Tại sao trẻ bị bắt nạt ở trường?

GD&TĐ - “Điều có thể nhận thấy ở những HS bị bắt nạt là thường thiếu kỹ năng xã hội hay còn gọi là kỹ năng sống. Khi bị bắt nạt, trẻ có kỹ năng sống biết cách dùng lời nói, hành động để bảo vệ mình” - TS Lê Nguyên Phương, tác giả cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”, đoạt giải Sách hay 2018 - chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Trẻ cần được trang bị kỹ năng xã hội để có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa Ảnh: Y.T.V
Trẻ cần được trang bị kỹ năng xã hội để có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa Ảnh: Y.T.V

Nạn nhân không dễ vượt qua nỗi đau

- Ở góc độ tâm lý ứng xử, làm sao trẻ bị bắt nạt, bị đánh hội đồng có thể vượt qua mặc cảm và nỗi đau tinh thần, thưa ông?

- Có nhiều biện pháp. Tuy nhiên, khi đã xảy ra việc trẻ bị bắt nạt (bị đánh hội đồng), can thiệp tâm lý, tham vấn tâm lý phải được cung cấp cho trẻ kịp thời. Cụ thể, trường hợp HS ở Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) phải chịu những chấn thương tâm lý, rất cần những lời khuyên cho gia đình HS, sự quan sát chia sẻ của chuyên gia với nạn nhân, chứ không chỉ can thiệp tham vấn thông thường.

TS Lê Nguyên Phương - người đầu tiên nhận giải “Chuyên gia Thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất”, từng là thành viên của Hội đồng điều hành Hội Tâm lý học đường Long Beach (thuộc Hiệp hội Tâm lý học đường

California, Mỹ), giảng viên cao học bộ môn Tâm lý học đường tại ĐH Chapman, người sáng lập tổ chức “Liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường” tại Việt Nam. Ông cũng chính là tác giả của “Dạy con trong hoang mang” - bộ sách vừa đoạt giải Sách hay 2018.

Hơn hết là cần có sự can thiệp, hỗ trợ, giúp HS là nạn nhân bạo lực học đường có sự thay đổi nhận thức về giá trị của bản thân. Tức là trẻ cần phải được nhìn nhận về bản thân, từ chiều cao, kích thước cơ thể, dung mạo, kể cả những khuyết tật riêng, phải khiến trẻ hiểu đó là những đặc điểm riêng và không việc gì phải xấu hổ. Việc thay đổi nhận thức nhằm nâng sự tự tin của trẻ lên.

- Theo ông, điều gì khiến trẻ dễ bị bắt nạt ở trường?

- Điều có thể nhận thấy ở những HS bị bắt nạt là thường thiếu kỹ năng xã hội, hay còn gọi là kỹ năng sống. Có hai khía cạnh ích lợi của kỹ năng sống: Một là có thể giúp trẻ tự bảo vệ chính mình qua ngôn ngữ hoặc hành động; hai là có thể giúp trẻ ứng xử bình thường trong một môi trường tập thể, mà không lôi kéo sự chú ý hay chế giễu của các HS khác. Khi có kỹ năng sống, trẻ có thể tránh những cử chỉ, lời nói vụng về gây sự chú ý, chế giễu của các trẻ khác. Khi bị bắt nạt, trẻ có kỹ năng sống biết cách dùng lời nói, hành động để bảo vệ mình.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương tác giả bộ sách “Dạy con trong hoang mang”. Ảnh: T.G
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương tác giả bộ sách “Dạy con trong hoang mang”. Ảnh: T.G 

Trẻ mặc cảm, sợ hãi, người lớn không can thiệp sớm sẽ bị bắt nạt nhiều hơn

- Trẻ sợ chia sẻ, không muốn chia sẻ, như vậy theo ông do những yếu tố gì?

- Khi đứa trẻ không nói với ai về tình trạng khó khăn của mình, có thể do không có thói quen chia sẻ. Có thể do trẻ lớn lên trong môi trường mà các thành viên trong gia đình không có thói quen chia sẻ cảm xúc (tâm sự) với nhau. Nạn nhân của bạo lực học đường thường là những đứa trẻ yếu đuối. Mặt khác, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hay “thân đơn thế cô” thường có xu hướng cho rằng việc con em bị bắt nạt không giải quyết được; nạn nhân do đó thường có suy nghĩ “số phận” của các em phải chịu như vậy. Từ đó cũng dẫn tới việc trẻ bị nạt nhiều hơn ở trường nhưng không dám nói với ai.

- Từ sự việc ở Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) cho thấy HS bị bắt nạt nghiêm trọng trong thời gian dài, nhưng lại không chia sẻ với GV, phụ huynh, nhà trường. Người lớn chỉ được biết khi clip quay cảnh HS đánh bạn hội đồng bị tung lên mạng xã hội. Trách nhiệm này có thể nhìn nhận như thế nào dưới góc độ tâm lý, thưa ông?

 

- Nhà trường và giáo viên để xảy ra những hiện tượng bạo lực nhiều lần trong trường học chứng tỏ đã thiếu sự quan sát, thiếu những phương pháp quản lý lớp học.

- Cần phải có sự can thiệp, hỗ trợ, giúp HS là nạn nhân bạo lực học đường có sự thay đổi về nhận thức về giá trị của bản thân.


TS Lê Nguyên Phương

- Trong những gia đình có kỹ năng, biết cách hỏi han con cái, thường trẻ có xu hướng muốn chia sẻ khó khăn ở trường với cha mẹ. Kỹ năng làm cha làm mẹ không dễ dàng; không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách khơi gợi cho đứa trẻ tâm sự với mình, nhất là với những trẻ có tính cách rụt rè, kín đáo.

Còn về phía nhà trường, GV chủ nhiệm, theo tôi không cần đặt vấn đề “chia sẻ” ở đây. Nhà trường và GV để xảy ra những hiện tượng bạo lực nhiều lần trong trường học chứng tỏ đã thiếu sự quan sát, thiếu những phương pháp quản lý lớp học. Quản lý lớp học tốt thì GV phải hiện diện ở mọi nơi trong lớp học. Tương tự, người hiệu trưởng, ban giám hiệu và các khối trưởng… cũng phải có mặt ở khắp nơi trong trường.

Nữ sinh bị bạn đánh hội đồng phải nhập viện tâm thần điều trị vì những ảnh hưởng tâm lý. (Ảnh cắt từ clip)
Nữ sinh bị bạn đánh hội đồng phải nhập viện tâm thần điều trị vì những ảnh hưởng tâm lý. (Ảnh cắt từ clip) 

Thậm chí, để phòng ngừa hiện tượng bắt nạt ở trường, nhiều nhà trường được thiết kế không có một góc tối, một “góc chết” nào khiến HS có thể trốn vào đó để có những hành động vi phạm nội quy nhà trường, như hút thuốc lá, hành động tình dục, đánh lộn… Nếu một “ông/bà” hiệu trưởng không biết chuyện gì xảy ra trong trường của mình thì “ông đó/bà đó” nên bị sa thải. Bởi bạo lực học đường đều phải có những dấu hiệu khiến những người có trách nhiệm quản lý nhà trường, GV nhận biết được.

Những HS nạn nhân của tình trạng bắt nạt ở trường đầu tiên thường là biểu hiện bị chế giễu, mức độ tăng hơn có thể bị giật đồ, nắm kéo tóc… Các mức độ bắt nạt cứ tăng dần khi không có sự can thiệp kịp thời của GV và lãnh đạo nhà trường.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