1. Giai đoạn tiểu học là giai đoạn nền tảng hình thành kỹ năng viết
Chính vì vậy, cần hình thành kĩ năng viết cho học sinh ngay từ giai đoạn nền tảng, giai đoạn học cuối tiểu học đầu cấp 2. Trong giai đoạn đầu tiên này, học sinh được học hai dạng văn chủ yếu là văn miêu tả và văn kể chuyện trong đó văn miêu tả chiếm thời lượng lớn của chương trình: (Văn miêu tả được học ở lớp 3, kì 2 lớp 4, cả năm học lớp 5, kì 2 lớp 6).
Chính trong văn miêu tả, giáo viên có điều kiện rèn viết cho học sinh ở các cấp độ: dùng từ, đặt câu, diễn đạt, lập ý và định hình các kĩ năng cơ bản: suy nghĩ, lựa chọn từ, câu cho phù hợp, tìm ý và sắp xếp ý trước khi làm bài…
Tuy nhiên, do thời lượng (phải chia thời gian dạy cho Tiếng Việt, Đọc văn, Chính tả, Tập làm văn) và số lượng học sinh trên lớp nên giáo viên không có nhiều thời gian để rèn kĩ năng viết cho từng học sinh. Trong nhà trường vẫn còn tình trạng học sinh phải học thuộc văn, dựa vào văn mẫu và gặp nhiều khó khăn trong việc viết văn.
2. Môn Văn giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, phát triển tư duy, năng lực liên tưởng và sáng tạo.
Chúng ta đều biết, trong các môn học trong nhà trường, môn Ngữ Văn là môn giúp học sinh phát triển khả năng ngôn ngữ nhiều nhất. Chính ngôn ngữ mới là công cụ vàng, vạn năng giúp thành công trong các hoạt động kinh doanh và giao tiếp đời sống.
Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam thường chỉ được dạy về nói và viết đúng chứ ít khi được dạy nói và viết hay, cuốn hút mọi người. Các phụ huynh có quan tâm đến việc dạy từ, dạy câu khi con còn nhỏ song việc dạy dỗ chỉ dừng lại ở việc mở rộng “từ điển vốn từ vựng” của đứa trẻ và nói câu đúng ngữ pháp, đúng ngữ cảnh.
Đến giai đoạn con đi học, trẻ em cũng không được định hướng phát triển tư duy ngôn ngữ, cách mở rộng các vùng liên tưởng, và diễn đạt sinh động sáng tạo.
Dường như, với nhiều học sinh, học là để thi thi, học thuộc bài để “giải pháp” cho giờ kiểm tra, việc phát triển ngôn ngữ hình như bị lãng quên. Nhiều phụ huynh thì “quên” mất rằng, con chúng ta–tư duy bằng tiếng Việt – nên cũng không hề định hướng phát triển tư duy cho con qua môn học Tiếng Việt - Văn.
Chúng ta đã thực sự bỏ lỡ một miền đất ngôn ngữ màu mỡ cho sự phát triển tư duy và năng lực liên tưởng và sáng tạo của trẻ.
Xem các cuộc thi ứng xử hoa hậu thế giới, chúng ta không khỏi chạnh lòng buồn cho màn thi ứng xử trong cuộc thi hoa hậu của chúng ta, câu hỏi nhàm và chán, câu trả lời cũng sáo mòn và thiếu sáng tạo, thiếu dấu ấn của cá tính.
Đọc các bài luận của nhiều học sinh nước ngoài, xem các chương trình quảng cáo nước ngoài, các chương trình truyền hình nước ngoài…. chúng ta tự hỏi sao họ lại nhiều ý tưởng vậy, cách diễn đạt ý tưởng lại sáng tạo và thông minh đến vậy?
Chúng ta phải giải quyết vấn đề từ gốc, từ định hướng cho học sinh học ngôn ngữ để phát triển tư duy ngôn ngữ. Ngôn ngữ phải là mảnh đất để phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, liên tưởng. Chúng ta phải xây dựng hệ đánh giá năng lực học trò một cách cụ thể chứ không phải bằng điểm số chung chung.
Và vấn đề căn bản nhất là ở chỗ làm thế nào để qua môn Văn phát huy được năng lực ngôn ngữ ở học trò, giúp cho học trò phát triển trong đời sống thực tế sau này?
Quả thật học sinh tiểu học rất cần được dạy Luyện viết văn và dạy Luyện viết văn đúng cách, có hiệu quả. Hãy chuẩn bị cho con bạn ngay từ bây giờ!