Góc nhìn mới đề tài viết cho thiếu nhi

Góc nhìn mới đề tài viết cho thiếu nhi

(GD&TĐ) -  “…Chỉ có trong giấc mơ, chim mới biết nói, hoa mới biết cười và con người có thể bay lên với mây với gió. 

Người thường không ai ngây dại đến mức lấy mơ làm thực. Thế mà trẻ em và nghệ sĩ cùng một tính ngây thơ rất dễ biến thực thành mơ để thấu cho hết lý tình của cái thực.  

Đọc thơ Đông Trình, nhiều lúc bắt gặp những chuyện mơ mơ thực thực như vậy…”. 

Trên đây là lời đề tựa tuyển tập thơ thiếu nhi Giữa thực và mơ của nhà thơ Đông Trình (Nhà xuất bản Đà Nẵng- 2009). Có thể văn chương tôi không đủ giàu có để có thể viết nên những lời đề tặng hay như vậy dành cho tập thơ này.  Song, lật từng trang sách, những năm tháng tuổi thơ tôi bỗng như ùa về, xốn xang ... 

Khi nhắc đến thơ thiếu nhi, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến Trần Đăng Khoa. Thơ Trần Đăng Khoa khiến người ta trầm trồ vì không hiểu sao một cậu bé 8 tuổi lại có những ý tứ sâu sắc như vậy. Thơ Đông Trình lại khiến chúng ta bất ngờ vì một “nhà thơ người lớn” (ông sinh năm 1944) rất hiểu thiếu nhi. Ông đã đi vào thế giới của trẻ thơ một cách nhẹ nhàng, để rồi viết nên những bài thơ nhỏ xinh như những lời líu lo ngây thơ của con trẻ:  

Bố ơi con yêu bố 

Bố tốt hơn con gà

Bố chăm con giúp mẹ

Gà trống thì lảng xa

(Bố tốt hơn con gà) 

Thơ Đông Trình viết cho thiếu nhi giản dị, hồn nhiên, nhưng cũng ẩn chứa những góc nhìn con trẻ khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ: 

Khu phố mình đẹp quá 

Nhà mới mọc lên nhiều

Mặt tường xây ốp đá

Sân thượng giàn hoa leo ...

Bố bảo nhà mình nghèo 

Khuất lấp vào ngõ tối

Tường xây và mái ngói,

Không phải của mình đâu! 

Bố và con khác nhau 

Khi nhìn nhà nhìn phố

Bố thấy nhà trong phố

Con thấy phố trong nhà.

(Phố và nhà) 

Có những bài thơ sử dụng những hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ hết sức nhuần nhị, tưởng chỉ để tả cảnh nhưng lại đậm tính nhân văn, có giá trị  giáo dục tình cảm gia đình một cách sâu sắc: 

Cành cây nâng tán lá non

Mặt sông nâng chiếc thuyền con bồng bềnh...

Gió nâng bổng cánh diều lên

Bàn chân nâng bước người trên đường dài 

Đôi tay nâng cháu bà ngồi

Ngày mai có một mặt trời biển nâng  

(Nâng)

Hẳn không một ai vô tâm, vô tính nếu từ tấm bé được giáo dục bằng những vần thơ như thế. Được biết nhà thơ Đông Trình từng là thầy giáo tốt nghiệp từ Trường Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế (1963 - 1968) dạy Văn giỏi có tiếng được nhiều thế hệ học trò Quảng Nam, Đà Nẵng biết đến. Trong 2 tập thơ Những chiếc xe màu lửa, Giữa thực và mơ của ông có rất nhiều bài chỉ có 4 câu giản dị như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía đối với cả trẻ em và người lớn. Chẳng hạn như:

Cu Bi tay mở gói quà,

Dây thun... tách tách...

                búng ra

                       trước thềm...

Khom người, bà nội nhặt lên

- Cháu ơi! 

          Có lúc...

          mình tìm không ra

(Sợi dây thun)

Hay:

Bố ơi con yêu bố

Bố tốt hơn con gà

Bố chăm con giúp mẹ

Gà trống thì lảng xa...   

(Bố tốt hơn con gà)                    

Có một điều đáng tiếc là tôi đã tìm kiếm rất lâu trên mạng nhưng không tìm được nơi bán cuốn sách này để giới thiệu với các bạn. Có lẽ trẻ con bây giờ mê net, mê game hơn là thích đọc thơ nên những cuốn sách đáng đọc như thế này cũng chẳng được phổ biến mấy. Thật là một điều đáng buồn và cũng là một thiệt thòi lớn cho các em!

Và, giữa cái thế giới "giữa thực và mơ" trong trẻo nhưng cũng đầy lung linh, huyền ảo này, cả trẻ em và người lớn đều như những người bạn thân lâu ngày gặp lại để rồi sống tốt hơn, đẹp hơn...  

Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