Để làm tốt đề văn nghị luận về một tác phẩm tự sự

GD&TĐ - Tác phẩm tự sự thường chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong các bài học của học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT. Cách làm bài nghị luận về một tác phẩm tự sự không đơn giản so với các câu hỏi khác trong đề thi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy khi nghị luận về một tác phẩm tự sự, phần nhiều học sinh khó đạt điểm cao so với các dạng câu hỏi nghị luận khác. Chính vì vậy việc học các tác phẩm tự sự đối với các em rất ngại, thường hay đối phó hoặc phụ thuộc vào tài liệu, văn mẫu khi làm bài mà không có sự độc lập, tư duy sáng tạo.

Thầy Trần Xuân Thành – Giáo viên Trường THPT Ba Đình (Thanh Hóa) đã có hướng dẫn rất cụ thể giúp học sinh học ôn tốt nhất với những tác phẩm tự sự nói trên.

Đọc kĩ và tóm tắt chính xác cốt truyện của mỗi tác phẩm

Để có thể làm bài đạt kết quả tốt về một tác phẩm văn xuôi thì tóm tắt cốt truyện là yêu cầu không thể thiếu, việc tóm tắt chính là cơ sở để từ đó tìm hiểu các vấn đề khác của tác phẩm

Tùy vào từng mục đích mà đưa ra yêu cầu của việc tóm tắt và như vậy tất nhiên sẽ có nhiều cách tóm tắt khác nhau song người giáo viên hướng dẫn học sinh tóm tắt theo cốt truyện. Vậy tóm tắt theo cốt truyện là như thế nào?

Hiểu một cách ngắn gọn, cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định của nhà văn. Nhờ cốt truyện, nhà văn thể hiện sự hình thành, đặc điểm của mỗi tính cách cũng như sự tác động qua lại giữa các tính cách.

Cũng nhờ cốt truyện, nhà văn tái hiện các xung đột xã hội, chứng tỏ năng lực, cách thức chiếm lĩnh thực tại khách quan của mình. Dù đa dạng, mọi cốt truyện đều trải qua một tiến trình vận động có hình thành, phát triển và kết thúc.

Mỗi cốt truyện thường bao gồm các thành phần sau:

Trình bày: Giới thiệu thời kì lịch sử, khung cảnh cụ thể của sự việc

Khai đoạn: Nêu tình huống, vấn đề nảy sinh để người đọc chú ý theo dõi.

Phát triển: Diễn tả sự tiến triển của hành động, của tính cách, của mâu thuẫn, xung đột.

Đỉnh điểm (hoặc cao trào): Hành động, tính cách, mâu thuẫn được phát triển đến độ cao nhất, căng thẳng nhất

Kết cục (hoặc mở nút): Giải quyết, kết thúc một quá trình phát triển của mâu thuẫn.

Một cách đầy đủ, theo trình tự thông thường là như vậy. Tuy nhiên, không phải bất cứ cốt truyện nào cũng bao hàm đầy đủ các thành phần như vậy. 

Mặt khác, trình tự các thành phần ấy cũng biến hóa sinh động như cuộc sống muôn màu và tùy theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn.

Từ khái niệm xác định như trên, muốn tóm tắt được cốt truyện một tác phẩm tự sự, người giáo viên cần hướng dẫn các em phải đọc kĩ tác phẩm sau đó trả lời được những câu hỏi sau:

Hoàn cảnh xã hội, thời kì lịch sử mà tác phẩm phản ánh, tái hiện? Chủ đề của tác phẩm?

Nhân vật chính của tác phẩm và các bước phát triển của tính cách, của số phận nhân vật ấy? Các chi tiết, sự kiện quan trọng trong tác phẩm tác động tới cuộc đời nhân vật?

Trên cơ sở đọc kĩ tác phẩm, nắm vững kiến thức cơ bản theo yêu cầu trên mới có thể đi đến xây dựng văn bản tóm tắt.

Để xây dựng văn bản tóm tắt tác phẩm, điểm đáng nói nữa là rèn luyện về lời văn. Độ dài, ngắn của một văn bản tóm tắt tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể. Song nhìn chung, lời văn tóm tắt cần gọn gàng, súc tích, hàm chứa lượng thông tin cao.

