số giáo viên đạt trình độ đào tạo trên địa bàn huyện hiện đạt gần 90%. Cấp học mầm non, tỷ lệ trẻ ăn bán trú trên 99%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân chỉ còn 3,7%.

Năm học 2022 - 2023 trong kỳ thi Học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, huyện Ba Vì xếp thứ 13/30 quận huyện. Tuy nhiên, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cũng bày tỏ, nâng cao chất lượng giáo dục vẫn chưa được như kỳ vọng, đời sống giáo viên, học sinh còn nhiều khó khăn.

Nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm Hà Nội 30 km, huyện Mê Linh hiện có 82 cơ sở giáo dục (20 trường mầm non, 32 trường tiểu học, 23 trường THCS, 6 trường THPT và 1 Trung tâm GDTX) với tổng có 43.936 học sinh (trong đó có 9.445 trẻ mầm non).

Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết, 15 năm hợp nhất, ngành Giáo dục Mê Linh đã có những đổi mới, duy trì chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.

Cô và trò Trường Mầm non Tiên Phong (huyện Ba Vì).

Cô và trò Trường Mầm non Tiên Phong (huyện Ba Vì).

“Kể từ khi về Hà Nội, Mê Linh đã tổ chức các kỳ thi cấp huyện và tham gia đầy đủ các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố do Sở GD&ĐT tổ chức. Chỉ tính riêng kết quả kỳ thi Học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2022 - 2023, huyện Mê Linh đã có 118 học sinh dự thi. Kết quả có 60 học sinh đạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 11 giải Nhì, 21 giải Ba và 27 giải Khuyến khích...”, ông Hậu thông tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Mê Linh còn nhiều khó khăn trong công tác xã hội hóa giáo dục. Huyện này có 2 thị trấn, 16 xã, chủ yếu là dân cư nông thôn nên việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục từ các nguồn huy động ngoài ngân sách chưa được nhiều.

Bên cạnh đó công tác quản lý, ngành GD&ĐT huyện Mê Linh chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của thời đại và của và kỷ nguyên số. Trình độ giáo viên chưa đồng đều, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn hạn chế. Trình độ giáo viên trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 còn thấp. Việc đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và chuyển đổi số trong giáo dục còn chậm…

“Mê Linh chưa có trường chất lượng cao, chỉ có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tiến độ xây dựng của các trường công nhận lại chuẩn quốc gia còn chậm, nhiều trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhưng chưa đủ điều kiện công nhận lại khi áp dụng theo Thông tư 13, 14 của Bộ GD&ĐT. Việc này đòi hỏi lượng kinh phí lớn để đầu tư mới đảm bảo điều kiện đề nghị đánh giá và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia...”, ông Nguyễn Văn Hậu bày tỏ.

Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, diện mạo giáo dục cực Nam của Thủ đô vẫn còn khó khăn. Ông Nguyễn Mạnh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 89 trường mầm non, phổ thông với gần 44.000 học sinh. Toàn huyện có gần 3.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

“Dù được TP Hà Nội quan tâm hỗ trợ 38 dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, các cơ sở giáo dục đảm bảo đủ phòng học, bàn ghế học sinh, tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học không bảo đảm diện tích…”, ông Nguyễn Mạnh Huy chia sẻ.

“Cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội năm 2008 diễn ra trước thềm khai giảng năm học mới 2008 - 2009, đánh dấu một mốc son lịch sử khi hàng triệu học sinh thuộc tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), một số xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) về Hà Nội. Bên cạnh không khí náo nức của tiếng trống khai trường là những kỳ vọng về nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất sau sáp nhập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.