Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh

Vai trò của những “thiên thần áo Blu trắng” chốn học đường sẽ được các khách mời chia sẻ trong Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh”, do Báo GD&ĐT tổ chức từ 09h00 – 10h30 ngày 29/10/2020.

Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh

Những năm qua, y tế học đường đã khẳng định và phát huy vai trò quan trọng trong bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ học sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Phải khẳng định rằng, công tác y tế trong trường học hiện nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, vượt qua những rào cản, công tác y tế học đường trong những năm gần đây đã khẳng định được vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho học sinh, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ở các nội dung liên quan đã được cụ thể hóa trong Luật trẻ em năm 2016.

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong trường học là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Để thực hiện tốt hơn sứ mệnh đó, các nhà trường thực sự cần có nhân viên y tế đủ trình độ và năng lực chuyên môn để đảm đương trọng trách. Họ không chỉ là người phản ứng nhanh trong các trường hợp sơ cứu ban đầu khi học sinh gặp tai nạn thương tích hay đau ốm thông thường mà còn quán xuyến cả vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,… đồng thời kiêm nhiệm cả những đầu việc không tên khác.

Khi có dịch bệnh, bộ phận y tế chuyên trách nắm bắt chỉ đạo chuyên môn cấp trên để triển khai đến giáo viên, học sinh, thậm chí cả các bậc phụ huynh. Hiện diện và những hoạt động thường xuyên của y tế trường học không chỉ khiến phụ huynh học sinh an tâm mà hơn hết là góp phần nâng cao sức khỏe, tác động đến sự phát triển thể chất, trí tuệ cũng như sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước”.

Tham gia chương trình có các khách mời:

- Ông Nguyễn Hữu Nhân – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ.

- Bà Trịnh Thị Chung Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.

- Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen, Phó Trưởng khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời theo form dưới đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh ảnh 1
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Phó Trưởng khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E

Bạn đọc

Bạn phongtue@gmail.com:

Ngoài kỹ năng phòng tránh đuối nước, trẻ cần được giáo dục kiến thức, kỹ năng gì, đặc biệt trong giai đoạn mưa lũ kéo dài?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

  • Nâng cao nhận thức về các mối nguy hiểm khi có mưa lũ: Sét đánh, điện giật.
  • Tuyệt đối không chơi, bơi lội khu vực ngập nước, ao hồ, sông suối vào mùa lũ, khu vực dễ bị sạt lở.
  • Nếu cần đi đò thuyền, phải có người lớn, phương tiện cứu hộ như áo phao. Đò, thuyền phải chở đúng số người quy định.
Bạn đọc

Bạn Thanh Trúc, Nhân viên trạm y tế tại Bạc Liêu:

Nhân viên y tế tại trường học thì có được biên chế theo ngành giáo dục hay không? Tôi đang là nhân viên hợp đồng tại trung tâm y tế, nếu muốn xin về trường học thì có được không? Tôi có phải thi tuyển hay như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Nhân viên y tế trường học nếu thông qua thi tuyển viên chức thì thuộc biên chế ngành Giáo dục. Nếu tuyển dụng thông qua hợp đồng lao động thì chưa phải là biên chế.

Bạn là nhân viên y tế, nếu có bằng Y sĩ từ trung cấp trở lên, có nguyện vọng vào ngành Giáo dục, có thể hợp đồng với các cơ sở giáo dục có nhu cầu. Hoặc thi tuyển viên chức ngành giáo dục hằng năm theo thông báo của các cơ sở giáo dục địa phương.

Bạn đọc

Bạn (minhanh2k@...):

Thưa cô Thuỷ, em đang học Cao đẳng y tế, rất mong muốn sau này ra trường sẽ được làm nhân viên y tế trường học. Vậy xin cô cho biết, nhân viên y tế trong trường học có được tuyển biên chế không? Chế độ đãi ngộ thế nào ạ?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh ảnh 11

 

Trước tiên, cảm ơn bạn đã có ước muốn cống hiến cho ngành giáo dục. Nếu bạn được đào tạo chuyên môn Y sĩ trở lên là đã đáp ứng yêu cầu về trình độ tối thiếu đối với vị trí nhân viên y tế học đường.

Biên chế cho vị trí nhân viên y tế trường học là nằm trong quy định của Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào nhu cầu nhân sự của từng nhà trường đề xuất với UBND quận, huyện để xin chỉ tiêu biên chế hoặc ký hợp đồng với người lao động.

Về chế độ đãi ngộ, khi làm việc ở vị trí nhân viên y tế trường học, bạn sẽ được hưởng các đãi ngộ theo quy định của Nhà nước như: lương, thưởng, bảo hiểm, nghỉ phép,...

Chúc bạn đạt được mong muốn của mình.

Bạn đọc

Bạn hongngoc@gmail.com:

Tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ, theo bác sĩ hoạt động y tế trong trường học cần chú trọng nội dung nào?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Tai nạn thương tích ở trẻ em là một vấn đề đòi hỏi toàn xã hội phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn. Rất nhiều thương tích nghiêm trọng tại trường học có thể phòng tránh được nếu thầy cô, cha mẹ và các em có ý thức và thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng ngừa:

+ Chấn thương liên quan tới hoạt động thể thao, ngã, va đập: Nền sàn bằng phẳng, chống trơn trượt; Lan can, cầu thang có tay vịn và chiều cao an toàn.

+ Đánh nhau, bạo lực trường học: Không mang vật dụng nguy hiểm đến trường lớp, giáo dục trẻ trong cách ứng xử với bạn bè.

+ Điện giật, bỏng: Đảm bảo pháp lệnh về an toàn phòng cháy chữa cháy.

+ Ngộ độc thực phẩm: Nguồn nước, nguồn thức ăn cầm đảm bảo an toàn, sạch sẽ, rõ nguồn gốc. Trẻ cần vệ sinh tay trước khi ăn.

