Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ

"Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ" là chủ đề của Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức. Chương trình diễn ra lúc 14h ngày 22/10 (Thứ Năm).

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ

Các khách mời tham gia chương trình gồm:

* Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

* Ông Nguyễn Hoàng Hà – Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội)

* Bà Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội).

Mưa lũ lịch sử trong những ngày vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành Giáo dục. Lũ chồng lũ đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các trường học, cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) và học sinh, sinh viên các tỉnh miền Trung. Hoạt động giảng dạy, học tập ở các trường học bị gián đoạn, đời sống của nhiều CBNGNLĐ gặp nhiều khó khăn cần được chia sẻ, hỗ trợ của đội ngũ CBNGNLĐ trong Ngành và toàn xã hội.

Với tinh thần "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", cả nước hướng về miền Trung ruột thịt, Ngành Giáo dục đã và đang có những chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ thầy - trò vùng lũ. Cùng với đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kêu gọi CBNGNLĐ, các cấp lãnh đạo, các công đoàn cơ sở vận động CBNGNLĐ ủng hộ, hỗ trợ các trường học, CBNGNLĐ và HSSV các tỉnh miền Trung khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Xung quanh vấn đề này, các khách mời sẽ chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo form dưới đây, hoặc gửi qua email: gdtddientu@gmail.com; hoặc tương tác qua facebook của Báo: www.fb.com/giaoducthoidai.

Chia sẻ cùng thầy trò vùng lũ vượt qua khó khăn, sớm ổn định việc dạy và học, Công đoàn Báo Giáo dục và Thời đại mong nhận được sự đồng hành của độc giả bằng việc ủng hộ vở, bút, sách giáo khoa...

Địa chỉ tiếp nhận: Báo Giáo dục và Thời đại - 15 Hai Bà Trưng - Hà Nội.

Thời gian: Từ 22/10 đến hết 30/10/2020. Điện thoại liên hệ: 0974 030 999

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 1
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường ĐHKTQD

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Hiệu trưởng Trường tiểu học Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội

Bạn đọc

Bạn tinhtam666@...:

Qua báo chí tôi được biết cô Huyền là một Hiệu trưởng năng động, luôn nhiệt huyết với công tác từ thiện xã hội. Vậy, cô sắp xếp công việc gia đình, việc lãnh đạo tại nhà trường như thế nào để có thể hoàn thành nhiều việc một lúc mà hiệu quả như vậy?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Cảm ơn bạn đã động viên. Là một nhà giáo, một CBQL đã từng công tác tại một trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, tôi đã trải nghiệm và thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của những người dân vùng cao thường xuyên phải chịu những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết. Điều đó đã giúp tôi có bản lĩnh vững vàng và tinh thần vượt khó; năng động, sáng tạo và tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”.

Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tôi cũng rất tâm huyết với công tác từ thiện xã hội. Tôi đặc biệt quan tâm, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường, được học tập cũng như những người thiệt thòi, kém may mắn trong cuộc sống.

Tôi thường xuyên kêu gọi các lực lượng xã hội cùng chung tay ủng hộ và tổ chức thành công các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn tại địa phương cũng như các tỉnh thành với hàng ngàn suất quà, hàng trăm suất học bổng. Hầu như tháng nào tôi cùng các nhà tài trợ, các tình nguyện viên cũng tổ chức các hoạt động thiện nguyện.

Công việc nhà trường và gia đình luôn bận rộn với một nhà quản lý, một người vợ, người mẹ nên tôi phải sắp xếp công việc cho hài hoà. Công việc thiện nguyện là tự nguyện, là niềm vui, niềm đam mê với mong muốn góp phần cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn nên tôi thường kết nối, vận động ủng hộ qua bạn bè, người thân, qua mạng xã hội và tổ chức thực hiện các chương trình vào những ngày nghỉ. Tuy có hơi vất vả một chút nhưng không làm xáo trộn hoặc ảnh hưởng đến công việc chuyên môn và việc gia đình.

Cô Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền trong một lần tham gia đoàn thiện nguyện đi cứu trợ đồng bào vùng lũ Hương Khê - Hà Tĩnh.
Cô Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền trong một lần tham gia đoàn thiện nguyện đi cứu trợ đồng bào vùng lũ Hương Khê - Hà Tĩnh.
Bạn đọc

Bạn Nguyễn Văn Toán (Hà Nam):

Tôi rất ấn tượng với cây ATM gạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân hỗ trợ những người gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Rất mong đợi những hành động đẹp của nhà trường sẽ được phát huy trong những ngày đầy đau buồn khi miền Trung bị nhấn chìm trong mưa lũ.
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Đúng là cây gạo ATM của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tạo được ấn tượng đẹp trong nhân dân. Đây là một trong rất nhiều hoạt động của nhà trường hướng về cộng đồng. Hiện nay, khi bão lũ làm miền Trung thiệt hại lớn, nhà trường đã có phương án để có thể ủng hộ được nhiều nhất cho đồng bào, mà sát thực nhất là chính sách hỗ trợ cho các sinh viên miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai đang học tập tại trường. Hy vọng, những hoạt động này sẽ tiếp tục tạo được  hiệu ứng lan tỏa, giống như cây gạo ATM trong dịch Covid-19.

Bạn đọc

Bạn Minh Tú – TP. HCM:

Để hoạt động thiện nguyện đạt hiệu quả, chắc chắn cần sự kết nối giữa các tổ chức với địa phương, chính quyền để nguồn "cung" và "cầu" được hợp lý. Song, sự kết nối này nhiều khi chưa có hoặc còn vướng mắc. Cô đánh giá ra sao về hiệu quả của sự kết nối ấy? Những khó khăn chủ yếu nào mà các đoàn từ thiện thường gặp ở địa phương?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 12

 

Trước khi đi từ thiện, đơn vị, cá nhân tổ chức cần liên hệ với chính quyền địa phương để họ rà soát danh sách các hộ gia đình bị thiệt hại cần được hỗ trợ, hướng dẫn cho các đoàn để việc hỗ trợ thuận tiện và đúng đối tượng, tránh tình trạng có người nhận được quá nhiều tiền, quà, có người thì không được hỗ trợ.

Tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân Việt Nam ngày càng được nhân rộng và góp phần tích cực cùng Chính phủ  trong việc giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt bão. Tuy nhiên đa số ai cũng muốn trao tận tay cho bà con, một phần vì họ ngại phải qua nhiều thủ tục hành chính rườm rà, một phần do họ thiếu tin tưởng vào cơ quan chức năng. Đó là một thực trạng đáng buồn vì đã có trường hợp những cá nhân, những tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm nhưng không phân phát đến đúng đối tượng những người cần được giúp đỡ mà trục lợi cho bản thân và gia đình mình. Những tồn tại này cần phải được khắc phục và xử lý triệt để.

Bạn đọc

Bạn thuonghuyen@...:

Ông bà ta có câu "của cho không bằng cách cho" và trên thực tế chúng ta cũng gặp những bài học đắt giá trong việc làm thiện nguyện. Theo cô, đội ngũ làm thiện nguyện, ngoài tấm lòng nhân hậu, có cần tập huấn về các kỹ năng cơ bản không?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Khi mưa lũ ập xuống miền Trung làm hàng trăm người chết và mất tích, hàng vạn ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước, đời sống của người dân vô cùng cực khổ. Cùng với những thông tin, hình ảnh chia sẻ, mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi, quyên góp ủng hộ từ thiện. Rõ ràng phong trào "xã hội hóa" hoạt động từ thiện đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ bà con vùng lũ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đằng sau đó cũng còn nhiều góc khuất, bất cập cần được chấn chỉnh từ tư tưởng, động cơ cho đến thái độ hành động của những người làm thiện nguyện.

Đúng là "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" nhưng "của cho không bằng cách cho". Làm thiện nguyện cần xuất phát từ cái tâm, từ lòng nhân hậu. Đừng nghĩ cho không người khác cái gì để họ mang ơn mình, không biết cách cho thì nhiều khi vừa mất tiền vừa mang họa.

Việc cho nhiều hay ít, tốt hay xấu không mấy quan trọng. Điều cần thiết là hãy cho bằng cả tấm lòng, nghĩa cử trân trọng và cung kính để người được nhận cảm thấy ấm áp, hạnh phúc, không bị tổn thương; tuyệt đối không được có động cơ trục lợi từ hoạt động thiện nguyện vì luật "nhân quả báo ứng".

Do vậy, các tổ chức xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng cơ bản cho đội ngũ làm thiện nguyện để hoạt động thiện nguyện thực sự hiệu quả, tránh những "lùm xùm" không đáng có, làm mất niềm tin của mọi người vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Bạn đọc

Bạn philong7x@...:

Tại trường tiểu học Giang Biên, nhà trường có thường tổ chức các chương trình vận động, quyên góp ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn không? Theo cô, hoạt động này có ý nghĩa giáo dục đạo đức học sinh như thế nào?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Mục tiêu giáo dục toàn diện trong đó chú trọng quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, giáo dục lòng nhân ái cho học sinh luôn được BGH và các thầy cô giáo trường TH Giang Biên quan tâm và gương mẫu thực hiện tốt.

Hoạt động giáo dục lòng nhân ái cho học sinh được lồng ghép qua các tiết dạy, qua các hoạt động trải nghiệm. Trường TH Giang Biên thường tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ giúp đỡ cho chính những  học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại nhà trường và tại địa phương; đồng thời kêu gọi, vận động các lực lượng xã hội cùng đồng hành, tài trợ cho các chương trình thiện nguyện để hỗ trợ cho các thầy cô giáo và các em học sinh trường kết nghĩa cũng như các trường vùng đặc biệt khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng do sự khắc nghiệt của thời tiết. Các em học sinh biết yêu thương, chia sẻ và tích cực tham gia ủng hộ vì các em đã làm được những việc tốt.

Bạn đọc

Bạn tuedang@gmail.com:

Mong được nghe chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong việc thu hút cán bộ, sinh viên tham gia các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Hàng năm, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đều có kế hoạch về các hoạt động thiện nguyện, chung tay vì cộng đồng. Khi có các chương trình vận động diễn ra, nhà trường đã phát huy được sức mạnh nội lực và cộng đồng cựu sinh viên của trường. Trong trường, các kế hoạch được triển khai bài bản, phát động từ lãnh đạo nhà trường đến các đơn vị chức năng và đến từng cán bộ viên chức của nhà trường, thông qua nhiều kênh: văn bản, các kênh truyền thông của trường. Các nguồn lực phân bổ được minh bạch, công khai rõ ràng, kể cả về tiền mặt và hiện vật. Qua đó, giúp cán bộ, viên chức, người học, cựu sinh viên của trường tin tưởng sự đóng góp của mình đến được từng địa chỉ cần giúp đỡ.

Bạn đọc

Bạn Bích Hằng – Đăk Nông:

Cô có thể kể câu chuyện khiến cô xúc động nhất về tấm lòng chia sẻ, tương thân tương ái của học trò tiểu học với hoạt động thiện nguyện?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Những hành động, những nghĩa cử cao đẹp của các em học sinh trường tiểu học Giang Biên thì nhiều lắm, nhưng có những câu chuyện thực sự khiến tôi vui mừng, xúc động rơi nước mắt khi các em còn nhỏ nhưng đã có những ý tưởng và hành động đẹp lay động lòng người, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.

Đó là tấm lòng của em Hà Vy lớp 1A2, những ngày đầu đi học, em gặp một chị lớp 4 đi đôi dép cũ, đeo chiếc cặp sách bị rách, về nhà em kể chuyện với mẹ và bảo mẹ đi mua cặp sách, dép mới và vở viết để hôm sau đến trường tặng cho chị ấy. Khi biết tin nhân dân miền Trung bị lũ lụt em đã nói với mẹ “Mẹ ơi các nhà bị ngập hết rồi, họ không có cơm ăn, áo mặc, nhà mình ủng hộ cho họ một ít tiền đi” và hôm sau 2 mẹ con em đã ủng hộ nhân dân miền Trung 1 triệu đồng.

