Giúp học sinh khắc phục những lỗi viết văn thường gặp

GD&TĐ - Lỗi chính tả, dùng từ không chính xác, lỗi lặp từ, thừa từ, diễn đạt lủng củng, không rõ nghĩa, không biết cách viết đoạn mở bài, không biết tách ý thành đoạn, viết thiếu ý, thiếu sáng tạo, không biết cách lập luận... là những lỗi thường gặp của học sinh khi viết văn.

Giúp học sinh khắc phục những lỗi viết văn thường gặp

Thầy Đỗ Thông (Trường phổ thông cấp 2-3 Võ Thị Sáu, tỉnh Phú Yên) chia sẻ những giải pháp giúp học sinh khắc phục những lỗi thường gặp trên nhằm nâng cao chất lượng học tập bộ môn, hình thành cho các emhọc sinh kĩ năng viết đúng và viết hay một văn bản hoàn chỉnh.

Các lỗi viết văn thường gặp

Lỗi viết sai chính tả xuất phát từ việc học sinh không hiểu nghĩa của từ, không ý thức khi viết.

Lỗi sử dụng từ không hợp phong cách: Nguyên nhân học sinh không nắm phong cách ngôn ngữ nghị luận, chưa biết lựa chọn từ ngữ để diễn đạt phù hợp.

Lỗi lặp từ, thừa từ: Là hiện tượng phổ biến ở bài viết của học sinh. Nguyên nhân vốn từ ngữ của học sinh nghèo, học sinh chưa có ý thức lựa chọn từ ngữ khi sử dụng.

Lỗi sử dụng từ không đúng nghĩa, sai chuẩn mực: Học sinh không hiểu rõ ý nghĩa của từ

Lỗi viết câu không đúng ngữ pháp, thiếu các thành phần chính, thiếu vế trong một câu ghép, viết câu không rõ nghĩa. Giáo viên hướng dẫn học sinh nhận biết các lỗi sau: Lỗi viết câu sai ngữ pháp, viết thiếu cả thành phần chủ ngữ lẫn vị ngữ;

Lỗi viết thiếu thành phần chủ ngữ; lỗi viết thiếu thành phần vị ngữ; lỗi viết thiếu một vế của câu ghép.

Lỗi diễn đạt thiếu chặt chẽ, viết câu dài lê thê, lủng củng, phát triển thành nhiều thành phần phụ, mở rộng thành phần trọng tâm thông báo làm câu văn lan man, thiếu mạch lạc.

Các lỗi khác: Lỗi diễn đạt, hành văn, chưa biết cách mở bài, kết bài, chưa biết tách đoạn để diễn đạt ýbố cục bài viết…

Kỹ năng dùng từ chính xác độc đáo

Một bài văn hay hấp dẫn phải là bài văn có vốn từ phong phú, được sử dụng chính xác, linh hoạt. Dùng từ chính xác, độc đáo, đúng chỗ là một trong những yếu tố quyết định để có cách diễn đạt hay.

Muốn vậy, người viết cần tích lũy vốn từ phong phú, khi viết phải có ý thức lựa chọn từ ngữ phù hợp: dùng đúng lúc, đúng chỗ, lột tả được thần thái của sự vật sự việc sẽ đem đến cho người đoc sự khoái chá, cảm phục. Cần lưu ý là khi không nắm chắc nghĩa của từ, tốt nhất không nên dùng.

Viết câu linh hoạt và viết văn có hình ảnh

Người viết cần biết vận dụng tất cả các loại câu một cách linh hoạt. Một bài văn hay là bài văn vận dụng linh hoạt tất cả các kiểu câu, nhưng dĩ nhiên trước tiên phải viết câu đúng.

Người viết cần vận dụng linh hoạt và sáng tạo các loại câu: Dùng câu cảm thán để diễn đạt thái độ của mình. Có thể dùng câu đơn, câu đặc biệt, câu tỉnh lượt để làm cho bài văn đa dạng, không nhàm chán người đọc, vừa thể hiện nội dung diễn đạt đầy đủ, hấp dẫn.

