Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh

“Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh” là chủ đề giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử diễn ra từ 9h00 ngày 27/10/2020.

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh

Tham gia chương trình có các khách mời:

- TS Lê Thanh Hà – Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

- PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Viện Vật lý địa cầu

- Cô Hà Thị Duyên, giáo viên trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức, Hà Nội

- Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Phòng chống thiên tai là một nội dung được giảng dạy lồng ghép, tích hợp tại một số môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đây cũng là vấn đề được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo nhiều năm trở lại đây.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký, ban hành Chương trình phối hợp công tác về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2018-2023 với thông điệp: chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng và bảo đảm an toàn trong trường học là trách nhiệm của của ngành Giáo dục và của toàn xã hội.

Mới đây nhất, ngày 22/10/2020, Bộ GD&ĐT đã công bố Quyết định số 3162/QĐ-BGDĐ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai Bộ GD&ĐT giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đưa ra là tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn ngành Giáo dục trong phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trang bị kiến thức, kĩ năng cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo, người học (bao gồm trẻ em mầm non, sinh viên, học sinh từ tiểu học đến đại học) và người lao động.

Xây dựng tiêu chuẩn, qui chuẩn đảm bảo an toàn trước thiên tai đối với trường, lớp học; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực.

Tăng cường hợp tác quốc tế để phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục nhằm hạn chế sự thiệt hại về người và tài sản, giảm thiểu sự gián đoạn các hoạt động dạy - học, góp phần phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo đảm thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục gắn kết với công tác phòng, chống thiên tai.

Làm thế nào để tiếp tục triển khai hiệu quả nhất giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh, sinh viên? Câu trả lời sẽ được các khách mời chia sẻ trong giao lưu trực tuyến. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo form dưới đây, hoặc gửi qua email: gdtddientu@gmail.com; hoặc tương tác qua facebook của Báo: www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh ảnh 1
Cô Nguyễn Thị Lý

Cô Nguyễn Thị Lý

Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Viện Vật lý địa cầu

Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Giáo viên trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức, Hà Nội

TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

Bạn đọc

Bạn baoquoc@gmail.com:

Thực hiện phòng chống thiên tai, tôi được biết ngành Giáo dục đưa ra thông điệp trong giai đoạn 2018-2023 là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo an toàn trong trường học là trách nhiệm của của ngành Giáo dục và của toàn xã hội. Theo ông, để thông điệp này thực sự đi vào cuộc sống cần những điều kiện gì và phải làm như thế nào?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Để thông điệp này đi vào cuộc sống, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của hành vi bảo vệ môi trường; phát huy năng lực và tinh thần chủ động của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên trong công tác phòng, chống thiên tai, đồng thời tăng cường giáo dục pháp luật về phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục. Cần phải coi giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu là một nội dung giáo dục quan trọng trong chương trình giáo dục của nhà trường, đặc biệt là các nhà trường nằm trong khu vực chịu tác động lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Bạn đọc

Bạn Minh Duy (Bắc Giang):

Cô có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai của bản thân cô và trường mầm non nơi cô quản lý.
Cô Nguyễn Thị Lý

Cô Nguyễn Thị Lý

Theo tôi việc ứng phó với thiên tai của đơn vị trường, cần nắm bắt thông tin kịp thời từ các phương tiện tuyền thông; triển khai nhanh chỉ đạo của các cấp, ngành sau đó thực hiện biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai.

Cần phun khử trung, vệ sinh sau mưa lũ để đảm bảo vệ sinh.
Cần phun khử trung, vệ sinh sau mưa lũ để đảm bảo vệ sinh.

Để đề phòng, chỉ nên để cây xanh vào mùa hè, mùa mưa lũ phải chặt cành vừa để thoáng, tránh cây đổ; bố trí phòng máy, hồ sơ tài liệu lên tầng cao.

Còn khi thiên tai đến cần huy động các lực lượng để phòng chống như: cán bộ giáo viên, bảo vệ, phụ huynh cùng vào cuộc. Bố trí phòng máy, phòng lưu trữ hồ sơ lên tầng cao.... đặc biệt tại trường học đồ dùng ở tầng 1 phải sơ tán lên tầng cao hơn.

Sau thiên tai, huy động các lực lượng hỗ trợ dọn dẹp, khắc phục hậu quả đồng thời phun khử trùng, diệt muỗi để đảm bảo vệ sinh, ngâm khử trung các đồ dụng cụ của trẻ, để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường.

Bạn đọc

Bạn Vũ Khải (Quảng Bình):

Theo ông, các giải pháp căn cơ nào để phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả lũ lụt cho các trường lớp nói riêng và cơ sở hạ tầng nói chung ở khu vực miền Trung?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Chào bạn. Miền Trung Việt Nam là khu vực thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai. Đây được coi là khu vực "rốn lũ", thường đón thiên tai sớm nhất, phổ biến là những tác động của các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, động đất và sóng thần. Vì vậy, các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả lũ lụt cho các trường lớp nói riêng và cơ sở hạ tầng tại khu vực miền Trung theo tôi là:

Trường lớp, các công trình dân dụng phải được xây dựng trên những nền đất vững chắc, bằng những nguyên liệu có đủ khả năng chống chịu sức công phá của mưa to, gió lớn, lũ và sự ngập lụt trong thời gian dài.

Các cấp chính quyền tại các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để ứng phó với lũ lụt và các loại hình thiên tai khác đi kèm theo lũ lụt. Các chiến lược ứng phó được xây dựng trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại và phù hợp với điều kiện của địa phương. Các kế hoạch hành động và chiến lược ứng phó lũ lụt tại địa phương cũng phải phù hợp với khuôn khổ của hệ cảnh báo sớm và ứng phó thiên tai của quốc gia. Chiến lược ứng phó cần phải lưu ý tới các giai đoạn khác nhau bao gồm trước, trong và sau thiên tai.

Một hoạt động không thể thiếu chính là công tác giáo dục cộng đồng, nâng cao kiến thức của cộng đồng về hiểm họa lũ lụt và ý thức tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, lũ lụt.

Bạn đọc

Bạn Thái Anh, Phú Thọ:

Cô Duyên có thể chia sẻ kết quả sau những bài giảng về kiến thức phòng chống thiên tai cho học sinh? Các em đã thu được những gì hay có những hoạt động gì cụ thể?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Sau khi thực hiện lồng ghép giảng dạy phòng chống thiên tai cho học sinh trong mỗi tiết học và sau mỗi dự án, tôi nhận thấy:

  • Kiến thức mà học sinh thu được sau các tiết dạy, nhất là sau các dự án thường rất cụ thể, sâu sắc giúp các em nhớ lâu.
  • Về kỹ năng, các em đã có được kỹ năng cơ bản để ứng phó với những thiên tai thường gặp.
  • Về năng lực, các em không chỉ có năng lực nhận dạng thiên tai và những nguy cơ đi kèm với nó để giải quyết tình huống mà còn có cơ hội thể hiện nhiều năng lực khác như công nghệ thông tin, truyền thông, thể hiện được vai trò của mình trong gia đình và cộng đồng.

Điều làm tôi ấn tượng nhất không phải là những sản phẩm dự án hay chiến thắng của các em trong những cuộc thi tìm hiểu kiến thức để phòng chống thiên tai mà tôi ấn tượng với thái độ của các em khi nhìn nhận thiên tai như một diễn biến tất yếu của tự nhiên, sẵn sàng đón nhận nó và tìm cách ứng phó với nó một cách tích cực.

Bạn đọc

Bạn Hồng Thủy, Hoài Đức:

Trường tôi có hình thức phổ biến kiến thức về giảm nhẹ thiên tai cho học sinh trong các tiết chào cờ, theo cô Duyên, có cách làm nào để các tiết ngoại khóa đó trở nên sinh động?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Bên cạnh khó khăn là tiết chào cờ có thời lượng ngắn nhưng tiết học này lại tập trung rất đông học sinh nên cơ hội để phổ biến kiến thức cho các em rất cao.