Em Hoàng Thanh Lam lớp 3A5 đã đến từng nhà tại khu dân cư em ở để vận động, xin các ông bà, cô bác và mọi người ủng hộ nhân dân miền Trung và em đã quyên góp được số tiền 1.250.000 đồng, em nhờ cô Hiệu trưởng gửi đến các bạn ở miền Trung.

Em Hoàng Thanh Lam lớp 3A5 - Trường Tiểu học Giang Biên đến từng nhà trong khu chung cư để quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.
Em Hoàng Thanh Lam lớp 3A5 - Trường Tiểu học Giang Biên đến từng nhà trong khu chung cư để quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.
Bạn đọc

Bạn Gia Bảo (Hải Dương):

Ông nhận định như thế nào về các hoạt động hướng về cộng đồng, thiện nguyện trong các nhà trường, nhất là trường đại học hiện nay? Có giải pháp nào để các hoạt động này hiệu quả hơn, thực chất hơn?
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Tôi cho rằng, các hoạt động hướng về cộng đồng, thiện nguyện có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của mỗi người học. Thực tế cho thấy, các tổ chức chính trị, xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên đã có nhiều phong trào, cuộc vận động giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, nhận thức, bản lĩnh của sinh viên thời đại mới. Các hoạt động được tổ chức cho sinh viên cần phải được xây dựng kế hoạch bài bản, có sự chỉ đạo từ phía lãnh đạo nhà trường, sự giám sát của các đơn vị có liên quan. Sau khi thực hiện cần có đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm cho hoạt động tiếp theo, tránh hình thức, tự phát.

Bạn đọc

Bạn Bảo Châu (Quảng Ngãi):

Em có 2 người bạn, cả 2 đều ở Quảng Bình. Gia đình các bạn đó đang vô cùng khó khăn vì mưa lũ. Em không biết nhà trường có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh như 2 bạn của em không, vì em biết các bạn không còn đủ khả năng để trang trải tiền học và sinh hoạt nữa.
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Hiện nay nhà trường đã liên lạc với các gia đình sinh viên khu vực miền Trung bị ảnh hưởng nặng vì mưa lũ và sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp trong thời gian nhanh nhất. Mong bạn đề lại địa chỉ hoặc liên lạc với phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên (phòng 302, nhà A1, Trường ĐH Kinh tế quốc dân), hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0867207207 để được hỗ trợ.

Bạn đọc

Bạn toiyeuvn4ever@...:

Miền Trung đang hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Tại trường Tiểu học Giang Biên, các thầy cô có thường xuyên cập nhật tình hình để các con học sinh thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của bạn bè vùng lũ không?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Miền Trung đang hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Cũng như nhân dân cả nước, các thầy cô giáo và học sinh trường Tiểu học Giang Biên luôn theo dõi và cập nhật tin tức. Các em xem những tư liệu, hình ảnh thương tâm và những nghĩa cử cao đẹp, những hành động dũng cảm hy sinh cứu người của các cán bộ, chiến sĩ và những người dân… để thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn mà các bạn và người dân vùng lũ đang phải gánh chịu. Điều này giúp tác động đến tư tưởng, tình cảm, từ đó giáo dục các em biết yêu thương chia sẻ với các bạn bằng những việc làm ý nghĩa.

Có em đã “mổ lợn” tiết kiệm ủng hộ các bạn vùng lũ toàn bộ số tiền tiết kiệm được từ tiền được mừng tuổi, được cho tặng. Có em gửi tặng các bạn những bộ quần áo, đồ dùng, sách vở của mình, có em gửi tặng các bạn những hộp sữa học đường, có em tự mình đi quyên góp hàng xóm quần áo và tiền để ủng hộ cho các bạn khó khăn… Tất cả những nghĩa cử đó chính là hiệu quả từ công tác giáo dục lòng nhân ái cho học sinh của trường tiểu học Giang Biên.

Các em học sinh trường Tiểu học Giang Biên hưởng ứng đợt vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.
Các em học sinh trường Tiểu học Giang Biên hưởng ứng đợt vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.
Bạn đọc

Bạn Đức Chung (Thái Bình):

Là người có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hoạt động xã hội, thiện nguyện, theo anh, đâu là việc nên làm nhất để hỗ trợ đồng bào miền Trung vào thời điểm này?
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Đợt mưa lũ ở miền Trung thời gian vừa qua đang có diễn biến phức tạp. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn, cơn bão số 8 đang di chuyển vào biển Đông. Chính vì vậy, hoạt động thiện nguyện của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn, tính lan tỏa, sự công bằng, đến được tay người cần nhận hỗ trợ; trước mắt là những nhu cầu thiết yếu.

Đồng thời, trong lúc này, chúng ta cũng cần có sự đánh giá về những thiệt hại ban đầu và tác động tiêu cực sau khi bão lũ kết thúc. Từ đó, có những chính sách hỗ trợ cho người dân và địa phương thiết thực, hiệu quả nhất, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

Bạn đọc

Bạn lephuong***@gmail.com:

Thông qua Công đoàn Ngành, hiện nay có bao nhiêu đơn vị tham gia ủng hộ thầy - trò vùng lũ. Công đoàn có phát động cán bộ, nhà giáo, người lao động mỗi người ủng hộ 1 ngày lương hay không?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 33

 

Ngày 16/10, Công đoàn GDVN đã có lời kêu gọi cán bộ nhà giáo, người lao động trong Ngành hỗ trợ đồng bào, đồng nghiệp các địa phương bị mưa lũ. Đến nay, 100% các công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố, công đoàn các đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm thuộc Bộ GD&ĐT đã hưởng ứng tham gia.

Công đoàn GDVN không quy định mỗi người lao động 1 ngày lương mà tùy theo khả năng của mình để có thể hỗ trợ.

Bạn đọc

Bạn Huỳnh Quốc Tuấn, tỉnh Cà Mau:

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", vậy tới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có chương trình dài hơi nào không, để không chỉ hỗ trợ thầy - trò vùng lũ miền Trung mà còn hỗ trợ các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn khác trên mọi miền Tổ quốc?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Thực tế, từ nhiều năm nay, Công đoàn GDVN đã xây dựng Quỹ xã hội từ thiện, để hỗ trợ kịp thời các thầy cô giáo gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo….