+ Đuối nước: Một số trường ở gần khu vực có ao hồ cần có cảnh báo, rào chắn quanh khu vực ao hồ; Giáo dục trẻ về sơ cứu đuối nước.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Phương, Cần Thơ:

Học sinh có được nhân viên y tế kiểm tra sức khoẻ định kỳ hay không? Bao lâu thì được kiểm tra 1 lần? Hình thức kiểm tra như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Theo thông tư 13/2016 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, tất cả học sinh đều được cán bộ y tế học đường khám sức khỏe. Đối với trẻ dưới 24 tháng, mỗi tháng khám 1 lần. Từ 24 tháng đến 6 tuổi mỗi quý khám 1 lần. Trên 6 tuổi thì mỗi năm khám 2 lần.

Về hình thức kiểm tra sức khỏe, cán bộ y tế có thể phối hợp với y tế địa phương hoặc hỗ trợ từ giáo viên được tập huấn y tế trường học tiến hành đo chiều cao, cân nặng. Cán bộ y tế trực tiếp kiểm tra huyết áp, nhịp tim, thị lực. Sau khi kiểm tra, lập danh sách các học sinh có biểu hiện bất thường về thị lực, huyết áp, các bệnh học đường... Trao đổi với phụ huynh, đề nghị ngành Y tế cử bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị cho các em.

Bạn đọc

Bạn binhan@gmail.com:

Thiên tai, dịch bệnh biến đổi khôn lường đòi hỏi lực lượng làm công tác y tế học đường kiến thức, kỹ năng nào để có thể xử lý tình huống bất ngờ xảy ra?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

- Đối với dịch bệnh, cần giữ 5 nguyên tắc: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng dập dịch - điều trị hiệu quả.

- Công tác chuẩn bị sẵn sàng khi có thiên tai, dịch bệnh:

+ Lập kế hoạch ứng phó khi có thiên tai, dịch bệnh đã được cảnh báo, các phương án đảm bảo cấp cứu, vận chuyển, điều trị cho trẻ. Vận chuyển, phân tán cơ sở vật chất đến nơi an toàn trong trường hợp thiên tai, thảm họa đe dọa tính mạng.

+ Lưu số điện thoại liên lạc khẩn cấp: Số đường dây nóng tư vấn sức khỏe, cứu hộ - cứu nạn.

+ Rà soát, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế đủ, đặc biệt ở các vùng trọng điểm thiên tai; Tu sửa, củng cố kho tàng bảo đảm an toàn trong thiên tai.

+ Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong các tình huống thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa, bão. Tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn trong trường.

+ Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa do thiếu nước ngọt, nước sạch.

+ Cập nhật bổ sung kiến thức, các kỹ năng úng phó sống sót trong thiên tai. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho nhân viên nhà trường và học sinh đối phó với thiên tai, bệnh dịch.

Bạn đọc

Bạn (Thu Huyền – Hải Phòng):

Hiện nay, không ít người chưa hiểu đúng vai trò của y tế học đường. Vậy xin bà cho biết, thực tế, vị trí công việc này đã giúp ích những gì cho công tác chăm sóc sức khoẻ cho học sinh khi ở trường.
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Theo tôi, trong nhà trường vai trò của y tế học đường đặc biệt quan trọng bởi HS có thể chất, tâm thần khỏe mạnh thì mới tham gia tích cực được vào các hoạt động giáo dục.

Học sinh là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần và hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này. Do đó, tất cả các lực lượng trong xã hội cần chú ý trong giáo dục, rèn luyện, để giúp  các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Trong quá trình đó, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của các em.

Học sinh tiểu học hằng ngày phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, tai nạn. Đối với HS nhỏ thì cảm sốt, nôn, đau bụng, …; HS lớn thì có thể là nghịch ngợm, leo trèo dẫn đến tai nạn thương tích; … Cho nên, vai trò của nhân viên y tế trường học là rất cần thiết.

Hiện nay, tại các trường có tổ chức bán trú, nhân viên y tế còn chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ cùng với Ban chỉ đạo phụ trách khâu giao nhận thực phẩm hàng ngày, giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn để kiểm tra nếu xảy ra ngộ độc.

Vào mỗi mùa dịch bệnh, nhân viên y tế còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như Covid 19, sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay - chân - miệng, viêm màng não mô cầu,... Ngoài ra, nhân viên y tế trường học còn chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học thông qua hồ sơ theo dõi sức khỏe được khám bệnh vào mỗi đầu năm.

Vì vậy, nhân viên y tế được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn tốt sẽ làm tốt nhiệm vụ của y tế học đường, góp phần để nhà trường thực hiện tốt được nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh.

Bạn đọc

Bạn Kim Xuyến, Đồng Tháp:

Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục có những phương án nào phòng tránh dịch bệnh trong nhà trường?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh ảnh 22

 

Ngành Giáo dục thực hiện nghiêm các Chỉ thị về phòng, chống dịch của Trung ương và địa phương. Cụ thể, tuyên truyền, phổ biến tác nhân gây dịch, cơ chế lây truyền, biểu hiện bệnh lý, giải pháp phòng, phương pháp điều trị cho tất cả học sinh, giáo viên, phụ huynh thông qua nhiều hình thức truyền thông như: qua mạng xã hội, cổng thông tin trường... sử dụng tờ rơi, pa nô, áp phích nâng cao nhận thức.

Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày, đặc biệt là những em có yếu tố dịch tễ, nếu có trường hợp sốt, ho, khó thở thì cho các em nghỉ học, phối hợp phụ huynh liên hệ y tế để thăm khám và điều trị nếu phát bệnh. Tại trường, tiến hành đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh rửa tay trước khi vào trường, tạo điều kiện để các em giữ khoảng cách hợp lý khi ngồi học, khi ra chơi, sinh hoạt...

Nhà trường trang bị đầy đủ máy đo nhiệt độ, phòng y tế cách ly, hàng tuần tiến hành vệ sinh khử khuẩn toàn trường bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh để chủ động trong công tác phòng, chống.

