TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) đã có cuộc trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.
Cạm bẫy rình rập
- Với những tân sinh “từ quê ra tỉnh” có thể “trượt dốc” bất cứ lúc nào nếu không có kỹ năng sống. Vậy đâu là những cạm bẫy, cám dỗ thường gặp với tân sinh viên, thưa ông?
-Được trở thành sinh viên đại học là vinh dự lớn của các em. Tuy nhiên, đỗ đại học là một chuyện, còn học tập có thành công hay không là chuyện khác. Đặc biệt, có thành công trong sự nghiệp sau tốt nghiệp đại học hay không mới là quan trọng.
Yếu tố quyết định thành công trong học tập, tích lũy kiến thức không chỉ ở trường đại học – nơi các em được đào tạo, mà còn phụ thuộc vào ý chí, nghị lực và sự nghiêm túc, đam mê của chính các sinh viên.
Các em có thể thất bại ngay ở một trường đại học tốp đầu nếu như không có ý chí, thái độ nghiêm túc trong việc học. Ngược lại, các em có thể thành công ở một ngôi trường không nổi tiếng nếu như các em học tập với thái độ nghiêm túc và có nghị lực vươn lên. Vì học tập ở môi trường đại học rất khác so với học ở trường phổ thông.
Thực tế, nhiều sinh viên thất bại trong học tập ngay ở những ngôi trường danh giá. Lý do cũng bởi thái độ học tập không nghiêm túc, tính tự giác không cao, đặc biệt là bị sa vào các cạm bẫy khi bước vào môi trường sống mới.
Học đại học với các mối quan hệ mới, xa cha mẹ với cuộc sống tự lập là một bước chuyển quan trọng trong sự phát triển của các em: chuyển từ môi trường học tập quyen thuộc, có sự “bảo trợ” sát sao của cha/mẹ, thầy/cô, sang môi trường độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một người trưởng thành.
Môi trường học tập mới mang lại cho tân sinh viên nhiều trải nghiệm thú vị để trưởng thành, nhưng cũng có thể nhấn chìm tương lai của các em bởi các cạm bẫy.
Ngoài ra, các em cần tỉnh táo vượt qua những cạm bẫy từ chính mình. Đó là tâm lý thỏa mãn quá đà, thiếu tinh thần vượt khó trước những khó khăn trong quá trình học đại học; tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” ở một số em chưa thỏa mãn nguyện vọng khi trượt vào các trường mong đợi.
Tất cả những điều đó sẽ làm cho các em mất phương hướng, mất ý chí vươn lên. Thời gian sẽ trôi đi nhanh chóng, tuổi thanh xuân cũng không đợi các em và thất bại trong học tập là điều đã được dự báo trước.
Trang bị kỹ năng sống thật tốt
- Vậy theo TS, khi bước vào môi trường học tập mới, với cuộc sống tự lập nơi thành thị, tân sinh viên cần trang bị những kỹ năng gì?
- Như tôi đã phân tích, môi trường thành thị và học tập ở trường đại học giúp sinh viên có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng có thể là một làn sóng dữ nhấn chìm tương lai của tân sinh viên nếu các các em không biết cách thích ứng tích cực.
Để thích ứng được, biến môi trường thành thị và các trường đại học trở thành bệ phóng cho sự thành công, các em cần chuẩn bị tốt kỹ năng sống như:
Kỹ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội.Kỹ năng này sẽ giúp các em có được những mối quan hệ mới, kịp thời phát hiện những nguy cơ và quản lý tốt các mối quan hệ xã hội.
Kỹ năng quản lý thời gian và tài chính.Kỹ năng này sẽ giúp các em phân phối hài hòa thời gian cho việc học tập, giải trí và tham gia vào các hoạt động trong đời sống sinh viên, đặc biệt là không bị “cháy túi” ở những ngày cuối tháng.