Ngoài ra, Công đoàn GDVN tổ chức cuộc vận động “Hỗ trợ GD vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” để hỗ trợ xây dựng nhà công vụ giáo viên, công trình nước sạch, công trình phúc lợi cho các nhà trường và vùng biên giới hải đảo. Mỗi năm kinh phí thu được từ cuộc vận động này từ 10-12 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đã xây dựng được 10-12 nhà công vụ/năm; 3 -5 công trình nước sạch…

Bên cạnh đó, Công đoàn GDVN có “Quỹ mái ấm Công đoàn” để hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà ở (20 triệu/giáo viên). Hàng năm hỗ trợ hàng trăm giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 3 đến 7 triệu/người.

Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Công đoàn GDVN phối hợp với các cơ quan, trường học tổ chức chương trình đón Tết sớm cho giáo viên và bộ đội biên phòng ở các tỉnh biên giới, thăm hỏi giáo viên và hỗ trợ học sinh nghèo ở các địa phương này. Chương trình đã được duy trì 5 năm nay, mang lại hiệu ứng tích cực và có lan tỏa tốt trong xã hội.

Bạn đọc

Bạn mylinhngoaithuong@...:

Thưa cô Huyền, em là một sinh viên đang học tại Hà Nội. Em cùng bạn bè có gây quỹ thiện nguyện nhưng số tiền không nhiều, càng không thể đạt mức trăm triệu hay tiền tỷ. Vậy với số kinh phí có hạn, chúng em có thể triển khai những cách từ thiện nào cho hữu ích và ý nghĩa? Em cảm ơn cô.
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Cảm ơn các bạn! Việc làm của các bạn rất quý và đáng trân trọng. Một người sống hướng thiện luôn có nhiều cách để làm việc thiện. Không phải cứ có thật nhiều tiền mới có thể làm từ thiện được.

Các bạn có thể ủng hộ trực tiếp tại các điểm tiếp nhận ủng hộ hoặc có thể kết hợp với các nhóm thiện nguyện, Hội Chữ  thập đỏ... để cùng chung tay tổ chức các chương trình thiện nguyện có hiệu quả hơn.

Tuỳ theo lượng kinh phí, các bạn có thể liên hệ với Hội chữ thập đỏ các địa phương, các bệnh viện để biết thêm về các hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ hoặc tham gia cùng các nhóm thiện nguyện đã từng tổ chức các chương trình thiện nguyện hiệu quả..

Bạn có thể liên hệ với Nhóm Thiện nguyện Long Biên và trường Tiểu học Giang Biên để cùng đồng hành với các hoạt động thiện nguyện thường niên của chúng tôi.

Bạn đọc

Bạn Bảo Linh (Hà Nội):

Cho em hỏi, việc hỗ trợ miền Trung là nhà trường thực hiện thông qua một tổ chức khác, hay trực tiếp đến miền Trung để trao tận tay bà con. Nếu có đoàn trường đi đến miền Trung, em rất mong được đăng ký để đi cùng. Em là 1 sinh viên của trường ạ.
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Hiện nay Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang tiếp nhận các nguồn tài trợ để ủng hộ đồng bào miền Trung. Căn cứ vào tình hình thực tế, kế hoạch của Công đoàn giáo dục Việt Nam, trường sẽ cân nhắc việc tham gia trực tiếp hay không. Vì thực tế, qua phản hồi từ các cơ quan truyền thông, qua các nhóm cựu sinh viên của nhà trường trực tiếp đi cứu trợ, đã không tiếp cận được với những địa chỉ cần hỗ trợ do điều kiện đi lại khó khăn, nguy hiểm ở vùng đang mưa lũ.

Việc đi đến miền Trung vào thời điểm nào cần tính toán kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương để phân bổ nguồn hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.

Nếu có đoàn công tác vào miền Trung, nhà trường sẽ có kế hoạch và thông báo cụ thể. Mong bạn theo dõi trên nhóm thông tin sinh viên Kinh tế quốc dân của trường.

Bạn đọc

Bạn Mạnh Đức (ducmanh***@gmail.com:

Tôi thấy, công đoàn có công khai số tài khoản để kêu gọi hỗ trợ vùng lũ. Mình có cơ chế giám sát không, vì hiện nay, nhiều người nổi tiếng cũng làm như vậy, nhưng có nhiều thị phi xung quanh vấn đề này?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Công đoàn GDVN thực hiện việc quyên góp, hỗ trợ qua tài khoản của Công đoàn Ngành. Việc thu chi thực hiện theo quy định về công tác tài chính của Nhà nước và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Mọi khoản chi đều phải có chứng từ hợp pháp, đảm bảo công khai minh bạch.

Vì vậy, từ nhiều năm nay, chưa bao giờ Công đoàn GDVN để xảy ra thất thoát, vi phạm trong việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ. Vì thế, mọi tổ chức, cá nhân hoàn toàn tâm yên tâm khi chuyển kinh phí, hiện vật hỗ trợ qua kênh của Công đoàn Ngành.

Bạn đọc

Bạn Trần Lan Hương – Hà Nội:

Tôi là một giảng viên đại học, vừa qua, trường tôi có kêu gọi các cán bộ, nhân viên dành một ngày lương để ủng hộ miền Trung. Bên cạnh đó, khoa tôi đang giảng dạy đã thống kê số sinh viên có gia đình sống ở vùng lũ lụt để kịp thời chia sẻ, ủng hộ. Tôi thấy đây là việc làm thiết thực, gần gũi nhất nhưng các hình thức tương tự như thế lại chưa được quan tâm thực hiện. Quan điểm của cô về vấn đề này như thế nào?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Việc làm của các thầy cô rất đáng trân quý và thiết thực, giúp cho các em học sinh yên tâm học tập. Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng thực hiện thống kê những cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại các đơn vị có gia đình sinh sống ở vùng lũ để kịp thời hỗ trợ. Tuy nhiên việc triển khai thống kê đến gia đình từng học sinh thì vẫn chưa thực hiện được, có lẽ vì hầu hết gia đình, bố mẹ các em đều sinh sống tại địa  bàn Hà Nội. Tôi nghĩ với sinh viên các trường đại học, cao đẳng có gia đình bị thiệt hại ở vùng lũ cần được quan tâm, động viên và hỗ trợ kịp thời để các em yên tâm học tập.