Triển khai các giải pháp dạy, học trực tuyến khi tình trạng dịch bệnh phức tạp trong trường hợp học sinh phải nghỉ học, đảm bảo tạm ngưng đến trường nhưng không ngưng việc học.

Hiện nay, ngành Giáo dục vẫn thường xuyên phối hợp ngành Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19, chấn chỉnh các cơ sở chủ quan, lơ là trong giai đoạn hiện nay.

Bạn đọc

Bạn tuedang@gmail.com:

Trẻ em và học sinh chiếm 1/3 dân số. Việc chăm sóc, giáo dục tốt nhóm tuổi này sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển của đất nước. Theo bác sĩ, công tác y tế trong trường học đóng vai trò thế nào?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

  • Y tế học đường đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho HSSV, chú trọng đến giải quyết tình trạng sơ cấp cứu, và là kênh thông tin, truyền thông trong công tác phòng – chống dịch bệnh.
  • Nhân viên y tế trong các trường có trách nhiệm nắm bắt danh sách và quản lý tốt tình hình sức khỏe các học sinh, sinh viên để tư vấn, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khoẻ phù hợp cho từng em. Là cầu nối giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc sức khoẻ trẻ.
  • Tổ chức tập huấn, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ để các em tự ý thức trong việc vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ bản thân phát hiện sớm bệnh tật, tệ nạn xã hội. Thêm vào đó, có trách nhiệm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo nguồn nước sạch. An toàn phòng cháy, chữa cháy.
Bạn đọc

Bạn (Minh Cường – Thái Bình):

Cô giáo có thể kể một số trường hợp tiêu biểu cho thấy sự cần thiết phải có nhân viên y tế trong trường học để hỗ trợ kịp thời và ngay lập tức các trường hợp tai nạn thương tích cho học sinh trong trường học.?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Theo quan điểm của tôi cũng như hội đồng giáo dục nhà trường, có nhân viên y tế trong trường học để hỗ trợ kịp thời và ngay lập tức các trường hợp HS bị bệnh hoặc tai nạn trong trường học là cực kì cần thiết trước khi chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để khám chữa:

- Trường hợp HS bị hen, lên cơn co thắt phế quản cần có sự can thiệp cấp cứu kịp thời của nhân viên y tế có trình độ chuyên môn.

- HS bị ngã rách ngoài da hoặc có thể tổn thương xương khớp cũng cần có sự sơ cấp cứu kịp thời đúng kĩ thuật và quy định của y tế.

- HS bị hóc dị vật cũng cần có sự cấp cứu kịp thời đúng chuyên môn.

- GV-NV bị tăng huyết áp hay tụt huyết áp hoặc có bệnh lý cấp cũng cần được sự sơ cứu kịp thời theo chỉ định của nhân viên y tế.

-Trường hợp HS, GV, NV bị bỏng (nếu có ở các lớp bán trú) cũng cần có sự sơ cứu đúng chuyên môn.

Nói tóm lại, trong mọi tình huống có tai nạn thương tích hoặc xảy ra các biểu hiện bệnh tật bất thường, việc có nhân viên y tế xử trí kịp thời là vô cùng quan trọng, giúp giảm thiểu các nguy cơ rủi ro đến sức khoẻ thậm chí tính mạng của học sinh, cán bộ, giáo viên trong trường học.

Bạn đọc

Bạn Thanh Trúc, Sinh viên Trường CĐ Y tế Cần Thơ:

Tôi muốn biết, tiêu chuẩn và nhiệm vụ chức năng của cán bộ y tế trong trường học, họ sẽ thực hiện các công việc gì? Với số lượng lớn học sinh mà chỉ có 1 cán bộ y tế trong trường học vậy có đảm bảo không?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân trả lời câu hỏi độc giả.
Ông Nguyễn Hữu Nhân trả lời câu hỏi độc giả.

Tiêu chuẩn của cán bộ y tế trường học hiện nay theo quy định tại Thông tư 13/2016, giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT là phải được đào tạo Y sĩ trung cấp trở lên. Nhân viên y tế có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo nhà trường, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc trẻ: kiểm tra sức khỏe học sinh, theo dõi sức khỏe, phối hợp cơ sở y tế khám, điều trị chuyên khoa cho học sinh, sơ cấp cứu, tư vấn cho giáo viên, học sinh, phụ huynh các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh.

Tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Phối hợp y tế địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng, uống vắc xin, thông báo tình hình sức khỏe học sinh đến cha mẹ các em, giám sát các điều kiện học tập, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thông, giáo dục sức khỏe. Thống kê và báo cáo công tác y tế trường học hằng năm về cơ quan chủ quan...

Trong mỗi trường chỉ có 1 cán bộ y tế nhưng giữa ngành Giáo dục và ngành Y tế đã có kế hoạch liên tịch. Trong đó quy định công tác y tế trường học là nhiệm vụ chung của cả các cơ sở y tế địa phương và nhà trường chứ không chỉ riêng cán bộ y tế trường học. Trong kế hoạch công tác của các cơ sở y tế địa phương đều có nội dung về công tác y tế trường học. Do đó cán bộ y tế trong trường học không chỉ đơn độc xử lý các tình huống mà còn có sự hỗ trợ của ngành Y tế địa phương. Mọi hoạt động về y tế trường học đều có sự phối hợp, tham gia của cán bộ y tế địa phương.    

