(GD&TĐ) - Nói đến Tết là nói đến văn hoá ẩm thực của người Hà Nội. Việc đầu tiên cần quan tâm là nồi bánh chưng đã thu hút cả nhà tham gia từ khâu chẻ lạt, rửa lá dong, vo gạo đến việc gói bánh sao cho vuông vắn, đẹp mắt. Rồi việc luộc bánh, trông nồi bánh cũng là niềm vui cho mọi người trong đêm 30 Tết. Các em nhỏ dù có buồn ngủ đến mấy nhưng vẫn cố thức để chờ bánh chín, để được ăn thử chiếc bánh chưng nhỏ xinh mà cha mẹ đã gói dành riêng cho. Khi bánh được vớt ra, mọi nhà không quên chọn 4 chiếc bánh đẹp nhất, đầy đặn nhất để đặt lên bàn thờ cúng các vị thần linh và gia tiên.
Tiếp đến là việc gói giò. Phải là thứ giò lụa mà gia đình tự giã từ loại thịt nạc thăn ngon nhất. Có gia đình cầu kỳ hơn thì cho trứng gà luộc xếp thành hình hoa chanh giữa lòng cây giò để khi cắt bày trên đĩa, mỗi khoanh giò như một bông hoa trông thật đẹp mắt. Ngoài ra, còn gói thêm giò thủ, giò chân và làm các loại chả ngon hoặc đặt ở những cửa hàng nổi tiếng tại Hà Nội. Các gia đình còn chú ý tới các món ăn truyền thống khác được ưa chuộng trong ngày Tết như: nồi cá kho, nồi thịt đông và không thể thiếu một vại dưa hành muối chung với dưa cải để ăn kèm thịt đông. Mâm cỗ ngày Tết cũng là điều hết sức quan trọng đối với mọi gia đình để cúng dâng lên các vị thần linh và tổ tiên. Mâm cỗ Tết cổ truyền bao giờ cũng phải đầy đủ 10 món ăn trong đó gồm 5 bát, 5 đĩa. Cỗ bát gồm các món: miến, bóng, măng, mọc, nấm; cỗ đĩa gồm: thịt gà luộc, giò, chả, xào, nộm. Sang trọng thì có thêm bóng cá dưa, cá thủ, vây cá, bào ngư, long tu, tổ yến,... Những gia đình giàu có, người ta xếp “bát dưới, đĩa trên” gọi là cỗ tầng.
Người Hà Nội xưa đi sắm Tết (ảnh TL) |
Sau cái ăn là đến cái mặc. Người Hà Nội xưa trong những ngày Tết rất coi trọng cách mặc sao cho gọn gàng, lịch sự, trang trọng mang nét đẹp truyền thống dân tộc. Người nghèo ngày thường có thể mặc áo vá lao động kiếm sống nhưng trong ngày đầu xuân mọi người đều cố để có một bộ áo quần tươm tất để đi lễ chùa, chúc Tết, chơi xuân. Đàn ông thường là quần chúc bâu trắng, áo lương hoặc áo the, khăn lượt. Đàn bà thì áo the màu tam giang, màu gụ với thắt lưng dài màu hoa đào, màu thiên thanh hoặc nguyệt bạch và tấm váy sồi hoặc quần lĩnh tía. Nếu trời rét thì mặc thêm tấm áo bông trần quân cờ.
Với nhà giàu thì cách trang phục cầu kỳ hơn và mang nét đẹp quí phái. Ngày Tết chính là dịp để các ông, các bà, các cậu, các cô,... đi du xuân, chúc Tết với những bộ áo quần nhiều màu sắc rực rỡ nhưng vẫn chuẩn mực theo phong tục tập quán cổ truyền dân tộc. Dù nam hay nữ, mọi người đều phô áo đoạn, áo gấm lam tam thể, thất thể rất sang trọng. Nữ thường vận gấm màu tím có hoa nhỏ. Đến khi có hàng Tây thịnh hành thì áo dài được may bằng chất liệu vải mới đắt tiền như dạ, len, nhung, satanh... Nam giới thì chuyển sang vận âu phục, simôkinh, ba đờ xuy... về giầy dép, với đàn ông nhà nghèo cần có một đôi guốc mới, đàn bà ngoài guốc có thể mua một đôi dép cong da sống. Đàn ông nhà giàu thì sắm giầy Gia Định, giầy tây, giày ban..., còn đàn bà thì sắm giày mang cá, giày Muyn hoặc giày cườm.
Ngày xuân là ngày của lễ hội, ngày vui chơi và đi chúc Tết trong dòng họ, bạn bè ... Vì thế, trang sức cũng là một “mốt” chơi mang thói quen văn hoá từ xa xưa. Muốn được may mắn, các bà, các cô trong các gia đình khá giả, quí phái phải đem hoa, hột, xuyến, vòng đi “tắm vàng” cho bóng, cho mới trở lại rồi mới dùng. Những cô gái nhà nghèo thì lấy chanh, lấy tai chua rửa bộ xà tích đã cất giữ cả năm cho sáng lại để làm đẹp cho mình khi đi trẩy hội xuân.
Một thú chơi nữa không thể thiếu được đối với người Hà Nội trong ngày xuân là thú chơi hoa và cây cảnh. Người Hà Nội rất tinh tế và sành điệu trong cách chơi cây cảnh với các dáng trực, dáng xiên ... với các thế phu thê, thế phụ tự ... mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Riêng nói về hoa, nhà nào cũng phải có một cành đào Nhật Tân hay một cành mai vàng Đà Lạt, hoặc một chậu cúc đại đoá màu vàng ươm, hoặc một chậu hoa trà bát tiên. Những nhà phong lưu, cầu kỳ thì lên Hàng Ngang mua củ thuỷ tiên ở các hiệu “Khách” mang về nhà với kỹ thuật tỉa, gọt, ngâm, hãm sao cho có một chậu hoa thuỷ tiên bừng nở đúng đêm Giao thừa hoặc sáng mồng một Tết.
Tết ngày xưa, người Hà Nội cũng rất chú ý tới việc trang trí nhà cửa qua các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống với nhiều đề tài phong phú, nhiều màu sắc đẹp đẽ được bày bán ở Hàng Nón, Hàng Mành, Hàng Trống ... Để trừ tà ma, nhiều nhà còn mua bộ tranh Thần Đồ, Uất luỹ dán vào hai bên cửa chính. Tục chơi câu đối và xin chữ đầu xuân cũng rất thịnh hành. Đây là thú chơi chơi tao nhã giàu chất nhân văn có từ cổ xưa thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đẹp của người Việt Nam nói chung, của người Hà Nội nói riêng. Những thầy đồ viết câu đối, viết chữ nho đại tự trên nền giấy hồng điều đã đem đến niềm tin, niềm vui, niềm hy vọng về một năm mới tốt lành cho không ít người xin chữ.
Trần Cự