Trẻ mầm non trở lại trường: Phụ huynh chung tay chống dịch

GD&TĐ - Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đã cho học sinh đi học trở lại. Lo lắng là điều không tránh khỏi nhưng cũng không thể để trẻ ở nhà mãi.

Đo thân nhiệt, phân luồng, giữ khoảng cách đón trẻ vào lớp tại Trường MN Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: TG
Đo thân nhiệt, phân luồng, giữ khoảng cách đón trẻ vào lớp tại Trường MN Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: TG

Điều này đòi hỏi trách nhiệm của nhà trường và ý thức của phụ huynh trong việc chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ trước sự tấn công của virus gây bệnh.

Trách nhiệm chung

Sáng sớm 14/2, cũng như những ngày trước cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên Trường Mầm non Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã đứng chờ ở cổng trường để đón học sinh tới lớp. Những thủ tục hết sức cơ bản đã được nhà trường chuẩn bị sẵn như thiết bị đo thân nhiệt, khử khuẩn...

Sau khi đón nhận tận tay trẻ từ phụ huynh, cô Trang không quên hỏi sức khỏe của học sinh trước khi được gia đình đưa tới trường, có ho, sốt không… Trẻ có tiếp xúc với ai thuộc diện F0, F1, người từ vùng dịch về không. Cô Trang cho rằng, những câu hỏi tưởng chừng như rất bình thường đó, nhưng lại là rào cản hữu hiệu để ngăn dịch Covid-19 vào nhà trường.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh, ông Nguyễn Minh Thanh chia sẻ: Nếu người dân và nhà trường cùng có trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19, chúng ta sẽ hạn chế được tối đa dịch thâm nhập vào nhà trường. Những việc làm tuy đơn giản như thực hiện đúng quy định 5K của ngành Y tế, chủ động theo dõi sức khỏe và khai báo y tế… có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ mầm non vì ở lứa tuổi này các cháu chưa ý thức đầy đủ việc giữ gìn vệ sinh phòng chống dịch mà hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ ở nhà và cô giáo ở trường.

Hưng Thịnh là xã miền núi của tỉnh Yên Bái, có nhiều người dân tộc thiểu số nên xã đặc biệt quan tâm tới trách nhiệm của các thầy, cô giáo gắn với nhắc nhở, đồng hành cùng phụ huynh lo giữ an toàn sức khỏe phòng chống dịch cho trẻ mầm non khi đến trường.

Còn ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cô Nguyễn Kim Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Lý - cho biết: Phòng chống dịch cần đến cộng đồng ý thức của cả phụ huynh và nhà trường. “Chúng tôi phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt, từ vệ sinh hàng ngày đối với đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục, hạn chế sử dụng đồ chơi khó lau rửa, khử khuẩn, đến vệ sinh lớp học, phòng chức năng, bề mặt phòng học, khu vệ sinh…

Thực hiện lưu thông không khí tại lớp học theo đúng quy định. Còn đối với phụ huynh là việc tuân thủ 5K cùng những quy định khi đưa trẻ đến trường. Chúng tôi rất mong các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường một cách trách nhiệm nhất, nếu thấy con em mình có nguy cơ thì nên ở nhà kết hợp với y tế điều trị chứ tuyệt đối không đưa trẻ tới lớp”, cô Kim Anh bày tỏ.

Giáo dục trẻ tự vệ sinh cá nhân phòng chống dịch tại Trường MN Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Ảnh: TG
Giáo dục trẻ tự vệ sinh cá nhân phòng chống dịch tại Trường MN Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Ảnh: TG

Bài học kinh nghiệm

NGƯT Vũ Thế Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT Hải Hậu, tỉnh Nam Định - chia sẻ: Huyện Hải Hậu từng là tâm điểm của dịch, F0 có ở nhiều trường, tuy nhiên ngành Giáo dục đã bình tĩnh xử lý và có các giải pháp ứng phó kịp thời nên dịch về cơ bản được ngăn chặn.

“Chúng tôi yêu cầu các nhà trường bên cạnh việc thực hiện nghiêm vệ sinh phòng dịch của Bộ Y tế, phải tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để phụ huynh hiểu và đồng hành cùng trường bằng những pano, áp phích treo ở những nơi dễ nhìn và có nhiều người qua lại; in quy trình rửa tay để trước các vòi nước; dùng tài liệu, các video clip của Bộ Y tế giới thiệu công tác phòng, chống dịch Covid-19”, ông Vũ Thế Hưng nói.

Tạo ý thức tự giác đeo khẩu trang cho trẻ - Trường MN Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG
Tạo ý thức tự giác đeo khẩu trang cho trẻ - Trường MN Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG

Trường Mầm non Hải Tân (huyện Hải Hậu) từng có 6 học sinh trong diện F0 nhưng nhà trường đã bình tĩnh cùng ngành Y tế xử lý kịp thời nên các cháu an toàn, còn trường học vẫn duy trì bình thường. Cô Chu Thị Dung - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Lo lắng nhiều thì phải làm nhiều.

Ban giám hiệu xây dựng các bài tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19, cách chăm sóc trẻ, vệ sinh cá nhân cung cấp dinh dưỡng đủ chất cho trẻ trong mùa dịch gửi tới cha mẹ học sinh trên các trang nhóm lớp. Đồng thời tăng cường hệ thống thông tin liên lạc với phụ huynh học sinh qua các kênh thông tin mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube... ) để cùng với gia đình theo dõi sức khỏe học sinh và nhận được sự đồng hành trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ.

Trong thời gian trẻ em đến trường, từ khâu đón, trả trẻ, các trường học trên địa bàn huyện Hải Hậu đều có sự chuẩn bị nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt. Cha mẹ và người đưa đón giữ khoảng cách khi gửi trẻ và đón trẻ tại khu vực cổng trường, tuyệt đối không vào khu vực lớp học. Thực hiện phân chia khoảng thời gian, phân luồng đón trả trẻ theo khối, lớp cho phù hợp. Các nhà trường cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch, lựa chọn các phương pháp, hình thức cho trẻ em hoạt động bảo đảm giãn cách, hạn chế tiếp xúc gần phù hợp với điều kiện trường lớp.

Phụ huynh Hà Trọng Quý có con học lớp 5 tuổi ở Trường MN Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), chia sẻ: Tôi hoàn toàn yên tâm khi thấy nhà trường và các cô giáo thực hiện nghiêm quy định 5K phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, với phụ huynh cũng tự ý thức việc lo sức khỏe cho con em mình. Nếu thấy các con có những biểu hiện hoặc tiếp xúc với những người nghi nhiễm Covid-19 nên để các cháu ở nhà và tìm sự hỗ trợ của y tế chứ đừng đưa con tới trường, ảnh hưởng đến các cháu khác. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.