Bạn đọc

Bạn Hồng Ngọc, Hà Nam:

Trong trường hợp trẻ bị mắc một số bệnh về hô hấp, cha mẹ nên có cách xử trí thế nào? Việc không ít phụ huynh tự điều trị cho con liệu có phải là điều nguy hiểm?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Trong trường hợp trẻ mắc 1 số bệnh đường hô hấp, cha mẹ có thể tùy vào mức độ bệnh và điều kiện, có thể xử trí như sau:

  • Nếu trẻ có biểu hiện bệnh nhẹ, ví dụ cảm lạnh (hắt hơi chảy nước mũi, sốt nhẹ, không khó thở): Có thể theo dõi tại nhà, uống thuốc cảm cúm, nhỏ và vệ sinh mũi.
  • Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cần dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn đúng liều lượng và thời gian quy định. Khi trẻ ho tăng, khò khè, khó thở thì cần đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
  • Bên cạnh đó, cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (đồ ăn dễ tiêu hoá, hợp khẩu vị, có thể chia nhiều bữa nhỏ, uống đủ nước).
  • Lưu ý, bố mẹ không nên tự điều trị thuốc kháng sinh tại nhà, hay dùng đơn cũ để mua cho trẻ uống.
Bạn đọc

Bạn (annhien08@...):

Thưa cô Thuỷ, với những trang thiết bị, trình độ nhân lực, nhân viên y tế trong trường học có thể xử lý được những tình huống tai nạn thương tích nào của học sinh? Cô có đề xuất gì để hoạt động của nhân viên y tế học đường hiệu quả hơn?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Thực tế, với những trang thiết bị, trình độ nhân lực, nhân viên y tế được trang bị trong trường học hiện nay có thể xử lý được những tình huống tai nạn thương tích của học sinh bao gồm:

- Sơ cứu các vết rách ngoài da

- Sơ cứu ban đầu đối với những trường hợp HS nghi bị gãy xương hoặc chấn thương;

- Sơ cứu khi học sinh bị bỏng hoặc bị điện giật;

- Sơ cứu HS khi bị hóc dị vật

Bên cạnh đó, nhân viên y tế trường học còn có thể đảm nhiệm công tác sơ cấp cứu trong những tình huống bệnh khẩn cấp như: sốt cao co giật, lên cơn hen, khó thở do co thắt phế quản hoặc đau bụng quằn quại,..

Với thực tế cơ sở, tôi đề xuất có những khoá bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên y tế thường xuyên để cập nhật những phương pháp chăm sóc sức khoẻ mới nhất.

Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về số lượng học sinh/số lượng nhân viên y tế để những trường có đông học sinh vẫn đảm bảo được công tác chăm sóc sức khoẻ cho học sinh tại trường.

Bạn đọc

Bạn Minh Hằng, Hà Nội:

Trong giai đoạn giao mùa, trẻ được cho là dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ có khuyến cáo gì để phụ huynh phòng tránh bệnh này cho trẻ?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

  • Giữ ấm, ẩm vùng mũi, miệng, họng bằng khẩu trang. Thay khẩu trang hằng ngày cho trẻ.
  • Đảm bảo cơ thể sạch sẽ, vệ sinh cá nhân, răng miệng và cơ quan sinh dục tiết niệu hằng ngày. Đảm bảo trang phục thoáng mát mùa nóng, giữ ấm mùa lạnh.
  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chú trọng đủ nước, đủ vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế đi những vùng xa vào thời điểm giao mùa đối với trẻ nhỏ, hoặc trẻ có sức đề kháng yếu.
  • Vệ sinh nhà cửa trước những đợt chuyển mùa.
Bạn đọc

Bạn (vietlinh90@...):

Con tôi học lớp 1, bị bạn xô ngã trong lớp dẫn đến gãy răng và ảnh hưởng đến nướu. Trong trường hợp này, các bước xử lý của nhà trường như thế nào là đúng? Ai là người phải chịu trách nhiệm chính về tai nạn của con tôi? Xin cảm ơn cô.
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Tôi xin chia sẻ với tai nạn ngoài ý muốn của cháu. Với trường hợp này, nhân viên y tế sẽ có mặt để xử trí kịp thời. Dùng một miếng gạc ẩm và lạnh áp lên khu vực bị chảy máu để cầm máu. Đối với bé lớn, bạn có thể hướng dẫn bé cắn chặt lên miếng gạc.

- Vệ sinh vùng xung quanh chấn thương bằng nước sạch

- Chườm túi đá lạnh lên má hoặc bên ngoài miệng bé để giảm sưng.

- Cần điều tra xem răng học sinh (HS) gãy là răng sữa hay răng vĩnh viễn

Trong trường hợp:

Răng sữa rơi ra ngoài: Khi răng sữa bị rơi ra ngoài, không được cắm lại vì sẽ ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn ở dưới. Sau đó nhân viên y tế sẽ đưa HS đến cơ sở y tế để thăm khám. Trước khi đưa HS đi, nhà trường cần báo với phụ huynh học sinh (PHHS) để xin ý kiến. Nếu PHHS đồng ý, nhất trí thì sẽ tiến hành đưa HS đi.

Nếu PHHS không đồng ý, nhân viên y tế và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cần phối hợp cùng với PHHS để có phương án giải quyết kịp thời. Khi đi khám nha sĩ cần mang theo răng để kiểm tra xem chân răng có bị sót hay lún trong ổ răng không, có tổn thương gì cho mầm răng vĩnh viễn ở trong nướu hay không. Nha sĩ cũng sẽ có những can thiệp kịp thời nếu mầm răng vĩnh viễn có dấu hiệu không phát triển được ngay ngắn khi không có răng sữa cố định tại vị trí đó.