Để sử dụng hiệu quả thời gian này, xin chia sẻ một số gợi ý nhỏ: Thứ nhất là nên sân khấu hóa các nội dung thành các vở kịch ngắn, thể hiện được đầy đủ dấu hiệu, cách phòng tránh cơ bản và cảm xúc mà thiên tai gây ra cho con người.

Thứ hai, xây dựng bộ câu hỏi tương tác để thi đua giữa các lớp nhằm thu hút sự tập trung của các em và giúp các em hào hứng hơn.

Thứ ba, vẫn nên lựa chọn các thiên tai thường xảy ra nhất ở địa phương, vì những thiên tai đó các em thường gặp hơn và cần có kỹ năng phòng tránh hơn những thiên tai ít gặp khác.

Ngoài ra, nhà trường cũng có thể dành thời gian tổ chức một buổi diễn tập phòng chống thiên tai để học sinh được trải nghiệm các tình huống thực tế và hình thành các kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bạn đọc

Bạn Hồng Vân, Hải Dương:

Theo cô Duyên, làm thế nào để giảm nhẹ thiên tai không trở thành khẩu hiệu?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh ảnh 19

 

Theo tôi, phòng chống thiên tai không nên là một khẩu hiệu vì, những ảnh hưởng của thiên tai đến cuộc sống của mỗi chúng ta, nhất là học sinh là rất lớn.

Trước những diễn biến thay đổi của môi trường, học sinh phải là đối tượng được học thực sự bài bản về phòng chống thiên tai và có khả năng thích nghi với nó.

Muốn vậy, vai trò của giáo viên càng cần phải phát huy:

- Giáo dục để học sinh nhận thấy những nguy cơ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào của những thiên tai xảy ra trong cuộc sống và chủ động học cách phòng chống thiên tai.

- Tổ chức được các hoạt động dạy học về phòng chống thiên tai. Đặc biệt là những thiên tai thường xảy ra ở địa phương mình.

- Hướng sự chú ý của học sinh về vấn đề này thành những đề tài nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng thực tế với địa phương trước, trong và sau thiên tai.

Cần có sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị, cơ quan với nhà trường trong việc xác định vai trò của giáo dục phòng chống thiên tai, nhất là việc phối hợp kết nối các chuyên gia về lĩnh vực này để tư vấn, hướng dẫn cho người dạy và người học.

Bạn đọc

Bạn vuhalan78@...:

Với các môn học ở các trường học hiện nay, theo ông nên lồng ghép kiến thức về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu vào môn học nào để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Như tôi đã nói ở phần trả lời trước, cần đưa chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu vào nhà trường từ cấp tiểu học. Cùng với đó, cần có cách tiếp cận linh hoạt tùy theo từng cấp học, với các kiến thức được mở rộng và nâng cao dần.

Các kiến thức về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu cần phải được đưa vào các chương trình đào tạo cho học sinh và sinh viên trong nhà trường từ những cấp thấp như tiểu học đến những cấp cao nhất như đại học. Tuy niên, các kến thức này phải được hiệu chỉnh về nội dung và phương thức áp dụng cho phù hợp với từng cấp.

Ở các cấp thấp như tiểu học hay trung học, môn học phù hợp để lồng ghép các kiến thức này có thể là Giáo dục công dân hay các hoạt động ngoại khóa, các hình thức thăm quan hay tọa đàm với chuyên gia ngay tại lớp.

Các trường đại học cũng cần có những bộ môn chuyên sâu về khoa học và công nghệ liên quan đến đánh giá mức độ nguy hiểm, ước lượng rủi ro do thiên tai và các biện pháp phòng chống thiên tai.

Một điều rất đáng lưu ý là, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có trường đại học nào đào tạo những kiến thức chuyên sâu về địa chấn học và động đất, và điểm yếu này cũng cần được khắc phục. Bởi tất cả các công trình quan trọng của quốc gia như: Điện hạt nhân, thuỷ điện, quy hoạch và phát triển đô thị,… đều cần đến các chuyên gia về động đất nghiên cứu, dự báo nguy cơ, tránh hệ luỵ cho các thế hệ sau.

Bạn đọc

Bạn Quyngoc90...@yahoo.com:

Những biện pháp nào giúp cho công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống thiên tai hiệu quả, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Lý

Cô Nguyễn Thị Lý

Theo kinh nghiệm của tôi cũng như việc tôi đọc từ các tài liệu tham khảo, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng chống thiên tai hiệu quả như:  Đối với ở trường, giáo viên cho trẻ xem các video, tranh vẽ và thực dã ngoại về thiên tai lũ lụt, hạn hán, động đất. Từ đó, cho trẻ biết chúng ta có thể đề phòng các vấn đề này bằng cách tích cực bảo vệ môi trường, ngăn chặn chặt phá rừng, trồng cây xanh và luôn giữ môi trường sạch, đẹp.

Đối với ở nhà thì dạy trẻ từ các bài học thực tế trong cách ứng phó với thời tiết, như: nóng thì phải che ô, đội mũ, tìm nơi bóng mát để ngồi nghỉ; mưa thì cũng phải che ô, che dù, không trú mưa dưới gốc cây to đề phòng sấm sét, cây đổ.

Những hoạt động trải nghiệm tại trường đối với trẻ mầm non.
Những hoạt động trải nghiệm tại trường đối với trẻ mầm non.

Còn khi mưa bão, lũ lụt thì trẻ em nhất nhất phải tuân theo sự chỉ dẫn của người lớn. Không chơi đùa ở gần nơi ao hồ, sông suối nguy hiểm. Đồng thời luôn dạy trẻ, lồng ghép vào các bài học về, “những việc nên làm và những điều cần tránh”.

Bạn đọc

Bạn lecuong81@...:

Với tình hình thực tế nhiều năm qua tại các vùng thường hứng chịu thiên tai, cá nhân ông có đề xuất gì để hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của khi mưa lũ xảy đến?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Lũ lụt là hệ quả của lượng mưa lớn với tần suất cao trong một khoảng thời gian kéo dài. Vì vậy, để giảm thiểu những thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra, cần phải có những biện pháp thiết thực ngay từ trước khi mưa lũ xảy ra.

Cụ thể, các địa phương có địa hình dốc hay rừng núi cần có kế hoạch chiến lược để bảo vệ rừng, ngăn chặn tệ nạn phá rừng hay phát triển rừng phòng hộ để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét. Người dân cần được trang bị các kiến thức cần thiết như không xây nhà sát chân núi, các công trình dân dụng phải được xây dựng theo đúng quy chuẩn về an toàn để có đủ sức chống chịu với loại hình thiên tai thường gặp của địa phương. Chính quyền các cấp và địa phương cần có kế hoạch cụ thể để sơ tán dân tới những địa điểm an toàn trước khi bão lũ xảy ra.

Bạn đọc

Bạn Thu Hoa, Thanh Hóa:

Tôi là giáo viên dạy THPT, tôi muốn hỏi phương pháp của cô Duyên để giúp những bài học về giảm nhẹ thiên tai được học sinh thích thú và coi đó là bài học bổ ích?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể mà tôi đã cùng học sinh thực hiện trong dự án thiên tai và biện pháp phòng chống với học sinh lớp 12:

Trong dự án này, ngoài quy trình thực hiện dự án thông thường tôi có làm một số việc như:

Thứ nhất, cung cấp kiến thức về thiên tai và cách phòng tránh cho học sinh thông qua các đoạn phim tư liệu (thay việc “đọc” bằng việc “xem”).

