“Giữ” dân ở lại với quê...

GD&TĐ - Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng, đóng góp 17,7% GDP của cả nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước...

Vậy nhưng đang hiển hiện một thực tế rất buồn: 10 năm qua, có hơn 1,3 triệu người từ đây đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hai năm qua, dân số giảm 0,3%; tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng tỷ lệ xuất cư cao nhất. Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng dân số là 0%, trong khi trung bình cả nước là 1,14%...

Theo Báo cáo Kinh tế thường niên đầu tiên về Đồng bằng sông Cửu Long do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện vừa được công bố, nguyên nhân là do những thách thức của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường...

Cấu trúc kinh tế chưa ổn định, nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, hạ tầng giao thông rời rạc, thiếu kết nối khiến vùng đất này chưa phát triển như mong muốn. Và rằng nếu không có những yếu tố đột biến, khả năng dân số sẽ tiếp tục giảm, đến năm 2030, dân số của vùng có thể chưa tới 17 triệu người...

Hơn chục hôm trước, báo chí đưa tin về việc ba đứa trẻ, tuổi “trứng gà, trứng vịt”, đứa 11, đứa 12, đứa 14 rủ nhau đạp xe từ xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh, đứa thì để gặp cha mẹ, đứa thì tìm việc làm đã để lại rất nhiều trăn trở, thậm chí day dứt về nỗi niềm ly hương.

Như quê tôi, một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, ruộng đồng dù không “thẳng cánh cò bay” như Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng thuộc diện “bờ xôi, ruộng mật”. Vậy nhưng vài chục năm nay, còn rất ít người gắn bó. Ruộng phần lớn cho người khác làm, hoặc bị thu hồi để làm khu công nghiệp, chuyển đổi thành đất ở. Thanh niên phần lớn đi làm ở các khu công nghiệp, hoặc đi tìm việc ở nơi khác...

Mặt tích cực trong chuyện này là có, đó là tạo việc làm cho người lao động với thu nhập khá; diện mạo các địa phương thay đổi đáng kể. Thế nhưng cùng với đó là những mặt trái, trong đó có việc ly hương.

Thực tế, không ai muốn rời bỏ quê hương, gia đình, con cái. Nhưng vì cuộc sống, họ không còn lựa chọn khác. Để rồi, bên cạnh “quả ngọt” là đời sống kinh tế được cải thiện, con cái có điều kiện học hành là không ít chuyện éo le, trái ngang, thậm chí là đau xót.

Như chuyện vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ; con cái thiếu sự chăm sóc, bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ dẫn đến hư hỏng, sa đà vào tệ nạn xã hội. Nghiêm trọng hơn là án mạng.

Với Đồng bằng sông Cửu Long, trong hai chục năm qua, đã đạt kết quả rất “đáng nể” trong giảm nghèo, giảm từ gần 37% năm 1998 xuống còn hơn 12% năm 2010; năm 2016 còn 5,2% và tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2019 - đồng nghĩa với đời sống người dân đã được cải thiện, đã được nâng lên đáng kể.

Nhưng dù vậy, nơi đây vẫn chưa đem lại sự thịnh vượng cho phần lớn người dân - Báo cáo Kinh tế thường niên đầu tiên về Đồng bằng sông Cửu Long nhận định. Bởi vậy, thời gian tới, định hướng chiến lược phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng tới yếu tố bền vững lâu dài thay vì lợi ích trước mắt. Có như vậy mới đủ sức “giữ” người dân ở lại với quê hương. Để không còn những chuyện tương tự như ba đứa trẻ ở Cà Mau đạp xe lên tận TP Hồ Chí Minh tìm cha mẹ, tìm việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.