Thay vì đổ lỗi, hãy chung tay xây dựng một xã hội yêu thương

GD&TĐ - Những vụ việc liên tiếp cùng tên gọi "bạo lực học đường" thực sự đang gây làn sóng lo ngại trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, hiện tượng này là hệ quả từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cần toàn xã hội chung tay tháo gỡ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia Giáo dục toàn cầu Microsoft - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Phát triển giáo dục INNEDU: "Chúng ta cần khái niệm lại thế nào là bạo lực học đường vì bạo lực đến từ bất cứ nguồn nào cũng đều liên đới và ảnh hưởng đến bạo lực trong trường học.

Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận đúng nguyên nhân và tập trung cho những nhóm giải pháp cơ bản và cụ thể để giải quyết vấn đề."

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên nêu ra 6 nhóm giải pháp có thể giúp giảm thiểu hiện trạng nhức nhối về bạo lực trong trường học hiện nay.

Giáo dục từ gia đình

Trong mỗi gia đình, bố mẹ phải là người biết kiểm soát hành vi, kiểm soát tốt các cơn bực giận để không hình thành thói quen ứng xử bằng bạo lực, gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Bố mẹ cần tương tác với con nhiều hơn, tạo động lực, không xúc phạm, không áp đặt con thực hiện các nhiệm vụ dẫn đến phản kháng.

Cũng cần lưu ý điều chỉnh hành vi của trẻ đối với những việc diễn ra xung quanh để kịp thời uốn nắn trẻ. Hãy dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ với mọi người, yêu thiên nhiên, loài vật,...

Ứng xử giữa các thành viên trong hội đồng nhà trường

Trong nhà trường, Ban Giám hiệu không nên áp đặt giáo viên mà hãy tạo cho họ điều kiện để được tự chủ. Hãy tìm hiểu tâm lý, tạo động lực, hỗ trợ phương pháp và hỗ trợ trong cuộc sống để giáo viên yên tâm cống hiến cho công việc.

Đó là những nỗ lực cải thiện môi trường sư phạm, giảm áp lực nhưng sẽ tăng tính tự chủ và hiệu quả. Bản thân giáo viên có tâm lý thoải mái, hứng khởi trong công việc sẽ thúc đẩy sáng tạo và truyền năng lượng tích cực đến học sinh.

3. Mối quan hệ nhà trường và gia đình

Cần tăng cường kết nối giữa giáo viên và phụ huynh để thấu hiểu và thông cảm với công việc của nhau, cùng đồng hành trong công tác giáo dục học sinh.

Ban Giám hiệu cần có kỹ năng giải quyết các vấn đề xung đột nảy sinh giữa giáo viên và phụ huynh để không làm nghiêm trọng hóa các vấn đề liên quan đến giáo dục trẻ.

Chuyên gia Giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên

Quan hệ giáo viên - học sinh

Giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà phải có vai trò giáo dục học sinh: phân loại, định hướng, tạo động lực, đánh giá học sinh nhưng đồng thời cũng phải là người bạn thân thiết với các em.

Đánh mắng học sinh là thể hiện sự bất lực, thất bại trong công tác giáo dục. Người làm giáo dục cần dùng tình yêu thương, lý lẽ để cảm hóa con người vì bạo lực chỉ sinh ra bạo lực mà không thể sinh ra những điều tốt đẹp hơn.

Mối quan hệ giữa học sinh - học sinh

Để ngăn ngừa và đẩy lùi bạo lực học đường, theo chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên, có 3 vấn đề cần trang bị cho học sinh: Kỹ năng nhận diện bạo lực; sẵn sàng giúp đỡ và can thiệp khi xảy ra bạo lực; kỹ năng tự phản kháng, chống đỡ bạo lực.

Theo phân tích của bà Diễm Quyên, trẻ em rất cần được quan tâm phát triển thể lực với các môn thể thao trong và ngoài nhà trường, khỏe về thể lực sẽ là tiền đề nâng cao sức khỏe tinh thần và trí tuệ. Từ đó, các em sẽ sống với những lý tưởng và hoài bão lớn lao hơn, tích cực hơn trong tu dưỡng và rèn luyện.

Nhóm giải pháp về công nghệ

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để hỗ trợ rất tốt cho công tác giáo dục trong các nhà trường.

Trong trường hợp này, công nghệ sẽ được sử dụng hỗ trợ đo lường, dự báo những tình huống có khả năng xảy ra bạo lực để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

Như vậy, giáo dục không chỉ có nhiệm vụ dạy kiến thức, kỹ năng mà trên hết là dạy con người biết yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Giáo viên cần tạo ra môi trường yêu thương bằng phương pháp và trái tim của người thầy, từ đó lan tỏa yêu thương, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Sau những vụ việc gây rúng động dư luận, không thể không kể đến vai trò và mặt trái của truyền thông. Rõ ràng, cần xem xét lại vai trò định hướng dư luận khi hiện nay truyền thông đang sa đà vào việc phản ánh những mặt tiêu cực mà chưa chú trọng đến những thông tin tích cực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.

"Ngạn ngữ Châu Phi có câu: "Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ", mang hàm ý, cần tất cả các thành tố trong xã hội chung tay để xây dựng một xã hội yêu thương, nhân ái, trong đó có vai trò quan trọng và cốt lõi của Truyền thông - gia đình - nhà trường và xã hội.

Sau mỗi sự việc, thay vì đổ lỗi, chúng ta hãy cùng tìm hiểu căn nguyên, hãy cảm thông, chia sẻ và nhận trách nhiệm để chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp! (Chuyên gia Giáo dục toàn cầu Microsoft, Tô Thụy Diễm Quyên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