Thứ hai, học sinh chủ động thẩm định các nội dung mà đoạn phim tư liệu đã đưa ra (có phim tư liệu đúng, nhưng có những phim viễn tưởng buộc học sinh phải tư duy phản biện).

Thứ ba, tổ chức hoạt động thực hành các kỹ năng cơ bản để phòng chống thiên tai như khi tránh giông sét, các em thực hiện động tác ngồi bó gối và hạn chế sự tiếp xúc của cơ thể với mặt đất sao cho nhỏ nhất…

Bạn đọc

Bạn Quang Nguyễn (Lào Cai):

Mô hình nhà chống lũ được nhắc đến như một giải pháp cho người dân miền Trung trong lũ lụt. Vậy trên thế giới có mô hình nhà nào cho người dân ở những khu vực trên đồi, núi không thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Chào bạn. Nhìn chung việc xây dựng nhà cửa ở các vùng đồi núi thường được khuyến cáo phụ thuộc vào loại hình thiên tai cụ thể mà một địa phương thường phải gánh chịu.

Nếu là các quốc gia bị động đất đe dọa thường xuyên như Nhật Bản hay Philippines chẳng hạn, thì nhà cửa thường được thiết kế bằng các nguyên liệu giúp giảm thiểu tác động của động đất như nhà gỗ, nhà thấp tầng hoặc được gia cố bằng các vật liệu xây dựng vững chắc có thể chống chịu được động đất.

Nếu loại hình thiên tai phổ biến là lũ quét thì nhà cửa được khuyến cáo tránh xa những vị trí có địa hình dốc và không có độ che phủ tốt, hay nằm gần các chân núi.

Bạn đọc

Bạn Hải Hà – Đăk Nông:

Thưa chuyên gia, những tác động của biến đổi khí hậu đang khiến người ta choáng ngợp, đặc biệt khi một loạt các tiên đoán bi quan về số phận của Trái Đất được đưa ra liên tục. Vậy biến đổi khí hậu là gì, và thực sự tác động đến cuộc sống của chúng ta như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Biến đổi khí hậu  là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.

Sự biển đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên phạm vi toàn cầu. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu thường được đề cập tới như sự thay đổi khí hậu hiện nay, được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Trong những năm gần đây, nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm, chẳng hạn năm 2017 là năm có số lượng các cơn bão ảnh hưởng tới nước ta nhiều bất thường (16 cơn bão), theo tính  toán của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và tổng cục thống kê thiệt hại khoảng 38,7 nghìn tỷ đồng tương đương 2,7 tỷ USD.

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh ảnh 33

 

Ảnh hưởng của BĐKH đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành nông nghiệp. Ở Việt Nam với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, trong sản xuất nông nghiệp, lúa là loại cây trồng chủ lực, ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất lúa hàng năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, theo tính toán của tổng cục thống kê năm 2018  trung bình cho giai đoạn 2011-2016 khoảng 66,1% . Riêng năm 2016 hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 527,7 nghàn ha lúa bị thiệt hại, trong đó khoảng 44% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Đối với các loại cây trồng khác như hoa màu, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của BĐKH. Ảnh hưởng của BĐKH còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản…, như vậy đối với sản xuất nông nghiệp cần phải có một cách nhìn nhận mới và toàn diện hơn đặt trong bối cảnh hoàn động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của BĐKH

Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng tới hoạt động giao thông vận tải, theo nghiên cứu của kịch bản BĐKH nếu mực nước biển dâng cao 1m có khoảng 9% hệ thống  đường quốc lộ, 12% hệ thống đường tỉnh lộ, 4% hệ thống đường sắt sẽ bị ảnh  hưởng, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu long chiếm 28% đường quốc lộ và 27%  đường tỉnh lộ của cả nước, tiếp đến là các tỉnh ven biển miền Trung và đống bằng sông Hồng.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng vùng, từng địa phương và từng vị trí theo địa hình phân bố. Nghiên cứu tổng thể cho thấy khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, vùng miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy, sạt lở, vùng trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng…và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của BĐKH.

Đối với công nghiệp, ảnh hưởng của BĐKH khí hậu sẽ tác động đến ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến những sản phẩm nông nghiệp. Trong trường hợp nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng kéo theo nhiều hoạt động khác tăng theo như tăng công suất nhà máy phát điện, tăng sử dụng các thiết bị làm mát, ảnh hướng tới an ninh năng lượng quốc gia. Những nghiên cứu theo kịch bản nước biển dâng cho thấy, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp ven biển bị ngập, mức thấp nhất trên 10% diện tích, mức cao nhất khoảng 67% diện tích.

Bạn đọc

Bạn Xuân Trường, Tuyên Quang:

Theo ông, có cần thiết phải biên soạn mới, điều chỉnh bổ sung các tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai trong các cơ sở giáo dục để phù hợp với nội dung, chương trình các cấp học, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Giáo dục trong giai đoạn tới?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Theo tôi đây là việc làm cần thiết. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phương án phòng, chống tai nạn trong trường học cho học sinh và giáo viên là xây dựng sổ tay phòng chống thiên tai với mục tiêu xác định rõ vai trò của giáo viên trong việc ứng phó khi thiên tai xảy ra; xác lập cơ chế phòng, chống thiên tai của mỗi trường học và phổ biến kiến thức về phòng, chống tai nạn đến gia đình, các cơ quan liên quan và toàn khu vực; nâng cao nhận thức cộng đồng về những thiệt hại của thiên tai như động đất, sóng thần…

Sổ tay ứng phó với thiên tai cho trường học góp phần xác lập nên một "thể chế" phòng, chống thiên tai và nuôi dưỡng cho trẻ thái độ cũng như năng lực tự bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm. Các trường học dựa vào đặc điểm của từng khu vực để dự đoán trước những thiệt hại do thiên tai như mưa bão, lũ lụt, động đất gây ra để xây dựng cuốn sổ tay phù hợp nhất với trường học của mình với hy vọng giúp các trường học thực hiện được hiệu quả và ứng phó kịp thời với thiên tai.

Các nội dung trong sổ tay đề cập về ứng phó khi xảy ra thiên tai như ứng phó với mưa bão, lũ lụt, sóng thần, động đất, hỏa hoạn và xác định tình trạng an toàn, hỗ trợ thiết lập nơi lánh nạn. Đồng thời với ứng phó khi thiên tai xảy ra là các hành động ứng phó sau thiên tai để tái thiết hoạt động của trường học cũng như sự cần thiết của việc chăm sóc tâm lí cho trẻ, chăm sóc tâm lý cho giáo viên từ khi thiên tai xảy ra đến khi tái thiết trường học, tuần lễ đầu sau tái thiết trường học.

Bạn đọc

Bạn huonglan123@...:

Để giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra cần nhiều phương án đối phó. Vậy xin ông cho biết vai trò của việc đầu tư cho các công trình thích ứng tại những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Các công trình thích ứng tại những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp giảm thiểu đáng kể những thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Có thể đưa ra nhiều ví dụ về trường hợp này. Chẳng hạn, tại những quốc gia chịu nhiều thiệt hại do sóng thần, các tháp cao được xây dựng với mục đích làm nơi sơ tán cho người dân khi sóng thần tấn công, các rừng đước được trồng như là một tấm lá chắn ngăn cản những đợt sóng thần hủy diệt, hay những ngôi nhà ven biển được xây dựng trên những cột bê tông cao khiến cho tầng một thông thoáng cũng giảm thiểu thiệt hại do sóng thần.

Ở nước ta, việc phát triển các khu rừng phòng hộ cũng là một biện pháp rất thiết thực để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét hay sạt lở, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bạn đọc

Bạn thanhtam@gmail.com:

Theo cô Duyên, những khó khăn khi giảng dạy hay tìm tài liệu liên quan đến lĩnh vực này là gì?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Trong quá trình giảng dạy, tôi đã gặp những khó khăn cơ bản sau:

Thứ nhất,  thời lượng để giảng dạy riêng về chủ đề này chưa nhiều.