Bạn đọc

Bạn baotram2k@...:

Vật chất đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ từ thiện, nhưng giá trị tinh thần vẫn là điều căn cốt, truyền cảm hứng để con người thêm niềm tin, bản lĩnh trước khó khăn. Là người tích cực hoạt động từ thiện, theo cô điều này ở xã hội ta đã được quan tâm đúng mức hay chưa?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Thực ra trong hoạt động từ thiện thì cả vật chất và tinh thần đều rất đáng quý và nó là những điều kiện cần thiết để hoạt động từ thiện có đạt được hiệu quả hay không, vì nếu có tinh thần mà không có vật chất thì bạn có muốn làm từ thiện cũng khó và ngược lại, nếu bạn có tiền của, vật chất mà bạn không có tinh thần "tương thân, tương ái", "thương người như thể thương thân" thì bạn làm từ thiện cũng chỉ là miễn cưỡng, hời hợt mà thôi.

Tuy nhiên ngay cả khi bạn "không có của" bạn vẫn có thể làm tốt công tác từ thiện nếu bạn là người "có tâm", "có công" và "có uy tín", bạn có thể vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các cơ quan, doanh nghiệp, đối tác ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất, tổ chức các chương trình thiện nguyện đảm bảo đúng địa chỉ từ thiện, đúng đối tượng cần được cứu trợ, giúp đỡ, công khai minh bạch, tạo niềm tin và có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Khi mình mất công đi "xin" để đi "cho" thì "cái được" lớn nhất chính là nhân lên những tấm lòng nhân ái! Lòng nhân ái, tinh thần yêu thương san sẻ nhau trong cuộc sống là một điều rất cần thiết để bản thân chúng ta sống tốt và ngày càng hoàn thiện mình hơn.

Bạn đọc

Bạn Trương Thị Nông (nongnong***@gmail.com):

Theo tôi, Công đoàn có thể tổ chức chương trình dưới hình thức "Nối vòng tay lớn" để kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ thầy - trò vùng lũ. Ông thấy sao?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 48

 

Công đoàn GDVN không chủ trương tổ chức thực hiện chương trình dưới hình thức “Nối vòng tay lớn" để kêu gọi các mạnh thường quân hoặc kết hợp với những nhân vật nổi tiếng để quyên góp hỗ trợ thầy – trò vùng lũ. Công đoàn Ngành có hệ thống tổ chức tới tận cơ sở, vì vậy không cần thiết phải thực hiện việc này. Mặt khác, Công đoàn Ngành chỉ huy động sự chung tay hỗ trợ của cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Sơn (Phú Thọ):

Nhờ TS Hà chia sẻ về những chính sách của Trường ĐH Kinh tế quốc dân hỗ trợ cho sinh viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là những sinh viên quê miền Trung đang chịu ảnh hưởng của mưa lũ?
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 51

 

Bên cạnh những sinh viên được được hưởng chính sách miễn giảm, hỗ trợ tài chính theo quy định, thì sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được nhà trường xem xét để có chính sách hỗ trợ. Hiện có những sinh viên được miễn hoàn toàn học phí trong thời gian học tập tại trường. Nhà trường cũng làm việc với các đối tác, doanh nghiệp để trao suất học bổng có giá trị tới sinh viên.

Với sinh viên quê miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, hiện nhà trường đang tiến hành lấy thông tin từ sinh viên về thiệt hại của gia đình. Sau đó, tùy vào mức độ khó khăn của từng sinh viên, trường sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp trong hiện tại và lâu dài. Bên cạnh đó, các khoa, viện đã chủ động gặp gỡ sinh viên bị thiệt hại để có hỗ trợ ban đầu. Những sinh viên ở ký túc xá gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, Ban lãnh đạo Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo đã hỗ trợ những em này 1 tháng tiền ăn tại nhà ăn của Trung tâm. Đồng thời, nhà trường đã làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức, trong đó có mạng lưới cựu sinh viên để hỗ trợ tài chính cho các sinh viên khu vực miền Trung bị thiệt hại. Quan điểm của nhà trường là không để sinh viên nào bị dừng học do không bảo đảm về tài chính.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Long Hải, tỉnh Nam Định:

Công đoàn Giáo dục có thực hiện phương thức hỗ trợ bằng tin nhắn như nhiều chương trình đã từng làm không?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Công đoàn GDVN không tổ chức thực hiện phương thức hỗ trợ bằng tin nhắn vì thủ tục để mở đầu số này khá phức tạp. Ngoài ra, việc thu nhận tiền hỗ trợ phải qua một đơn vị trung gian khác, sẽ làm chậm việc việc chuyển kinh phí đến các địa phương bị ảnh hưởng bị mưa lũ.

Bạn đọc

Bạn Trần Thế Mỹ, TP Đà Nẵng:

Điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 56

 

Điều tôi trăn trở nhất nhất hiện nay là, địa điểm xây dựng trường học (Không chỉ 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ mà còn các tỉnh miền núi phía Bắc) thường ở những vị trí có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống…

Vì vậy, tôi mong muốn các địa phương khi chọn địa điểm xây dựng trường học cần có tính toán đến các yếu tố này, để đảm bảo an toàn cho các trường học. Tuy nhiên, tôi cũng rất chia sẻ với các địa phương, quỹ đất để có thể xây dựng trường còn hạn hẹp do điều kiện địa hình miền núi.