Nếu răng vĩnh viễn bị rơi ra ngoài: Răng vĩnh viễn bị rơi ra ngoài là một TÌNH HUỐNG CẤP CỨU THỰC SỰ, và thời gian từ lúc chấn thương đến khi điều trị là yếu tố quyết định. Khi gặp phải tình huống này, Nhân viên y tế nên lập tức yêu cầu GVCN thông báo ngay tới PHHS để đưa bé đến nha sĩ ngay sau khi thực hiện các bước dưới đây:

• Tìm lại chiếc răng bị rơi ra

• Lấy tay giữ mép của răng – KHÔNG CHẠM VÀO CHÂN RĂNG

• Đặt răng vào hộp chứa dung dịch nước muối sinh lí hoặc sữa, hoặc cho trẻ ngậm răng vào miệng trong thời gian đến nha sĩ, tuy nhiên đối với trẻ tiểu học thì không nên cho ngậm răng vào miệng để đề phòng các con nuốt và hóc. KHÔNG GIỮ RĂNG TRONG NƯỚC MÁY

  • Đối với các bé lớn, có thể thử đặt lại răng bé trở lại vào ổ răng – không chạm tay vào chân răng. Hướng dẫn bé cắn chặt vào một miếng gạc để cố định răng tại vị trí đó.
    • Nếu răng không được đặt lại vào ổ, dùng gạc ẩm và lạnh áp lên vết thương để cầm máu
    • Chườm túi đá lạnh lên má hoặc bên ngoài miệng bé để giảm sưng đau.
    Khi răng bé bị vỡ hoặc rơi ra ngoài, tuyệt đối tránh các thao tác sau
    • Không chạm tay vào chân răng, chỉ dùng tay giữ phần mép răng (phần nhai)
    • Không lau chùi phần chân răng
    • Không làm sạch răng bằng cồn hoặc nước oxy già

Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Trách nhiệm chính khi PHHS đã gửi con ở trường sẽ thuộc về nhà trường cụ thể là giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý học sinh còn chưa được sát sao nên xảy ra tai nạn đáng tiếc đối với HS. Vì vậy GVCN cần có trách nhiệm cùng nhân viên y tế và phối hợp với PHHS để xử lý tai nạn này.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Anh, Nhân viên tài chính tại Bạc Liêu:

Hiện nay, ngành giáo dục có những biện pháp gì để giúp học sinh phòng tránh dịch bệnh… Với vai trò là cha mẹ, gia đình học sinh thì cần thực hiện những gì để phối hợp với nhà trường phòng tránh dịch bệnh?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Nhà trường đã hướng dẫn học sinh thực hiện giữ vệ sinh cá nhân trong sinh hoạt hằng ngày tại gia đình cũng như hoạt động tại nhà trường. Các trường đều xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh và triển khai đến tất cả giáo viên, học sinh. 

Đối với phụ huynh, cần thường xuyên liên hệ với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, để nắm bắt kịp thời thông tin hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại nhà. Nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh khi đến trường, mang khẩu trang khi ra đường, rửa tay bằng nước sát khuẩn, xà phòng. Khi vào cổng trường, sau giờ ra chơi thường xuyên sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn. Không đưa tay bẩn vào mắt, mũi, miệng...

Thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh được ngành chức năng phổ biến. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của con em, nếu có biểu hiện bất thường thì kết hợp với nhà trường, ngành Y tế để xử lý. Phụ huynh có thể đến trường để được tư vấn về những nội dung nêu trên vì hiện nay các trường có phòng tiếp phụ huynh.

Bạn đọc

Bạn Huy Hùng, Phú Thọ:

Mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc gì trong bối cảnh mưa lũ kéo dài như hiện nay?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Do mưa lũ kéo dài, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc tiêu hoá. Trong khi đó, tình trạng ngập lụt khiến trẻ khó có thể tiếp cận với cơ sở y tế. Vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị sẵn trong tủ thuốc gia đình một số loại thuốc:

  • Thuốc hạ sốt, cảm cúm, thuốc ho, thuốc nhỏ mũi: Cần chú ý cho trẻ dùng theo liều lượng phù hợp cân nặng.
  • Thuốc hỗ trợ viêm đường tiêu hóa: ORS, men vi sinh.
  • Thuốc điều trị da liễu (ví dụ Bactroban, DEP), dầu gió.
  • Thuốc sát khuẩn ngoài da: Cồn i-ốt, cồn 70 độ, băng gạc.
Bạn đọc

Bạn (binhminh86@...):

Xin cô cho biết, nhà trường thường tổ chức các hình thức nào để tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức phòng chống dịch bệnh?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Để phòng, chống dịch hiệu quả, bộ phận y tế trong nhà trường đã có những việc làm cụ thể sau:

- Thực hiện tốt công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh tật: tuyên truyền về nguyên nhân, triệu chứng, tác hại của bệnh. Từ đó đưa ra những biện pháp phòng chống dịch bệnh. Công tác truyền thông có nhiều hình thức: phát thanh, thông báo trên bảng tin, phát tờ rơi, bài tuyên truyền, làm poster, pano, đăng tải bài tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, nhắn tin tới PHHS, làm phần mềm tuyên truyền trong các tiết học trải nghiệm hay ngoại khóa, dạy lồng ghép trong các tiết học,…

- Thực hiện hiệu quả chiến lược Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng triệt để - Dập dịch quyết liệt - Điều trị kịp thời.

- Làm tốt công tác vệ sinh môi trường học đường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp chặt chẽ với GVCN lớp, PHHS để theo dõi sức khỏe HS, tầm soát nguy cơ lây nhiễm; Phối hợp với cơ sở y tế địa phương và tuân thủ hướng dẫn của cấp trên trong thực thi hoạt động phòng chống dịch để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh (nếu có)

- Kết hợp các phương pháp dân gian trong phòng chống dịch như xông bồ kết trong không khí những ngày thời tiết lạnh và ẩm, sử dụng tinh dầu sả để đuổi muỗi,…

Bạn đọc

Bạn thuthuy....@gmail.com:

Ông cho biết vai trò của công tác y tế trong trường học tại địa phương?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh ảnh 46

 

Công tác y tế trong trường học là công tác quan trọng của nhà trường vì để thực hiện giáo dục, đào tạo học sinh một cách toàn diện, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất là điều kiện quan trọng. Giúp các em có nền tảng sức khỏe để học tốt và rèn luyện kỹ năng. Khi thực hiện tốt công tác y tế trường học thì nhà trường mới hoàn thành tốt các mục tiêu của ngành. Vì có sức khỏe tốt, trí tuệ, thể lực học sinh phát triển thuận lợi, giúp việc học hiệu quả và rèn luyện các kỹ năng tốt hơn.