Thứ hai, việc kết nối với các chuyên gia để tìm sự hỗ trợ và tư vấn về các biện pháp để phòng chống thiên tai của địa phương còn hạn chế.

Thứ ba, việc tuyên truyền và tổ chức các hoạt động ngoại khóa trên quy mô toàn trường không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Thứ tư, bản thân tôi chưa được tập huấn bài bản về việc giảng dạy về chủ đề này.

Bạn đọc

Bạn Baobinh22...@gmail.com:

Từ thực tế nghiên cứu, ông có lời khuyên nào cho việc xây dựng trường lớp ở những địa phương chịu nhiều thiên tai như ở khu vực miền núi phía Bắc hay khu vực thường xuyên bị lũ lụt ở miền Trung
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh ảnh 42

 

Theo kinh nghiệm bản thân trong lĩnh vực nghiên cứu về thiên tai ở nước ta, tôi xin chia sẻ mấy ý kiến cụ thể như sau:

Tại các vùng núi ở miền Bắc nước ta, đặc biệt là những vùng có hiểm họa động đất như Tây Bắc, các trường học phải được xây dựng ở những nơi có nền đất rắn, tránh xa những chân núi có nhiều sườn dốc và sử dụng những nguyên liệu đủ sức chống chịu với tác động của động đất, thậm chí những nguyên liệu thô sơ như nhà gỗ, nhà sàn, … cũng sẽ an toàn hơn so với kết cấu xây nề không gia cố.

Tại những vùng có độ dốc lớn và bị đe dọa bởi lũ quét, cần hết sức tránh xây dựng trường tại chân những vách dốc dễ bị sạt lở do mưa hay bị tàn phá bởi lũ quét. Việc kết hợp phát triển rừng phòng hộ hay gia cố những vị trí có vách dốc dễ bị sạt lở cũng cần được chú trọng tại các địa phương này.

Tại những vùng thường xuyên bị bão lũ đe dọa, cần tránh xây dựng trường học tại những vùng đất trũng, dễ bị ngập lụt. Vật liệu xây dựng phải được lựa chọn để có thể đủ sức chống chịu với tác động của gió, bão. Nên xây dựng trường gần những địa điểm sơ tán thiên tai đã được địa phương lựa chọn.

Bạn đọc

Bạn Cẩm Hoa, Hải Phòng:

Ông suy nghĩ thế nào về việc nghiên cứu và thiết kế mô hình trường/lớp học an toàn phòng, chống thiên tai. Để tổ chức thí điểm và triển khai áp dụng đại trà trên toàn quốc về nội dung này cần những điều kiện nào?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Trường học an toàn có thể được định nghĩa là môi trường giáo dục có đầy đủ các điều kiện, các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho học sinh và những người làm việc trong trường trước những rủi ro và mối đe dọa từ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Trường học an toàn trong phòng, chống rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu được hiểu là môi trường có đầy đủ các điều kiện, các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho học sinh và những người làm việc trong trường trước những thiên tai.

Việc nghiên cứu và thiết kế mô hình trường/ lớp học an toàn phòng, chống thiên tai là việc làm cấp thiết. Trong đợt thiên tai, lũ lụt vừa qua ở miền Trung đã có bằng chứng cho thấy, những hộ gia đình xây "nhà chống lũ" đã an toàn khi thời điểm lũ xảy ra. Việc thiết kế, xây dựng mô hình trường/lớp học an toàn cũng nâng cao ý thức của học sinh, giáo viên trong phòng ngừa lũ lụt và các hiện tượng bất thường của thời tiết.

Để tổ chức thí điểm và triển khai áp dụng đại trà trên toàn quốc về nội dung này cần những điều kiện:

- Sự phối hợp của hệ thống giáo dục, các đơn vị liên quan trong phòng, chống thiên tai, các nhà khoa học và sự ủng hộ của người dân;

- Nguồn lực tài chính và cơ chế tài chính phục vụ cho việc nghiên cứu thử nghiệm cũng như áp dụng đại trà trên toàn quốc;

Bạn đọc

Bạn khanhhoa@gmail.com:

Cô Duyên có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà cô đã chủ động để đưa kiến thức phòng chống thiên tai cho học sinh?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Mình là giáo viên môn Địa lý. Ở trong chương trình giảng dạy môn Địa lý ở cấp THPT có nhiều bài học đề cập đến vấn đề môi trường nói chung và chỉ có hai bài của lớp 12 là đề cập trực tiếp đến vấn đề phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận thấy, học sinh Việt Nam và học sinh của tôi rất cần những kiến thức và kỹ năng cơ bản để giảm thiểu những rủi ro mỗi khi thiên tai đến. Vì vậy, tôi chủ động thực hiện việc giảng dạy phòng chống thiên tai theo một số cách sau:

Thứ nhất, lồng ghép kiến thức giảm thiểu rủi ro thiên tai vào các bài học phù hợp.

Thứ hai, tổ chức các chuyên đề học tập ở trong và ngoài lớp (cuộc thi của hai lớp, của khối để tìm hiểu và sân khấu hóa các thiên tai và cách phòng chống). Nhờ đó, có những học sinh được trực tiếp thực hiện, có những học sinh được quan sát để nắm bắt thông tin và kỹ năng phòng tránh. Các chuyên đề học tập có tính thi đua sẽ giúp các bạn học sinh chủ động và hào hứng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập của mình.

Thầy cô cũng có thể khai thác các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến như Kahoot, Quizzi để tổ chức cuộc thi cho toàn bộ khối lớp hoặc toàn trường.

Thứ ba, học qua dự án. Cá nhân tôi thấy cách triển khai này hiệu quả nhất vì học sinh thông qua các dự án tìm hiểu về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai có thể:

-Nghiên cứu sâu về thiên tai cũng như các biện pháp phòng chống và giảm thiểu.

-Việc tạo ra các sản phẩm cụ thể của dự án có thể giúp học sinh phát triển các năng lực khác của bản thân (học sinh thiết kế poster cảnh báo thiên tai, các biện pháp ứng phó cơ bản khi có thiên tai xảy ra, viết bài tuyên truyền để phát thanh trên đài của địa phương về chủ đề này…).

Bạn đọc

Bạn maihaqn@...:

Nhiều người đánh giá, các công trình do con người tạo ra là nguyên nhân lớn gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán hay lũ lụt. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Chào bạn. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Các yếu tố nhân sinh chắc chắn có ảnh hưởng đến khí hậu. Khí hậu đang thay đổi và những thay đổi này một phần lớn do tác động của con người.

Để chạy đua phát triển công nghệ, con người đã biến hệ sinh thái tự nhiên vốn có thành một thế giới mà hệ sinh thái động vật và thực vật dần dần thu hẹp. Một số loài đã hoàn toàn biến mất khỏi trái đất, và một số có nguy cơ tuyệt chủng, sông ngòi bị ngăn đập, nắn chỉnh dòng chảy... Cùng với đó, rác và chất thải nhựa do con người thải ra, khí thải từ các hoạt động công nghiệp cũng góp phần làm nặng nề hơn mức độ ô nhiễm môi trường.

Vấn đề được quan tâm nhất trong yếu tố nhân sinh là việc tăng thêm lượng khí CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch, tạo thành các sol khí tồn tại trong khí quyển và sản xuất xi măng. Các yếu tố khác như sử dụng đất, sự suy giảm ôzôn và phá rừng, cũng góp phần làm ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu ở các phạm vi khác nhau.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Trung (Gia Lâm, HN):

Từ thực thế của tỉnh Hà Tĩnh, xin cô chia sẻ những cách thức để giúp cho việc giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh được hiệu quả?
Cô Nguyễn Thị Lý

Cô Nguyễn Thị Lý

Nhìn từ thực tế tại vùng lũ Hà Tĩnh, các chàu mầm non đều được trải nghiệm hoạt động ngoài trời (tùy vào tình hình thời tiết). Trong đó, cô và trò phải trò chuyện về thời tiết của ngày hôm nay, về không gian hoạt động của trẻ. Từ đó, giáo dục cho trẻ những kiến thưc cơ bản về thiên nhiên để có cách ứng phó.

