Nhiều người đặt vấn đề, các trường đại học có thể phát triển từ nguồn hiến tặng. Chẳng hạn như: Hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy… Nói là vậy, nhưng để hiện thực hóa lại là câu chuyện khác và không dễ, bởi hoạt động này còn hạn chế, với nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Một số đơn vị phải hợp thức hóa việc hiến tặng thông qua chương trình học bổng dành cho sinh viên.
Từ thực tế, các chuyên gia cho rằng, quy định liên quan đến việc hiến tặng chưa linh hoạt hoặc chưa rõ ràng, khiến cá nhân, tổ chức gặp khó khăn khi thực hiện. Trong khi chúng ta vẫn nói, cơ sở giáo dục đại học, nhất là khối công lập muốn bứt phá cần huy động mạnh mẽ xã hội hóa từ doanh nghiệp.
Song, một trong những khó khăn mà các trường đại học đang gặp phải là sự chồng chéo ở quy định hoặc một số thủ tục hành chính. Do vậy, cần cơ chế đặc thù, thúc đẩy mô hình tự chủ để gỡ vướng và tháo “điểm nghẽn” cho các trường, đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để cơ sở giáo dục đại học có điều kiện thực hiện tự chủ đầy đủ và có chiều sâu.
Chúng ta có thể lấy tâm điểm là tự chủ đại học để rà soát những quy định chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn và coi đó như căn cứ thực tiễn để sửa luật (nếu cần). Nói cách khác, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đầu tư nguồn lực và quy hoạch mạng lưới; đồng thời gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng đó, cần có chính sách đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học có chất lượng cho các nhóm xã hội.
Suy cho cùng, mọi giải pháp đều hướng đến mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bởi đây là bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học chính là tăng cường yếu tố tác động đến chất lượng nhằm khắc phục điểm nghẽn nói trên. Tuy nhiên, cần rà soát chính sách về đánh giá, giám sát chất lượng. Mặt khác, cần giải pháp để tối ưu hóa ở cả cấp độ hệ thống cũng như trong từng cơ cở giáo dục đại học. Lẽ tất nhiên, cần cơ chế chính sách để huy động tối đa và phát triển các nguồn lực về tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất, công nghệ, quan hệ hợp tác của nhà trường và của hệ thống tới giáo dục đại học; trong đó có yếu tố nội lực và ngoại lực.
Mặc dù đã có Nghị định số 80/2020NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về việc “Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam”; tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về các chính sách hiến tặng trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, cần tạo thuận lợi và thông thoáng để cơ sở giáo dục mạnh dạn tiếp nhận nguồn hiến tặng có yếu tố nước ngoài.