Bạn đọc

Bạn phuckhanh@gmail.com:

Là người phụ trách về công tác sinh viên của nhà trường, ông có thể giới thiệu về công tác giáo dục, chính trị tư tưởng cho sinh viên, trong đó nhận thức của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện...
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Trường ĐH Kinh tế quốc dân đặc biệt chú trọng việc giáo dục nhân cách, lý tưởng sống cho sinh viên ngay từ khi vào trường. Riêng với các hoạt động xã hội, thiện nguyện, nhà trường cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp sinh viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân. Các chương trình, hoạt động xã hội, thiện nguyện được nhà trường tổ chức một cách nền nếp, bài bản.

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, các chương trình ngoại khóa, kế hoạch hoạt động của Đoàn thanh niên, hội sinh viên được thiết kế lồng ghép trong công tác giáo dục cho sinh viên, như: tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, giữa khóa, cuối khóa; các hoạt động ngoại khóa; các hoạt động của câu lạc bộ đội nhóm giúp cho sinh viên có quan sát, quan điểm với các vấn đề về kinh tế - xã hội đang diễn ra.

Điển hình là câu lạc bộ tuyên truyền và phòng chống tệ nạn xã hội HIV/AIDS với sự tham gia của hơn 100 sinh viên, hoạt động xuyên suốt trong năm, quy mô hoạt động cả ở trong và ngoài trường. Sinh viên của câu lạc bộ được tham gia các dự án trong và ngoài nước, qua đó nâng cao nhận thức, kỹ năng, hoàn thiện bản thân. Thực tế cho thấy, hiệu quả các hoạt động này là rất thiết thực, hữu ích cho bản thân mỗi sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Phi Thường (phithuong***@gmail.com):

Đến thời điểm này, Công đoàn ngành đã nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị và cán bộ, nhà giáo, người lao động như thế nào? Ông có thể cho biết cụ thể?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 61

 

Như tôi đã nói ở trên, tính đến ngày 22/10, Công đoàn GDVN đã nhận được kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng, tiêu biểu như: Công đoàn Giáo dục tỉnh Hưng Yên hơn 200 triệu đồng, Công đoàn Giáo dục tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hơn 100 triệu đồng…

Số tiền này được thực hiện theo 2 cách: Các đơn vị trực tiếp chuyển đến các địa phương vùng lũ; hoặc chuyển về Công đoàn GDVN để phân bổ, nhằm đảm bảo việc hỗ trợ đúng địa chỉ cần thiết.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Lam, tỉnh Bình Định:

Thực tế cho thấy, rất cần trang bị kiến thức phòng chống thiên tai cho thầy - trò trong các nhà trường. Ông có nghĩ như vậy không?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Tôi cho rằng, điều này là rất cần thiết. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai, kỹ năng sinh tồn… cho học sinh cần được thiết kế và đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường học.

Bạn đọc

Bạn Tiến Lên, tỉnh Bạc Liêu:

Công đoàn đã có chương trình, hành động cụ thể như thế nào để đồng hành cùng thầy - trò vùng lũ?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Vừa qua, để góp phần khắc hậu quả do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Công đoàn GDVN đã thực hiện kêu gọi, quyên góp kinh phí, hiện vật để kịp thời hỗ trợ đồng bào, đồng nghiệp và các em học sinh vùng lũ.

Ngoài ra, Công đoàn GDVN quyết định dành kinh phí trong chương trình hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của năm 2020 cho 4 địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Nguồn kinh phí này tập trung chủ yếu để hỗ trợ các nhà trường sửa chữa, xây mới nhà công vụ cho giáo viên, công trình nước sạch và các công trình phúc lợi khác…

Công đoàn GDVN kêu gọi cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành quyên góp vật dụng như: đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách truyện, áo ấm, giầy dép… để hỗ trợ học sinh trở lại trường sau mưa lũ.

Bạn đọc

Bạn Vân Anh – Thừa Thiên Huế:

Thông thường, mọi người hay quan tâm, chia sẻ về các vấn đề trong thiên tai, tai họa... còn sau đó lại ít quan tâm hơn dù các vấn đề sau đó như: sức khỏe bà mẹ trẻ em, trẻ em đến trường, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương nhằm nâng cao đời sống... cũng rất quan trọng. Theo cô, việc này cần thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả lâu dài?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 68

 

Trong lúc thiên tai xảy ra, mọi người thường xuyên quan tâm, theo dõi cập nhật tin tức và chia sẻ các thông tin về vấn đề này bởi tình thương và lòng trắc ẩn của mỗi người trước những thảm họa, những nỗi đau thương, mất mát mà đồng bào mình phải gánh chịu đã thôi thúc họ quan tâm, lo lắng, họ sốt ruột mong được chia sẻ, giúp đỡ bà con qua cơn hoạn nạn.

Sau thời gian hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người dân vùng lũ, mỗi người lại nhanh chóng trở về với công việc và đời sống thường nhật của mình.

Theo tôi, vấn đề quan tâm đến ổn định cuộc sống của nhân dân sau thiên tai như: quan tâm đến sức khỏe bà mẹ trẻ em, việc trẻ em quay lại trường học, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương nhằm nâng cao đời sống... là việc của các cơ quan nhà nước.

Bởi công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, lụt bão là vấn đề lớn mà các cơ quan chức năng nhà nước cần phải nghiên cứu và có chương trình cụ thể như: Tổ chức vệ sinh môi trường, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh do môi trường thiếu vệ sinh sau lũ, lụt; thống kê thiệt hại ban đầu để tổ chức khắc phục, hỗ trợ nhân dân, nhanh chóng ổn định đời sống và sinh hoạt.

Bạn đọc

Bạn Hùng Anh (hunganh***@gmail.com):

Trong số các thân nhân bị nạn trong sạt lở núi do mưa bão, không biết họ đã có việc làm hết chưa. Nếu chưa, Công đoàn Ngành có sẵn sàng hỗ trợ họ được làm trong ngành Giáo dục hay không? -
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Trước hết, rất cảm ơn bạn đã quan tâm. Tuy nhiên, tôi không đủ thông tin về việc làm của các thân nhân bị nạn trong sạt lở núi do mưa bão.

Trong trường hợp có thân nhân nào đó của các đồng chí đã hy sinh, nếu có nguyện vọng công tác trong ngành Giáo dục, cá nhân tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc trở thành cán bộ trong ngành Giáo dục có những tiêu chuẩn, tiêu chí riêng. Mặt khác, việc tuyển dụng viên chức của ngành Giáo dục ở các địa phương do ngành Nội vụ thực hiện.

