Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Dự thảo). Nội dung được dư luận quan tâm là hỗ trợ sinh hoạt phí và cơ chế đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm.
Xóa bỏ cơ chế “cào bằng”
Mỗi năm Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có từ 1.500 đến 1.800 sinh viên sư phạm. Theo PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó Hiệu trưởng nhà trường, Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định trên quy định, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên, quy định cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn. Theo đó, từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí.
“Đề xuất trên phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng “cào bằng” giữa sinh viên khá, giỏi với yếu kém. Nếu tất cả sinh viên sư phạm đều được hưởng chính sách hỗ trợ, vô hình trung có thể khiến một số em thiếu động lực trong học tập vì cho rằng, đằng nào cũng được hưởng hỗ trợ” - PGS.TS Trần Xuân Bách quan ngại.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) nhìn nhận, việc sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu không được hưởng hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng là phù hợp. “Chúng ta không thể bỏ tiền để ưu đãi, thu hút người yếu, kém; điều này ngược với quy luật khách quan” - PGS.TS Đậu Bá Thìn nêu quan điểm.
Đề xuất, nên thu hẹp đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức nêu ý kiến, những sinh viên đạt mức khá trở lên mới được thụ hưởng ưu đãi, còn sinh viên có điểm trung bình chung học tập, rèn luyện đạt loại trung bình hoặc yếu sẽ không được hưởng mức hỗ trợ này.
Nhiều sinh viên sư phạm cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm trên vì cho rằng, việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt nên dành cho những người xứng đáng. Sinh viên Trịnh Thị Nhung - lớp K72CLC, ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, nếu tất cả sinh viên sư phạm đều được hưởng trợ cấp vô điều kiện thì chẳng khác nào “cào bằng” với mọi sinh viên. Do đó, việc điều chỉnh chính sách nêu trên là hợp lý, giúp người học có thêm động lực để đạt kết quả cao, xứng đáng được hưởng ưu đãi của Nhà nước.
Sinh viên Trịnh Thị Nhung (thứ 3 từ phải qua trái) cùng các bạn trong giờ học giáo dục thể chất. Ảnh: NVCC |
Gỡ khó cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên
Liên quan đến phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo sinh viên sư phạm, PGS.TS Đậu Bá Thìn cho rằng, nếu để các địa phương tự cân đối ngân sách sẽ khó có thể triển khai chủ trương này. Vì không đặt hàng đào tạo giáo viên, các địa phương vẫn có thể tuyển dụng đủ số và chất lượng theo nhu cầu thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi trong tuyển dụng.
Do đó, để giải quyết bài toán đặt hàng đào tạo giáo viên, PGS.TS Đậu Bá Thìn đề xuất, ngân sách nên tập trung về một đầu mối. “Chẳng hạn, Trường ĐH Hồng Đức đào tạo 700 sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ cân đối tài chính cấp trực tiếp về trường để chi trả cho người học” - PGS.TS Đậu Bá Thìn viện dẫn.
“Giả sử Trường ĐH Sư phạm A được các địa phương đặt hàng đào tạo 1.000 giáo viên. Nhà nước sẽ chuyển kinh phí đào tạo 1.000 sinh viên đó cho trường sư phạm; không chuyển kinh phí đó về các tỉnh, thành phố để đặt hàng đào tạo giáo viên trường sư phạm” - PGS.TS Lê Quang Sơn nêu ví dụ.
PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu quan điểm, nếu có thể nên sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116 theo hướng: Kinh phí đào tạo nên chuyển về trường đại học sư phạm theo đặt hàng từ phía địa phương, chứ không chuyển về địa phương, rồi sử dụng tiền đó để đặt hàng với trường sư phạm.
Ở góc nhìn khác, ThS Nguyễn Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho rằng, một trong những mấu chốt của vấn đề là cơ chế đặt hàng đào tạo và tuyển dụng với những sinh viên này chưa “gặp nhau”. Sinh viên sư phạm được đào tạo theo diện đặt hàng, sau khi tốt nghiệp vẫn phải tham gia thi tuyển dụng viên chức như thí sinh khác và các em có thể không trúng tuyển.
“Nghĩa là, hiện chưa có cơ chế đặc thù để tuyển dụng sinh viên theo diện đặt hàng. Thực tế này đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” - ThS Nguyễn Ngọc Thành bày tỏ.
Theo dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116, quá trình triển khai Nghị định này đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Chẳng hạn, hiện thiếu sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật như: Sinh viên đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu được chi trả kinh phí từ ngân sách địa phương nhưng sau khi tốt nghiệp có thể không trúng tuyển vào ngành Giáo dục của địa phương; việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ địa phương khác đến học không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vì kinh phí địa phương nào thì chỉ dùng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó, không chi cho đối tượng ngoài địa phương.
Để đảm bảo việc thực thi chính sách hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng: Vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, tuy nhiên không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu thì tự đảm bảo kinh phí triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2020 của Chính phủ (bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học để phù hợp quy định của Nghị định 32).
Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng. Cụ thể: Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Từ năm thứ hai trở đi, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.