Công tác y tế trường học thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh, thực hiện phòng chống hiệu quả dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. Phòng, chống các loại bệnh học đường như cận, cong vẹo cột sống... Có giải pháp chăm sóc, theo dõi sự phát triển về thể chất của học sinh.

Công tác này là hết sức quan trọng trong hoạt động các cơ sở giáo dục. Do đó các trường học phải thực hiện đầy đủ, đúng theo các quy định của ngành Giáo dục và ngành Y tế. Cụ thể là Thông tư 13/2016 - Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Huyền, Hải Dương:

Cha mẹ chăm sóc con thế nào để ổn định tâm lý, tăng cường sức đề kháng, hạn chế khả năng mắc bệnh?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh ảnh 49

 

Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là tình trạng không có bệnh tật hoặc ốm yếu. Do đó, cha mẹ cần:

  • Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng: Bữa ăn với thực đơn đa dạng, đầy đủ và cân đối 4 nhóm dinh dưỡng; Khuyến khích con ăn đủ rau xanh, uống đủ nước. Hạn chế những thực phẩm quá nhiều chất béo, đường đơn như đồ ăn nhanh, bánh ngọt, nước ngọt đóng chai.
  • Tăng cường vận động, các hoạt động thể dục.
  • Ngủ đủ thời gian, cùng con lên kế hoạch thời khóa biểu hợp lý để trẻ có đủ thời gian nghỉ ngơi, cân bằng trong sinh hoạt thường ngày.
  • Quan tâm sự phát triển và thay đổi tâm sinh lý của trẻ qua từng lứa tuổi. Bố mẹ dành thêm thời gian để lắng nghe, chia sẻ và trao đổi với con kinh nghiệm sống, khuyến khích và hỗ trợ trẻ tìm và lựa chọn giải pháp để giải quyết tình huống khó khăn thường gặp, không tạo quá nhiều áp lực học tập lên trẻ.
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để điều trị, hỗ trợ và tư vấn cho cả trẻ và bố mẹ khi cần.
Bạn đọc

Bạn (myanh@...):

Tôi được biết, nhân viên y tế trong một số trường học còn phải kiêm nhiệm “một núi” việc không tên. Vậy, xin bà cho biết, điều này có đúng không và tại trường TH Nghĩa Tân nhân viên y tế có phải kiêm thêm các đầu việc khác không?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Theo thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cư sở giáo dục phổ thông công lập, tại điều 6 Định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp tiểu học

Mục 5 quy định: Nhân viên: Văn thư; kế toán; y tế và thủ quỹ

  1. a) Trường tiểu học có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo và trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học được bố trí tối đa 3 người; trường tiểu học có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí tối đa 2 người;
  2. b) Trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 4 người.

Như vậy nhà trường có quyền được đề nghị UBND quận (huyện) cho tuyển dụng 1 nhân viên y tế vào biên chế viên chức. Tuy nhiên tùy theo quy định mà nhân viên y tế có thể làm công việc chuyên trách cũng có thể làm công việc kiêm nhiệm theo phân công vị trí việc làm của Hiệu trưởng nhà trường.

Hiện nay, nhân viên y tế đang làm việc tại trường TH Nghĩa Tân là nhân viên chuyên trách, không phải kiêm nhiệm các nội dung công việc khác.

Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho học sinh, CB-GV-NV trong nhà trường, ngoài nhân viên y tế theo biên chế viên chức thì nhà trường còn hợp đồng thêm với 1 bác sĩ có mặt 100% thời gian học sinh đến trường tham gia các hoạt động giáo dục để tư vấn, chăm sóc sức khỏe và cùng phối hợp trong công tác y tế học đường.

Bạn đọc

Bạn Gia Phúc, Vĩnh Phúc:

Công tác vệ sinh trường học sau thiên tai cần tập trung vào vấn đề gì, theo bác sĩ?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Mục tiêu của công tác vệ sinh trường học sau thiên tai là đảm bảo xử trí tình trạng ô nhiễm môi trường – đặc biệt nước sạch, vệ sinh môi trường để phòng bệnh truyền nhiễm:

  • Thực hiện nguyên tắc: Nước rút đến đâu vệ sinh đến đó: Thu gom, xử trí rác thải, chôn xác động vật đúng nơi quy định.
  • Thau rửa bể nước, dụng cụ chứa nước, khử khuẩn đảm bảo nguồn nước ăn, nước sinh hoạt theo đúng quy định của Bộ Y tế.
  • Phun thuốc chống côn trùng như muỗi, diệt bọ gậy, bẫy chuột .
  • An toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng nên chú trọng vấn đề an toàn điện - chống cháy nổ.
Bạn đọc

Bạn (ngominh@...):

Tôi thấy mỗi trường học thường có 1 vị trí nhân viên y tế. Vậy với những trường đông học sinh như trường Tiểu học Nghĩa Tân thì nhân viên y tế gặp những khó khăn gì?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho học sinh luôn được các nhà trường coi trọng. Bởi thời gian học sinh học tập, vui chơi tại trường chiếm phần lớn thời gian trong ngày, trong tuần. Bên cạnh những công việc chăm sóc sức khoẻ thường xuyên cho học sinh theo quy định của chuyên môn, đối với những trường học có đông học sinh, nhân viên y tế gặp một số khó khăn như:

- Mất rất nhiều thời gian trong việc đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) ít nhất 2 lần/năm học để tư vấn về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với học sinh.

- Kiểm soát tình hình dịch bệnh vì học sinh nhỏ tuổi kĩ năng phòng chống dịch bệnh còn chưa tốt, lượng PHHS đưa đón con nhiều nên nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao.

Bạn đọc

Bạn Thanh Loan, Cần Thơ:

Trường học là nơi tập trung đông người nên có thể thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh, cũng như kiểm soát tốt tình hình sức khỏe học sinh. Ở Cần Thơ, các nhà trường đã triển khai biện pháp phòng chống như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân (bên trái), Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) trả lời độc giả tại đầu cầu Cần Thơ.
Ông Nguyễn Hữu Nhân (bên trái), Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) trả lời độc giả tại đầu cầu Cần Thơ.