Trong trường hợp đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ có ý kiến với ngành Nội vụ của các địa phương để tạo điều kiện, giúp đỡ.

Bạn đọc

Bạn Hòa An (Thừa Thiên Huế):

Được biết Trường ĐH kinh tế quốc dân có mạng lưới cựu sinh viên hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là chung tay cùng nhà trường trong các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội... Ông có thể giới thiệu ngắn gọn về hoạt động của Mạng lưới này như thế nào để chúng tôi cùng tham khảo kinh nghiệm, cụ thể là đóng góp trong đợt lũ lụt ở miền Trung đang xảy ra.
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Mạng lưới cựu sinh viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015. Hiện nay, các Ban liên lạc đã được thành lập theo khoa, khóa theo quyết định của nhà trường, hoạt động theo kế hoạch chung của mạng lưới cựu sinh viên; có câu lạc bộ sở thích và được kết nối thường xuyên. Trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, cộng đồng cựu sinh viên nhà trường đã đóng góp cùng với cây ATM gạo – ĐH Kinh tế Quốc dân. Riêng đợt lũ lụt này, cựu sinh viên khắp nơi, như cánh tay nối dài của nhà trường, đã cùng chung tay đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung và hỗ trợ sinh viên của trường có hộ khẩu ở miền Trung hiện đang học tập tại trường. Số kinh phí cựu sinh viên đóng góp được đến nay đã lên tới hàng tỷ đồng.

Ngoài hoạt động thiện nguyện, mạng lưới cựu sinh viên đã đóng góp trong nhiều hoạt đông liên quan đến trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, là cầu nối để đón sinh viên tham gia các hoạt động thực tập và kiến tập... Mạng lưới cựu sinh viên cũng trao nhiều suất học bổng cho sinh viên nhà trường, ước tính khoảng 4 tỷ/năm.

Bạn đọc

Bạn maithuhuyen@...:

Các mô hình mang tính lâu dài như: Đầu tư nhà chống lũ, tập huấn kỹ năng ứng phó thiên tai... đã được đề cập song chưa thật phổ biến. Cô Huyền có cho rằng đó là một trong những điều cần thiết nhất đối với bà con vùng lũ không?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Hằng năm, vào mùa mưa bão, nhân dân các tỉnh khu vực miền Trung thường bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Có thể nói, mưa lũ là hiện tượng “đến hẹn lại lên” tại miền Trung. Nhiều gia đình chưa kịp khôi phục lại nhà cửa, ổn định cuộc sống đã tiếp tục phải đương đầu chống chọi với những cơn mưa bão.

Việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, xây nhà chống lũ và tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng, biện pháp hữu hiệu để người dân đảm bảo an toàn là rất cần thiết và cần phải được nhà nước ưu tiên đầu tư đặc biệt, đảm bảo ổn định và lâu dài.

Được biết, người khởi xướng và xây dựng gần 1000 ngôi nhà chống lũ là chị Phạm Thị Hương Giang - Người sáng lập & Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững trong đó có các dự án Nhà chống lũ...Trong lúc mưa bão đang hoành hành ở miền Trung khiến mực nước lũ vượt qua mốc lịch sử, thì tại Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), những căn nhà chống lũ vẫn nổi mặt nước, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho bà con. Rõ ràng dự án xây nhà chống lũ là khả thi. Tuy nhiên để đầu tư xây nhà chống lũ và tập huấn kỹ năng ứng phó với thiên tai để người dân nơi "rốn lũ" có thể sống chung, sống an toàn với lũ cần được các cơ quan, tổ chức nghiên cứu; hoạch định và đầu tư kinh phí để triển khai thực hiện tại các tỉnh miền Trung.

Bạn đọc

Bạn Hữu Thiện, TP Hải Phòng:

Hiện công đoàn ngành đã có số liệu và danh tính các nhà giáo có thân nhân gặp nạn trong vụ sạt lở núi do mưa bão hay chưa? Tôi muốn hỗ trợ các nhà giáo ấy thì bằng cách nào?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

 

Ngay sau khi xảy ra tai nạn ở Trạm kiểm lâm 67 và Đoàn kinh tế quốc phòng 337, Công đoàn GDVN đã chỉ đạo Công đoàn các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị nắm tình hình và chúng tôi đã có danh sách đầy đủ của 11 cô giáo có chồng là cán bộ chiến sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ (trong đó có 6 cô giáo có chồng ở Trạm kiểm lâm 67 và 5 cô có chồng hy sinh tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337).

Công đoàn GDVN đã có thư thăm hỏi, hỗ trợ mỗi cô giáo 5 triệu đồng. Hiện nay, Công đoàn Ngành đang chuẩn bị kinh phí để hỗ trợ cô giáo Ngô Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà mà chồng cô giáo là Đại úy Trương Anh Quốc – cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế đang xây dựng dở dang trước khi hi sinh).

Bạn đọc

Bạn (huonganhnd@...:

Khi thiên tai bất ngờ xảy đến, các cơ quan chức năng và chính quyền có thể cũng chỉ hoạt động ở một phạm vi, mức độ nhất định. Vậy theo cô, làm cách nào để toàn xã hội vào cuộc hiệu quả, đúng thời điểm, đúng kỹ năng?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng thầy trò vùng lũ ảnh 80

 

Chào bạn, khi thiên tai bất ngờ xảy đến, hoạt động cứu trợ, cứu nạn của các cơ quan chức năng và chính quyền có thể cũng chỉ hoạt động ở một phạm vi, mức độ nhất định.

Việc UBMTQ Việt Nam kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ”, chủ động các phương án phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại... sẽ huy động được các lực lượng xã hội vào cuộc. Đặc biệt lực lượng bộ đội biên phòng, công an luôn sẵn sàng cứu giúp nhân dân, không quản hy sinh, chính là những tấm gương để các tổ chức, cá nhân có lòng tin và có động lực để cùng chung tay ủng hộ, cứu giúp nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn. 

