Tránh vết xe đổ khi đào tạo giáo viên tích hợp

GD&TĐ - Theo tính toán của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2026, cả nước cần bổ sung hơn 65 nghìn giáo viên.

Sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong ngày nhập học. Ảnh: NTCC
Sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong ngày nhập học. Ảnh: NTCC

Đáng nói, hầu hết địa phương đều thiếu, thậm chí là chưa có giáo viên chuyên trách dạy 2 môn tích hợp. Do đó, việc mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp là cần thiết.

Chủ động bắt nhịp

Theo Chương trình GDPT 2018, cấp THCS có môn Khoa học Tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Môn Lịch sử - Địa lý được tích hợp từ các môn Lịch sử, Địa lý. Hiện, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã mở mã ngành đào tạo hai môn học này.

Đơn cử như, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, từ năm 2019 đã mở ngành đào tạo Sư phạm Khoa học Tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Các năm tiếp theo, trường này tiếp tục đào tạo giáo sinh ngành này và bổ sung ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Đến năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên là 160 sinh viên, ngành Lịch sử - Địa lý là 190 em. Năm 2022, chỉ tiêu đào tạo của hai ngành này lần lượt là: 180, 200 sinh viên.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng chú trọng đào tạo sinh viên theo định hướng của Chương trình GDPT 2018. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo - cho hay, chủ trương này được triển khai từ năm 2015. Theo đó, sinh viên được bồi dưỡng, tập huấn bổ sung về đổi mới Chương trình GDPT 2018 trước khi tốt nghiệp. Từ năm 2020, giáo sinh được bồi dưỡng các mô-đun hướng dẫn thực hiện chương trình mới như bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán.

Tương tự, ngay năm 2019, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý với 50 chỉ tiêu mỗi ngành. Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành này tăng gấp đôi. Năm 2021 tiếp tục tăng lên 120 chỉ tiêu. Đến năm 2022, chỉ tiêu của hai ngành này lần lượt là: 123 và 120.

Từ năm 2019, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) bắt đầu tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý với 60 chỉ tiêu mỗi ngành. PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, chỉ tiêu tuyển sinh được tính toán dựa trên nhu cầu thực tế của các địa phương và năng lực đào tạo của nhà trường.

Cùng với việc mở ngành học mới, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng chủ động đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; trong đó có dạy môn tích hợp. Theo đó, ngoài việc mở các chuyên ngành sư phạm nêu trên, nhà trường bổ sung kiến thức sư phạm liên môn cho sinh viên đang học ở trường. Trên cơ sở đó, khi tốt nghiệp, các em sẽ đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Để không thừa thiếu cục bộ

Hiện, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chưa thiết kế riêng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy môn Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Tuy nhiên, sinh viên các ngành Khoa học Tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý…) có thể đăng ký học thêm học phần đáp ứng yêu cầu về dạy học tích hợp. Khi ra trường, các em có thể dạy môn trên theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay, năm nay, trường bắt đầu làm đề án để trình Bộ GD&ĐT. Nếu được phê duyệt, có thể năm tới, nhà trường sẽ tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Tất nhiên, việc mở ngành và chỉ tiêu được tính toán, bảo đảm phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu thực tiễn. Có thể nhà trường sẽ đào tạo theo đặt hàng của các địa phương, hoặc đào tạo gắn với nhu cầu thực tế.

Nhấn mạnh, nhiều địa phương chưa đủ về số lượng giáo viên chứ chưa nói chất lượng, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nhìn nhận, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là, làm sao có đủ số lượng và chất lượng giáo viên để dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Để giải quyết bài toán này, trong những năm tới, cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp.

Theo đó, về lâu dài, cần mở thêm mã ngành và bổ sung nguồn tuyển sinh cho cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là những môn mới, môn tích hợp. Muốn vậy, cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu, đặt hàng, định mức, cơ chế quản lý trong triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đặt hàng đào tạo giáo viên theo yêu cầu.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - phân tích, ở cấp THCS có môn Khoa học Tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý. Do đó, chỉ tiêu đào tạo sẽ khác so với các ngành sư phạm khác. Vì vậy, việc đào tạo như thế nào? Chỉ tiêu bao nhiêu cần tính toán kỹ lưỡng và phải dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực của các địa phương.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, không nên đào tạo tràn lan, mạnh ai nấy làm dẫn đến tình trạng chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa. Nếu không khoa học, vô hình trung có thể lặp lại vết xe: Thừa thiếu giáo viên cục bộ. “Giải pháp tốt nhất là đào tạo theo địa chỉ. Nghĩa là, các địa phương cần chủ động đặt hàng với cơ sở đào tạo giáo viên về số lượng và chất lượng theo nhu cầu thực tiễn” - TS Nguyễn Tùng Lâm khuyến nghị.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các địa phương cần xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, rà soát để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng của địa phương để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