Phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đến dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cùng các chuyên gia, nhà khoa học. Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đến dự hội thảo. 

Phía TP Cần Thơ có đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q. Ngữ.

Khẳng định vai trò trung tâm ĐBSCL

Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội, Cần Thơ chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 2004. Ngày 17/2/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong 15 năm qua, bằng sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, TP Cần Thơ đạt được những thành quả quan trọng. TP Cần Thơ dần khẳng định được vai trò là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của vùng; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL và cả nước.

Theo thống kê, giai đoạn 2006 - 2019, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, hằng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt hơn 100.000 tỉ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2019 đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7 lần năm 2005…

TP Cần Thơ thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị, năm 2009 được Chính phủ công nhận là đô thị loại I, hướng tới mục tiêu là đô thị hạt nhân của vùng. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối mạng lưới đô thị vùng, thể hiện vai trò đầu mối về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế…

Hiện TP Cần Thơ có 246 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 1,7 tỉ USD; 103 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 63.000 tỉ đồng; khoảng 10.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký bình quân khoảng 11.000 tỉ đồng/doanh nghiệp; có 36/36 xã và 2/4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hệ thống giáo dục, quy mô trường lớp phát triển khá nhanh và tương đối hoàn thiện từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Chất lượng giáo dục được nâng lên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 71,21%. Hệ thống đào tạo nghề cũng đang dần khẳng định vai trò trung tâm đào tạo của vùng. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 trường đại học (tăng 2 so với năm 2005), 2 phân hiệu trường đại học và 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q. Ngữ.

Phát triển bền vững theo hướng “thuận thiên”

Theo các đại biểu tại hội thảo, TP Cần Thơ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Đóng góp trong GRDP của vùng còn nhỏ. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp và chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 với những tác động lan tỏa tích cực đối với sự phát triển của các ngành khác của thành phố cũng như của vùng.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn chưa đồng bộ, bền vững, hiện đại và chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân của vùng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại và chất lượng chưa cao, đang là điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của cả vùng. 

Cần Thơ chưa thực sự trở thành hạt nhân liên kết và kết nối vùng; sự hợp tác, liên kết với các địa phương khác trong vùng còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương…

Phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tham dự hội thảo. Ảnh: Q. Ngữ.

Tại hội thảo, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết nghị quyết 45-NQ/TW cùng các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, trình bày các tham luận với chủ đề phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Làm rõ những thành tựu đạt được cũng như định hướng phát triển TP Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW ghi nhận những nỗ lực của TP Cần Thơ sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45/2005 của Bộ Chính trị. TP Cần Thơ đã thực hiện được những kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu đã trở thành trung tâm của vùng.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, trong nghị quyết này có nhiều mục tiêu và cơ bản đã đạt được. Nhưng có một mục tiêu rất quan trọng là đến năm 2020, Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, rõ ràng mục tiêu này không đạt được. Đã có hai lần sơ kết Nghị quyết 45, Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận số 17 năm 2012 và Kết luận số 07 năm 2016, đã đưa ra những cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, cần đánh giá xem những cơ chế đó đã đủ mạnh chưa, đã phù hợp với mục tiêu đặt ra hay chưa, để thời gian tới có cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa.

Theo đó, quan điểm là phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với phát triển cả vùng ĐBSCL. Thành phố dù phát triển thế nào cũng phải thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng “thuận thiên”… Bên cạnh đó, Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung cần tháo gỡ điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông...

Mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ; thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu Đông Nam Á; là trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; về GD&ĐT, y tế chuyên sâu, KH&CN, du lịch, văn hóa và thể thao; là đô thị sông nước, văn minh, sinh thái, đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; hệ thống Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam bộ; thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu châu Á.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.