Mỗi năm vào dịp Hè, Sở GD&ĐT đều phối hợp Sở Y tế tổ chức tập huấn về công tác y tế trường học với nhiều nội dung, chủ yếu là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh. Trong đó, nội dung phòng chống dịch bệnh trong trường học là trọng tâm. Cụ thể, cung cấp cho đội ngũ cán bộ y tế trường học biết những dịch bệnh phổ biến có thể phát sinh trong nhà trường như: Cảm cúm, Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, Đau mắt đỏ, Bạch hầu... Dự báo những dịch bệnh mới có thể xảy ra. Phân tích nguyên nhân gây bệnh, cơ chế lây truyền, cách ngăn chặn, phòng chống lây lan, giải pháp điều trị hiệu quả, công tác phối hợp, xử lý giữa ngành Giáo dục và ngành Y tế khi có dịch bệnh xuất hiện tại địa phương và nhà trường.

Tại các cơ sở giáo dục, tăng cường công tác truyền thông đến học sinh, phụ huynh, giáo viên bằng nhiều hình thức như: treo pa nô, áp phích, tuyên truyền, lồng ghép vào phát thanh học đường, phát thanh măng non, phát tờ rơi cho phụ huynh... Tập trung hướng dẫn xử lý tình huống dịch bệnh nếu xảy ra.

Chỉ đạo thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, các phòng học, nơi sinh hoạt đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh: nhiệt độ, ánh sáng, không khí... Trang bị Phòng Y tế có đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc chăm sóc sức khỏe học sinh. Có đủ nước sạch để học sinh uống và sử dụng, nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng, đảm bảo đủ các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm và cán bộ y tế hàng ngày phải quan sát những biểu hiện của học sinh để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường về sức khỏe. Từ đó tìm hiểu nguyên nhân và điều trị, hoặc phối hợp y tế địa phương xử lý kịp thời.

Đối với học sinh, thường xuyên giáo dục các em giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Tổ chức các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng. Hướng dẫn học sinh tập thể dục đầu giờ, giữa giờ để tăng thể lực. Hướng dẫn học sinh xây dựng thời khóa biểu học tập, sinh hoạt khoa học, đảm bảo sức khỏe.

Bạn đọc

Bạn Vân Khánh, Hưng Yên:

Thưa bác sĩ, trong thời điểm mưa lũ kéo dài, người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ có nguy cơ mắc phải căn bệnh nào?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen (phải) chia sẻ thông tin đến độc giả Báo GD&TĐ trong buổi GLTT
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen (phải) chia sẻ thông tin đến độc giả Báo GD&TĐ trong buổi GLTT

 

  • Trong thời kỳ mưa lũ kéo dài, trẻ nhỏ là nhóm có sức đề kháng kém nên rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như: Cảm lạnh, viêm họng, hen phế quản...
  • Mưa lũ kéo dài còn gây ngập úng, chúng ta dễ tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Do đó, trẻ rất dễ mắc các bệnh lây qua đường tiêu hóa vì mất an toàn thực phẩm (tiêu chảy cấp do nhóm virus đường tiêu hóa, vi khuẩn tả…), bệnh viêm nhiễm tiết niệu sinh dục, bệnh da liễu, sốt xuất huyết...
Bạn đọc

Bạn Uyên Trang, Nghệ An:

Bác sĩ cho biết những bệnh HSSV hay mắc, cách phòng tránh?
Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen

Học sinh - sinh viên có nguy cơ mắc nhiều bệnh dễ lây nhiễm và những bệnh không lây, hay các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • Nhóm bệnh lây nhiễm : bệnh lây qua đường hô hấp ( bệnh cúm, bệnh sởi, rubella…) , bệnh lây qua đường tiêu hóa ( tay chân miệng, rotavirus, tả, enterovirus…), qua vật truyền trung gian ( sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản). Phòng bệnh: Các cán bộ y tế giám sát, phát hiện, thông báo, cách ly đối với nhóm bệnh dễ lây lan, hướng dẫn, truyền thông giáo dục sức khoẻ để phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến, an toàn vệ sinh thực phẩm...
  • Nhóm bệnh không lây nhiễm:
  • - Bệnh liên quan thói quen sinh hoạt :

+ Tật khúc xạ: Đảm bảo nguồn sáng trong lớp học, tại nhà. Hạn chế xem tivi, điện thoại, khoảng cách tư thế phù hợp khi đọc và viết. Cung cấp đủ vitamin A và khoáng chất.

+ Bệnh cong vẹo cột sống: Thiết kế bàn và ghế phù hợp chiều cao trẻ theo lứa tuổi, hướng dẫn tư thế ngồi học hợp lý. Không mang vác quá nặng. Đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, cung cấp đủ Vitamin D, protein và các khoáng chất.

+ Béo phì: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng 4 nguồn thực phẩm, tập thể dục tăng cường hoạt động thể chất.

+ Bệnh răng miệng : Vệ sinh răng miệng hằng ngày, đặc biệt sau ăn. Không cắn vật quá cứng để tránh gây tổn thương răng. Theo dõi và điều trị sớm những trường hợp sâu răng. Không ăn đồ ngọt về tối, ăn uống muộn. Đảm bảo đủ dinh dưỡng.

+ Bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục: Đảm bảo nguồn nước sạch chống táo bón, vệ sinh cá nhân, không nhịn đại tiện, tiểu tiện, uống đủ nước và ăn đầy đủ rau xanh, hoa quả.