Bạn đọc

Bạn Hải Anh – Hà Nam:

Hiện nay, miền Trung đang xảy ra lũ lụt, nhiều đoàn thiện nguyện quyên góp tiền bạc, vật chất và hoạt động rất hiệu quả. Song, việc làm của họ đôi khi vẫn bị đánh giá như sự tự phát, dễ gặp nguy hiểm. Cô đánh giá ra sao về vấn đề này?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Trong hoàn cảnh thiên tai, lũ lụt thì sự mất mát, thiệt hại đối với nhân dân trong vùng là vô cùng lớn. Thời gian này, cả nước đang dõi theo, đang hướng về miền Trung ruột thịt bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Rất nhiều cá nhân và các đoàn thiện nguyện đã quyên góp ủng hộ tiền, lương thực, thực phẩm rồi trực tiếp đi trao tận tay cho người dân. Việc làm của họ xuất phát từ cái tâm nên dù biết là khó khăn và có thể gặp nguy hiểm nhưng họ vẫn hành động với mong muốn kịp thời chia sẻ, giúp đỡ người dân vùng lũ giảm bớt một phần khó khăn.

Hoạt động từ thiện, tự phát của họ có tác dụng lan tỏa nhanh và rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc tổ chức đi trao quà tự phát cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhiều trường hợp bị lạc đường, bị lật xe dẫn đến thương vong trong quá trình đi trao quà từ thiện, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai. Do vậy các cá nhân, tổ chức khi đi cứu trợ cần khảo sát kỹ, liên hệ với chính quyền địa phương sở tại để được cung cấp thông tin về những địa chỉ từ thiện; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, có kế hoạch bài bản... để ủng hộ đúng nơi, đúng đối tượng, để hoạt động cứu trợ kịp thời và hiệu quả.

Bạn đọc

Bạn Bảo Yến (Nghệ An):

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nhà trường tiếp cận đến người học và gia đình khi các địa phương xảy ra bão, lũ, lụt, dịch bệnh...
Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà

Ông Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường ĐHKTQD

Ông Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường ĐHKTQD

 

Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm đến những khó khăn xảy ra đối với người học và gia đình. Trong đại dịch Covid 19 vừa qua, nhà trường đã chủ động gọi điện thăm hỏi đến từng gia đình sinh viên. Hiện nay, chúng tôi đã gọi điện hỏi thăm đến từng gia đình sinh viên đang học tập tại trường thuộc các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của bão lũ gây ra cho khu vực Miền Trung.

Hiện số lượng sinh viên của trường đến từ các tỉnh bị thiệt hại nặng vì mưa lũ là 110 em. Bên cạnh đó, trường đã trực tiếp gặp gỡ các sinh viên trong khu nội trú; các khoa viện cũng chủ động thông tin, liên lạc với sinh viên đang học tập tại đơn vị. Bước đầu, chúng tôi đã trao những phần quà để động viên tinh thần cho các em, đặc biệt là sinh viên khóa mới vừa nhập học. Trong thời gian sớm nhất, nhà trường sẽ gặp gỡ toàn bộ các sinh viên tại các vùng bị thiệt hại nặng bởi thiên tai và đưa ra những chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể trong học kỳ này.

Bạn đọc

Bạn Thu Quỳnh (Hà Nội):

Thấy cảnh tượng vùng lũ mà đau thương quá! Là người đứng đầu Công đoàn ngành, ông có chỉ đạo gì về việc hỗ trợ thầy - trò vùng lũ?
Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Vừa qua, mưa lũ đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với các tỉnh miền Trung, trong ảnh hưởng chung đó có các nhà trường; nhiều địa phương đã phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Nhiều gia đình thầy, cô giáo phải chịu hậu quả từ mưa lũ, thậm có cả người thân gặp nạn.

Trước tình hình đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam rất chia sẻ với thầy – trò của các địa phương. Ngày 16/10 vừa qua, Công đoàn Ngành đã có lời kêu gọi cán bộ nhà giáo trong toàn ngành chung tay hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão lũ.

Theo thống kê, đến nay số tiền các đơn vị quyên góp gửi hỗ trợ cho 4 địa phương là trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều hiện vật, lương thực, các nhu yếu phẩm thiết yếu, phao cứu sinh, xuồng hơi, máy bơm cao áp để phục vụ việc vệ sinh trường lớp. Hiện nay, các đơn vị tiếp tục công tác hỗ trợ thầy – trò vùng lũ.

Bạn đọc

Bạn hoaian@...:

Thưa cô Huyền, khi xảy ra thiên tai, thảm họa, tâm lý đùm bọc sẻ chia là nghĩa cử cao đẹp. Tuy nhiên, làm cách nào để sự chia sẻ đảm bảo tính văn minh, hiệu quả thì không phải ai cũng có nhận thức đầy đủ. Cô có quan điểm thế nào?
Bà Hứa Thu Huyền

Bà Hứa Thu Huyền

Nhiều hành động thiết thực của đội ngũ CBNGNLĐ hướng về đồng bào miền Trung
Nhiều hành động thiết thực của đội ngũ CBNGNLĐ hướng về đồng bào miền Trung

 

Khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm, tâm lý đùm bọc sẻ chia là nghĩa cử cao đẹp, là truyền thống nhân văn của dân tộc ta. Sẻ chia chính là sự quan tâm, đồng cảm giữa con người với con người được thể hiện thông qua những hành động thiết thực. Đôi khi sự sẻ chia chỉ đơn giản là những lời động viên chân thành, lời hỏi thăm, an ủi, hoặc một cử chỉ thân thiện, một phần quà tặng kịp thời... cũng đủ ấm lòng người được nhận.

Theo tôi, sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn phải xuất phát từ tình thương và sự tôn trọng. Đó là tấm lòng thơm thảo, từ tâm lành hướng thiện chứ không phải là sự ban ơn hay bố thí. Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, vì vậy mỗi chúng ta cần phải biết yêu thương và chia sẻ; coi đây như một trách nhiệm của một công dân với cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội văn mình, ổn định và tốt đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