Tránh lối viết chỉ một ý mà quá nhiều câu, dùng nhiều từ đồng nghĩa ở một mệnh đề. Bài tóm tắt nên có ngắt đoạn, chuyển ý để người đọc nắm được các phần tác phẩm, nắm được diễn tiến của dòng cốt truyện.

Chú ý đến ý nghĩa nhan đề của tác phẩm

Tác phẩm văn học là con đẻ tinh thần của người nghệ sĩ. Việc sáng tác đã khó nhiều khi việc đặt tên lại càng khó hơn. Tên tác phẩm không phải là cho nó cái tên để gọi mà là cả một dụng ý, một ý nghĩa nghệ thuật.

Ví dụ: Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân: Gợi sắc thái đối lập; tình cảnh ngang trái, một tình huống đặc biệt; còn có thể gợi về cái tên của nhân vật trong tác phẩm.

Chú ý đền tình huống và chi tiết trong tác phẩm

Nếu như tứ thơ giữ một vai trò quan trọng đối với thơ trữ tình, thì với văn xuôi tự sự, tình huống truyện có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của tác phẩm.

Nếu tạo được một tình huống truyện xem như đã tạo được một tiền đề khá vững chắc cho sự thành công của tác phẩm. Do đó các cây bút tài năng thường ý thức đến điều này.

Như vậy khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu các tác phẩm văn xuôi ngoài việc tóm tắt để ghi nhớ tác phẩm người giáo viên phải hướng dẫn các em chú ý tình huống truyện. Bởi vì trong văn xuôi tự sự tình huống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thể hiện tính cách và số phận nhân vật, chủ đề tác phẩm.

Trong văn xuôi tự sự, xây dựng tình huống dường như thành nhiệm vụ tất yếu của nhà văn, trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn. Bởi thế, phân tích tác phẩm thuộc thể loại này, điều quan trọng là phải xác định, khái quát được tình huống và ý nghĩa của nó.

Mối quan hệ giữa tình huống với nhân vật thể hiện mối tương quan giữa hoàn cảnh và tính cách. Hoàn cảnh càng có tính điển hình, càng có độ gay cấn thì càng dễ nổi bật tính cách điển hình của nhân vật.

Khi phân tích tình huống cần phải chú ý tới hiệu quả nghệ thuật của nó đối với việc thể hiện chủ đề tác phẩm, tư tưởng của nhà văn.

Ngoài việc xác định và phân tích ý nghĩa của tình huống truyện người giáo viên cần cho học sinh so sánh tình huống truyện trong mỗi tác phẩm của từng nhà văn.

Về chi tiết trong tác phẩm văn xuôi tự sự: Một tác phẩm văn xuôi hay lắm khi hay ở chi tiết, hình ảnh cho nên khi ôn tập các tác phẩm văn xuôi người giáo viên phải hướng dẫn học sinh chú ý đến chi tiết đặc sắc trong tác phẩm và đi tìm ý nghĩa của các chi tiết đó.

Trong một tác phẩm thường có nhiều chi tiết nhưng không phải mọi chi tiết đều có giá trị ngang bằng nhau.

Có các chi tiết có thể lướt qua hoặc bỏ đi cũng không sao. Có các chi tiết thể hiện thần thái nhân vật, cô đọng nội dung, giá trị của tác phẩm, như một giọt nước mà qua đó có thể thấy cả cốc nước.

Bởi thế, người giáo viên khi hướng dẫn học sinh đọc văn, phân tích văn phải biết lướt qua những chi tiết vụn vặt, ngẫu nhiên, đồng thời nắm bắt lấy và tập trung phân tích các chi tiết tiêu biểu, đắt giá nhất.

Làm được điều này chính là một căn cứ để đánh giá năng lực cảm thụ tác phẩm, đồng thời đánh giá phương pháp, kĩ năng của học sinh.

Lưu ý, một bài viết hay (cũng như một ca sĩ hát) phải có chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ thăng chỗ trầm chứ không nên đều đều, đơn giọng. Muốn đạt đến điều này đương nhiên cần nhiều điều kiện, yếu tố, cần phải luyện bút công phu.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