Kỹ năng phòng chống lừa đảo qua mạng xã hội.Kỹ năng này sẽ giúp các sinh viên sử dụng mạng xã hội một cách thông thái nhất vài tránh trở thành đối tượng bị tấn công, lừa đảo của các loại tội phạm công nghệ cao.
Kỹ năng quản lý kế hoạch phát triển cá nhân. Kỹ năng này sẽ giúp các em không bị mất phương hướng, chệch mục tiêu, từng bước đạt được sự thành công.
Kỹ năng học tập hiệu quả trong môi trường đại học.Nhiều sinh viên thất bại không phải vì năng lực trí tuệ yếu kém mà vì không biết cách học tập tại đại học. Các em học tập một cách thụ động, thiếu tự giác.
Điều này khiến các em bị thất bại ngay trong học kỳ đầu tiên với những kỳ thi nghiêm túc, “khốc liệt”. Ngoài ra, có thể dẫn đến hiện tượng không thích ứng được với môi trường đào tạo đại học và đẩy các em trượt dài vào con đường thất bại.
Chiến thuật đăng ký tín chỉ
- TS có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch học tập cho tân sinh viên, để các em không bị “sốc” khi bước vào môi trường học tập mới?
- Nếu không được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt, nhiều sinh viên có thể bị “sốc”, không kịp thích ứng và trượt dài trong sự thất bại. Mỗi lần chúng tôi họp các Hội đồng xét học vụ, Hội đồng phải ra quyết định cảnh báo hoặc buộc thôi học cho nhiều sinh viên. Những lúc như thế, các thầy/cô không khỏi xót xa.
Để tránh rơi vào tình trạng này, các em cần chú ý: nghiên cứu kỹ quy định đào tạo của trường mình theo học; theo dõi thông tin đào tạo thường xuyên của nhà trường thông qua các kênh chính thống; xây dựng kế hoạch học tập từng năm, từng kỳ, từng môn học và từng bước đạt được chúng;
Tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các giảng viên cố vấn. Thà hỏi cố vấn một câu thừa còn hơn là quyết định sai và lãnh hậu quả; tự giác ôn tập sau mỗi ngày học tập. Không thể chỉ ôn tập trước mỗi kỳ thi; Nhất tâm vào việc học, bỏ ngay tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Các em cũng chỉ đi làm thêm khi hoàn thành tốt việc học tại trường vì đây là nhiệm vụ chính yếu.
- Nhiều người nói, cần có chiến thuật trong việc đăng ký các tín chỉ. Thầy có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
-Đúng là tại một số trường, khi đăng ký tín chỉ tại mỗi kỳ có hiện tượng “nghẽn mạng” do lưu lượng truy cập quá đông. Bên cạnh đó, số lượng lớp học, với một số học phần cũng có thể không thỏa mãn tất cả nguyện vọng học tập của sinh viên, đặc biệt là lớp học được giảng dạy bởi các giảng viên mà sinh viên yêu mến.
Để giải quyết vấn đề này, các em cần lưu tâm: chú ý thông tin của Phòng đào tạo, Phòng giáo dục chính trị và công tác sinh viên để kịp thời đăng ký và giải quyết các chính sách học tập ngay từ thời điểm đầu tiên;
Bố trí thời gian học tập và đăng ký tối đa số lượng tín chỉ, học phần theo quy định; trao đổi nguyện vọng với Phòng đào tạo và Ban giám hiệu trong các diễn đàn Đối thoại sinh viên hàng năm, để nhà trường có thể cải thiện công tác phục vụ đào tạo và sắp xếp thời khóa biểu hợp lý. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường có thể bố trí các học phần cần thiết cho các em vào các học kỳ phụ hàng năm;
Ngoài ra, các em cần lưu tâm tham vấn, xin ý kiến của các cố vấn học tập trước những khó khăn trong quá trình học tập và đăng ký môn học. Đây là người được nhà trường phân công để hỗ trợ các em trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, nhiều em chưa biết cách sử dụng triệt để kênh hỗ trợ này.
-Xin cảm ơn ông!