  • Nhóm bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần: Rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn phân ly. Phòng bệnh: Hỗ trợ các phương pháp giáo dục giới tính, sức khoẻ tâm thần ở tuổi vị thành niên. Tư vấn tâm lý đối với những trẻ mắc rối loạn tâm lý.
Bạn đọc

Bạn (Ngân Hà – Thanh Hoá):

Là người quản lý trực tiếp tại cơ sở, xin bà cho biết khó khăn lớn nhất của công tác y tế trường học là gì? Cần được tạo điều kiện tháo gỡ ra sao?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Hiện nay, trong nhà trường có rất nhiều hoạt động do các bộ phận đảm nhiệm, trong đó công tác y tế trường học là một mảng rất quan trọng. Tuy nhiên, đối với các trường tiểu học, theo tôi khó khăn lớn nhất của công tác y tế trường học là:

Trường học là nơi tập trung đông học sinh, trong khi phần lớn các em còn nhỏ tuổi, chưa có ý thức cao về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, kiến thức phòng bệnh và thực hành phòng bệnh còn rất hạn chế.

Ngoài ra, đối với học sinh tiểu học thì lượng phụ huynh học sinh đưa đón con ở trường cũng rất lớn, vì vậy nguồn gây bệnh cũng gia tăng nên nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh, bệnh tật học đường là không hề nhỏ.

Cũng có những nơi, nhân viên y tế còn chưa có kĩ năng cũng như chuyên môn chắc chắn trong việc xử trí tai nạn hoặc bệnh đột xuất cũng là hạn chế trong công tác y tế học đường.

Một số nơi, điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt đặc biệt là nhà vệ sinh cũng góp phần khó khăn trong công tác đảm bảo môi trường học tập cho học sinh

Từ thưc tế tại cơ sở, cá nhân tôi cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác y tế trường học, cần chú ý:

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức về vai trò của y tế trường học trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh. Gia đình học sinh cần phải nhận thức rõ điều này để phối hợp thực hiện hiệu quả các kế hoạch, yêu cầu của công tác y tế học đường.

- Đội ngũ những người làm công tác y tế học đường, nhất là nhân viên y tế học đường phải thường xuyên học hỏi, cập nhật, trau dồi kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau: tham gia tập huấn của cấp trên, đọc và nghiên cứu tài liệu, tư vấn từ nguồn PHHS là bác sĩ ở các bệnh viện,…

- Các nhà trường cần có sự đầu tư kinh phí vào CSVC để đảm bảo môi trường học tập cho HS.

- Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho công tác y tế trường học.

Bạn đọc

Bạn (Thu Quỳnh – Hà Nội):

Xin cô giáo cho tôi hỏi, nhân viên y tế trong trường học hiện yêu cầu trình độ chuyên môn như thế nào? Và với yêu cầu như vậy có đủ đáp ứng các yêu cầu công việc thực tế?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy (phải) trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo GD&TĐ
Bà Trịnh Thị Chung Thủy (phải) trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo GD&TĐ

 

Chào bạn. Theo quy định tại thông tư 13/2016-TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 tại mục 2 điều 8 về Nhân viên y tế trường học:

  1. a) Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định tại Điểm này hoặc ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Trạm Y tế xã) hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh;
  2. b) Nhân viên y tế trường học phải được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do ngành Y tế, ngành Giáo dục tổ chức để triển khai được các nhiệm vụ quy định;

Với trình độ và thường xuyên được bồi dưỡng cập nhật kiến thức kĩ năng chuyên môn, tôi nghĩ rằng nhân viên y tế trong các nhà trường hiện nay có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, nếu có được lực lượng nhân viên y tế trình độ cao hơn y sĩ thì càng tốt.

Bạn đọc

Bạn (lemai@...):

Tôi là một phụ huynh có con song sinh sẽ học Tiểu học vào năm tới. Vì các cháu đều tuổi nhỏ, hiếu động nên tôi rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc y tế, sơ cứu ban đầu khi các cháu chẳng may gặp tai nạn thương tích. Vậy tôi muốn hỏi trường Tiểu học có bộ phận chuyên chăm sóc vấn đề này cho học sinh không?
Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Bà Trịnh Thị Chung Thủy

Kính thưa quý phụ huynh, tôi rất chia sẻ với nỗi băn khoăn, lo lắng của các bậc cha mẹ học sinh. Các con trong độ tuổi đi học nhất là bậc tiểu học thường thiếu kĩ năng phòng tránh tai nạn không chỉ là các học sinh hiếu động. Tai nạn thường xảy ra trong nhiều tình huống như: bạn va phải, bất cẩn tự gây tai nạn cho chính bản thân, hoặc do một vài yếu tố môi trường nào đó.

Theo quy định tại thông tư 13/2016-TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 tại khoản a mục 1 điều 8 quy định “Trường học phải có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh” và theo điều 9 cũng trong thông tư 13 này quy định, ngoài việc theo dõi sức khỏe ban đầu, phát hiện bệnh tật học đường, tư vấn về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn cho học sinh biết tự chăm sóc sức khỏe,… thì bộ phận y tế trong nhà trường còn phải sơ cứu, cấp cứu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Vì vậy, quý phụ huynh hoàn toàn có thể an tâm khi gửi con đến trường học tập và rèn luyện.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thắng, Cần Thơ:

Giáo dục Cần Thơ đã làm gì để thông tin kịp thời về phòng chống dịch, bệnh trong trường học góp phần giúp trẻ em và gia đình nâng cao nhận thức và chủ động tự bảo vệ sức khỏe của bản thân?
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Giao lưu trực tuyến: Vai trò y tế học đường trong phòng chống dịch bệnh ảnh 73

 

Trước hết, ngành Giáo dục thành phố chỉ đạo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, cán bộ y tế trường học luôn theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trong cả nước trên các phương tiện thông tin đại chúng và khuyến cáo từ ngành Y tế. Qua đó, thông tin kịp thời đến phụ huynh và học sinh tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay.

Đồng thời, hướng dẫn học sinh, phụ huynh, giáo viên các giải pháp phòng, chống, cách phát hiện các loại dịch bệnh nếu có xảy ra tại địa phương và trường học. Hướng dẫn phụ huynh phối hợp với nhà trường, cùng ngành Y tế kịp thời điều trị, xử lý dịch bệnh và tuyệt đối không để lây lan trong trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...