Trường mầm non Cẩm Vịnh đợt lũ những ngày qua chịu ảnh hưởng rất nặng nề, mọi đồ dùng học tập đều bị hư hỏng nặng.
Trường mầm non Cẩm Vịnh đợt lũ những ngày qua chịu ảnh hưởng rất nặng nề, mọi đồ dùng học tập đều bị hư hỏng nặng.

Tổ chức những trò chơi chuyển tiếp giữa các hoạt động của trẻ để làm bài học trong việc phòng chống thiên tai. Ví như, “trời nắng trời mưa, trời mưa che ô” để giáo dục trẻ ứng phó với mọi thời tiết, với thiên tai…

Bạn đọc

Bạn thienha@gmail.com:

Theo ông, đâu là những môn học phù hợp nhất để tích hợp, lồng ghép giáo dục phòng chống thiên tai? Ngoài lồng ghép vào các môn học, cần có những hoạt động nào khác để nội dung này thực sự đến được với học sinh nhiều hơn?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Theo tôi, có thể tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai trong một số môn học với mức độ khác nhau. Các môn học như Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Đạo đức, Tiếng Việt… có những kiến thức chứa đựng hoặc liên quan đến nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai. Vì thế, dạy học tích hợp các nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai trong các môn học vừa giúp học sinh đạt mục tiêu của môn học, đồng thời đạt mục tiêu giáo dục phòng, chống thiên tai; giúp học sinh không chỉ có kiến thức mà còn rèn luyện cho các em thái độ, kĩ năng, hành vi trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, có lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên.

Có thể tiến hành tích hợp, lồng ghép giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu theo ba mức độ:

  • Mức hộ toàn phần: Mục tiêu và nội dung của bài học trùng hợp phần lớn hay hoàn toàn với nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Mức độ bộ phận: Chỉ một phần bài học có nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, được thể hiện bằng mục riêng, một đoạn hay một vài câu trong bài học.
  • Mức độ liên hệ: Các kiến thức về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu không được nêu rõ trong sách giáo khoa nhưng dựa vào kiến thức bài học, giáo viên có thể bổ sung, liên hệ các kiến thức liên quan đến phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách phù hợp.

Ví dụ:

  • Môn Tự nhiên Xã hội (lớp 1, 2, 3) có nội dung là chủ đề Trái đất và bầu trời phần Thời tiết (lớp 1), phần Một số thiên tai thường gặp (lớp 2)
  • Môn Khoa học (lớp 4, 5) có nội dung là chủ đề Sinh vật và môi trường, phần Tác động của con người đến môi trường (lớp 5)

Ngoài ra, có thể tích hợp, lồng ghép giáo dục phòng, chống thiên tai thông qua các hoạt động trải nghiệm theo chương trình nhà trường. Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 và là một bộ phận của quá trình giáo dục trong nhà trường phổ thông.

Hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học và các lĩnh vực khác nhau để trải nghiệm cuộc sống gia đình, nhà trường và xã hội. Học sinh được tham gia vào các khâu của quá trình hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên, góp phần hình thành những phẩm chất và năng lực cần thiết cho học sinh.

Hoạt động trải nghiệm mang tính mềm dẻo, linh hoạt; bao gồm 4 nội dung chính: Hoạt động phát triển cá nhân, Hoạt động lao động, Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của học sinh và điều kiện nhà trường và địa phương.

Hoạt động trải nghiệm được thực hiện dưới 4 dạng chủ yếu: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ, thông qua các hình thức tổ chức có tính khám phá, thể nghiệm, tương tác, nghiên cứu, phân hóa; có thể được tổ chức trong và ngoài lớp, trong và ngoài nhà trường, với các quy mô nhóm, lớp, trường khác nhau.

Hoạt động trải nghiệm giúp gắn lý luận với thực tiễn, củng cố và rèn luyện kiến thức và các kỹ năng đã học, đồng thời phát huy kinh nghiệm của các em trong việc hình thành và phát triển nhân cách.

Hoạt động trải nghiệm có sự tham gia của nhiều lực lượng trong và ngoài nhà trường như giáo viên, phụ huynh, chính quyền và các tổ chức đoàn thế địa phương và mang màu sắc địa phương.

Đối với nội dung giáo dục phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, hoạt động trải nghiệm là một trong những con đường giáo dục thuận lợi, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, có tính mềm dẻo, linh hoạt, phát huy sự chủ động và sáng tạo của giáo viên và học sinh

Bạn đọc

Bạn Nam Khánh – Hà Nội:

Ở Việt Nam, nói đến thiên tai, lũ lụt là chúng ta thường nghĩ ngay đến khu vực miền Trung. Vậy, đối với trẻ em ở các khu vực khác, cần dạy cho các em kiến thức gì về ý thức phòng chống thiên tai, thưa PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Kiến thức về thiên tai và phòng chống thiên tai là những kiến thức quan trọng mà tất cả các trẻ em cần được biết đến từ sớm, không riêng gì trẻ em vùng lũ. Chẳng hạn, các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa, bão, lũ lụt, … cần được giải thích rõ ràng, có thể bằng những hình thức đơn giản và phổ cập, nhưng phải được trang bị cho các em từ lứa tuổi cắp sách đến trường.

Trong số những kiến thức phổ cập này, một phần rất quan trọng là ý thức về sự ứng phó với thiên tai, từ những vấn đề sơ đẳng nhất như cần phải làm gì khi có thiên tai xảy ra đến những vấn đề phức tạp hơn như các biện pháp đánh giá và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai. Như vậy, việc phổ cập các kiến thức này phải được thực hiện như một chiến lược quốc gia, đưa vào chương trình giáo dục trong trường học từ cấp tiểu học đến đại học.

Bạn đọc

Bạn lienchau@gmail.com:

Theo cô, phòng chống thiên tai có phải là nội dung cần thiết để lồng ghép vào chương trình học không?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh ảnh 58

 

Theo tôi, phòng chống thiên tai là chương trình rất cần thiết cho học sinh Việt Nam, không chỉ với những học sinh có thể lực tốt như cấp THCS trở lên, mà còn rất cần thiết đối với cấp Tiểu học, thậm chí nên đưa chương trình phù hợp với lứa tuổi mầm non để các con nhận biết được những dấu hiệu của thiên tai trong bối cảnh nước ta là một trong những quốc gia thuộc một trong bốn vùng bão của thế giới đang có chịu tình trạng mất cân bằng sinh thái môi trường trầm trọng và cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của những biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phòng chống thiên tai không chỉ là cung cấp các kiến thức lí thuyết cho học sinh mà còn hình thành cho các em những kỹ năng cơ bản để ứng phó kịp thời với những thiên tai bất thường xảy ra tại địa phương, trước hết là bảo vệ cá nhân an toàn trước thiên tai.

Ngoài ra, còn có những kỹ năng cần thiết để giúp đỡ gia đình, hàng xóm trong tình thế nguy cấp.

Bạn đọc

Bạn zintomo2k@...:

Là một chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu, xin ông cho biết những thách thức lớn nhất cản trở nỗ lực phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu là gì?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Theo quan điểm của cá nhân tôi, thách thức lớn nhất cản trở nỗ lực phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu là nhận thức của người dân về hai khái niệm này còn chưa đạt được mức độ thích hợp. Sự thiếu hiểu biết dẫn đến những hành động nhiều khi là vô thức nhưng lại có ảnh hưởng xấu đến môi trường mà hậu quả lâu dài chính là sự biến đổi khí hậu.