Trong nhiều trường hợp để khẳng định vấn đề, học sinh có thể viết câu phủ định của phủ định nhằm nhấn mạnh vấn đề.

Để viết văn có hình ảnh, người viết sử dụng từ ngữ phải có tính hình tượng, có sức biểu cảm cao thực hiện bởi các phép so sánh, liên hệ, đối chiếu tạo cho câu văn sinh động giàu hình ảnh.

Giọng văn và sự thay đổi giọng văn

Để có lời văn hay, yêu cầu người viết hình thành một giọng văn và thay đổi giọng văn trong quá trình viết, người viết cần linh hoạt trong diễn đạt. Tránh một kiểu viết, một giọng đều đều từ đầu đến cuối, tạo cảm giác đơn điệu. Để có giọng văn sinh động, hấp dẫn cần sử dụng linh hoạt hệ thống từ nhân xưng với nhiều màu sắc biểu cảm và hết sức phong phú.

Các thao tác lập luận

Ngoài ra, để diễn đạt được lời văn hay, bài văn cần vận dụng các thao tác lập luận, cách triển khai lập luận, cách sử dụng dẫn chứng.

Sức mạnh của lời phê

Trong quá trình chấm bài, cách đánh giá của giáo viên qua lời phê rất quan trọng. Lời phê sẽ khuyến khích tinh thần, tạo sự hưng phấn yêu thích học tập của học sinh.

Chấm bài nhất thiết phải có nhận xét, nhưng tránh nhận xét chung chung chỉ bằng một vài từ ngữ: “được”, “chưa được”, “bài yếu”, “bài viết sơ sài”, “không hiểu đề”, “xa đề”, “lạc đề”…

Lời nhận xét của giáo viên thể hiện trên hai phương diện: Đạt yêu cầu và chưa đạt về nội dung lẫn hình thức. Qua lời phê, học sinh sẽ nhận thấy khiếm khuyết của bản thân để khắc phục, phát huy những mặt đạt được.

Muốn có lời nhận xét đúng đắn với từng bài viết, đòi hỏi giáo viên phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm cao trong việc chấm bài. Bởi chấm bài là một khâu rất quan trọng trong chu trình chấm - trả bài tác động mạnh mẽ, tích cực đến quá trình dạy và học bộ môn.

5 bước trả bài

Người giáo viên cần xác định yêu cầu cơ bản của tiết trả bài: kiến thức, kĩ năng, phương pháp… Giờ trả bài được tiến hành như sau:

Bước 1: Giáo viên yêu cầu học sinh nhắc lại đề bài dựa theo trí nhớ. Cho học sinh xác định lại yêu cầu về nội dung, thể loại, phạm vi tư liệu.

Bước 2: Dựa vào kết quả bài làm, giáo viên tổng kết tình hình làm bài của học sinh ở các mặt ưu khuyết điểm chính, về nội dung kiến thức, hình thức bài làm, kết quả đạt được, tinh thần thái độ làm bài của học sinh... Những bài viết sáng tạo của cá nhân được tuyên dương, những hiện tượng, những lỗi cơ bản đáng chú ý.

Bước 3: Dựa vào yêu cầu của đề, giáo viên hướng dẫn học sinh xây dựng dàn bài hoàn chỉnh. Học sinh sẽ đối chiếu với dàn bài để tự nhận xét về những thiếu sót trong bài viết của mình.

Bước 4: Vấn đề cốt lỗi quan trọng ở tiết trả bài là giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn học sinh tự sửa chữa những lỗi sai phạm, thiếu sót về dùng từ, viết câu, dựng đoạn, hành văn, thậm chí cả hình thức chữ viết…

Bước 5: giáo viên chọn những bài văn hay tiêu biểu đọc trước lớp, hoặc những đoạn văn viết tốt cho cả lớp nghe để học tập rút kinh nghiệm. Cần tạo một không khí thân mật, dân chủ để học sinh có thể yêu cầu thầy giáo giải đáp những thắc mắc về điểm số và cả nội dung bài viết…Có như thế, giáo viên mới tạo điều kiện tốt để học sinh hoàn thiện hơn về những bài viết văn tiếp theo của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