Điều đáng nói là, nội dung này lại được một bộ phận không nhỏ thầy cô bỗng thấy “đồng cảm” với đồng nghiệp của mình, theo kiểu “việc học sinh gây ra, sao giáo viên phải chịu?" hay "giáo viên chúng tôi đâu phải thánh”,...
Một sự đồng cảm đáng trách
Trao đổi về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương cho biết: Sau vụ việc làm rúng động dư luận liên quan đến nữ sinh bị bạn học đánh hội đồng ở Hưng Yên, tôi rất đồng tình với cách xử lý kịp thời và cương quyết của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, trước khi kết luận cuối cùng về mức kỷ luật được đưa ra, nội dung bênh vực giáo viên theo hướng chối bỏ trách nhiệm lại được một bộ phận thầy cô tán dương đã thể hiện sự thiếu nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Nội dung chia sẻ có đoạn: “...Hiện nay, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) tại các trường phổ thông hầu hết là giáo viên dạy các bộ môn kiêm nhiệm thêm. Cũng hầu hết trong đó, không được đào tạo về quản lý giáo dục một cách bài bản.
Một giáo viên vừa phải đứng nhiều lớp dạy học kiến thức bộ môn, vừa phải quản lý tình hình trong một lớp học thì đạt kết quả cao như thế nào? Đó là còn chưa kể đến việc lương giáo viên ngày nay chẳng thể nào đủ đầy.
Sau mỗi tiết dạy, hàng tá giáo viên lại phải đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền, áp lực đủ điều. Vậy, còn đâu tâm trí mà bắt họ phải theo sát lớp mình chủ nhiệm với thời lượng 24/24 để biết hết mọi chuyện diễn ra. (…)”
Theo TS. Vũ Thu Hương, với những lý lẽ này, bài báo đã hồn nhiên công nhận: người giáo viên hiện nay không có đủ kiến thức, không được đào tạo bài bản để quản lý học sinh, vậy tại sao họ lại được giao quản lý học sinh?
Bài báo cũng thừa nhận giáo viên này đã không dành toàn bộ tâm sức cho việc giáo dục trẻ với lý do cơm áo gạo tiền. Giáo viên có thể không ngay lập tức biết hành động của các em nhưng chẳng lẽ cô lại "không biết tí gì" về tâm tính, về suy nghĩ của học sinh? Nếu vậy, cô có gọi là hoàn thành trách nhiệm của 1 GVCN lớp hay không?
“Theo phân tích của bài báo trên, giáo viên hầu như chỉ làm việc giảng kiến thức, phải chăng giáo viên chỉ là thợ dạy chữ? Một trong 3 mục tiêu giáo dục học sinh là giáo dục đạo đức, nói như luận điệu trên, có lẽ đạo đức không còn là 1 mục tiêu giáo dục trong các nhà trường? Phải chăng, trẻ chỉ đến lớp để học chữ là xong, còn mọi vấn đề đạo đức của trẻ, người giáo viên phụ trách không phải quan tâm?”, TS. Vũ Thu Hương đặt câu hỏi.
GVCN thiếu năng lưc hay thiếu tình người?
TS. Vũ Thu Hương cho rằng: Khi trả lời trên truyền thông, cô chủ nhiệm nói không làm gì sai nên cô không việc gì phải ngại. Thật kì lạ. Một GVCN để tồn tại trong lớp 5 em học sinh có suy nghĩ, hành vi côn đồ, vô nhân tính liên tục hành hạ bạn, chưa kể một số không ít học sinh trong lớp vô cảm trước các hành vi côn đồ mà có thể nói là vô can ư?.
Hơn nữa, 1 trong 5 học sinh tham gia đánh đập, làm nhục bạn lại đang được giao nhiệm vụ lớp phó học tập. Vậy, có còn ai tin được khả năng “chọn mặt gửi vàng” của cô chủ nhiệm khi cô có 1 cán bộ lớp “nhiệt tình, năng động” như vậy?
Thiết nghĩ, nếu là 1 GVCN tốt, chắc chắn cô phải biết 5 đứa trẻ côn đồ này có những suy nghĩ "khác thường" ngay từ trước khi vụ việc xảy ra. Vậy cô đã thực sự can thiệp, giáo dục các em chưa? đã phối hợp với gia đình để giáo dục các em chưa? hoặc đã báo cáo lên Ban Giám hiệu chưa?... Nhưng cô lại “hoàn toàn không biết”. Vậy cô đã hoàn thành trách nhiệm hay chưa?
Bạo lực bao giờ cũng có mầm mống, phát triển rồi mới đến cao trào. Bởi vậy, nếu thật sự có trách nhiệm, có tình yêu thương, chắc chắn việc em Y. thường xuyên bị các bạn bắt, bị đánh trước đó,… sẽ không thể lọt qua mắt một GVCN, có thể bằng nhiều kênh: từ phản ánh của các học trò khác hay từ tâm sự của chính nạn nhân.
Và như vậy, với tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo, phối hợp với gia đình, lắng nghe tâm tư học trò, chắc chắn sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực học đường, ngăn chặn được hậu quả đáng tiếc. Vì “ở đâu có yêu thương, ở đó có bình yên!”.