Điều cần rút ra ở đây là việc giáo dục cộng đồng, nâng cao hiểu biết về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu phải được thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên mọi mặt của cuộc sống, tại tất cả các ngành, các cấp trong xã hội, để những kiến thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường dần dần biến thành truyền thống, một văn hóa của cả thế hệ, một phần quan trọng của cuộc sống trong mỗi người dân.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Bình, Hưng Yên:

Theo ông, cần xây dựng khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu cho các thế hệ tương lai như thế nào?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh ảnh 63

 

Xuất phát từ Chương trình hành động Hyogo (2005) và Khung Sendai (2015) đã đề ra các ưu tiên hành động để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Các nội dung chính bao gồm:

- Hiểu biết về rủi ro thiên tai;

- Tăng cường công tác quản trị để quản lý rủi ro thiên tai;

- Đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhằm tăng cường khả năng chống chịu;

- Tăng cường khả năng sẵn sàng để ứng phó hiệu quả và "xây dựng lại tốt hơn" trong công tác phục hồi và tái thiết.

Hiệp định ASEAN về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đề ra các giải pháp có tính chất định hướng cho các quốc gia trong phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể:

- Phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai;

- Xác định, giám sát và đánh giá rủi ro thiên tai;

- Chuẩn bị ứng phó thiên tai;

- Ứng phó trong tình huống thiên tai;

- Khắc phục hậu quả, và tái thiết sau thiên tai;

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Agenda 2030) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua xác định phương châm "Không có ai bỏ lại phía sau", đồng thời xác định mục tiêu hành động hướng nhiều hơn vào kĩ năng người học như: Đổi mới, chú trọng vào sự tiếp thu hiệu quả các kĩ năng nền tảng.

Nội dung của các chương trình hành động đều nhằm tới việc tăng khả năng thích ứng trong tình hình biến đổi khí hậu phức tạp và diễn biến khó lường của kiểu hình thời tiết. Các nội dung này là cơ sở quan trọng để ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan tập trung xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Bạn đọc

Bạn Anh Tuấn, Thái Bình:

Theo ông, với những học sinh vùng hay chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, đâu là những kỹ năng quan trọng cần phải trang bị cho các em?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Thực tế, học sinh nào cũng cần phải được chuẩn bị các kĩ năng phòng, chống thiên tai. Tùy vào điều kiện thực tế và dự báo mà các trường học sẽ ưu tiên nhóm kĩ năng nào là quan trọng và cấp thiết cần trang bị cho học sinh. Ngoài ra, học sinh vùng ít bị thiên tai đôi khi sẽ rơi vào tình huống tương tự (khi đi du lịch, khi về quê,…) khi đó, các em cũng cần có các kĩ năng cơ bản để ứng phó hiệu quả trong tình huống thiên tai bất thường.

Một số kĩ năng cần trang bị cho học sinh gồm: Kỹ năng ứng phó với lũ lụt, học sinh biết phải làm gì trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra. Cụ thể, các em biết chuẩn bị hộp sơ cứu y tế, số điện thoại khẩn cấp, biết sơ tán theo sự hướng dẫn của người lớn, sử dụng phao cứu sinh, cũng như yêu cầu hỗ trợ khi khẩn cấp…

Ngoài ra, các em cũng cần các kĩ năng như: Kĩ năng chống đuối nước, Kĩ năng sơ cứu, và quan trọng là có kiến thức để nhận và ứng phó phù hợp trước các hiện tượng thiên tai bất thường.

Bạn đọc

Bạn Kim Anh (Thái Nguyên):

Với lứa tuổi mầm non, việc giáo dục phòng chống thiên tai được cô trò trường Cẩm Vịnh triển khai như thế nào?
Cô Nguyễn Thị Lý

Cô Nguyễn Thị Lý

Nội dung phòng chống thiên tai thì được hiểu là bản thân mỗi cháu phải biết bảo vệ môi trường, phải biết yêu cây xanh, không chặt phá cây cùng trải nghiệm các hoạt động gieo hạt, trồng và chăm bón cây xanh, nhưng phải dựa trên sự hướng dạy của giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Lý (bên trái) đang giao lưu với độc giả Báo GD&TĐ.
Cô Nguyễn Thị Lý (bên trái) đang giao lưu với độc giả Báo GD&TĐ.

Về ứng phó, trẻ phải biết giữ vệ sinh, bảo vệ bản thân trước ô nhiễm môi trường. Việc thực hành rửa tay, rửa mặt giữ vệ sinh phải được thực hiện thường xuyên. Mỗi trẻ đều phải biết rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trẻ em trong vùng lũ thì càng phải biết thực hiện tốt kỹ năng này. Để phòng các bệnh lây nhiễm như đau mắt đỏ, dịch tả… để bảo vệ sức khỏe sau mỗi mùa lũ.

Dọn dẹp sau lũ để sớm đưa các con trở lại học tại Trường mầm non Cẩm Vịnh.
Dọn dẹp sau lũ để sớm đưa các con trở lại học tại Trường mầm non Cẩm Vịnh.
Bạn đọc

Bạn Quý Hải – TP. HCM:

Theo ông, mỗi công dân cần phải có những hành động thiết thực gì để giảm nhẹ tác động xấu đến môi trường sống và phòng chống biến đổi khí hậu?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Môi trường sống là “tài sản” chung. Chúng ta đang sinh sống và phát triển trong lòng của “mẹ trái đất”. Bởi vậy, trách nhiệm góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là của tất cả mọi người, mọi quốc gia, dân tộc.

Tôi cho rằng, tùy từng hoàn cảnh cụ thể, mỗi người trong chúng ta cần có ý thức bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Ở các khu vực đô thị, những hành động thiết thực nhất có thể là không dùng bếp than, không xả rác bừa bãi hay hạn chế sử dụng túi ni lông, trong khi ở các vùng nông thôn, đó có thể là không đốt rơm rạ, không dùng thuốc diệt cỏ bừa bãi. Còn ở các vùng rừng núi, cần có ý thức rất rõ là sự phá rừng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và những thiệt hại to lớn về người và của do lũ quét.

Bạn đọc

Bạn baoson@gmail.com:

Mặc dù giáo dục về phòng chống thiên tai vẫn được giáo viên giảng dạy lồng ghép, tích hợp trong các bài học, nhưng trên thực tế dường như chưa thực sự hiệu quả. Từ góc độ của ông, cần làm thế nào để nội dung giáo dục này phát huy hiệu quả thực sự trong nhà trường?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Như tôi đã chia sẻ ở trên, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc giáo dục kĩ năng là việc học cần thông qua thực hành, thực tế, học thông qua trải nghiệm của chính học sinh trong các tình huống giả định hay trong các tình huống tương tự.

Ngoài ra, việc giáo dục kĩ năng phòng, chống thiên tai cho học sinh cần được coi trọng, không làm theo hình thức hay phong trào. Nhà trường cần có kế hoạch và dành thời lượng thích hợp để giáo dục các kĩ năng này cho học sinh.

