Ở nhiều nơi, nhà trường, giáo viên và phụ huynh đã cùng chia sẻ trách nhiệm chung để trẻ đi học hay ở nhà đều bảo đảm được chăm sóc tốt nhất.
Quy định 5K và dinh dưỡng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) đã lên đầy đủ phương án ứng phó để bảo đảm việc nuôi dạy trẻ tốt nhất. Cô Trần Thị Oanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Theo lịch, ngày 1/3, trường đón học sinh và triển khai dạy học bình thường, tuy nhiên lại phải dừng vì Hà Nội đang có nhiều F0 nhất cả nước.
Chưa nhận được thông tin thời điểm nào trẻ đi học trở lại, tuy nhiên, nhà trường vẫn chỉ đạo giáo viên tăng cường trao đổi với phụ huynh nhằm hỗ trợ cách thức chăm sóc nuôi dạy trẻ. Qua đó, bảo đảm các yếu tố dinh dưỡng, khoa học và tránh những sai lầm khi chăm sóc trẻ (cho ăn uống, giờ giấc sinh hoạt…).
Cô Hoàng Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Lầm (TP Hạ Long, Quảng Ninh) - chia sẻ: Giáo viên trong trường luôn trao đổi và nhắc nhở phụ huynh thực hiện đúng quy định 5K khi cho trẻ ra khỏi nhà, hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên… Những việc làm này tưởng như đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ mầm non. Vì ở lứa tuổi này, các em chưa ý thức đầy đủ việc giữ gìn vệ sinh phòng chống dịch mà hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ ở nhà và cô giáo ở trường.
Do dịch diễn biến phức tạp nên ngày 21/2, Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái (Yên Bái) tạm dừng việc đón học sinh đi học. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Băng - Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên vẫn duy trì hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ tại nhà; Nhắc nhở thực hiện việc đo thân nhiệt, khử khuẩn, theo dõi sức khỏe của học sinh, gia đình và đặc biệt là tránh tiếp xúc với những ai thuộc diện F0, F1, người về từ vùng dịch. An toàn cho trẻ là mong muốn của cả nhà trường và phụ huynh.
Trách nhiệm và ý thức chung
Bà Nguyễn Vy - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Yên Bái - cho biết: Theo Văn bản hướng dẫn 1860 của Bộ Y tế, nhân viên y tế trường học phải là người đề ra phương án ứng phó tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như tình trạng cấp bách, khẩn cấp trước đại dịch. Ý thức việc này, các nhà trường đều sẵn sàng các phương án để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ kể cả khi đến trường và ở nhà.
“Chúng tôi đã tập huấn cho các thầy, cô giáo, trường học cũng chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi rất mong các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường, nếu thấy con em mình có nguy cơ nên ở nhà kết hợp với y tế điều trị chứ tuyệt đối không đưa trẻ tới lớp. Các trường và cô giáo đều sẵn sàng phối hợp, đồng hành cùng phụ huynh để việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ an toàn”, bà Vy cho hay.
Một ngày như mọi ngày kể từ khi con nghỉ học ở nhà tránh dịch, chị Nguyễn Thị Kiên đều trao đổi qua Zalo với cô Phạm Vân Kiều, giáo viên Trường Mầm non Yên Ninh (TP Yên Bái) về sức khỏe, lịch ăn ngủ nghỉ của con thế nào. Tùy tình hình mỗi trẻ, cô giáo hướng dẫn cặn kẽ cách thức chăm sóc trẻ ở nhà sao cho khoa học để phụ huynh làm theo.
Cô Kiều cũng không quên nhắc nhở chị Kiên, trẻ chưa tiêm phòng nên gia đình phải tuyệt đối tránh các nguy cơ nhiễm Covid-19. Cha mẹ và người thân trong gia đình là những người đầu tiên phải ý thức việc đó. Nếu người lớn không nghiêm túc thực hiện quy định 5K dẫn đến mắc bệnh, nguy cơ mất an toàn cho trẻ là hiện hữu.
Cô Phạm Lý - giáo viên Trường Mầm non Họa My, TP Vinh (Nghệ An) - chia sẻ: “Hơn ai hết, chúng tôi hiểu tâm lý những bậc làm cha mẹ khi nuôi dạy con trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Nhiều phụ huynh vẫn phải đi làm trong khi trường học đóng cửa nên phải gửi con để ông bà nuôi. Để bảo đảm việc nuôi dạy các cháu được khoa học, chúng tôi đã hướng dẫn phụ huynh những công việc hàng ngày. Mọi người đều ý thức việc này nên đã kết nối với cô giáo thường xuyên và chi tiết. Thật vui là phụ huynh hiểu và đồng hành cùng giáo viên và nhà trường”.