Nhà trường cần phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc nâng cao ý thức và kĩ năng của giáo viên và học sinh trong phòng, chống thiên tai, như Ủy ban phòng, chống thiên tai ở địa phương, cơ quan y tế, cơ quan kiểm lâm,…

Bạn đọc

Bạn kimthoa@gmail.com:

Xin cho biết các ấn phẩm có thể sử dụng trong giáo dục để giảm nhẹ thiên tai?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Trong quá trình giảng dạy, tôi thưởng tìm kiếm các tài liệu của các tổ chức, cá nhân. Sau quá trình sàng lọc của bản thân, tôi có tham khảo các chuyên gia. Hiện nay, tôi tin cậy một số ấn phẩm như:

  • Cẩm nang tổ chức hoạt động giáo dục giảm nhẹ thiên tai trong trường học. Đây là sản phẩm của tổ chức ECHO – cơ quan viện trợ nhân đạo và bảo vệ nhân sự của ủy ban Trung ương, được phát hành bởi Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng.
  • Các đoạn phim tư liệu của Vụ quản lý thiên tai, cộng đồng như “Tài liệu hướng dẫn phòng chống thiên tai sử dụng trong trường học”.
  • Ngoài ra, tôi cũng thường tìm hiểu trên các kênh mạng xã hội, sau đó, chắt lọc thông tin để đưa vào giảng dạy.
Bạn đọc

Bạn levulinh@...:

Thiên tai được cho là hậu quả mà loài người gây ra. Vậy theo ông, lứa tuổi nào trẻ em bắt đầu cần được dạy các kiến thức về bảo vệ môi trường sống? Và các em cần được dạy những điều gì?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Theo tôi, cần đưa chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu vào nhà trường từ cấp tiểu học. Tất nhiên cần có cách tiếp cận linh hoạt tùy theo từng cấp học, với các kiến thức được mở rộng và nâng cao dần.

Lấy một ví dụ cụ thể, ở Italia, các học sinh tiểu học được dạy về biến đổi khí hậu thông qua hình thức "kể truyện cổ tích" khi kết hợp các vấn đề của môi trường với những câu chuyện thần tiên. Những cấp học sau đó, lượng kiến thức về vấn đề này dần dần được nâng lên và đến thời trung học, các em được phép đi sâu thảo luận, góp ý kiến cho chính phủ về Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững.

Bạn đọc

Bạn Vũ Hồng (Vĩnh Bảo, Hải Phòng):

Theo cô, giáo viên mầm non làm thế nào để trẻ nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo tiếp cận việc phòng chống thiên tai?
Cô Nguyễn Thị Lý

Cô Nguyễn Thị Lý

Để trẻ nhỏ tiếp cận với phòng chống thiên tai, giáo viên cần phải biết lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai vào các hoạt động học, chơi hàng ngày của trẻ một cách thích hợp nhất. 

Cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Vinh (bên tay trái) giáo lưu trực tuyến với Báo GD&TĐ đầu cầu Hà Tĩnh.
Cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Vinh (bên tay trái) giáo lưu trực tuyến với Báo GD&TĐ đầu cầu Hà Tĩnh.

Trong chương trình mầm non có chủ điểm “nước” và các hiện tượng tự nhiên nhằm cung cấp cho trẻ một số kiến thức cơ bản ban đầu về các hiện tượng tự nhiên giáo dục về cách phòng, ứng phó với thiên tai...

Bạn đọc

Bạn Quỳnh Anh – Thanh Hoá:

Thưa chuyên gia, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, hàng năm Việt Nam phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, với cường suất lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vậy hiện nay đã có những giải pháp nào được triển khai trên phạm vi cả nước để ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thời tiết, thiên tai gây ra.?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Chào bạn. Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ thực tiễn ứng phó biến đổi khí hậu ở nước ta là sự chủ động và thực hiện quyết liệt các biện pháp ứng phó từ trung ương tới địa phương.

Lấy ví dụ của trường hợp ứng phó với xâm nhập mặn. Với sự dự báo và chỉ đạo, thực hiện sớm của các cấp, dù xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, sớm và kéo dài, thiệt hại có thể giảm đáng kể. Chẳng hạn, các số liệu thống kê cho thấy tại thời điểm hiện tại, diện tích lúa bị thiệt hại chỉ bằng khoảng 1/8 so với mùa khô 2015 - 2016, diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng chỉ bằng 1/6 so với mùa khô 2015 - 2016, số người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt chỉ khoảng 1/2 so với mùa khô 2015 - 2016.

Kết quả đó có được là nhờ sự vào cuộc sớm, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Nhiều dự án công trình thủy lợi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành sớm từ 6 tháng đến 13 tháng, giúp kiểm soát xâm nhập mặn cho 83.000ha đất canh tác nông nghiệp đồng thời kiểm soát ảnh hưởng cho 300.000 ha khác.

Các địa phương đã tổ chức xuống giống vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sớm hơn các năm trước từ 10 ngày đến 20 ngày để “né” thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Ngoài ra, khoảng 50.000ha trồng lúa đã được chuyển đổi sang canh tác rau màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nhận thức của người dân cũng có sự thay đổi tích cực, chủ động thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng, có những sáng kiến và hành động hiệu quả trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là trong trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm...

Để ứng phó và thích ứng với Biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua, Thành phố Hà Nội cũng đã, đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, trong đó, đáng nói nhất là chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 - 2020 (và đã về đích sớm 2 năm), “hồi sinh” các con sông, hồ nước, đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa... nhằm tăng tỷ lệ diện tích cây xanh. Những tuyến đường “nở hoa” xuất hiện ngày càng nhiều ở các quận, huyện. Thành phố ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, “sản xuất xanh”. Công tác tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm năng lượng, “sống xanh”, “tiêu dùng xanh”, không sử dụng bếp than, không đốt rơm rạ, không vứt rác bừa bãi... được triển khai đồng bộ và thu được kết quả tích cực trong những năm gần đây...

Tuy nhiên, BĐKH là hệ quả trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người. Mức độ biến đổi cũng có thể khác nhau từ quy mô địa phương đến quy mô quốc gia, từ quy mô khu vực đến quy mô toàn cầu và tác động cũng không giống nhau cho từng phạm vi, từng lĩnh vực và từng thời điểm. Do vậy, yêu cầu đặt ra là ngoài thực hiện quyết liệt các giải pháp trước mắt, cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt là tạo thay đổi về nhận thức, hành động của mỗi người dân. Phòng chống BĐKH, hạn chế phát thải khí CO2 là nhiệm vụ của tất cả các bộ, ngành, địa phương và mỗi cá nhân.

Được biết, cả nước hiện có gần 220.000 phương tiện hết niên hạn sử dụng, nhưng không ít phương tiện vẫn lén lút lưu hành. Ô tô, xe máy là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu, tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm định định kỳ khí thải với loại phương tiện này vẫn chưa được thực hiện dù cách đây hơn chục năm, Bộ GTVT đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe máy và được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010 với mục tiêu kiểm định đạt chuẩn khí thải cho 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, việc triển khai trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn và gần như “giậm chân tại chỗ”. Điều đó phần nào khiến chất lượng không khí ở các thành phố lớn chậm được cải thiện, BĐKH diễn biến theo chiều hướng xấu thêm.

Không thể ngăn chặn BĐKH, nhưng rõ ràng hoàn toàn có thể giảm cường độ, quy mô, tác động tiêu cực của BĐKH nếu dự báo tốt, hành động sớm, quyết liệt. Để có chất lượng cuộc sống tốt hơn cho hôm nay và mai sau, rất cần sự thay đổi về nhận thức, hành vi của cả cộng đồng.

Bạn đọc

Bạn Bảo Anh, Hưng Yên:

Xin cho biết tiêu chí lựa chọn các nội dung giáo dục về giảm thiên tai vào trường học?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên (bên phải) trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ trong buổi GLTT
Cô Hà Thị Duyên (bên phải) trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ trong buổi GLTT

 

Với cá nhân tôi, tiêu chí lựa chọn để đưa các nội dung giáo dục về giảm thiểu thiên tai vào lớp học là:

  • Liệt kê được những thiên tai thường gặp địa bàn trường học, từ đó chọn lựa những thiên tai có nguy cơ ảnh hưởng nhất đến học sinh trên địa bàn để giảng dạy.
  • Theo dõi được những diễn biến bất thường của thời tiết và khí hậu cụ thể của mỗi năm (có thể theo dõi dự báo của các nhà khí tượng học về tình hình khí hậu trong năm đó). Sau đó, cô và trò sẽ sử dụng các kiến thức từ bài học để tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến, cách khắc phục hậu quả thiên tai,.. Cách làm này chỉ mang tính dự báo nhưng giúp cho học sinh chủ động hơn trong việc đón nhận các thiên tai có thể xảy ra trong năm.
  • Những thiên tai có ảnh hưởng mạnh nhất đến học sinh (có thể không xảy ra tại nơi ở nhưng bắt gặp trong cuộc sống như đi du lịch tại những vùng biển có các dòng chảy ngầm,…).
Bạn đọc

Bạn maihoatb@...:

Cảnh thiên tai lũ lụt khiến ai cũng xót xa. Nhiều em nhỏ đã thiệt mạng do lũ cuốn. Vậy, với trẻ em vùng lũ cần được quan tâm những điều gì để bớt thiệt thòi và giảm thiểu các tai nạn đáng tiếc khi thiên tai ập đến?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu 

 

Chào bạn, những ngày này cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt với những tình cảm đặc biệt. Đồng bào ta ở đó đang phải hứng chịu những tổn thất vô cùng nặng nề do lũ lụt gây nên.

Đối với trẻ em vùng lũ, theo tôi điều thiết thực nhất có thể làm cho các em là mở các lớp dạy bơi hay các hoạt động văn hóa tập trung để các em có thể vui chơi tại đó mà không phải ra bơi lội tại các khu vực nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, giải pháp chiến lược nhất vẫn là trang bị cho các em trên toàn đất nước kiến thức về ứng phó với những loại hình thiên tai nguy hiểm, trong đó có lũ lụt, để các em có thể tự cứu mình hay giúp các bạn của minh trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, những kiến thức về kế hoạch ứng phó cụ thể của địa phương như các quy định về cảnh báo sớm, địa điểm sơ tán,… cũng cần được trang bị cho mọi người dân, trong đó có trẻ em.

Bạn đọc

Bạn thaihoa@gmail.com:

Cô Duyên có thể chia sẻ cách giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh của mình?
Cô Hà Thị Duyên

Cô Hà Thị Duyên

Chào bạn!

Tại trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức (HN), các bạn học sinh đã được giáo dục phòng chống thiên tai thông qua việc tích hợp vào một số địa chỉ bài học trong chương trình giảng dạy và chương trình ngoại khóa có quy mô khối, lớp.

Ví dụ, trong chương trình Địa lý lớp 12, tại địa chỉ bài 14 và 15, giáo viên tổ chức thành chuyên đề có tên là “Thiên tai và biện pháp phòng chống” tiến hành trong 2 tiết học tại lớp. Đồng thời, học sinh được giao nhiệm vụ tìm hiểu về thiên tai và các biện pháp để phòng chống trong tổng thời gian 2 tuần.

Về ngoại khóa, giáo viên tổ chức hoạt động kỹ năng sống nhằm cung cấp kiến thức và một số kỹ năng phòng chống thiên tai cho học sinh của nhà trường (những thiên tai thường gặp ở địa phương: bão, lũ lụt, giông sét,…)

Bạn đọc

Bạn Hằng Nga, Hà Nội:

Theo chuyên gia, từ đợt mưa lũ khủng khiếp tại các tỉnh miền Trung vừa qua có thể rút ra bài học gì về việc giáo dục phòng chống thiên tai cho HSSV?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

TS. Lê Thanh Hà - Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2
TS. Lê Thanh Hà - Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo công tác -phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể: Quyết định 4619/QĐ-BGDĐT ngày 19/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 2734/ QĐ-BGDĐT ngày 29/07/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án "Đưa kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai vào nhà trường giai đoạn 2012-2020"; Quyết định số 5523/ QĐ-BGDĐT ngày 21/11/2014 về việc Phê duyệt Khung kiến thức, kĩ năng và thái độ về giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; Chương trình phối hợp công tác về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018-2023 ký ngày 8/5/2018.

Như vậy, có thể thấy giáo dục phòng, chống thiên tai là hoạt động có hệ thống và xuyên suốt của ngành Giáo dục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đã tạo ra những thay đổi bất thường của thời tiết dẫn đến hậu quả của thiên tai ngày càng khó lường.

Trước đây, trong chương trình giáo dục, đâu đó chúng ta đã nhắc đến, đã hướng dẫn các em các kĩ năng sinh tồn, nhưng chưa nhiều và chưa hệ thống, thì sau sự việc này, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục phòng, chống thiên tai cho học sinh. Đồng thời, việc giáo dục kĩ năng cần theo hướng thực hành (learning by doing, learning through doing), học qua trải nghiệm thì mới giúp các em hình thành được các kĩ năng.

Bạn đọc

Bạn minhthu89@...:

Xin chuyên gia cho biết, hiện tượng thời tiết thất thường có liên quan tới biến đổi khí hậu không?
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Trong những năm vừa qua, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Nhiệt độ trái đất tăng, nước biển dâng đã tác động đến hình thái thời tiết. Trên bình diện toàn cầu, thiên tai, lũ lụt, hạn hán đang diễn ra khốc liệt ở nhiều nơi. Nắng nóng bất thường xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Âu. Lũ lụt nghiêm trọng đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều quốc gia châu Á. Thời tiết diễn biến bất thường cũng khiến các loại dịch bệnh bùng phát, tái bùng phát.

Tại nước ta, tình hình thời tiết cũng có nhiều diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Các số liệu quan trắc khí tượng thủy văn trên cả nước cho thấy, phần lớn kỷ lục về nhiệt độ (nắng nóng) được ghi nhận trong những năm gần đây. Tình trạng hạn hán, sa mạc hóa cũng có diễn biến phức tạp ở Nam Trung Bộ.

Tại các tỉnh phía Bắc, ngay từ đầu năm nay, mưa lũ diễn biến phức tạp không kém, đặc biệt là mưa đá xuất hiện liên tục, gây thiệt hại nghiêm trọng về hoa màu, tài sản. Tại các đô thị, trong đó có Hà Nội, dông lốc cục bộ xuất hiện nhiều hơn, tần suất mưa lớn bất thường gây úng ngập cục bộ cũng có diễn biến khó lường... 

Bạn đọc

Bạn Ngọc Hà, Hà Tĩnh:

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, đặc biệt là với giới trẻ, HSSV, nhất là ở các địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai?
TS Lê Thanh Hà

TS Lê Thanh Hà

Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động của các hiểm họa tự nhiên, chủ yếu là do hiện tượng khí tượng, thủy văn. Là quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á, nước ta đồng thời nằm trong trung tâm bão của khu vực Tây Thái Bình Dương, một trong 5 ổ bão lớn trên thế giới. Sự tổ hợp của bão với gió mùa gây mưa lớn, với địa hình phức tạp, các đồng bằng thấp, hẹp và dốc nối liền với núi cao, mưa do gió mùa, mưa bão, lũ lụt, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người, của cải, mùa màng và cơ sở hạ tầng…

Thống kê trung bình trong 20 năm qua, mỗi năm thiên tai làm khoảng 750 người chết, thiệt hại kinh tế hàng năm tương đương 1,5% GDP. Phần lớn dân số Việt Nam đang sinh sống tại các vùng đất thấp trên các lưu vực sông và vùng ven biển, hơn 70% dân số được ước tính là đang hứng chịu các rủi ro do nhiều loại thiên tai (Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

Việt Nam hiện có nhiều loại hình thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn… và các loại thiên tai khác. Kết hợp với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp càng làm cho tình hình thời tiết khó lường và mức độ rủi ro của thiên tai càng lớn.

Chính vì những lý do đó việc nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, đặc biệt là với giới trẻ, học sinh sinh viên (nhất là với những học sinh, sinh viên sống ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu) là vô cùng quan trọng và ngày càng cấp thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